A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hẹn mùa đào nở

Trung tuần tháng Chạp năm trước, tôi đến thăm bạn ở một làng hoa. Vừa tới đầu ngõ, mấy đóa đào đỏ thắm đã rơi vào mắt tôi. Cây đào nhà bạn mách tin xuân sớm quá! Sắc đào roi rói, hương mơ hồ làm lòng tôi bồi hồi. Bất chợt, bài thơ "Ðề Ðô Thành Nam Trang" của thi sĩ thời thịnh Ðường, Trung Quốc trở về trong tôi.

Tích niên kim nhật thử môn trung
Nhân diện đào hoa tương ánh hồng
Nhân diện bất tri hà xứ khứ
Ðào hoa y cựu tiếu đông phong. 

Tôi tạm dịch chắc chắn chưa hay, mong thức giả dung cho: 

Ngày này năm trước chốn này
Hoa đào mặt ngọc hây hây cùng hồng
Ði đâu người đẹp? Biết không
Hoa đào cũ bén gió đông lại cười! 

Gió xuân - gió đông non là bạn tình của hoa đào, xui hoa đào nở làm lòng người xao xuyến. Ai hay tâm sự tôi lại giống tâm sự của người xưa, ở một đất nước giàu truyền thống thi phú cách nay hơn một thiên niên kỷ. 

Cuối năm Ðinh Mùi - 1967 chúng tôi bận tối mắt chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công Xuân Mậu Thân. Bỗng Tiểu đoàn trưởng Thắng bảo tôi: 

- Bận gì thì bận, cậu cũng phải  kiếm bằng được lá dong. Tết không có bánh chưng là vất. Nhưng bánh chưng mà không gói bằng lá dong thì cũng vất. Cậu có làm được không? 

- Quân lệnh như sơn! - Tôi nhanh nhẩu đáp lại. 

 Anh Thắng nhăn mặt bác lời tôi: 

- Ðây không phải là mệnh lệnh. Cậu cho hồn tớ hóa đá rồi chắc. Ngày xuân ăn miếng bánh, mệnh lệnh va vào răng cồng cộc thì còn gì là xuân. 

Tôi toét miệng cười. Hứa là vậy nhưng tôi hơi chờn. Vì rừng nhiễm độc khô trụi cả rồi. Tuy vậy đã hứa thì tôi phải gắng hết mức. Còn có chín ngày nữa là Tết. Nhưng xuân thì đến rồi. Mũi va vào gió đã thấy hơi xuân. Thế là tôi giao lại công việc cho trung đội phó. Tôi và Duy lên đường "thỉnh" lá dong. 

HAI chúng tôi đi từ sớm đến xế chiều mà chưa hết rừng cháy. Nhá nhem tối, chúng tôi đã gặp chuối rừng. Tôi mừng thầm bởi chỗ nào có chuối rừng chung quanh đó thường có lá dong. 

Tôi quan sát chung quanh. Bằng cảm nhận và kinh nghiệm, tôi đoán gần chỗ tôi đứng có người ở. Tôi nói với Duy: "May rồi, không phải ngủ rừng rồi". Bỗng có tiếng quát: 

- Ðứng lại! Giơ tay lên! 

Chúng tôi giật nảy mình. 

- Ðằng sau quay! 

Tiếng con gái trong vắt. Tôi biết người đằng mình nên không sợ mà lại thấy hay hay. 

- Ðằng sau quay! Chấp hành ngay! 

- Ừ thì quay - Tôi nói thế. 

Tôi chỉ quay một góc 90 độ. Duy cũng làm như tôi. 

- Nói là đằng sau quay kia mà. Quay thêm! 

Tôi hất hàm một cái rồi lại quay một góc 90o, đúng hướng đi cũ. Duy như cái bóng của tôi. 

- Lính đơn vị nào mà ngang thế? 

- Lính Ông Thọ (luật sư Nguyễn Hữu Thọ). 

- Quân giải phóng ai chẳng là lính Ông Thọ. Hỏi là hỏi đơn vị nào kia. 

Tôi chủng chẳng: 

- C.T.9 

- Ai là thủ trưởng? 

- Bí mật. 

- Ai là thủ trưởng? Nói mau! 

- Tôi! 

Cô gái tỏ vẻ bực tức. Dừng giây lát tôi nói tiếp: 

- Này, hắc nó vừa vừa chứ. Hắc lắm thì... anh cũng Nam Hà đây, đồng hương với em đấy. 

Cô gái dịu giọng: 

- Này, đừng có mà xạo. 

- Ăn xôi ăn chè gì mà xạo. Cái giọng chầu văn xanh ngắt giấu ai được. 

Từ hắc sàn sạt, cô gái chuyển sang hiền lành: 

- Thông cảm nhé! Ðây là khu kho. 

Vừa nói cô gái vừa từ sau lùm cây bước tới. Tôi choáng váng. Người sao mà đẹp thế! Hình như cô gái cũng sừng sờ... Ðến lúc này, Duy mới mở miệng: 

- Bở rồi thủ trưởng ạ. 

- Cậu nói cái gì? (hỏi thế thôi chứ tôi biết tỏng ý của Duy). 

- Thủ trưởng, cô gái đẹp là bở chứ còn gì. 

Tôi đấm vào lưng Duy ra hiệu. Duy hềnh hệch cười. Ðêm đó, chúng tôi được Yến - tên cô gái - lo cho ăn ngủ khá chu đáo. Nhưng chúng tôi ngủ sao được... Mượn cớ rét, chúng tôi nhóm lửa sưởi, lấy chăn che không cho ánh sáng hắt ra ngoài cửa hầm. 

Yến cũng không ngủ. Ánh lửa bập bùng. Ba chúng tôi ngồi thâu đêm. Có bao nhiêu chuyện tôi dốc ra hết. Cô gái Nam Ðịnh say sưa nghe. Duy lặng thinh rít thuốc lá mộc Tà Ôi không để cho mồm giải lao. Bén lửa, má Yến rựng lên, sức thanh xuân tràn trề. Tôi liếc sang, bắt gặp ánh mắt của Yến đang nhìn tôi. Một thoáng bối rối, Yến cúi xuống cầm que củi cời cời than... Tôi lại kể chuyện. Duy vẫn như một ống khói nhà máy phả khói liên tục vào rừng đêm. Thỉnh thoảng, Duy cười tủm. Tôi lại đảo mắt sang phía Yến. Yến lại đang nhìn tôi... Nhưng lần này, Yến không lảng tránh. Hai luồng mắt trùng nhau. Chúng tôi cùng nhận ra một điều qua ngôn ngữ vô thanh của ánh mắt. Có phải đây là cú sét ái tình mà mấy ông văn sĩ hay phán? Trái tim tôi rung động... Yến lúc đó dịu dàng, hiền khô. 

Tôi xem đồng hồ. Mới bốn giờ mười lăm phút. Tôi giục Duy chuẩn bị lên đường. Yến hỏi: 

- Các anh đi đâu mà vội thế? 

Duy nhanh nhẩu: 

- Dóng la, dóng la nó hành bọn anh. 

Yến ngơ ngác không hiểu Duy nói gì. Tôi trêu Yến: 

- Có dóng la mà cũng không hiểu! 

Yến càng ngơ ngác. Tôi giải thích: 

- Dóng la là lá dong, em ạ. 

Yến cười rũ rượi rồi nói: 

- Hôm nay mới đi cắt lá dong thì rằm tháng giêng mới có bánh ăn. 

- Ở đây nhất định có lá dong - Tôi khẳng định. 

- Ðúng là có - Yến nói - Nhưng cách đây hơn một ngày đường, người ta cắt hết rồi. Bây giờ muốn lấy lá dong, các anh phải ra tây Quảng Bình. Ði về mất hơn mươi ngày. Thôi, gói bằng lá chuối vậy. Em đi lấy giúp cho. 

Tôi nói vẻ chán ngán: 

- Gói bằng lá chuối thì còn gì là bánh. Nói thế mà cũng nói. Không biết cái đơn vị nào mà ranh thế? 

- Nếu em tìm được lá dong cho anh, anh sẽ trả công em chứ? 

- Chẳng những anh trả công mà coi em như bà tiên đã cho cô Tấm áo quần đi hội... Nhưng anh biết lấy gì để trả công em đây? 

- Em cho anh nợ. Anh có đồng ý làm con nợ của em không? 

Tôi đâm bí. Trả lời Yến thế nào cho tế nhị mà Yến hiểu được lòng tôi. Chợt mắt tôi sáng lên: 

- Anh bằng lòng nợ. Khi nào em lấy chồng anh sắm đủ lễ đến trả nợ... Anh sẽ làm con nợ suốt đời. 

Tôi cảm thấy Yến bối rối. Yến vội vàng bước ra khỏi hầm. Tôi không biết Yến đi đâu. Tảng sáng, Yến quay lại vui vẻ: 

- Các anh đi với em. 

- Ði đâu, làm gì? Tôi  hỏi. 

- Thì cứ đi sẽ rõ. 

Tôi và Duy lặng lẽ bước theo Yến. Ði một quãng chừng 300 mét, đột nhiên Yến hỏi: 

- Các anh thấy được chưa? 

Tôi và Duy mắt sáng lên như gặp giấc mơ trong truyện cổ tích. Sau gốc cây là hai bó lá dong lớn. Tôi mừng khôn xiết. Chưa hết, Yến mạnh dạn nắm lấy tay tôi kéo đi. Tôi không biết đi đâu, chỉ ngoan ngoãn bước theo Yến. Duy tinh ý đi lùi lại. Lòng tôi hồi hộp không biết Yến đạo diễn việc gì?  Ði chừng một trăm bước, Yến chỉ sang bên kia suối: 

- Ðẹp không anh? Cây đào này không biết sợ bom đạn là gì. 

- Trời, hoa đào! - Tôi reo lên. Yến đứng sát vào tôi trìu mến, giọng như sương bay: 

- Ðào rừng tuyệt chưa! Nó đẹp một vẻ hoang dã chứ không như đào cảnh Nam Ðiền ta đâu. 

Tôi ngây ra như lạc vào Thiên Thai... 

Tôi và Duy xuống núi. Rất tâm lý, Duy đi trước. Tôi cố đi lùi lại... Yến đi bên tôi, đi mãi. Ðến đỉnh dốc tôi dừng lại nhìn Yến chằm chằm. Một lát sau tôi giục: 

- Em quay về đi! 

Yến rụt rè đưa cho tôi tờ giấy gấp tư, nói: 

- Anh không được đọc ngay. 

Yến nhìn tôi bằng ánh mắt nồng nàn. Rồi Yến vụt chạy trở lại phía khu kho. Tôi đứng như trời trồng nhìn theo... Thực hay mơ đây? Tôi không biết nữa!

Yến khuất sau chân dốc. Tôi vội vàng mở tờ giấy ra xem. Những dòng chữ nắn nót sáng lên: "Anh nhớ trả nợ em vào một mùa đào nở giữa quê hương - Thu Yến số nhà X, phố Y, Nam Ðịnh". 

Tôi cứ đứng mãi hình dung lại hình bóng Yến và chuyện vừa diễn ra như mơ. 

Cơn lốc Tổng tiến công Xuân Mậu Thân cuốn chúng tôi vào vòng xoáy. Nhớ Yến nao lòng nhưng không sao gặp được. Tới mãi trung tuần tháng hai âm lịch, tôi mới có dịp. Ðó là thời gian tổng kết chiến dịch. Duy đem chuyện của tôi kể cho anh Thắng nghe. Là người chan chứa tình đời, anh Thắng cho tôi tranh thủ ba ngày. Tôi đi như bay trên con đường rừng đầy đèo suối, bom đạn. Ðến đỉnh dốc, nơi trước Tết tôi và Yến chia tay nhau, trống ngực tôi đập dồn. Tôi lại dồn sức băng nhanh về phía trước. Nhưng tôi bàng hoàng, khu kho của em bị bom xăng thiêu trụi. Tôi đứng lặng! Có lẽ em đã... Tôi tái tê lòng tìm quanh, tìm quẩn suốt ngày không thấy một bóng người! Buồn thương tôi lững thững quay về. Con đường dài ra như vô tận. 

Chiến trận lại hút  tôi vào Sài Gòn. Gần tám năm sau - từ buổi sáng chia tay em - tôi mới được ra bắc. Tôi lao ngay đi tìm em. Lại sừng sờ! Bà mẹ Yến nói: "Em nó ra bắc cuối năm 1973, chờ anh đến sáu, bảy năm. Anh vẫn chẳng thư từ gì. Ba mươi tuổi rồi... Tôi phải giục nó mãi. Nó nấn ná cho mãi tới tháng chín năm ngoái. Cưới xong, em nó cùng chồng vào nam và ở hẳn trong đó...". 

Em đã sang đò! Lòng tôi sâu thẳm nuối thương. Xóa làm sao được hình bóng em trong hồn tôi! Duy có một điều tôi rất mừng là em đã có một mái ấm. Chồng em rất thương em. 

Tôi thầm nói với lòng mình: Yến ơi, chuyện chúng mình như một bài thơ buồn trong sáng. Nhớ nhau hãy nhìn sắc hoa đào. Thuyền tình của mỗi người đã có một bến. Chuyện xưa hãy để gió cuốn đi... 

Từ đó trông thấy mầu hoa gì mang sắc hoa đào, lòng tôi lại ngân lên: 

"Tích niên kim nhật thử môn trung
Nhân diện đào hoa tương ánh hồng...". 

Không biết ở nơi xa, em có bồi hồi?... 

Phạm Thái Quỳnh/ Nhân Dân

 


Nguồn:quehuongonline.vn Copy link

Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu