A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Người Xóm Cháy

Sau gần mười năm ăn nhờ ở đậu, cuối cùng bố mẹ Hưng cũng đã mua được một căn nhà. Sướng nhất là bây giờ Hưng và bé Hằng có quyền nói lên ba tiếng "nhà của mình".

Chưa bao giờ Hưng thấy bố mẹ vĩ đại như thế. Bố thật oai phong như một vị đại tướng quân, mẹ kiêu hùng trở về trong khúc khải hoàn. Hưng đủ thông minh để hiểu rằng bố mẹ đã phải chịu hy sinh suốt mười mấy năm trời tần tảo gian truân, chắt bóp dè sẻn từng đồng chi tiêu. Ðiều làm cho Hưng kính phục nhất là bố mẹ đã tiết kiệm đến mức không còn để ý tới chuyện người ta chê cười là "đồ keo kiệt bủn xỉn", nhưng với việc học tập của hai đứa con mình thì lại rộng rãi. Bố từng nói: "Với chuyện học thì đầu tư bao nhiêu cũng không đủ và chớ tiếc nuối!". Mẹ từng bảo: "Ðồng tiền tiêu cho chuyện học hành thì không bao giờ uổng phí và vô ích cả!". Thế nên, Hưng và bé Hằng luôn được đầy đủ tươm tất khi đến trường. Ðiều ấy đã khích lệ hai anh em chăm chỉ học tập, năm nào cũng gặt hái được những kết quả tốt đẹp. 

Hưng đã học lên lớp 9, Hằng lớp 6, hai anh em vẫn luôn chiếm giữ những vị trí hàng đầu khi xếp loại học lực. Những người bà con khen ngợi bố mẹ Hưng hết lời. Bố khiêm tốn nói: "Phúc này là do ông bà tiên tổ ban cho đó thôi!". Mẹ cũng khiêm nhường: "Nhờ ơn trời phật gia hộ nên mới có được hai đứa con ngoan ngoãn, thông minh!"... Nghe vậy, nhưng không ai phủ nhận công lao dạy dỗ nuôi nấng con cái của bố mẹ Hưng. Bố mẹ Hưng đã và đang tiếp tục lo cho hai con ăn học, dù rằng mọi khoản chi phí đều trông vào những đồng nhuận bút viết báo của bố cùng những đồng tiền may gia công của mẹ. Bố đã giã từ bục giảng từ hơn 5 năm qua sau khi mắc bệnh lao phổi phải chữa trị trong thời gian dài, nên chuyển qua làm thơ viết văn và đưa tin về ngành giáo dục cho các báo. Quanh năm bố mẹ Hưng luôn xoay như chong chóng, dường như không ngơi nghỉ mà chẳng hề than vãn. Âm thầm làm việc suốt chừng ấy  năm trời để lo cho hai con được học hành đến nơi đến chốn đã là giỏi, vậy mà bố mẹ Hưng còn tích góp mua được một căn nhà, thử hỏi ai nghe thấy mà không kính nể?  

Trước năm 1975, Xóm Cháy hành nghề mộc. Trong lúc bất cẩn, một xưởng mộc để bốc cháy giữa đêm hôm, lan cháy cả xóm, cứu chữa chẳng kịp. Sau khi phân lô chia đất cất nhà làm lại từ đầu, nhiều nhà đã phải bỏ nghề mộc, có gia đình phải bán cả đất tìm cách đi nơi khác làm ăn... Dần dần cả xóm thợ mộc không còn nữa và được đổi tên thành Xóm Cháy. Bố mẹ Hưng mua được căn nhà ở Xóm Cháy này với giá "rẻ đến bất ngờ", như lời mẹ khoe với mọi người, nên rất mừng. Nhưng khi dọn đến ở, nhiều người đã khuyến cáo: "Xóm Cháy là nổi tiếng dữ dằn phức tạp, phải thận trọng!". Người khác lại hăm dọa: "Con nít xóm này còn hơn quỷ sứ, liệu mà giữ gìn!". Lại có người nhỏ to: "Xóm Cháy này hội tụ đủ mọi thành phần xấu xa: xì ke, chích choác, đĩ điếm, trộm cướp... Lo mà giữ lấy con cái!". Có vị cao niên trong xóm còn kể những chuyện rợn da gà về người chủ cũ... Chỉ có mẹ Hưng là bình tĩnh nhất, luôn trấn an hai anh em Hưng: "Ở hiền gặp lành. Mình đừng ích kỷ, đừng làm điều xằng bậy. Sống trái với đạo lý mới là điều không tốt, có thể dẫn đến những chuyện không lành!". Bố Hưng cũng đồng tình nói: "Ðúng vậy. Hãy cứ sống chân tình, đừng hành khổ mình bằng lối sống gượng ép, giả dối như đóng kịch!". Và thế là trong lòng Hưng rộn lên một không khí mới. Trái với người chủ cũ, ngôi nhà quanh năm cửa đóng then cài  im ỉm, không một chút sinh khí, bố mẹ Hưng đã cho mở toang những cánh cửa ra. Cứ vừa sáng dậy, nhạc trong nhà đã lại vang  lên rộn rã. Buổi chiều, sau một ngày học tập và lao động mệt nhọc, bố Hưng lại cho phép mở những cuốn băng hoạt hình vui nhộn, bổ ích. Lũ con nít hàng xóm cũng được vào xem. Ban đầu chúng còn dè dặt, có ý thăm dò vì thấy lạ. Nhưng rồi thấy gia đình Hưng ai cũng niềm nở thì chúng rủ nhau kéo đến ngày một đông. Với đám thanh niên, bố Hưng mở những cuốn băng nhạc trẻ theo yêu cầu, nên họ rất thích đến nhà chơi. Thật ra không phải đến bây giờ bố Hưng mới làm vậy. Từ những năm tháng còn ở nhà thuê, bố Hưng đã có thói quen mở nhạc, ai vào nhà nghe thì vào, ai muốn mượn về cũng được. Nay đến Xóm Cháy, cũng là sống đúng thói quen của mình thôi. Vậy mà nào ngờ chiếc đầu đĩa lại  đắc dụng đến thế. Nó mang đến niềm vui vẻ chan hòa cho bao người. Và vì thế, càng ngày gia đình Hưng càng trở nên gần gũi với hàng xóm hơn. Mẹ Hưng cũng đã làm quen với nhiều phụ nữ trong xóm, cởi mở chân tình với mọi người. Vậy là mối âu lo khi mới đến đã tan biến. Rồi người trong Xóm Cháy biết được bố Hưng là cộng tác viên báo chí, quen biết nhiều, liền lộ vẻ kính nể. Mẹ Hưng tiếp tục nhận được những mối hàng may gia công ngoài chợ. Những khi việc có nhiều lại san sẻ bớt cho mấy người trong xóm cùng làm, thêm tiền lo gạo mắm... Chẳng bao lâu, gia đình Hưng đã trở thành nơi vui tươi của Xóm Cháy. 

Hưng và bé Hằng có thêm nhiều bạn mới. Cái "lũ quỷ ma vương phá phách" mà hai anh em Hưng nghe tiếng té ra cũng... dễ thương dễ mến chứ chẳng hề ghê gớm gì! Chúng cũng ham học, cũng mê nhạc và ham vẽ, có đứa còn vẽ rất đẹp. Bọn chúng cũng giỏi đá banh, nghiền truyện và trò chơi điện tử. Chúng ra vào nhà có phép tắc, nói năng hồn nhiên, không ăn cắp ăn trộm, biết giúp đỡ nhau, chia sớt buồn vui bạn bè cùng lứa và nhường nhịn những đứa bé hơn mình. Chỉ có điều chúng chưa bỏ được thói quen văng tục chửi thề. Chính những tiếng tục tĩu buông ra từ cửa miệng đã làm cho lũ trẻ Xóm Cháy phải mang danh mất dạy và quỷ sứ. Rất nhiều lần bố Hưng đã lên tiếng khuyên răn mấy đứa xổ tục khi vào nhà Hưng xem phim hoạt hình, nhưng rồi đâu lại vào đó. Dường như chúng đã quá quen miệng mất rồi! Bố mẹ Hưng phải ra nội quy "đứa nào còn nói tục nữa thì không cho vào nhà". Biện pháp này xem ra có một chút hữu hiệu, vì lũ con nít ham vui, không đứa nào không muốn vào nhà Hưng để xem phim. Khi rủ nhau vào nhà ngồi bệt xuống nền gạch bông đứa nào cũng tỏ ra hiền khô, nhắc nhau không xổ tục. Ðứa nào lỡ miệng cũng biết vội vàng tự thú ngay với bố Hưng để chịu "kỷ luật". Mẹ Hưng lại thường đem trái cây, bánh kẹo ra chia cho chúng, làm cho đứa nào cũng khoái "nhà của chú nhà báo".  

... Hưng nhớ nhất cái ngày mẹ Hưng ngã bệnh nặng do làm việc quá sức kéo dài. Khi ấy nhằm  rằm tháng Chạp, chỉ còn nửa tháng nữa là Tết. Bố Hưng phải gạt bỏ mọi công việc để xuống bệnh viện chăm lo mẹ. Việc nhà từ đi chợ nấu ăn đến giặt giũ lau rửa, chăm sóc cho Hưng và bé Hằng... đều do người dân Xóm Cháy. Bố mẹ Hưng chỉ còn biết khóc vì xúc động. Bất ngờ nhất là lũ con nít trong xóm cũng thay phiên nhau vào bệnh viện để giúp bố Hưng việc vặt. Có đứa còn đòi "thay ca" để bố Hưng về nhà tắm rửa nghỉ ngơi... Và, điều mà Hưng không thể ngờ tới là những món quà sinh nhật của các bạn trong xóm mang đến mừng Hưng. Lũ con nít đã nhớ ngày sinh nhật của Hưng, vì năm ngoái bố mẹ có tổ chức, đãi chúng một tiệc tưng bừng. Năm nay, mẹ đang bệnh, Hưng không tổ chức sinh nhật, vậy mà các bạn trong xóm của Hưng lại không bỏ qua, rủ nhau mua nào là hoa, nào là bánh mứt, nào là phong bì lì xì, đĩa phim, lẵng hoa vải rực rỡ... Một mùa xuân, một cái Tết chừng như đến sớm hơn với gia đình Hưng! Hưng nhận những món quà nhỏ bé xinh xinh đầy bất ngờ đó với lòng dạt dào vui sướng, rồi chạy ù vào bệnh viện khoe với bố mẹ. Như hương xuân kỳ ảo tự nơi nào ùa tới, mẹ Hưng khỏe hẳn ra, y như vừa mới được uống thuốc thần. Mắt đẫm lệ, giọng run run, mẹ Hưng ngồi dậy:  

- Từ viện trở về, mẹ sẽ tổ chức ngay tiệc sinh nhật muộn cho con. Khách mời sẽ là tất cả bà con hàng xóm đã giúp đỡ gia đình mình! 

Bố Hưng tiếp lời, xoa đầu Hưng: 

- Và thượng khách là những đứa bạn con cùng bé Hằng! 

Hưng mừng rơn trong bụng, ôm chầm lấy mẹ mà rưng rưng nước mắt. 

Bố Hưng mỉm cười, đăm chiêu hồi lâu rồi cất giọng từ tốn: 

- Ngẫm lại mới hay, ở đâu sống có tình người thì ở đó chắc chắn có nhiều niềm vui. Quả trời xui đất khiến cho gia đình mình đến ở với Xóm Cháy, đây chính là đất lành chim đậu, và đất có lành thì bầy gà mới dám đến đó mà bới bươi... 

Ðúng lúc đó, ngay ngoài cửa phòng xuất hiện một đám người lấp ló, lăng xăng lít xít như bầy gà con. Toàn là con nít. Con nít của Xóm Cháy. 

Huyền Nữ Dương Chi


Nguồn:quehuongonline.vn Copy link

Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu