A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Trên lưng cõng cả mùa Xuân

Thằng Tấn thấy bụng cồn cào. Cơn đói đã làm cho tay chân nó rã rời. Nó không lết đi nổi nữa. Mắt nó hoa lên. Cái nắng hanh hanh của những ngày Xuân không làm cho nó khó chịu, mà chính không khí nhộn nhịp của người xuôi kẻ ngược sắm sửa chuẩn bị đón Tết mới làm cho nó bứt rứt và tủi thân. Nó bỗng thấy mình chơ vơ hơn lúc nào hết. Trong túi không có một đồng, bụng sôi lên từ sáng sớm tới trưa mà vẫn chưa có một mẩu thức ăn nào chui vào dỗ dành bao tử. Ngửa tay xin ăn, mở miệng van xin thiên hạ bố thí cho vài nghìn đồng để cứu đói tạm thời là điều dễ làm, nhưng thằng Tấn nhất quyết không chịu làm. Nó thà chết khô chết khát chứ không chịu sống mang nỗi nhục. Mẹ nó đã từng dạy nó như vậy, nó vẫn nhớ rõ, nhất là trong lúc lâm cảnh đói khát này. Nó lết tấm thân còm cõi tạt vào công viên trước nhà ga. Trưa nắng, công viên vắng ngắt... Tìm đến chiếc ghế đá nằm dưới bóng râm của hàng dương, thằng Tấn buông rơi cả người xuống cái phịch. Nó chau mày nhăn mặt khi chợt nghĩ “Cái thân này đang ốm đói mà sao thấy nặng nề chừng như cân được cả tạ vậy?”. Rồi nó phì cười. Một nụ cười thật hồn nhiên đến với nó thật bất ngờ, như là một quà tặng vô giá đang khi nó lâm vào hoàn cảnh chỉ đáng khóc sướt mướt. Chính nó cũng không ngờ mình lại cười được một nụ hồn nhiên sướng như vậy. Quá sướng. Nó nhắm mắt lại, cố gắng giữ cho giây phút vui sướng râm ran kéo dài thêm, nhưng khoảnh khắc hồn nhiên đó không còn nữa, bởi cơn đói khát lại vừa chồm lên, quẫy đạp dữ tợn, lôi nó trở về với thực tại đầy khổ sở...

Thằng Tấn ngồi thừ ra bất động trên ghế đá, mắt nhắm nghiền lại như để chạy trốn cảnh sắc rộn rã xung quanh. Nó không muốn nhìn thấy cảnh người ta tất bật đi sắm Tết, không muốn thấy hình ảnh gia đình người ta đoàn tụ đón Xuân, không muốn thấy những đứa trẻ cùng trang lứa với nó rạo rực chạy nhảy, không muốn thấy người kia kẻ nọ đang nhai ngồm ngoàm hay uống ừng ực những món mà nó đang thèm thuồng... Nó chạy trốn được những hình ảnh mà mình rất sợ nhìn thấy, nhưng hình ảnh người mẹ ốm yếu tội nghiệp và người cha câm lặng suốt ngày đã hiện ra thật sắc nét trước mắt nó. Nó càng nhắm nghiền mắt chừng nào thì hình ảnh cha mẹ, và căn nhà liêu xiêu quanh năm thiếu vắng tiếng cười của nó càng hiện rõ thêm lên. Nước mắt nó tuôn rơi lã chã lúc nào không hay... Một bàn tay ai đó vừa đặt lên trên vai xương xẩu của nó. Thằng Tấn nín thở. Bàn tay ai đó vừa bóp nhẹ nhàng lên vai đang mỏi nhừ của nó, và một giọng Huế đặc sệt cất lên:

- Răng mà con khóc?

Giọng ngọt ngào rót vào tai thằng Tấn, dường như loang thấm rất nhanh vào khắp cơ thể đang suy nhược đến mức tồi tệ của nó, khiến cho nó bỗng dưng thấy khỏe hẳn lên, mở choàng mắt ra. Qua nước mắt nhập nhòa, nó thấy một người đàn ông đang đứng kề bên đưa mắt nhìn nó với vẻ ái ngại lo âu. Thằng Tấn nhướng mắt nhìn kỹ một lần nữa, rồi buột miệng thốt lên:

- Ủa... bác Sanh?

- Bác đây!

Thằng Tấn rụt cổ, thu mình lại, mắt tràn đầy kinh ngạc lẫn sợ sệt. Không sợ sao được, và không kinh ngạc sao được khi người đàn ông đang hỏi han nó lại chính là người hàng xóm quen thuộc đã từng bị cả xóm xa lánh, đàm tiếu chê bai đủ thứ chuyện xấu xa, và đã một lần bị cha nó đánh cho một trận sau một cuộc kình cãi vì ghen tuông, tự ái. Nó nghe loáng thoáng rằng trong những ngày mẹ nó bệnh nặng, cha phải dầm mưa đạp xích lô suốt ngày kiếm tiền chạy thuốc thì bác Sanh đã tự quyền vào nhà nó để chăm nom, giúp đỡ thuốc thang và cả tiền cho mẹ nó mà chẳng hề xin phép một tiếng. Chuyện bác Sanh qua nhà giúp cho mẹ nó diễn ra liên tục ba ngày, bà con trong xóm hay biết liền có lời dị nghị, chia làm hai phe kình cãi, bên khen bên trách, làm cho cha nó bị phân tâm. Ban đầu, khi biết có người hàng xóm tốt bụng giúp đỡ lúc ngặt nghèo, cha nó rất cảm động, trân trọng từng viên thuốc, từng tờ bạc, từng lon sữa, trái cam của bác Sanh, nhưng rồi khi nghe hàng xóm đàm tiếu lời ra tiếng vào, ông liền nổi giận, và nghi ngờ lòng tốt của người đàn ông giàu nhất xóm lao động, bèn đập quăng hết những món quà của bác Sanh, chửi rủa ầm ĩ sau cơn say lúy tuý, và xảy đến chuyện thượng tay hạ chân làm bác Sanh sưng húp mặt mày, nằm bệnh cả nửa tháng trời. Cũng vì vụ đánh người gây náo động hàng xóm, cha thằng Tấn bị công an phường bắt giam ba ngày, viết giấy kiểm điểm, và ra trước tổ dân phố cam kết không tái phạm, cũng như phải xin lỗi bác Sanh. Trong cuộc họp tổ dân phố dưới sự chỉ đạo của Công an phường, bác Sanh dù đang đau nhức khắp mình mẩy, mặt sưng vù gần như là biến dạng, cũng đã cố gắng có mặt để cất lên lời van xin chính quyền khoan hồng cho người đã đánh mình. Ai nghe cũng cảm kích, nhưng cha thằng Tấn thì nhổ toẹt nước bọt, chửi rằng “đạo đức giả”. Và những ngày sau đó, cha nó không thèm nhìn mặt bác Sanh, cấm mẹ nó đi thăm người đàn ông đáng nghi ngờ kia, trong khi cả xóm ai cũng lo lắng cho bác Sanh sau cuộc họp tổ dân phố... Thằng Tấn chỉ biết đại khái như vậy, và bây giờ nó phải đang đối diện với bác Sanh, không biết là chuyện dữ hay lành.

- Răng mà con khóc?

Lập lại câu hỏi, bác Sanh đã ngồi xuống ghế đá cạnh nó với vẻ thân thiện. Thằng Tấn nghẹn ngào không nói được. Bác Sanh đưa tay rờ trán, rồi xoa đầu tóc nó, giọng dịu dàng:

- Con bỏ nhà đi hai hôm rồi, làm cho mẹ khóc suốt ngày, làm cho cha cuống lên như kẻ mất hồn, và cả xóm ai cũng lo âu... Con đang đói phải không?

Thằng Tấn gật đầu, nức nở. Bác Sanh bấy giờ mới mở chiếc túi xách nhỏ đeo trên vai từ nãy giờ, lấy ra hai ổ bánh mì ngọt hình thù con cua đưa cho nó, nói:

- Con ăn ngay đi, ăn tạm thứ ni cho đỡ đói, rồi bác dẫn đi ăn thêm phở...

Thằng Tấn không ngại ngần, vồ lấy bánh mì ăn ngấu ăn nghiến. Bác Sanh cười hiền từ:

- Từ từ thôi... Ngồi ở ni mà ăn, để bác đi sang đằng tê mua nước ngọt cho con uống...

Bác Sanh bước đi lẹ làng ra khỏi công viên, băng qua đường, vào một quán nước ngoài sân ga đang vắng tanh yên tĩnh. Thằng Tấn ngồi đó, vừa nhai ngồm ngoàm vừa dõi mắt trông theo hình bóng người đã đãi mình một chầu ngon đến tuyệt vời. Trong đầu nó không hề nghĩ ngợi điều gì ngoài chuyện đang ăn, và sắp được uống. Bác Sanh đã trở lại với một bịch nước đá chanh, hai hộp sữa ướp lạnh, và một gói kẹo sô-cô-la trao cho thằng Tấn. Nó cảm động:

- Sao bác cho con nhiều vậy?

- Chừng ni mà nhiều chi con? Con uống đi, ăn thêm đi, đừng hỏi han cho mệt con à!

Thằng Tấn ăn hết hai ổ bánh mì con cua, ngậm ống hút uống một hơi cạn hết bịch đá chanh, rồi lột kẹo sô-cô-la ăn tiếp... Bác Sanh ngồi lặng thinh ngắm nhìn nó, mặt mày tươi vui và đầy ắp thích thú. Vừa nhai sô-cô-la dẻo thơm, thằng Tấn hỏi:

- Bác có thù ghét cha con không?

- Không hề. Nếu thù thì bác đã không đi tìm con hai hôm qua khắp các nẻo đường... Oán thù nên cởi chứ không nên buộc, và sống thì phải biết tha thứ cho nhau, con ơi...

- Dạ. Con coi trong phim “Hoàn Châu Cách Cách” cũng nghe nói như vậy. Chính nhờ nhiều lần tha thứ, mà Tử Vi Cô Nương đã cảm hóa được Hoàng Hậu, và bà Dung Nhũ Mẫu đó!

- Con giỏi lắm, mới chừng ni tuổi mà đã biết chọn lọc để học, để nhớ những điều hay lẽ phải từ một bộ phim dài ngoằng thì thiệt là đáng khen ngợi!

Bác Sanh xoa đầu Tấn. Một cử chỉ âu yếm mà cha nó đã không hề cho nó. Nó hỏi:

- Vì sao bác giúp đỡ mẹ con? Nay lại giúp đỡ con?

Bác Sanh trầm tư, mắt nhìn về một chốn xa xôi, rồi chậm rãi buông từng lời trầm buồn:

- Chuyện dài lắm, bác định không bao giờ tiết lộ, mặc ai muốn hiểu sao thì hiểu, mặc ai đàm tiếu dị nghị... nhưng bây chừ có lẽ bác sẽ nói cho con nghe. Có điều, con phải hứa với bác là chặp nữa sẽ theo bác trở về nhà với cha mẹ, thì bác mới kể!

Thằng Tấn nhăn mặt nghĩ ngợi. Bác Sanh dỗ dành:

- Con buồn vì cha con chửi mắng mẹ, đánh đập con... Con bỏ nhà đi mà không chịu nghĩ thương cho cha con, chỉ vì lâm cảnh túng bấn nên tinh thần không còn sáng suốt để đối phó với hoàn cảnh. Bác biết hết chuyện, mẹ con bệnh nặng chưa chữa trị dứt, cha con bị người ta đòi lại chiếc xích lô, không cho thuê mướn gì nữa, các chủ nợ lại xúm nhau đến réo đòi từ sau khi xảy ra vụ cha con đánh bác... Tất cả chỉ vì không hiểu nhau, và không tha thứ cho nhau...

- Sao bác biết hết hay vậy? -Thằng Tấn ngạc nhiên, trố mắt lên.

- Vì bác mang ơn cha con. Một cái ơn cứu tử mà cha con đã không hề nhớ, không hề biết. Bác tình cờ nhận ra cha con, rồi tự mày mò điều tra một thời gian dài mới dám tin đích xác chính cha con là vị ân nhân của bác cách đây đã hơn ba mươi năm trời... Hồi nớ, bác là một anh “Việt Cộng”, trong trận tấn công vào thành phố Tết Mậu Thân, bác bị thương, lạc đơn vị, chạy vào nhà dân, được một thiếu niên dìu vào nhà, và cả gia đình đã cưu mang bác...

- Thiếu niên đó chính là cha con sao?

- Đúng như rứa. Ông bà nội, các cô của con đều là ân nhân của bác, nhưng... đến khi bác tìm về chốn cũ sau ngày đất nước thống nhất thì... nghe tin không ai còn sống. Cha con thì sau này bị bắt đi lính,  trôi dạt biệt xứ, hàng xóm không biết tin tức gì...

- Vậy làm sao bác nhận ra cha con được?

- Vết sẹo dài nơi cần cổ. Cha con mang vết sẹo nớ từ nhỏ, sau một lần trèo cây ổi té xuống nhằm hàng rào. Bác được nhà nội con kể cho nghe, và chính cha con cũng kể cho nghe. Có điều sẹo giống sẹo, bác chưa dám chắc, nhưng đôi mắt cha con, khuôn mặt cha con cho dù trải qua bao bể dâu vẫn không biến đổi... Ban đầu bác còn ngờ ngợ, rồi bác tự thăm hỏi từ nhiều nguồn, nhờ đến cả công an giúp đỡ, bác mới tin chắc chính cha con là ân nhân của mình. Không sai trật đi mô được, cha con đúng là cậu bé Hoàng cứu bác, là anh “ngụy quân” Phạm Quang Hoàng sau này, còn bây giờ là ông “Út xích lô” mà bà con hàng xóm thường gọi!

- Vậy sao bác không nói sự thật cho cha con nghe?

Bác Sanh lặng im. Thằng Tấn hỏi giục:

- Sao bác giấu cha con một sự thật tuyệt vời như vậy?

- Đúng là bác có sai lầm. Nhưng bác có lý do để giấu không nói cho cha con hay. Cha con là một người mang mặc cảm, có một vài biểu hiện bất phục... Trong khi bác là một cán bộ cách mạng, hai người thiệt khó hòa hợp gần gũi nhau.  Bác nghĩ vậy, nên nghĩ đến cách từ từ tiếp cận cảm hóa, phá tan những thành kiến nơi cha con... Như con đã thấy, bác đã bị hiểu lầm, không hiểu sao bác lại không chịu nói ra sự thật để cha con bừng tỉnh...

- Bác cũng không hiểu vì sao à?

- Có lẽ... có lẽ... do bác nghĩ sai. Bác mắc một sai lầm...

- Bác sai lầm chỗ nào vậy?

- Bác còn ích kỷ, quên rằng đạo nghĩa còn quý báu hơn gấp nghìn lần...

- Con không hiểu bác nói gì...

- Bác nghĩ đến địa vị của mình, nghĩ đến công danh sự nghiệp đang được củng cố vững chắc của mình, và nhiều thứ nữa, những thứ có giá trị khác khả dĩ giúp cho bác thuận lợi khi sống và làm việc... Cho nên, bác ngại quan hệ mật thiết với cha con, một người lính của chính quyền Sài Gòn cũ, nhất là bên mẹ con có rất đông bà con làm quan chức lớn cho chế độ cũ... Bác sợ bị khiển trách, bị kỷ luật, bị khai trừ... Con chưa đủ lớn khôn để hiểu những chuyện rối rắm trúc trắc ni mô!

- Đúng là khó hiểu!

- Nhưng bác đã nghĩ sai rồi. Đạo lý làm người bao giờ cũng cao quý hơn cả. Mang ơn phải trả ơn, dù ân nhân của mình có là kẻ thù. Bác phải sửa sai, chuộc lại sai lầm nớ!

- Bằng cách nào hở bác?

- Bác đi tìm con hai hôm qua, tìm khắp mọi nẻo đường, với hi vọng tìm được con, thuyết phục con, rồi cõng con về nhà với cha mẹ. Sau đó, bác sẽ kể hết sự thật cho cha mẹ con nghe, và bác sẽ giúp đỡ vật chất cho gia đình con thoát khỏi khổ nghèo!

- Thiệt vậy! Thiệt vậy không bác?

- Chỉ có cách nớ mới làm cho bác nhẹ lòng, lương tâm của bác sẽ an ổn, và chỉ còn cách nớ mới thuyết phục được cha con nhận sự giúp đỡ nơi bác...

- Lỡ... bác bị khiển trách, bị mất hết quyền chức...

- Chắc sẽ không có chuyện nớ xảy ra. Mà nếu xảy ra thì bác cũng sẵn lòng đón nhận!

- Bác uống bớt một hộp đi, uống xong rồi thì con sẽ theo bác về nhà ngay...

- Bác đang mong như rứa, con sẽ là chiếc cầu nối cho bác về gần bên ân nhân...

- Con sẵn sàng làm chiếc cầu cho bác đi qua!

- Cảm ơn con rất nhiều...

Hai bác cháu uống cạn sữa tươi mát lạnh. Thằng Tấn mang hai vỏ hộp sữa đến bỏ vào thùng rác công cộng, vừa quay lại thì thấy bác Sanh đã đứng sau lưng.

- Con đã khỏe hẳn chưa?

- Dạ rất khỏe. Con vui mừng lắm. Mình về thôi, bác!

- Con muốn bác cõng con về, hay mình đi xích lô?

- Dạ không, con muốn bác cháu mình đi bộ về nhà...

- Sao không đi xe cho nhanh hỉ?

- Con không thích bác cõng đâu. Con cũng không thích đi xích lô!

- Cái thằng ni lạ hỉ? Sao không thích để bác cõng?

- Vì bác cõng thứ khác rồi...

- Bác đang cõng thứ chi mô?

- Bác đang cõng niềm vui, cõng một mùa Xuân thật sự là Xuân về cho gia đình con!

Bác Sanh xoa đầu thằng Tấn, ôm nó vào lòng, nói run run:

- Ừ, thì đi bộ về! Bác sẽ cõng một mùa Xuân to đùng riêng tặng cho con, nhưng trước tiên con hãy làm chiếc cầu cho bác đi qua đi...

Hai bác cháu cười vang giữa công viên vắng vẻ đầy hoa Xuân và cây xanh. Rồi họ nắm tay nhau, một già một trẻ bước thung dung trên đường phố với lòng nhẹ tênh và khoan khoái... 

Lê Thu Ý


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu