A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Người mở lối kinh doanh võ đường tại Na Uy

Nếu ở Na Uy, Tôn Thất Tiến có tới 20 trường dạy Taekwondo thì ở Việt Nam ông chưa hề mở trường dù đã trở về hơn 20 năm. Ông khẳng định sẽ không mở trường dạy Taekwondo tại Việt Nam mà chỉ đóng vai trò cố vấn.

Chắc mẩm sẽ được ghé thăm võ đường Taekwondo đầu tiên tại Việt Nam của võ sư huyền đai đệ bát đẳng khi nghe ông khoe đang chuẩn bị cho công việc kinh doanh cách đây gần 1 tháng, nhưng khi gặp tại OV Bar (khách sạn Equatorial, Q.5, TP.HCM), chúng tôi mới vỡ lẽ về công việc kinh doanh mới của ông. Tôn Thất Tiến là một trong những chủ nhân mới của OV Bar.

Việt Nam: Làm chơi

12/5/2010, ngày khai trương OV Bar, Tôn Thất Tiến nhận được nhiều hoa và những lời chúc mừng của bạn bè, đặc biệt là bạn bè trong giới doanh nhân Việt kiều. Song lẫn trong những lời chúc mừng đó vẫn có những sự e ngại khi thấy ông quyết định chọn OV Bar để khởi nghiệp tại quê nhà.

Ông Tiến không phải chủ nhân đầu tiên của quán bar này. Theo một doanh nhân Việt kiều là khách hàng lâu năm ở đây, OV Bar đã trải qua vài đời chủ và họ đều thất bại. Nhưng “nhiều người thất bại không có nghĩa là mình cũng thất bại. Tôi kinh doanh bằng tinh thần võ sĩ đạo”, ông khẳng định. Tinh thần đó chính là sự tự tin.

Trong kinh doanh, tự tin chỉ là điều kiện cần. Để có thêm điều kiện đủ, ông cũng “ăn dầm nằm dề” trong nhiều quán bar của TP.HCM, tìm những cái hay lẫn điểm yếu để làm mới OV Bar. Nếu trước đây OV Bar chủ yếu là điểm đến của doanh nhân Việt kiều thì nay ông chủ trương giới thiệu nó đến với cả giới doanh nhân. OV Bar cũ không chú trọng nhiều đến âm thanh thì OV Bar mới lại được Tôn Thất Tiến chăm chút khá kỹ lưỡng về phần này. Ông còn mang mô hình hát với nhau vào đây.

Còn quá sớm để nói về thành công của OV Bar. Do đây là lần kinh doanh đầu tiên tại Việt Nam nên Tôn Thất Tiến cho biết, đó chỉ là một cuộc chơi mới. Vì ông hiện là một doanh nhân thành công tại Na Uy với 20 trường dạy Taekwondo.

Na uy: Kinh doanh thật

35 năm trước, Tôn Thất Tiến rời Việt Nam, đặt chân đến đất nước Na Uy với hành trang là môn võ Taekwondo và vốn tiếng Anh khá thành thạo. “Bản thân tôi cũng chưa bao giờ nghĩ đến việc lấy Taekwondo làm nghề để kiếm sống”, ông nhớ lại. Vì theo ông, khi ấy, chưa một ai trên đất nước này biết đến Taekwondo.

Nhưng chính vì chưa có ai biết nên Tiến đã mang đến một món ăn lạ khiến nó hút khách rồi trở thành nghề kiếm sống của ông. Chỉ sau 1 tháng đặt chân đến Na Uy, ông đã mở được lớp học Taekwondo trong một trường học tại Oslo, thủ đô của Na Uy. Hai năm sau, ông đã có tổng cộng lớp dạy tại 7 trường học trong thành phố này. Và mô hình lớp học Taekwondo của ông cứ thế nhân rộng ra các vùng lân cận.

Tuy nhiên, 11 năm sau (1986), Tôn Thất Tiến mới cho ra đời “đứa con riêng” đầu tiên với số vốn ban đầu hơn 500.000 USD. Giải thích về điều này, ông cho hay: “Thời gian đầu vừa do không có tiền, vừa do môn võ này quá mới nên phải bám vào các trường học, thuê phòng tập tại các trường với đối tượng chính chỉ là các học sinh”.

Còn về bí quyết kinh doanh võ đường, ông chia sẻ, ở Na Uy, chính quyền chỉ cấp phép cho các hoạt động kinh doanh đảm bảo an toàn. Nhưng nói đến võ thuật người ta sẽ nghĩ đến các thương tích bất ngờ trong quá trình luyện tập như gãy tay, gãy chân... Để giải quyết vấn đề, ông đã ký hợp đồng với các công ty bảo hiểm, mỗi học viên khi đăng ký học sẽ được bảo hiểm tài trợ một phần chi phí nếu chẳng may bị thương tích. Chính yếu tố này đã đóng góp một phần quan trọng để Tôn Thất Tiến có trong tay 20 trường dạy Taekwondo ở Na Uy như hiện nay.

Nhân nói chuyện kinh doanh võ đường, ông chia sẻ thêm: Taekwondo là một môn võ thuật, mọi người đều có thể tham gia và điều mà người ta học được bên cạnh những thế võ là tinh thần võ sĩ đạo. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn coi Taekwondo là một môn thể thao. Vì lẽ đó, lượng người tham gia rất ít, chủ yếu là để giành giải thưởng tại các cuộc thi.

Không chỉ mang Taekwondo tới Na Uy, võ sư Tôn Thất Tiến còn biến nó thành loại hình kinh doanh hiệu quả tại đất nước này. Đó là lý do mà liên đoàn Taekwondo Na Uy đã mời ông về giữ vị trí chủ tịch trong thời gian mới thành lập (năm 1977).

Dù bận bịu với nhiều lớp dạy học, ông Tiến vẫn không quên tự học để nâng cao trình độ. Những chuyến đi đi về về giữa Na Uy và Hàn Quốc, quê hương của môn Taekwondo, đã giúp ông nâng bậc của mình lên tới huyền đai đệ bát đẳng (một trong những cấp bậc cao của môn võ này). Ở Na Uy, người ta gọi ông là đại võ sư (grandmaster). Hiện nay, công việc chính của ông là huấn luyện cho các huấn luyện viên. Các trường Taekwondo của Tôn Thất Tiến đều có giám đốc, vốn là các học trò trước đây của ông. Nhờ thế mà ông cứ thảnh thơi ở Việt Nam thời gian này.

Mặc dù trở về quê hương từ cuối những năm 1980 nhưng tuyệt nhiên không thấy ông đả động đến việc mở trường dạy Taekwondo tại đây. Hôm nay, khi nghe chúng tôi hỏi về chuyện kinh doanh võ đường tại Việt Nam, ông khẳng định sẽ không mở trường dạy Taekwondo mà chỉ đóng vai trò cố vấn. Ông muốn có một cuộc sống an nhàn ở quê hương.

(Theo NCĐT) 


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu