A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Trịnh Việt Trung: Khát vọng nguồn tài nguyên Mỹ - Việt

Khát vọng của ông Trịnh Việt Trung là tìm và kết nối nguồn tài nguyên của hai nước Mỹ - Việt, giúp doanh nghiệp hai nước hiểu nhau hơn, tìm thấy nhiều cơ hội hơn


 
Ông Trịnh Việt Trung, Việt kiều Mỹ,
Giám đốc Công ty Nhóm Tài Nguyên Việt

Tài nguyên, theo giải thích của ông Trịnh Việt Trung, Việt kiều Mỹ, có thể hiểu rộng hơn là trí lực, nhân lực, kinh nghiệm giao thương và những cơ hội làm ăn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Mở công ty tư vấn lấy tên Nhóm Tài Nguyên Việt (Vietnam Resource Group) năm 1995, ông mong muốn kết hợp được các nguồn “tài nguyên” giữa Mỹ và Việt, làm cầu nối cho giới kinh doanh vừa và nhỏ của hai quốc gia. Tuy nhiên, 15 năm qua, tham vọng của ông dường như chưa đạt như mong muốn.

Từ Mỹ bay về Việt Nam, Trịnh Việt Trung cho biết, ông về để tổ chức chương trình giao thương và đào tạo ngắn hạn cho doanh nhân do Trung tâm Hỗ trợ Xuất khẩu (Cục Xúc tiến Thương mại) tổ chức vào tháng 7. Trước đó, vào tháng 5.2010, ông đã hướng dẫn đoàn gồm 10 doanh nhân Việt Nam thuộc Hiệp hội Du lịch sang Mỹ tham gia khóa đào tạo này. Đây là chương trình do Nhóm Tài Nguyên Việt kết hợp với phân khoa Huấn luyện và Đào tạo Chuyên nghiệp Đại học California (Mỹ) triển khai. Bên cạnh việc tham gia khóa đào tạo, đoàn doanh nhân còn có cơ hội giao thương với các doanh nhân Mỹ, làm việc với Đài Truyền hình CBS 5 của San Francisco để trao đổi, học hỏi kinh nghiệm quảng bá du lịch trên các kênh truyền hình.

Cũng liên quan đến đào tạo, 3 năm qua, ông Trung đã phối hợp với Đại học Mở TP.HCM đưa sinh viên sang Mỹ tham gia chương trình Tập huấn và Du lịch (Work and Travel). Chương trình gồm 4 tháng, trong đó có 3 tháng làm việc và 1 tháng du lịch đến một số thành phố của Mỹ. Mục đích của chương trình nhằm tạo điều kiện cho sinh viên Việt Nam được cọ xát thực tế môi trường kinh doanh ở Mỹ, kiếm tiền và học hỏi văn hóa làm việc của người Mỹ. Chương trình do Bộ Ngoại giao Mỹ tổ chức và triển khai với một số nước, nhằm trao đổi và giao lưu văn hóa kinh doanh giữa các nước.

Ông Trung là một trong những nhà kinh doanh Việt kiều trở về nước sớm nhất ngay sau khi Mỹ bỏ lệnh cấm vận Việt Nam năm 1994. “Mong muốn duy nhất của tôi hồi đó là đưa công nghệ hiện đại về phục vụ quê nhà”, ông bộc bạch. Năm 1995, ông trở về và hợp tác với TP.HCM mở trung tâm kinh doanh sản phẩm công nghiệp điện tử, dụng cụ y tế... trên đường Mạc Đĩnh Chi, quận 1. Tuy nhiên, chưa đầy 1 năm sau, trung tâm phải đóng cửa bởi không thể cạnh tranh với hàng giá rẻ của Thái Lan, Đài Loan...

Trước khi về Việt Nam năm 1995, ông quản lý một công ty bảo trì cao ốc ở Mỹ. Trước đó nữa, ông là chuyên viên tư vấn bộ phận nhân lực của Chính phủ Mỹ, chuyên tư vấn việc làm cho người Việt Nam định cư tại Mỹ. “Tôi luôn tư vấn cho nhiều người là cố gắng tìm kiếm các cơ hội phát triển ở đây. Trong khi mỗi ngày tôi cứ ngồi chết một chỗ để làm một công chức mẫn cán”, ông Trung nhớ lại. Sau 9 năm làm việc cho Chính phủ Mỹ, ông ra làm quản lý cho công ty bảo trì cao ốc nói trên.

Bà Nguyễn Thị Nhu, Giám đốc Chương trình Tiếp cận Giáo dục Mỹ AAE (Access American Education) ở Việt Nam, bạn làm ăn cùng ông Trung năm 1995, nhận xét: “Chiến lược đưa hàng hóa hiện đại của Mỹ về phục vụ thị trường của anh Trung là đúng nhưng vào thời điểm đó là quá sớm. Lúc đó, thị trường Việt Nam chỉ mới chấp nhận hàng điện tử giá rẻ, chưa có nhu cầu mua hàng cao cấp của các nước phương Tây. Hơn nữa, khi ấy, Hiệp ước Thương Mại Mỹ Việt chưa được ký kết nên không có nhiều điều kiện thuận lợi”. Bà cũng nói thêm: “Anh Trung thuộc típ người giỏi xoay chuyển tình thế và khó lùi bước trước khó khăn. Tuy nhiên, một điều tôi thấy khó cho anh là có quá nhiều ý tưởng mới mẻ nên hay gặp khó khi triển khai”.

Hỏi ông tại sao người bạn thân lại nhận xét về mình như vậy, ông vừa cười, vừa đưa tay miết đi miết lại trên trán như cố làm giãn ra những nếp nhăn. Ông giải thích: “Khi quyết định về nước làm việc, tôi quan niệm phải tận dụng vai trò cầu nối của mình để tìm và triển khai các đề án có tính sáng tạo chứ không phải chỉ đơn thuần là kinh doanh”.
 
Ngưng câu chuyện đang nói dở, đốt điếu thuốc, rít hơi dài, giữ điếu thuốc cháy gần một nửa, ông chậm rãi kể: “Năm 1997, chương trình Tập huấn và Du lịch đã tạo nên tiếng vang lớn. Tôi luôn nói với các em sinh viên, người Mỹ không thông minh hơn ta nhưng họ có cách làm việc khoa học và hệ thống nên thành công. Vì vậy hãy học cách hệ thống của họ”.

Điều khiến ông Trung hạnh phúc là có nhiều sinh viên sau khi tham gia chương trình đã thành đạt trong lĩnh vực kinh doanh, dịch vụ du lịch. Một số đã vào vị trí quản lý tại các khách sạn 5 sao của TP.HCM. Lê Thị Anh Thơ, Giám đốc Phát triển Chiến lược Khách sạn Caravelle hiện nay từng tham gia chương trình Tập huấn và Du lịch năm 1997.

Đến năm 2005, ông đã cùng một số doanh nhân Mỹ thành lập Hiệp hội Thương mại Mỹ Việt (US Vietnam Business Association - UVBA) để kết nối, cung cấp thông tin thị trường hai nước cho doanh nghiệp vừa và nhỏ hai bên. Hiện nay, nhiều hội viên UVBA đang có ý định đầu tư vào Việt Nam. “Thời gian qua, nhiều công ty Mỹ gặp khó khăn khi làm ăn tại Trung Quốc. Tôi cho đây là cơ hội để kéo họ về Việt Nam. Và tôi cùng các cộng tác viên đang nỗ lực để làm điều đó”, ông cho biết. UVBA hiện có 175 hội viên với nhiều chi nhánh tại các thành phố lớn của Mỹ và do ông Trung làm Giám đốc. Vậy các hoạt động đào tạo cho sinh viên có được tiếp tục hay không? Ông Trung nói ngay: “Nhóm Tài Nguyên Việt sẽ tiếp tục các chương trình này bởi tuổi trẻ đã cho tôi hứng thú để thực hiện các dự án mới. Họ chính là tài nguyên của quốc gia”.

(Theo NCĐT) 


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu