A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lặng lẽ…

Tôi tin chắc một ngày mai, gần, rất gần, khu tập thể của chúng tôi sẽ rộn rã những tiếng cười hồn nhiên, trong sáng, vui nhộn mà đượm đầy tình cảm thương yêu trìu mến của các em – những bác sỹ tương lai tận tâm, những con người nhiệt thành và nhân hậu. Không khí sẽ ấm hơn. Tình đời sẽ tươi thắm hơn...

- Chị ạ, hôm nay chắc chắn chúng em sẽ phá “kỷ lục” của ngày hôm qua! 

Cậu bé thoáng qua một nét trầm ngâm, khuôn mặt lại ánh lên vẻ thư thái hiếm thấy trong khi đôi tay vẫn thao tác nhuần nhuyễn với mớ bông băng trắng xoá trên đầu chồng tôi.

- Cả ngày hôm qua, chúng em cấp cứu được cho 81 bệnh nhân. Hôm nay, đến giờ này đã là 79 ca rồi, đa phần là hậu quả của tai nạn giao thông, chị ạ!

Vẫn với vẻ bình thản vốn có, giọng em đều đều đến lạ lùng. Tôi liếc nhìn đồng hồ đang chỉ 17 giờ ngày Mùng Ba Tết, cái Tết Nguyên Đán đầu tiên được trở về quê hương sau hơn mười năm biền biệt… Em vẫn nhẹ nhàng.

- Thực ra tình trạng của anh không có gì là nặng lắm đâu ạ! Xương sọ không rạn vỡ, ý thức không lẫn lộn, không mê sảng, không nôn, không bí là đỡ lo nhiều rồi. Chỉ có vài vết xây xước phần mềm nông thôi… dần dần rồi sẽ ổn định. Bây giờ chị cho anh nằm nghỉ một lát nhé!

Em cột nút băng, đứng dậy cầm lấy đầu cáng một cách rất tự tin. Nhìn em, nghe em, tự nhiên tôi thấy mình nhẹ nhõm hẳn đi. Bao nhiêu lo lắng căng thẳng trong lòng đã dần nhường chỗ cho sự an tâm, tin tưởng và cảm phục. Tôi sững sờ nhìn em. Dáng vẻ trẻ thơ như thế mấy ai nghĩ em đã qua tuổi 20. Nhưng lời nói, hành động của em lúc này lại khó tin là của một sinh viên y khoa năm thứ 4, đặc biệt lại là của một tâm hồn thanh niên đang phơi phới khát vọng trước sự nhộn nhịp của Mùa Xuân đất trời, Mùa Xuân lòng người… Lòng tôi dâng trào những dòng cảm xúc khó tả…

Trời chiều vàng úa, con đường quen thuộc của quê hương thân yêu trở nên chòng chành, chao đảo trong mắt chồng tôi. Hơn mười năm bôn ba, lăn lộn, mê mải lập nghiệp ở nơi đất khách quê người, hương vị Tết quê, người xưa cảnh cũ, lễ làng hội xóm cứ luôn đau đáu, thôi thúc, dồn nén, chất chứa đến mức vỡ òa mỗi độ Xuân về… Nỗi mừng vui khôn tả khi được trở về quê hương ăn Tết, những lời chúc sức khoẻ đầu Xuân kèm theo những ly rượu nồng nàn tình cảm cứ tới tới… đã vô tình đốt cháy những điều không thể lường trước được. Bỗng, rầm, tôi không kịp nhắc chồng tránh cái ổ gà, ổ voi trước mặt. Hai tay ôm đầu, tôi ngã vật theo xe. Chồng tôi văng mạnh ra phía trước, bất tỉnh. Tôi bủn rủn cả người, chỉ thấy dân phố túa ra: “Taxi, taxi, cấp cứu…”. Khi tôi hoàn hồn thì loáng loáng bên mình là bông băng, là áo bờ-lu trắng xoá và dìu dịu bên tai là những lời động viên ngọt ngào…

“Chị đừng quá ngạc nhiên. Không chỉ có một chị, không chỉ có một anh… Còn hơn thế nhiều ạ!”

Số giường trong phòng cấp cứu ban đầu của bệnh viện đều đã được “đăng ký” hết, luân phiên liên tục người đến người đi. Đã phải huy động tối đa số lượng cáng: cáng đẩy, cáng khiêng rải khắp từ phòng khám tới phòng chụp Xquang, siêu âm, xét nghiệm… và phân bổ vào các khoa trong bệnh viện. Người người tới tấp, căng thẳng, lo lắng… Thoăn thoắt như thoi đưa là những chiếc bờ-lu trắng - những dáng vẻ tưởng chừng như lạnh lùng nhưng từng ánh mắt, cử chỉ, lời nói tràn đầy hơi ấm, đượm tình thương cảm!

Lại thêm một chiếc xe cấp cứu trở tới. Một cậu sinh viên vội vã chạy tới đón tiếp và hướng dẫn. Ba cái cáng được đưa ra. Ba thanh niên được chuyển vào. Một người thì quần bò đầu gối rách toang, da bay mất, thịt nứt toác, máu đọng lại từng khối nhầy nhụa, một cánh tay gẫy gập sưng vù, môi nghiến chặt, mặt rúm ró đau đớn. Một người nữa máu bê bết đầu tóc, máu rỉ ra ở khoé mũi, khoé môi, máu chảy thành dòng từ lỗ tai, miệng lào phào bọt máu: “Rượu rượu… say say… chạy chạy… đâm đâm…”. Người thứ ba một đống thức ăn cũ lẫn máu tràn trề trên cổ, trên ngực, thấm cả xuống bạt cáng, mặt mày chân tay xước rách, máu quện lại thành từng mảng, từng mảng… vẫn còn giãy giụa, kêu la, chửi bới om sòm… Ba thanh niên, ba trai trẻ thê thảm trên cáng. Mùi tanh của máu, mùi hôi của chất nôn… thốc lên quyện vào cái mớ nhộn nhạo ồn ào lại càng làm cho không khí trở nên nồng nặc, bức bối. Mặc, các sinh viên vẫn nhanh nhẹn kiểm tra, thăm khám… và động viên người nhà, hướng dẫn săn sóc bệnh nhân… rồi chuyển vào khoa điều trị. Tất cả đều khẩn trương. Chưa kịp thở, lại tiếp tục.

Một người đàn ông hộc tốc lao vào. Mặt rươm rướm máu, nước mắt dàn dụa, mếu máo, gấp gáp: “Bác sỹ ơi, cứu vợ em với, cứu con em với!”. Anh lả đi trên vai cậu bé của tôi. Nhưng ngay tức khắc, anh choàng tỉnh lao ra. Hai anh xe ôm bế vào một bà mẹ trẻ và một cháu bé 6 tuỏi. Cháu bé trắng trẻo, khuôn mặt dễ thương, hai tay tự xoa xoa day day trên đầu, miệng thẽ thọt: “Bố ơi, Trường bờm không đau…” mà hai dòng nước mắt lăn dài trên má. Bố khóc. Con khóc. Mắt ngân ngấn lệ, hai hàm răng nghiến chặt, người vợ cố gắng chịu đựng nỗi đau. Chị đau do cẳng chân gãy lìa hay đau với nỗi đau của con, nỗi lo của chồng… Nỗi đau nào hơn??? Em khéo léo đón lấy đứa trẻ, đặt nó ngồi trên lòng và vừa vỗ về con, vừa động viên bố mẹ. Trong chốc lát, người nhà kéo đến tíu tít hỏi han, nước mắt ngắn dài… Đứa trẻ vẫn không chịu rời xa người bác sỹ tương lai. Những dáng áo trắng vẫn tíu tít. Bận rộn. Nhanh chóng. Chính xác. Tình cảm.

Có tiếng xe phụt tắt. Một người cha và ba người con đỡ xuống một cụ già đã hơn tám mươi tuổi. Thân hình cụ béo bệu, tóc bạc phơ, da nhợt nhạt, dáng chân nặng nhọc. Cậu bé của tôi lao tới: “Dừng lại! Cụ bị tăng huyết áp phải không ạ? Phải lấy xe cho cụ!” Nói rồi cậu vút đi trong giây lát và trở lại với một chiếc xe cáng thận trọng đỡ cụ nằm lên và đưa vào phòng cấp cứu. Nhẹ nhàng.

Lại thêm một chiếc xe cấp cứu đỗ xịch trước cửa. Lại được nhận những dòng nước mắt. Lại được nhận những lời than khóc. Dội mạnh vào tâm trí là tiếng kêu cứu thống thiết của người nhà một bệnh nhân đang li bì trong trạng thái hôn mê sâu. Lật người cực nhanh, trong tay em đã là một chiếc cáng khiêng. “Thưa thầy! Em đưa bệnh nhân vào Hồi sức Cấp cứu ạ!” Miệng nói, tay làm. Bằng những phản xạ thành thục, em và một cậu bạn chuyển bệnh nhân băng băng theo hướng vào khoa Hồi sức cấp cứu. Người bác sỹ già trưởng kíp trực nhìn theo học trò nở nụ cười hài lòng.

Một lát sau, em nhanh nhẹn trở ra, một tay xách cáng, một tay vuốt vội những giọt mồ hôi rực hồng lên dưới ánh điện, miệng cười trong trẻo, vẻ mặt nhẹ nhõm, thanh thoát…

Những dáng blue trắng lại thoăn thoắt những thao tác đã thêm phần nhuần nhuyễn với tinh thần nhiệt huyết nồng nàn và tình thương cảm sâu sắc.

- Mệt mỏi nhiều lắm không em? – Tôi xích lại gần em.

- Dạ, lao động là hạnh phúc mà chị! – Đôi mắt em ánh lên vẻ tinh nghịch, giọng cười hồn nhiên tươi sáng vang lên trong hơi thở gấp gấp.

- Trực Tết thế này em nhớ nhà nhiều không?

- Dạ, Tết đến thì chắc nhớ nhiều rồi ạ! Vẫn biết là mọi người nhớ nhiều, mong nhiều nhưng trực Tết thì sẽ học tập và rèn luyện được thêm nhiều ạ! Nhiệm vụ và quyền lợi, chị ạ. À, em còn có cái này này…

Lại vẫn điệu cười dí dỏm, em lấy trong túi áo bờ-lu ra một quyển sổ tay nho nhỏ:  - “Nặng lắm đấy! Cả khối yêu thương đấy!”

Trân trọng đón lấy bằng cả hai tay, lóng lánh lên từng con chữ, tôi như đắm mình trong khối tình cảm nồng ấm, nhân hậu, thân thương. Cảm ơn em, cảm ơn tấm lòng của em, cảm ơn những người như em!!!

Vinh dự gửi lại em địa chỉ và lời mời tha thiết, tôi an tâm vui mừng đón chồng về. Giật mình! Quá vô tâm, tôi chưa biết tên em… Nhưng tôi tin chắc một ngày mai, gần, rất gần, khu tập thể của chúng tôi sẽ rộn rã những tiếng cười hồn nhiên, trong sáng, vui nhộn mà đượm đầy tình cảm thương yêu trìu mến của các em – những bác sỹ tương lai tận tâm, những con người nhiệt thành và nhân hậu. Không khí sẽ ấm hơn. Tình đời sẽ tươi thắm hơn. Trong tôi hiện về câu nói quen thuộc: “Con người đi qua, ánh sáng còn để lại mãi!” (1), phải không em???

Phương Hồng

Chú thích:

(1) “Con người đi qua ánh sáng còn để lại mãi!” (Mặt trời bé con của tôi - Thuỳ Linh)


Nguồn:quehuongonline.vn Copy link

Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu