A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Một tấm lòng Việt kiều tha thiết với quê hương

Mặc dù đã được giới thiệu trước, nhưng tôi vẫn không khỏi ngỡ ngàng khi gặp cụ Bùi Văn Tuyền, Tổng Giám đốc Công ty BVT, một Việt kiều Pháp ở tuổi 86 mà vẫn nhanh nhẹn, minh mẫn, với giọng nói ấm, khúc triết: "Lá rụng về cội, tôi chỉ muốn làm được một việc gì đó cho quê hương".

Dẫn chúng tôi đi thăm công ty nằm trong khuôn viên rộng hàng ngàn mét vuông với những loại sinh vật cảnh nhiều hình dáng, đầy màu sắc, cụ Tuyền bồi hồi nhớ lại những thăng trầm trong hành trình dài từ Á sang Âu, rồi lại từ Âu về Á của cuộc đời mình.

Năm 13 tuổi, cụ đã làm việc trên tàu viễn dương. Khi sang Pháp, cụ đã phấn đấu trở thành ông chủ của một đội tàu buôn hoạt động khắp trên thế giới. Cụ còn mở hai siêu thị ở Pari và thành lập công ty xuất nhập khẩu có chi nhánh ở Đức, nhanh chóng tham gia hệ thống siêu thị Intermarché của Pháp và đảm nhiệm chức vụ Giám đốc của nhóm "Asia Center", chịu trách nhiệm nhập khẩu những sản phẩm từ châu Á, Trung-cận Đông, châu Phi vào Pháp.

Với uy tín và mối quan hệ rộng rãi ở Pháp, gia đình cụ đã trở thành nhịp cầu nối đưa hàng hóa Việt Nam qua Pháp. "Trước năm 1975, tôi đã tổ chức nhiều hoạt động thương mại và tài chính, ví dụ như thành lập một ngân hàng tại Sài Gòn, xây dựng nhà máy chế biến lông vũ, cao su cô đặc để xuất khẩu", ông kể lại.

Năm 1989, khi biết nước nhà thực hiện chính chính sách đổi mới và mở cửa nền kinh tế, cụ Tuyền - lúc ấy đã gần 70 tuổi, có "con đàn cháu đống" - hăm hở trở về quê hương tìm hướng làm ăn.

Trong khi các doanh nghiệp khác đầu tư vào các thành phố lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, cụ Tuyền lại chọn mảnh đất quê nhà Hải Dương để bắt đầu công cuộc làm ăn. Năm 1993, công ty BVT (viết tắt tên của cụ) do cụ Tuyền làm Tổng Giám đốc và đầu tư 100% vốn ra đời.

Ban đầu, Công ty kinh doanh các sản phẩm may thêu, sản xuất con giống bằng sứ và bật lửa ga, thu hút hơn 300 lao động địa phương. Tất cả các sản phẩm làm ra đã được xuất khẩu ra nước ngoài.

Không dừng lại ở đó, công ty của cụ Tuyền còn mở rộng kinh doanh sang nhiều ngành nghề khác như trồng nấm, nuôi ngan Pháp; trồng và sản xuất các loại hoa phong lan quý nhập từ châu Âu, Nam Mỹ, Nam Phi và Thái Lan. Cụ Tuyền đã chuyển giao kỹ thuật và giống cây-con này, giúp nhiều hộ nông dân xoá đói giảm nghèo và vươn lên làm giàu.

Ngoài công ty BVT ở Hải Dương, cụ Tuyền còn có một công ty sản xuất sản phẩm may thêu xuất khẩu ở Thành phố Hồ Chí Minh, thu hút 300 lao động, với mức lương trung bình 600.000 đồng/người/tháng. Cụ cũng là đầu mối đưa một số đối tác và bạn bè về Hải Phòng đầu tư xây dựng Nhà máy thuốc lá Virginia Gold và khách sạn 4 sao Harbour View hiện đang phát huy hiệu quả.

Cùng việc kinh doanh, cụ Tuyền còn làm công tác từ thiện mong giúp đỡ những người nghèo. Cụ đã tặng nhiều suất học bổng cho các học sinh nghèo vượt khó của tỉnh Hải Dương.

Cụ Tuyền tâm sự: "Gia đình tôi sống ở Pháp lâu năm, phần lớn con cái (cụ có 10 người con) sinh ra và lớn lên ở Pháp, nhưng tất cả con, cháu kể cả con dâu người Pháp, Mỹ đều học tiếng Việt, sinh hoạt theo phong tục Việt Nam; ngày lễ, Tết đều mặc áo dài, thắp hương lên bàn thờ và cúi đầu vái tổ tiên".

Khi được hỏi về những điều muốn chia sẻ với các Việt kiều khác, cụ nói: "Tôi chỉ muốn ngày càng có nhiều người Việt ở nước ngoài về làm ăn. Đất mẹ hiện đang mở rộng vòng tay đón những người con xa xứ, về đây cùng chung tay xây dựng non sông, gấm vóc này".

(TTXVN)

 


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu