A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nét văn hoá Việt trên đất Ba Lan

Lang thang trong Trung tâm văn hoá Văn Lang, tôi gặp chị Trúc, một người quen cũ ở Hà Nội. Ngỡ chị mới sang Warsava nhưng chị bảo đã sang bên này với chồng 6 năm. Chị mời tôi về nhà. Ở đây, tôi đã gặp Hạnh và Đào, hai cô bé rất lanh lợi, con gái của anh chị. Chị bảo ba mẹ con bây giờ đều là học trò. Hạnh và Đào học tiếng Việt, còn chị học tiếng Ba Lan. Sáu năm, có chồng ở bên kèm tiếng Ba Lan mà chị bảo vẫn là dân “mù tiếng”. Bây giờ có lớp học tiếng Ba Lan miễn phí, do Ba Lan, Hội đồng châu Âu và Đại sứ quán Việt Nam tại Ba Lan phối hợp tổ chức, “dân ta, toàn người lớn theo học, chăm lắm”, chị Trúc nói vậy.


Từ lúc tôi tới chơi, Hạnh và Đào thôi trò chơi điện tử, xin phép mẹ ngồi bên cạnh để “nghe mẹ và chú nói tiếng Việt”. Biết vậy, tôi nói rất chậm để các cháu nghe kịp. Đào là đứa em, mau miệng: Sao chú nói khó, không giống cô con ở lớp.

Cô dạy tiếng Việt cho Đào là cô Lựu. Cô dạy đã nhiều năm, nhưng cũng như hầu hết thầy cô của trường, hàng ngày phải lo công việc của doanh nghiệp. Dạy học chỉ là việc tay trái của cô nhằm giúp thêm bà con mình, không phải là “nghề”. Anh chị Trúc đều có bạn làm việc ở trường Lạc Long Quân (trường tiếng Việt của các con anh chị). Chị Trúc kể, trường này vừa có tên mới, do sáp nhập hai trường Hùng Vương và Văn Lang (đều là hai trường của người Việt ở Warsava). Địa điểm trường  thuê hiện nay vốn là một trường học khang trang, có thể tổ chức cùng lúc 11 lớp học với hơn 140 học trò. Căn cứ vào độ tuổi và sức học, nhà trường chia ra tới 5 bậc học, từ lớp thấp nhất (AO) tới các lớp nâng cao. Hạnh 8 tuổi, biết chữ Việt rồi nên học các từ ngữ, câu chữ Việt tương đối nhanh, còn Đào theo lớp AO, về nhà luôn phải hỏi bố hoặc mẹ để nhận biết mặt các chữ cái.

Thầy cô của trường hầu hết đã qua đại học hoặc đã từng dạy học, đặc biệt là rất tâm huyết – chị Trúc nói vậy – không thì khó mà kiên nhẫn được với tụi trẻ con hiếu động này. Chị Trúc kể chuyện lớp của Hạnh, có học trò trong khi trả bài cho cô giáo đã “chêm” thêm một tràng tiếng Ba Lan. Cô giáo kiên quyết bắt phải tìm đúng từ để thưa cô bằng tiếng Việt. Nhưng có lẽ mệt hơn vẫn là với lớp AO. Các cháu 4 hoặc 5 tuổi đến lớp tập nhận mặt chữ cái và học hát. Chị Trúc cho biết, hầu hết những gia đình quen biết với chị đều rất quan tâm đến việc dạy chữ, dạy nói tiếng Việt cho con cái. Nhiều gia đình mang sách Kim Đồng từ trong nước sang. Trong tủ sách nhà chị Trúc, tôi thấy một loạt truyện tranh, truyện cổ tích như Sơn Tinh Thuỷ Tinh, Thánh Gióng, Sự tích con Dã Tràng... Chị cho biết: đang tìm mượn các bộ sách giới thiệu thắng cảnh trong nước. Chị khoe năm ngoái đưa con về nước, đã cho các cháu thăm Vịnh Hạ Long và quê Bác Hồ ở Kim Liên. “Con cái mình sống xa Tổ quốc, chúng tiếp nhận mỗi ngày, mỗi giờ ngôn ngữ và văn hóa Ba Lan...” chị Trúc tâm sự. Vì thế, chị cảm thấy may mắn là có các thầy cô tâm huyết, truyền dạy ngôn ngữ Việt để bọn trẻ hiểu rõ cội nguồn thiêng liêng của văn hóa Lạc Hồng.

 
Nguyễn Khắc Chí Linh (Đại đoàn kết)


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu