A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nét đẹp đám cưới của người Việt ở Nga

Mùa thu Nga rực lên ánh vàng của lá, của nắng, quyện với màu xanh của nước biếc, mây trời. Phong cảnh vốn đã đẹp, đã lãng mạn lại càng đẹp hơn bởi màu áo trắng cô dâu, màu của những tà áo dài Việt thướt tha dạo chơi trong ngày cưới. Đám cưới Việt trên đất Nga vào những ngày thu thật ấn tượng…



Mùa thu là mùa "xây tổ ấm" của người Việt ở Nga. Ảnh: Quang Tiến


Năm nay là một năm khó khăn cho cộng đồng người Việt ở Nga. Kinh tế khủng hoảng, buôn bán kém hơn, chợ Vòm đóng cửa, hàng hóa khan hiếm. Tuy nhiên, khó khăn nhất vẫn là những người Việt buôn bán ở Matxcơva, còn người Việt ở các thành phố khác trên khắp nước Nga, vì xa “tâm bão” nên đời sống tuy eo hẹp hơn trước nhưng vẫn tương đối ổn định. Chính vì vậy, ở những thành phố đông người Việt sinh sống và có kí túc xá chung cho cộng đồng, vào mùa hè và mùa thu năm nay, mỗi tháng vẫn có vài đám cưới được tổ chức.
 
Dường như đã trở thành thói quen, mỗi khi có đám cưới Việt xuất hiện, khách bộ hành Nga thường dừng lại để ngắm, để bình luận và trầm trồ khen ngợi. Họ ngạc nhiên như thể đang xem một bộ phim thần thoại, nơi có những cô bé lọ lem “lột xác” trở thành công chúa. Hình ảnh người Việt lam lũ bên những gian hàng chợ đã biến đâu mất, để hiện ra trước mắt họ những chàng trai lịch lãm trong những bộ comple là thẳng nếp; những cô gái trẻ trung, hồn nhiên lại không kém phần duyên dáng trong tà áo dài thuần Việt; những cháu bé kháu khỉnh, ngộ nghĩnh chạy theo cô dâu, chú rể.
 
Anh Sergey Ivanovich, người đã nhiều năm phụ trách việc quay video cho các đám cưới Việt, tâm sự: “Điều thực sự ấn tượng với tôi là tuy tổ chức đám cưới xa quê hương, nhưng người Việt luôn giữ bản sắc dân tộc, giữ lễ nghi, truyền thống phương Đông. Những lễ ăn hỏi trang trọng với các chàng thanh niên khỏe mạnh đội mâm lễ phủ vải đỏ cùng đoàn đại diện nhà trai đi bộ vài cây số sang nhà gái; hình ảnh đại diện nhà trai, nhà gái thắp hương báo cáo tổ tiên, cô dâu chú rể làm lễ gia tiên... rất nền nếp và nhân văn”.
 
Ngày hội của cả cộng đồng
 
Trong đám cưới của người Việt ở Nga, về lễ nghi, đồ ăn thức uống không khác nhiều so với ở Việt Nam, nhưng không khí và cách thức tổ chức đượm tình hơn rất nhiều. Do đều là những người xa xứ đồng cảnh ngộ, nên ai cũng muốn góp một chút sức, một chút công, một chút tình để cô dâu chú rể có thể vui hơn, vơi đi cảm giác chạnh lòng vì thiếu vắng họ hàng, anh em.
 



Mỗi đám cưới là một ngày hội của cả cộng đồng. Ảnh: Quang Tiến

Thường cỗ bàn đều do cộng đồng cùng nhau mỗi người một việc làm ra. Vào những ngày trước tiệc cưới, cả kí túc xá thật nhộn nhịp. Chị em phụ nữ phụ trách làm nộm, cười nói vui đùa ríu rít. Lợn, gà được bắt từ ngoại ô về kêu eng éc, quang quác như ở nông thôn Việt Nam.
 
Buổi tối trước ngày cưới, người ta mổ lợn, giết gà để làm giò, làm chả. Sau khi mọi công việc đã hoàn tất, chủ nhà bày hàng chục mâm cỗ có cháo lòng, tiết canh... chiêu đãi những người giúp việc, thật giống như buổi dựng rạp ở Việt Nam.
 
Mâm cỗ trong tiệc cưới cũng có giò lụa, chả quế, thịt gà, nem thính, phồng tôm, nộm, canh măng... Không khác gì mâm cỗ cưới truyền thống của làng quê Việt Nam.
 
Một món không thể thiếu trong bàn tiệc là xôi gấc. Tuy không có trái gấc để đồ xôi, nhưng từ sớm hôm trước những người phụ nữ Việt nhanh trí, khéo tay đi mua những lọ tinh dầu gấc về và trộn với gạo nếp, thổi xôi màu đỏ tươi. Ăn vừa thơm, vừa ngon, không kém gì xôi gấc thật.



Cô dâu chú rể thắp hương bàn thờ tổ tiên. Ảnh: Quang Tiến


Một điều thú vị là đám cưới người Việt ở Nga được thoải mái đốt pháo. Cách đây mấy năm, khi chưa có pháo Trung Quốc bán tự do như bây giờ, trước ngày cưới hàng tháng, tổ làm pháo đã bắt đầu hoạt động. Người ta mua giấy về cuốn vỏ pháo, mua hàng vài nghìn bao diêm về bóc đầu diêm ra nghiền làm thuốc... Không khí vui vẻ như Tết.
 
Trong những ngày diễn ra lễ cưới, cứ theo sự phân công thì mỗi nhóm đảm trách một công việc. Nếu bộ phận nhà bếp rục rịch từ ngày hôm trước, thì bộ phận lo tổ chức đã phải lên kế hoạch sớm hơn mấy hôm. Đặc biệt, năm nay còn phải chuẩn chu đáo, kỹ lưỡng hơn rất nhiều. Ở những thành phố không có nhà hàng Việt Nam, nếu như trước kia thường thuê các nhà hàng Nga để tổ chức tiệc mặn với thực đơn bắt buộc nửa Nga nửa Việt, thì trong cơn lốc của khủng hoảng kinh tế, người Việt tổ chức tại hội trường kí túc xá. Tuy không rộng rãi, lại có phần vất vả hơn, nhưng đỡ tốn kém và có không khí chuẩn bị rất vui vẻ.
 
Đám cưới Việt và vẻ đẹp Á – Âu
 
Ở đâu quen với môi trường đó, đám cưới của người Việt ở Nga cũng đan xen nhiều nét văn hóa của phương Tây. Do sống ở Nga đã lâu, người Việt cũng “học tập” được ở người địa phương một số phong tục đẹp trong ngày cưới: Cũng xe hoa dạo chơi thành phố, đặt hoa ở các đài tưởng niệm... Đáng chú ý là đám cưới Việt “trội” hơn đám cưới Nga bởi số lượng xe và người đi tham quan thành phố.



Học theo người địa phương, cô dâu chú rể người Việt ở Nga
trong ngày cưới cũng đến đặt hoa tại Đài tưởng niệm
những người đã hy sinh vì nước Nga. Ảnh: Quang Tiến


Nhưng sự khác biệt lớn nhất và đặc biệt nhất được thể hiện tại buổi lễ chính thức. Khi đồng hồ điểm 3h00 chiều, chú rễ bắt đầu lên đường đi đón dâu. Thường thì nhà trai và nhà gái ở cùng ký túc xá hoặc ở 2 kí túc xá không xa nhau lắm, vậy mà lễ đón dâu của người Việt nhiều thủ tục hơn là người Nga.
 
Sau khi thắp hương ban thờ tổ tiên xong, đoàn nhà trai cử một thiếu nữ trẻ trung, xinh xắn đội mâm lễ đi trước, chú rể và đoàn đón dâu đi sau tiến về nhà gái. Do điều kiện phòng ốc không được rộng rãi, cho nên nhà gái thường cử những người trong gia đình gần gũi nhất và bạn bè thân thiết của cô dâu tiếp đón nhà trai. Đại diện nhà gái nhận lễ và chấp nhận lời xin dâu của đại diện nhà trai, thắp hương báo cáo trước ban thờ tổ tiên. Sau khi mọi nghi lễ rước dâu đã hoàn tất, cả hai họ xuống đoàn xe đã chờ sẵn để đi tham quan thành phố. Nó diễn ra khoảng 2 tiếng để mọi người vừa đi dạo chơi, vừa chụp ảnh cùng cô dâu, chú rể ở quảng trường, công viên. Đôi bạn trẻ cũng không quên đặt hoa ở đài tưởng niệm những người đã hy sinh vì nước Nga hoặc trước tượng đài Lenin theo đúng phong tục Nga.
 
Khoảng 6 giờ tối, khi xe hoa cô dâu, chú rể cùng hai họ về đến hôn trường, cũng là lúc những bánh pháo dài vài mét nổ ròn tan, những cánh hoa khô được tung lên đón chào. Ban nhạc cộng đồng dạo những điệu nhạc cưới quê hương. Cô dâu, chú rể và phù dâu, phù rể được ngồi ở vị trí trang trọng nhất trên sân khấu. Sau những lời phát biểu của các vị đại diện hai họ và cộng đồng, không khí ngay lập tức trở nên náo nhiệt bởi các bài hát, điệu nhảy vui nhộn do các em nhỏ và các nam thanh nữ tú biểu diễn.
 



Chụp ảnh lưu niệm cùng cô dâu chú rể. Ảnh: Quang Tiến


Phần quan trọng nhất của tiệc cưới là lễ trao nhẫn. Cả hội trường hướng lên sân khấu để xem cô dâu chú rể trao nhẫn cho nhau. Người chủ hôn liên tiếp ra hiệu lệnh, trong khi mọi người đồng thanh hô vang “Hôn nhau đi, hôn nhau đi”.
 
Khi men đã nồng, để chuẩn bị kết thúc bữa tiệc, cô dâu chú rể cùng hai họ và các bạn hữu chụp ảnh lưu niệm. Họ khẩn trương lên nhà cô dâu để tiến hành luôn buổi lễ lại mặt. Mọi việc cố gắng thu xếp xong trong một ngày, vừa để các thợ ảnh, thợ quay video sớm làm xong nhiệm vụ, vừa để dành thời gian cho những buổi hôm sau vào việc chợ búa.
 
Dẫu làm ăn có kém hơn, cuộc sống vất vả hơn, nhưng đám cưới ở trời Âu của người Việt vẫn luôn đậm đà bản sắc, giữ được nét văn hóa truyền thống của dân tộc. Đó không chỉ đơn thuần là lễ cưới của riêng cô dâu chú rể, mà thực sự là ngày vui, ngày hội của cả cộng đồng người Việt, ngày lễ thấm đượm tình yêu, tình đồng bào và sự sẻ chia./.

Tiến Điệp
(Theo hoidoanhnghiep.ru)


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu