A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Con Ột

Xóm vườn làng tôi, nhà nào cũng nuôi ba con: con chó, con gà, con heo. Có nhà thay vì nuôi chó thì nuôi mèo. Nhà mà không có các con vật đó, coi như nhà hoang, buồn lắm. Con heo mà má tôi nuôi lớn lắm cũng hơn mười ký. Lúc má tôi đem nó về, nó nhỏ bằng cườm chân - má tôi đặt tên cho nó là con Ột. 

Má tôi chăm con Ột như chăm một đứa trẻ. Mỗi ngày má tôi đều nấu một nồi cám với lõi chuối. Sau hè nhà tôi có mấy bụi chuối, cây nào có buồng rồi thì má tôi chặt, lột một lớp vỏ, xắt từng khoanh - con dao xắt chuối bén lắm, tôi không hề đụng đến nó, sợ đứt tay, với con dao ấy, má tôi xắt từng khoanh mỏng lét rồi băm ra, trộn với cám nấu một nồi cháo cho con Ột. Mỗi ngày con Ột ăn ba bữa, sáng trưa chiều. Và mỗi ngày, xế xế chiều, má tôi đều bồng con Ột ra sông tắm. Từ nhà tôi đến bờ sông đâu có gần, phải qua con lộ đá, con lộ mỗi ngày có ba chuyến xe hơi từ thành phố về làng và ba chuyến trở lên Sài Gòn. Qua lộ đá rồi qua một rẫy bắp mới tới bến sông, má tắm táp, kỳ cọ cho nó. Con Ột mỗi ngày mỗi lớn, mỗi nặng, nhưng ngày nào cũng như ngày nào má tôi cũng phải bồng nó trên tay một lần như lúc mới mang về. Nếu bất thình lình có một con heo hơn mười ký, chắc là má tôi không thể bồng nổi. 

Con Ột đặc biệt thích có người đưa chân gãi lưng gãi bụng cho nó. Nó cứ nằm lăn ra dưới chân bàn, mắt lim dim - Nó cũng thường chạy lóc thóc ngoài sân dưới bóng cây trứng cá. Con chó nhỏ nhà tôi cũng độc đáo lắm, thường là buổi trưa, nó nằm gác đầu lên con Ột, cả hai đều ngủ, con gà thì chốc chốc lại đập cánh ó o - Làng quê thật êm đềm. Tôi hỏi chị tôi: 

- Sao con Ột không gối đầu lên con Gâu. Sao vậy chị? 

Chị tôi: 

- Con Gâu nó khôn. 

- Con Ột ngu hả. Ờ, ngu như heo. 

Chị cãi lại: 

- Không phải nó ngu mà nó thích vậy. 

- Ờ, ờ. 

Một hôm chị tôi, tuổi mười một, hỏi má tôi: 

- Má ơi, mấy ông thầy bói nói người nào tuổi Hợi thì sung sướng lắm, phải không má? 

Má nói: 

- Nhìn con Ột đó thì biết. Con Gâu giữ nhà, con gà báo thức, còn con Ột chỉ có ăn với ngủ, làm gì đâu. 

Chị tôi: 

- Nó sướng nhưng nó bị làm thịt! 

Má nhìn chị tôi, nói có hai tiếng: 

- Thì vậy? 

Thì vậy là sao, má không giải thích, chị tôi ngẩn ngơ. Hồi lâu chị tôi lại nói: 

- Ðố má trong nhà mình có mấy con heo? 

Má tôi không trả lời mà hỏi lại tôi: 

- Minh! Nhà mình có mấy con heo? 

Tôi chần chờ một lúc: 

- Hai con. Con Ột với con heo đất. 

- Giỏi. 

Năm ấy tôi tám tuổi. 

- Con heo đất với con Ột khác nhau chỗ nào, má đố hai đứa. Thằng Minh nói trước. 

Tôi nói: 

- Con heo đất, có tiền bỏ ống, Tết đập ra, má lấy tiền mua vải may áo mới. 

- Còn con Ột - Chị tôi giành nói - Con heo đất bỏ bao nhiêu thì còn đủ, không thêm đồng nào. Còn con Ột má bỏ ống bằng cháo cám, Tết nó lớn, tính tiền cháo cám, trừ cho tiền bán, má có lời phải không má! 

- Tiền cháo cám cộng với tiền công của má nữa chớ. 

Tôi vỗ tay. 

Bầu trời cao vời vợi, trong xanh, chim én xẹt qua xẹt lại, gió chướng thổi về, lá cây vú sữa trong sân nhà lật qua lật lại, thấy hai mầu lá. 

Tết sắp đến rồi. 

Buổi sáng sớm ông chủ lò heo quay đến nhà tôi cùng với một đệ tử lúc cha tôi chưa đi làm. Ông chủ lò heo quay, cỡ tuổi cha tôi, khoảng bốn mươi, râu ria không cạo, hắng giọng: 

- Hày, anh Hai chị Hai. Bữa nay đến thăm anh chị. 

Cha tôi cười: 

- Muốn bắt con heo phải không? 

- Phải, phải. 

Má tôi ngồi gần đó, còn nhớ là ngày chủ nhật, tôi lẩn quẩn trong sân. Má tôi nói: 

- Còn sớm mà chú. 

Chú Tỷ: 

- Sớm thì sớm, nhưng tôi can - Ngày mai là ngày sanh đẻ của tôi, tôi đãi khách quý. Anh Hai biết ngày mai tôi đãi ai không? 

- Thì cũng là người thân thiết chớ ai. 

Chú Tỷ: 

- Phải có hai người. Một là ông Khoánh lò tương - Ui cha, xứ mình là xứ đạo, ba mươi ngày rằm, ai cũng ăn chay, xuồng ghe các nơi đổ về, tấp nập dưới bến, thấy mà ham. Ngày đó, cái lò của tôi bị ế - Cái mũi của ông Khoánh giỏi lắm. Ông đưa miếng ăn nào, ông biết người ta ướp với cái gì - Ăn uống khó tánh lắm - Còn ai nữa chị hai biết không? 

- Có biết ai đâu! 

Cha tôi chen vào: 

- Chú Hỷ phải không? 

- Cùng nghề với anh Hai mà. Ai đem vàng đến bán có pha một chút xíu bạc, ngó là biết ngay. Con heo quay mà chặt ra từng miếng ăn không ngon đâu chị Hai. Tôi phải lấy con dao bén, tự tay tôi xẻo từng miếng, tôi đưa cho từng người, tôi biết người nào thích chỗ nào. 

- Sao không đi can nhà khác mà tới nhà tôi? Má tôi hỏi. 

- Ở làng này, nhà nào nuôi heo tôi cũng để ý, nuôi sao, cho ăn thứ gì. Không ai nuôi heo kỹ bằng chị. Ngày nào chị cũng bồng nó ra sông tắm mà. 

- Chú Tỷ giỏi thiệt, không giàu sao được! 

- Con heo tôi quay, cắt một miếng da, ngâm vô nước, lấy ra, nhai vẫn còn giòn. 

- Chú ướp gì mà hay vậy? Má tôi hỏi. 

Chú Tỷ cười: 

- Ngón nghề mà chị Hai. 

Cha tôi nói: 

- Ướp hàn the phải không? 

Chú Tỷ nhìn cha tôi, cười không nói. 

Cha tôi nói: 

- Tôi làm nghề thợ bạc, tôi cũng dùng hàn the mà. 

Chú Tỷ đánh trống lảng: 

- Chị muốn ăn miếng nào, tôi sẽ mang tới. 

Má tôi lắc đầu lia lịa: 

- Không, heo tôi nuôi tôi không ăn đâu. 

- Hày, vậy mời anh Hai tới chơi. 

- Không không! Tôi không cho ổng đi đâu! 

Giọng má tôi cất cao, cương quyết. 

Khi đệ tử chú Tỷ bắt con heo đưa lên xe. Con gâu vồ ra sủa. Má tôi kéo chiếc khăn rằn đắp mặt gục đầu khóc. Tôi rơm rớm nước mắt, lúc này chị tôi không có ở nhà, lát nữa về, mất con Ột chắc chị cũng buồn lắm. 

Cha tôi khuyên: 

- Thôi đừng khóc nữa. Chẳng lẽ nó làm kiếp con heo hoài sao. Nó chết rồi nó sẽ đào thai thành người. Như vậy là mình giúp nó mau thành người đó chớ. Coi như làm phước cho nó.

Nói vậy rồi cha tôi lên xe đạp, bon bon ra chợ. 

Sáng hôm sau, vừa ngủ dậy, chưa kịp rửa mặt má tôi kéo hai chị em ngồi cạnh bên, giọng nghe là lạ, má kể: 

- Ðêm qua má nằm chiêm bao thấy con Ột nó về, nó quỳ hai chân, hai chân trước nó chắp lại, nó lạy má, nó nói nó cảm ơn, không lâu nữa, con sẽ đào thai. Má hỏi Ột đào thai ở đâu, con Ột nói sẽ đào thai lên trong xóm, chừng nào trong xóm có người đẻ, má đến thăm con. Má muốn hỏi thêm, mà con gà vỗ cánh gáy, giựt mình, tiếc quá! 

Không phải hồi xưa mà bây giờ, còn rất nhiều người đoán mộng. 

Má bỗng à lên một tiếng: 

- Xóm dưới có cô Chín bánh bèo đang có chửa. Chừng nào cổ sanh, má sẽ đi thăm. 

Má tôi trở nên tươi tỉnh, nhưng đôi mắt thì xa xăm. Tám tuổi, tôi không hiểu, rồi sẽ ra sao? Bây giờ tuổi quá bảy mươi, tôi cũng không hiểu. 

Sáng đó, má ra chợ, ôm về con heo như con Ột lúc còn nhỏ. Chị tôi hỏi: 

- Má làm phước hả má? 

- Ờ. 

Nguyễn Quang Sáng/ Nhân Dân


Nguồn:quehuongonline.vn Copy link

Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu