A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chị Mận Tím

...Chị Mận thích mặc áo mầu tím, thích quàng khăn mầu tím, thích hoa mua tím... nên chúng tôi gọi chị là chị Mận Tím.

Về Ninh Bình lần này, ngoài công việc tôi còn có nhiệm vụ đi tìm chị Mận Tím.

Hồi tháng trước, họp hội đồng ngũ TNXP ở Hà Nội, Thu Hà bảo: "Nghe nói chị Mận Tím vẫn ở Ninh Bình!". Bình Trang nói với tôi: "Quế là phóng viên hay đi công tác tỉnh lẻ, lần nào đến Ninh Bình thử đi tìm chị Mận Tím xem có được không". Tôi giơ tay theo kiểu nhà binh: "Tuân lệnh".

Những năm chiến tranh chị Mận Tím là tiểu đội trưởng TNXP của chúng tôi, đóng quân ở khu 4. Chị hơn chúng tôi vài tuổi, nhưng xem ra chị chẳng già hơn chúng tôi mấy tí. Chị Mận thích mặc áo mầu tím, thích quàng khăn mầu tím, thích hoa mua tím... nên chúng tôi gọi chị là chị Mận Tím.

Chị Mận Tím dáng vẻ đoan trang, đôi mắt trong sáng luôn mở to ngơ ngác khiến nét mặt chị trông rất ngây thơ, hồn nhiên và trẻ trung kỳ lạ. Bầu ngực chị săn chắc, tròn căng tràn trề nhựa sống. Mỗi lần chị cười, ánh mắt rạng ngời, cặp môi đỏ như đánh son tươi tắn trông thật quyến rũ. Những buổi chiều bình yên chúng tôi ra suối tắm. Ngắm làn da chị trắng hồng dưới dòng nước trong trẻo, tôi thán phục thốt lên: "Sau này chàng trai nào thật diễm phúc mới lấy được chị đấy". Chị Mận Tím ngượng ngùng bảo: "Các em còn đẹp hơn chị nhiều".

Bữa ăn hằng ngày của chúng tôi do chị Mận Tím chia cơm. Thoạt đầu chúng tôi không để ý, sau rồi mới phát hiện ra, phần cơm của chị bao giờ cũng chỉ bằng nửa của chúng tôi. Cái Vân nói dỗi: "Chị ăn ít vậy lấy sức đâu mà lấp hố bom!". Chị Mận Tím cười: "Các em còn trẻ nên cần ăn nhiều hơn chị".

Một lần chị Mận Tím bị cảm. Mọi khi trong chúng tôi có đứa nào đau ốm gì thì đều trông cậy vào chị. Còn khi chị ốm bọn chúng tôi thành ra lũ gà tồ. Cuống quýt cả lên mà chẳng biết phải làm gì. Rõ thật lâu mới biết phân công nhau đứa đi tìm y tá, đứa vào làng xin lá xông. Y tá của đại đội đến khám cho chị Mận xong định mở túi cứu thương lấy thuốc, chị Mận nhổm dậy nắm lấy tay y tá thì thào: "Ở chiến trường thuốc thang còn thiếu thốn, để dành cho những trường hợp bị nặng hơn, chị chỉ cần một nồi nước xông là sẽ khỏi ngay thôi". Nghe được lời thì thào của chị, cái Trang bật khóc tu tu, còn chúng tôi đứa nào đứa ấy mắt đỏ hoe.

Giai đoạn ấy đang vào đỉnh điểm cuộc chiến tranh phá hoại miền bắc của đế quốc Mỹ. Khu 4 là nơi hứng chịu nhiều bom đạn nhất. Hầu như không có ngày nào nơi đây không có tiếng bom rơi, đạn nổ. Nhiệm vụ của chúng tôi là lấp hố bom, san lấp mặt đường sau những trận oanh tạc của địch, để cho những đoàn xe, đoàn quân ra mặt trận. Những ngày ấy vất vả gian khổ, thiếu thốn nhọc nhằn, hơn thế nữa lại cận kề với cái chết. Thế nhưng chúng tôi vẫn hồn nhiên vô tư, vẫn tếu táo nghịch ngợm, vẫn đùa vui ca hát.

Chị Mận Tím có giọng hát chèo ngọt ngào. Chị bảo: "Ninh Bình quê chị là cái nôi của nghệ thuật hát chèo đấy". Rồi chị kể: "Ðội văn nghệ xã chị mạnh lắm, dựng hẳn cả vở chèo Oan Thị Kính". Cái Vân hỏi: "Chị đóng vai gì?". Chị bảo chị được đóng vai Thị Kính, rồi giọng chị trầm trầm buồn buồn: "Có vào vai diễn ấy mới càng thấy xót xa thay cho phận người đàn bà ". Chúng tôi đòi chị diễn trích một đoạn. Ngay lập tức chị Mận Tím hóa thân vào vai diễn. Thị Kính hiện lên trong mắt chúng tôi bằng chị Mận xinh đẹp, đoan trang.

Chiến tranh ngày càng khốc liệt hơn. Không biết bao nhiêu tấn bom đạn các loại đã cày xới xuống mảnh đất khu 4. Mặc dù vậy tuyến đường chúng tôi đảm nhận ngày đêm vẫn được thông suốt. Chúng tôi vẫn vô tư hồn nhiên ríu rít chung quanh chị Mận Tím. Chị Mận không những là người chị mà chị còn như một người mẹ nữa. Chị lo cho chúng tôi từng li từng tí. Từ bát cháo đến viên thuốc. Từ những lời tâm sự an ủi khi đứa nào quá nhớ nhà. Rồi có lúc chị phải đứng ra làm "quan tòa" để xử kiện những xích mích còn rất trẻ con của chúng tôi. Hồi ấy chúng tôi nghĩ rằng cuộc sống cứ như vậy sẽ không có gì xáo trộn cho đến ngày đất nước thống nhất. Nhưng... cho đến một buổi tối. Có lẽ suốt đời tôi sẽ không bao giờ quên được buổi tối định mệnh ấy.

Trời cao sâu thăm thẳm. Vầng trăng mười sáu tròn trặn như vành nón, vàng đến mỡ màng lơ lửng treo bên ngàn ngàn các vì sao li ti, nhấp nháy. Chị Mận Tím nhìn bầu trời rồi lo lắng: "Trời đẹp thế này thế nào đêm nay chúng cũng oanh tạc dữ dội đây".

Chị Mận vừa dứt lời, trên trời đã ầm ào tiếng động cơ phản lực. Rồi những tia chớp lóe sáng và những tiếng nổ đinh tai nhức óc. Chị Mận bảo: "Không ngờ chúng lại đến sớm như vậy". Rồi chị ra lệnh: "Chúng ta chuẩn bị lên mặt đường".

Ðêm ấy địch ném bom na-pan xuống nơi chúng tôi đóng quân. Trong nháy mắt, cả một vùng lửa cháy mịt mùng. Mặt mày chúng tôi nóng ràn rạt. Chẳng biết đứa nào bị lửa bén vào tóc cháy khét lẹt. Những tiếng hò la, tiếng chân chạy thình thịch, tiếng máy bay gầm rú, tiếng bom nổ chát chúa, tất cả quện vào nhau tạo thành một thứ âm thanh ghê rợn. Bất chợt cái Thảo hét lên thất thanh: "Chúng mày ơi chị Mận bị bom cháy rồi". Theo phản xạ tự nhiên tất cả chúng tôi đều bật dậy lao về phía chị Mận. Lúc này lửa đã bén vào quần áo, bén vào người, chị như một bó đuốc sống đang lăn lộn, chúng tôi cuống lên lấy nước giội vào người chị. Nhưng cuối cùng chị vẫn bị bỏng rất nặng. Ngay sau đó, chị Mận được chuyển ra ngoài bắc điều trị. Từ đấy chúng tôi không biết tin tức gì của chị.

*

*        *

Rất công phu trong việc hỏi han tôi mới tìm được về làng chị Mận. Tình cờ người đầu tiên trong làng tôi gặp lại là hàng xóm của chị. Chị hàng xóm dẫn tôi đến tận cổng, gióng giả gọi:

- Cô Mận ơi, có khách này.

Chị Mận Tím trong nhà chạy ra, nhìn tôi, chị sững sờ giây lát, rồi bỗng người chị run lên bần bật. Chị cố gắng dang rộng vòng tay ra để lập cập ôm lấy tôi. Bây giờ đã đến tuổi lên chức bà vậy mà sao trong vòng tay của chị tôi lại có cảm giác mình vẫn bé bỏng như ngày nào. Chị Mận Tím vừa ghì lấy tôi vừa nghẹn ngào:

- Quế... Quế... chị nhớ các em quá.

Sau đó chị từ từ buông tay ra và bật khóc. Nước mắt ứa ra chảy xuống nhòe nhoẹt trên khuôn mặt chằng chịt, loang lổ những vết sẹo. Nước mắt chảy xuống cái cổ cao ba ngấn cũng đầy sẹo. Tôi đắng cay chua chát xót xa cho làn da con gái trắng hồng, mịn màng thủa xưa của chị. Ðành rằng thời gian cũng đã làm cho da dẻ chúng tôi nhăn nheo, nhưng nếu so với làn da bị bom na-pan kia thì... Tôi nhắm mắt lại không dám nghĩ tiếp nữa.

Khóc một lúc nữa, chị Mận lau nước mắt quay vào nhà gọi:

- Dũng, Hoa ơi, các con ra chào dì Quế này.

Hai đứa trẻ một trai một gái cỡ mười ba, mười bốn tuổi, chạy ra sân khoanh tay lễ phép chào tôi. Chị Mận bảo chúng:

- Ðể lát nữa học tiếp, các con chuẩn bị giúp mẹ làm cơm mời dì Quế.

Vào nhà, chị Mận chỉ lên bức ảnh chị chụp chung cùng mấy đứa trẻ:

- Chị có năm đứa con. Hai trai, ba gái. Hai đứa đầu tốt nghiệp đại học xong đã có công ăn việc làm. Ðứa thứ ba đang học đại học, còn hai đứa lúc nãy đang học cấp hai.

Tôi nói đùa:

- Khiếp, chị chẳng chịu kế hoạch hóa gia đình gì cả.

Người hàng xóm nói xen vào:

- Vậy mà cô ấy còn định "đẻ" thêm một đứa nữa đấy.

Chị Mận bảo người hàng xóm:

- Chị Hải ở đây chơi với cô Quế để em ra chợ một lát nhé. - Nói xong chị lấy cái làn, tất tả đi luôn. Chị Hải nhìn theo chép miệng:

- Suốt đời cứ tất ta tất tưởi. - Chị thở dài nói với tôi: - Số cô Mận khổ lắm. Ngày xưa đẹp nhất làng. Ði TNXP về tuy thương tật đầy mình nhưng cũng có dăm đám trai làng dạm hỏi, xong cô ấy chối từ, dứt khoát ở vậy một mình.

Tôi ngạc nhiên:

- Vậy những đứa con!

Chị Hải nói nhỏ:

- Toàn là con nuôi cả đấy. Khổ, bảo nuôi một, hai đứa đã đành, đằng này chết ở cái tính thương người, hễ thấy đứa trẻ nào bị bỏ rơi là lại ẵm về. Rồi lăn lưng ra làm lụng nuôi chúng ăn học. Có một dạo đói khổ lắm cô ạ - Chợt nét mặt chị Hải giãn ra, giọng nói của chị hồ hởi hơn - Bây giờ đỡ khó khăn rồi. Hai đứa lớn đi làm đỡ mẹ. Nhưng mà... - Chị Hải lại chép miệng - Cô ấy ăn vẫn không dám ăn ngon, mặc vẫn không dám mặc đẹp, vẫn cứ chắt chiu dành dụm tất cả cho con cái.

Nghe chị Hải nói, mà tôi có cảm giác như tai mình "ù" đi. Cổ họng tôi nghẹn ứ lại. Thực tình tôi cố ghìm không cho những giọt nước mắt ứa ra. Tôi thầm thốt lên da diết: "Chị Mận Tím ơi... Chị Mận Tím của em".

Ninh Đức Hậu (Nhân dân)


Nguồn:quehuongonline.vn Copy link

Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu