A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hồi ức tuổi xanh: Cô bạn gái giờ toán

Một buổi tối khuya, tôi đang ngồi trước màn hình nhỏ thì có tiếng chuông điện thoại reo vang trên bàn. A lô. A lô. Vâng. Tôi Trần Thanh đây... Ôi! Anh Thanh. Bao nhiêu vật đổi sao rời hôm nay..... Vâng. Chị à bà là... Anh đoán sao được “cánh bướm xanh” của mái trường Phúc Nhạc năm xưa đây... Ôi! Thủy Phương bất ngờ quá, hạnh phúc quá. Đã bao năm trời tôi mòn mỏi gót chân đi tìm tin tức Thủy Phương mà vẫn vô vọng. Thủy Phương hiện ở đâu đang gọi cho tôi đấy. Thủy Phương nói cho tôi nghe đi nóng lòng quá... Chuyện dài lắm anh Thanh. Chỉ có thể kể hết trong thư sẽ gửi anh Thanh sau, còn giờ nói vắn tắt nhé. Tháng trước có anh Loan có việc sang Pháp... Có phải Loan “Trương phi”  cánh Nghiêm Xuân ở Tây Mỗ không?... Vâng, anh Loan đấy nhưng giờ hiền rồi không “Trương Phi” như hồi đi học. Gặp nhau nơi đất khách mừng quá, Phương có mời anh đến chơi nhà do đó mới biết số điện của anh Thanh. Thủy Phương theo gia đình sang Pháp từ trước năm 1975 lúc đầu cũng gặp nhiều khó khăn sau có họ hàng người quen ở sẵn bên này giúp đỡ nên cũng dần ổn định. Tuy nhiên cũng phải làm nhiều nghề linh tinh lắm. Phương và anh ấy hiện đang nghỉ hưu, được 3 cháu: 2 trai 1 gái cùng đều thành đạt cả, anh Thanh mừng cho. Nước Pháp cảnh đẹp con người lịch sự nhưng nói chung vẫn không làm những người Việt xa quê nguôi ngoai nỗi nhớ quê hương nhất là những ngày cuối năm rộn rịp đón xuân Tết này. Hôm gần đây Phương tình cờ có được đọc cuốn thơ tình của một nhà thơ định cư bên Mỹ trong có mấy câu hay quá, đúng tâm trạng những người Việt xa quê lâu ngày:

Đất khách vời trông Tổ quốc xa. Bên trời tóc trắng tuyết sương pha.

Người đi khắc khoải niềm u uẩn, Tiếng cuốc sầu đưa nỗi nhớ nhà.

Giờ này ở quê nhà chắc đang là cảnh cuối Đông chuẩn bị cho một mùa xuân mới. Phương còn nhớ cái cảnh chen chúc mua hoa ở chợ Đồng Xuân, những ngày giáp Tết được Mẹ sai đem những đồ thờ tự đỉnh đồng lư hương ra sân đánh bóng lại, cảnh canh nồi bánh chưng đêm giao thừa hoặc ván bài tam cúc trưa mồng một Tết bên mấy chị em vừa chơi vừa khúc khích cười. Phương nghe nói quê hương giờ đổi mới lắm, cởi mở thông thoáng, hàng năm thu hút nhiều Việt kiều về thăm, kể cả những người trước đây đứng ở phía “bên kia” . Tết này Phương và anh ấy cũng định về thăm Việt Nam một chuyến dối già, được thắp nén hương trên phần mộ các cụ tổ, được gặp lại một số bạn cũ nhất là anh Thanh. Chúng ta sẽ nhớ lại những kỷ niệm của mái trường Phúc Nhạc với Thơ Văn... Phải rồi kỷ niệm tuổi thơ ai mà dễ quên Phương nhỉ, cũng như tôi đấy sáu mươi năm rồi vẫn mong ngóng chờ đợi “cánh bướm xanh” của mái trường Phúc Nhạc năm xưa, cô bạn gái giờ Toán thân thiết với những kỷ niệm của thời quá vãng không thể nhạt nhòa... 

Cuối cùng tôi đã biết được tin tức Thủy Phương.


*
*    *

 

1943.

Mùa Thu năm 1943, để bảo đảm an toàn trước những trận ném bom của máy bay Mỹ đánh vào bọn Nhật ở Hà Nội, học sinh trường Bưởi chúng tôi được di chuyển về một tu chủng viện thuộc tỉnh Ninh Bình xa xôi. Một chuyến tàu bịn rịn nhớ thương. Nhiều bà mẹ vừa khóc, vừa run run đưa tay sờ nắn khắp người đứa con trai yêu quý. Tiếng còi như xé lòng. Đoàn tàu chuyển bánh lùi lũi âm thầm trong bóng đêm dày đặc. Trong khoang tàu dành cho bọn đệ nhị (2ème - Année), để quên nỗi da diết nhớ nhà, tôi say sưa đọc cho mấy bạn ngồi bên một số câu thơ mới tập làm. Ôi! cái thuở ban đầu, làm được câu nào không giấu nổi cứ phải khoe ngay. Những tiếng thơ đầu tiên của tôi vô tình đã lọt vào tai một cô gái ngồi khoang bên, con một giáo sư nhà trường cũng “đặc cách”  về học tại đây cùng bọn con trai chúng tôi. Tình cờ, cô gái lại được xếp cùng một lớp với tôi, ngồi hàng ghế đầu góc phải và là người nữ sinh duy nhất trong số hơn 400 học sinh nhà trường.

Thuỷ Phương không lộng lẫy kiêu sa như nhiều cô gái Hà Nội ngày đó, cô có cái nhuần nhị mộc mạc của một nữ sinh, pha một chút gì hiền hiền, ngơ ngác của một con chiên ngoan đạo. Phương hay làm thơ và cũng thường hay thổn thức khi nghe tiếng tiêu (sáo) buồn của mấy anh thầy dòng thổi trong đêm khuya vắng. Và rồi một câu chuyện... “tình thơ” đã nảy nở giữa tôi và Thuỷ Phương dưới mái nhà thờ đạo âm u ấy trong những đêm buồn bảng lảng với những tiếng cầu kinh rì rầm, những vạt áo dài thâm lặng lẽ đi dưới hành lang... Chúng tôi đã trao đổi tâm sự với nhau bằng thơ. Như có lần tôi viết:

Tình thắm đôi ta tựa bướm xanh  

Yêu nhau trong sạch ước mơ lành

Những điều vẩn đục không màng đến

Thơm ngát trong lòng vạn ý thanh..”.

Thuỷ Phương không nghĩ ngợi trả lời ngay:

“Em ước làm sao hoá bướm xanh

Nhởn nhơ bay lượn khắp cây cành

Xanh rờn màu lá muôn hương sắc

Tìm kiếm hoa yêu ngậm tặng Anh...”

 

Những câu thơ vụng về, non dại và tuy có phần “ướt – át” như vậy nhưng ở đây cũng chưa hẳn là Tình yêu theo cái nghĩa thông thường mà có thể chỉ là sự “thao dượt” của những câu chữ vần điệu do ngày ấy cả tôi và Thuỷ Phương cùng chịu ảnh hưởng rất nặng của mấy ông Tự lực văn đoàn hay Tiểu thuyết thứ bảy chi đó.

Trong số gần nửa nghìn học sinh nhà trường, duy nhất chỉ có mình Thuỷ Phương là nữ nên vô hình dung đã trở thành một bông hoa quý, không phải không có những lời trêu chọc của mấy anh lớp trên và việc ấy đến tai thầy H... Chắc là Phương bị thầy khiển trách nên một hôm Phương bảo tôi: “Hay là chúng mình “giả vờ” giận nhau “đoạn tuyệt”  với nhau cho bớt rì rầm dư luận...”. Đi qua mặt Thuỷ Phương tôi cứ lặng thinh như không. Được chừng hơn tuần lễ. Thuỷ Phương không chịu nổi đã phá vỡ giao ước này. Một hôm tôi ở tầng ba (phòng ngủ học sinh) đi xuống, vừa bước qua bậc thang tầng hai (nơi ở của gia đình giáo sư, Phương đang ở trong buồng trông thấy gót chiếc dép cao su trắng, chạy vụt ra “Anh Thanh”. Tôi quay lại. Phương dúi cho tôi một phong thư:

Hỡi trăng úa hãy xanh thêm đôi chút

Để tình ta đừng vẩn những sầu thương

Hỡi gió mát hãy nhẹ thêm đôi chút

Để tình ta đừng lạnh những hơi sương.

 

Hỡi Thi sĩ hãy cứ  yêu em mãi

Giữ tình ta cho nguyên vẹn mùi hương

Đừng để phai dưới phong ba rầu rãi

Giúp lòng em luôn ấm lửa yêu đương...”

Phương ở khu gia đình giáo sư nên điều kiện ăn uống được “cải thiện” hơn chúng tôi nhiều. Sau mỗi bữa cơm, Phương thường hay gửi tôi chuối, bưởi hay những chiếc kẹo thơm thơm mà mỗi chủ nhật Phương lên chơi thị xã mua về. Cậu Chí lớp dưới, người bé nhỏ thường gọi là “Chí chuột”  làm nhiệm vụ “con chim xanh” đưa tin tức cho hai chúng tôi. Những buổi  trưa giữa sân trường ồn ào hay buổi tối trên Dortoir (phòng ngủ) tĩnh lặng. Anh Thanh ơi! Chị Phương gửi cho anh đây này... Và dúi vào tay tôi lúc thì phong thư, lúc thì chiếc bánh, gói kẹo. 

Về Thơ thì hai đứa chúng tôi tạm gọi là ngang nhau, nghĩa là cùng cái kiểu dại dại, ngơ ngẩn như vậy. Nhưng về học thì Thuỷ Phương “toàn diện” hơn tôi. Tôi chỉ hơi khá chút đỉnh về văn, còn Toán có thể gọi là rất dốt. Sợ nhất những giờ Toán, Lý tôi bị gọi lên bảng truy bài, tai cứ đỏ rừ lên, người đứng phỗng như trời trồng. Chừng như động lòng “trắc ẩn”  Phương ngồi ngay bàn đầu thường hay lắp bắp nhắc khẽ tôi. Thế là tôi cứ “nguyên xi”  lời Phương nhắc mà trả lời thầy như cái máy. Lũ bạn trong lớp cười ồ: “Thưa thầy, chị Phương nhắc anh Thanh ạ”. Thầy Chương trừng mắt nhìn Phương: “Silence” (im lặng), Phương sợ thầy, im một lát, nhưng rồi mặt cứ đỏ lên và môi lại mấp máy. Cả lớp lại được dịp cười ồ, nhao nhao như bầy ong vỡ tổ. Lần sau, lần sau nữa cũng vậy. Cuối cùng các thầy Toán, Lý chừng cũng không muốn cái cảnh mất trật tự này tái diễn mãi làm giảm đi cái nghiêm túc của buổi học, nên cũng dần dần ít gọi tôi lên bảng truy bài nữa. Do đó cái bệnh dốt toán thuở thiếu thời của tôi được Thuỷ Phương che chở cứ theo tôi mãi sau này khiến tôi chưa lần nào làm nổi một con toán thật chính xác cho cuộc đời mình...

Mùa đông năm 1945. Sau ngày Nhật đảo chính Pháp, trường giải thể lại trở về Hà Nội địa điểm Hồ Tây cũ. Một ngày tôi gặp Phương ở ga Hàng Cỏ trên một toa xe hoả bước xuống. Tôi bỗng giật bắn mình. Trông Phương gầy quá, ủ dột quá, không còn nhận ra được. Ngang đầu Phương lạnh lẽo một dải khăn tang, đôi mắt Phương u buồn lặng lẽ. Thầy H... vừa đột ngột qua đời. Trời hôm ấy vần vụ mây đen, gió se se lạnh. Hai chúng tôi đi bên cạnh nhau, cùng im lặng không nói năng gì.

Rồi Khởi nghĩa. Rồi kháng chiến. Chúng tôi xa nhau, mỗi đứa một phương, một con đường. Khi trở lại thành phố, tôi nhiều lần cố tìm hỏi tung tích của Phương nhưng đều vô vọng. Tôi cũng đã cố lục tìm trong những đống sách báo ở thư viện trong Nam ngoài Bắc hy vọng tìm được một bài thơ hoặc bài văn nào đó dưới ký Thuỷ Phương. Nhưng giữa bao nhiêu cái bút danh mỹ lệ của các cây viết nữ, tôi tuyệt nhiên không được đọc thấy cái tên thân thiết của một thuở mái trường. Hay Thuỷ Phương chọn một cái bút danh khác hoặc giả Phương chỉ có một số câu thơ ngày ấy viết cho tôi và chỉ tặng riêng tôi?... Phương ở đâu hôm nay? Ôi những cánh “bướm xanh”  lâng lâng của một thời quá vãng... 

Băng Hồ

 

 


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu