A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Quê ngoại

Từ ngày lấy chồng và theo chồng đi công tác ở tỉnh xa, tôi ít có dịp về thăm quê ngoại. Rồi từ khi cha tôi mất, mẹ tôi theo cậu em trai ra sống ở thành phố đến nay dễ đã gần chục năm tôi chẳng có dịp về thăm quê. Mà nếu có muốn thì cuộc sống hằng ngày với trăm sự lo toan, níu kéo tôi cũng không thể về luôn được.

Thành thử, quê ngoại đối với tôi ngày càng trở nên xa vời vợi. Những ông cậu, bà dì chân đất, áo vá, nón mê, móng chân móng tay tứ mùa vàng xỉn bởi cặn chua phèn của đồng chiêm trũng cùng với thời gian đang dần trở thành kỷ niệm, những kỷ niệm mà chỉ nghĩ tới thôi đã mủi lòng đến trào nước mắt... 

Thế mà đùng một cái, đầu tuần vừa rồi tôi nhận được tin mẹ nhắn vẻn vẹn mấy câu: "Cậu xây mộ cho ông bà và cha con vào cuối tháng, các con chuẩn bị về cho kịp". Không thấy mẹ nói gì về chuyện tiền nong, chắc là mẹ giữ ý. Tôi chạnh buồn. Quê ngoại nghèo như thế, đất quê trồng dây khoai, cây sắn còn khó lên nổi mà còn bày vẽ, đua đòi với người ta xây mộ làm gì. Nhưng cậu đã quyết, mẹ đã quyết thì chúng tôi cũng khó mà gàn. Ðối với người già thì phần mộ của ông bà tổ tiên là quan trọng lắm. Không còn cách nào khác, vợ chồng tôi đành chỉ biết gói ghém những đồng tiền chắt chiu, dành dụm được để về quê. Nhớ đến con đường khó đi toàn bậc thang do những bước chân trâu mấy năm về trước nên chúng tôi không dám đi xe máy mà đi tàu hỏa rồi cuốc bộ chục cây số đường đồng về làng. May sao, đường đồng cũng khá rộng, lại dễ đi, mương máng thủy lợi kẻ ô vuông như bàn cờ trên cánh đồng. Ruộng nào ruộng nấy lúa mơn mởn đương thì hứa hẹn một vụ mùa bội thu. Chồng tôi bật cười khi tôi reo lên như trẻ con: 

- Anh xem kìa, cột điện! Làng mình giờ cũng có cột điện! Ðấy, hàng cột điện bê-tông chạy suốt trên cánh đồng kia kìa, anh có thấy không? 

- Thấy rồi! Anh đã bảo mà. Nông thôn bây giờ ở đâu cũng đổi mới. Có điều anh không ngờ tới là quê em lại phát triển khá đến thế này. Anh nhớ lần đầu về ra mắt với thày bu em, ta cũng đi qua cánh đồng này. Dạo ấy năn lác, cỏ dại nhiều hơn cây lúa. Anh đọc một câu thơ buồn làm em khóc, để anh thương đến tận bây giờ. 

Anh cười, làm tôi không thể không trách yêu một câu: 

- Chỉ khéo tán! 

Ngày chúng tôi mới yêu nhau, tôi đưa anh về trình với thày mẹ và họ hàng ở quê, gặp phải ngày trời mưa. Từ đường cái về nhà, chúng tôi phải dắt xe đạp gần chục cây số. Ðất chua phèn dẻo quánh bám chặt lấy bánh xe làm hai chúng tôi người kéo, người đẩy đến mệt nhoài mà xe vẫn không đi nổi. Cuối cùng anh phải vác xe lên vai. Vừa đi anh vừa trêu tôi: "Hôm đám cưới chúng mình nếu trời mưa thế này anh sẽ cõng cô dâu từ nhà ra đến đường cái!". Về đến nhà cả hai chúng tôi lấm như trâu bùn. Mẹ tôi thương quá vội lấy quần áo của thày tôi cho anh thay tạm. Còn thày tôi ngồi rít thuốc lào nhả ra từng cụm khói xanh lơ lên xà nhà rồi gật gù bảo anh: 

- Anh là một thằng khá! Dám lội từng ấy đường đất về đây thăm thày bu là dũng cảm lắm! Chưa cần anh nói gì thày đã hiểu tấm lòng của anh với em nó rồi! Thày bu đồng ý! 

Bữa cơm hôm ấy gọi là đãi chàng rể tương lai, thày bảo lũ em tôi bắt con gà sống giết thịt, còn bu tôi lén dấu biệt lưng rổ khoai đã cạo, thổi nồi cơm độn toàn ngô vàng rực cả mâm. Lũ em tôi chắc chắn đã lâu lắm mới được ngửi mùi thịt gà rang nên khi còn đang đun trong bếp đã nghe chúng nuốt nước bọt ừng ực ở ngoài cửa. Khi ăn cơm, chúng cứ len lét hết nhìn trộm thày bu, lại nhìn trộm chị. Anh phải gắp thức ăn mời thày bu tôi và bỏ cho các em mỗi đứa một miếng thịt gà rõ to mà chúng chỉ dám ăn dè từng tí một. Sau này, thằng Tú em tôi đi bộ đội viết thư cho chị cứ kể mãi về bữa cơm hôm ấy. Nó bảo: "Nhà mình toàn ăn khoai lang trừ bữa. Có ít cơm ngô bu định dành đến hôm giỗ ông mới thổi đấy!". Ðọc thư em tôi cứ khóc thầm mãi. Thế rồi tôi lấy chồng. Em tôi đi bộ đội hy sinh ở chiến trường biên giới. Hai đứa em gái sau lớn lên cũng đi thoát ly và lấy chồng xa. Rồi thày tôi mất. Ngày chúng tôi về đám tang thày, quê tôi cũng chưa có gì thay đổi. Làng tôi vẫn nhà tranh vách đất như xưa. Ðường làng vẫn những bậc thang theo lốt chân trâu. Ðồng làng vẫn chỉ có một vụ ăn chắc. Người làng tôi đói quá vẫn phải chia nhau đi tứ xứ làm thuê. Chiều chiều, những cánh cò trắng muốt vẫn bay qua làng tôi về đậu ở những rặng tre bên kia sông cái. Cái nghèo làm trĩu nặng đôi vai gầy và ánh mắt buồn thăm thẳm của các bà, các mẹ, các cô gái làng tôi. Chồng tôi thường bảo: "Em cũng có đôi mắt buồn như thế! Anh phải làm thế nào để ráng chiều không soi vào trong mắt em?". Những lúc ấy tôi đã cố cười thật tươi để anh cảm thấy nỗi buồn của tôi đã được anh chia vợi. 

Mải nghĩ về chuyện xưa, chúng tôi không để ý đến nỗi tôi hoảng hồn khi bất chợt thấy hai thanh niên cưỡi hai xe máy chắn ngang trước mặt nói như ra lệnh: 

- Mời anh chị lên xe. 

Tôi sợ muốn xỉu, nép vào chồng tôi và anh bình tĩnh  nhìn thẳng vào hai gã thanh niên, hỏi: 

- Có chuyện gì vậy? 

Cả hai chợt phá lên cười, cậu trẻ hơn nói: 

- Bố em bảo ra đây đón anh chị. Ông đứng ở cửa ngóng ra cánh đồng, thoáng thấy bóng hai người từ xa bố em đã biết là anh chị về. Bố em bảo chỉ có anh chị mới đi về làng lối này. 

Tôi ngạc nhiên. Chồng tôi cũng reo lên thú vị: 

- Bố em, trời ơi! Thằng Tâm, thằng Thắng con cậu Hòa. Lớn thế này rồi ư? Ðã vợ con gì chưa? 

Thằng Tâm cười còn thằng Thắng vẫn nhanh nhảu đáp: 

- Em thì chưa, còn phải phấn đấu làm giàu đã. Anh Tâm thì đã có một vợ, một nhóc rồi. Khoe để anh chị mừng, anh ấy là chủ của một hồ thả cá, trồng sen cỡ ba, bốn héc-ta, một máy cày bừa, một chuồng trại khoảng 200 con gà công nghiệp và một đàn lợn lúc nào cũng ba bốn chục con, lợn thịt, lợn nái đủ cả! 

Tâm tủm tỉm: 

- Chú mày thì có kém gì? Nó cũng lập một xưởng mộc sau khi đi bộ đội về. Ðến nay, dưới quyền nó có trên dưới mười thợ toàn sản xuất hàng mộc dân dụng cao cấp, lại mới ký được hợp đồng dài hạn với một công ty ở Sài Gòn với số vốn đầu tư ban đầu không dưới năm trăm triệu đồng. 

Chúng tôi lên xe và chồng tôi không ngớt mồm khen: "Khá, khá thật". 

Về đến làng, chúng tôi gặp hết từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Ðường làng trải bê-tông uốn lượn dưới bóng tre xanh. Nhà nào nhà nấy ao ra ao, vườn ra vườn, chuồng ra chuồng và tiếng máy cưa, máy bào, tiếng đục lách cách rõ ra âm thanh của một làng nghề. Nhà mái ngói, mái bằng thấp thoáng dưới bóng tre, bóng cây ăn quả trong vườn. Cả nhà ra đón chúng tôi ở cổng, ai cũng tay bắt mặt mừng. Không thấy dì Hồng đâu, tôi chưa kịp hỏi thì cậu tôi đã bảo: 

- Dì Hồng đang làm ở quỹ tín dụng nhân dân của xã. Lúc nữa sẽ về. 

Tôi sung sướng nhìn chung quanh rồi nói: 

- Cậu giỏi quá! Nhà mình làm ăn giỏi quá! Quê mình giàu thật sự rồi! 

Cậu tôi cười: 

- Cũng bắt đầu từ đồng vốn xóa đói, giảm nghèo của Nhà nước đấy con ạ! Ờ mà sao chúng mày về lại không báo trước để các em nó đón? 

Chồng tôi gãi đầu cười: 

- Tại chúng cháu suy nghĩ còn lạc hậu quá đấy cậu ạ!

Hoàng Phương Nhâm/ Nhân Dân

 


Nguồn:quehuongonline.vn Copy link

Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu