A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

"Cây bút trẻ Hong Kong” thuộc về Xuân Lane và Phở

Bài văn "Phở" của một cô bé gốc Việt 10 tuổi vừa đoạt giải cuộc thi Cây bút trẻ Hong Kong 2010.

"Món ăn khoái khẩu nhất của tôi là phở, một thứ "xúp" với những sợi bánh bột gạo đặc biệt... Bà ngoại bảo tôi rằng món phở cũng thật giống như người dân VN giản dị, hồn nhiên, nồng nhiệt, tuy thế lại rất tế nhị và giàu tính nghệ sĩ". Ðây là một phần trích đoạn trong bài văn "Phở" vừa đoạt giải cuộc thi Cây bút trẻ Hong Kong 2010 của bé Natalie Xuân Lane được viết bằng tiếng Anh.

Món ăn "linh hoạt"

Natalie Xuân Lane, cô bé gốc Việt 10 tuổi, đang học tại Trường quốc tế Pháp ngữ, Hong Kong (French International School). Trong cuộc thi Cây bút trẻ Hong Kong 2010 (Hong Kong young writers award - HKYWA), bài viết của em được trao giải thưởng cao nhất thể loại văn tả thực lứa tuổi 10-11.

Cuộc thi được tổ chức hằng năm cho các cây bút trẻ dưới 14 tuổi tại các trường học ở Hong Kong, trong các lĩnh vực văn hư cấu, văn tả thực, thơ ca. Năm nay cuộc thi có nhan đề "Những ấn tượng về các nước Ðông Nam Á" với sự tham gia của 54 trường học. Natalie là một trong chín học sinh vinh dự nhận giải, các tác phẩm đoạt giải này được in thành tập văn tuyển xuất bản rộng rãi cuối tháng 4-2010, bán được hơn 900 cuốn trong ngày đầu tiên.


 
Natalie Xuân Lane ký tặng sách - Ảnh do gia đình Natalie cung cấp


Natalie Xuân Lane là con thứ hai trong gia đình có cha - một kỹ sư xây dựng người Anh, và mẹ là luật sư về quyền sở hữu trí tuệ. Rất thích ăn phở, mỗi dịp rời Hong Kong về thăm ông bà tại TP.HCM, em lại đòi thưởng thức tô phở của bà ngoại - "người nấu món VN ngon nhất trên đời!".

Ði tới đâu cùng cha mẹ, em cũng phải tìm cho được hàng phở. Natalie thích thú nhận ra: "Nền văn hóa ẩm thực VN rất mạnh mẽ và món phở đã giúp liên kết mọi người dân ở các quốc gia khác nhau, cũng như tạo nguồn cảm hứng cho họ tìm hiểu nhiều hơn về VN... Ði du lịch cùng gia đình, chúng tôi có thể tìm ra món phở tại nhiều thành phố lớn như Paris, London, Sydney... và tại Hong Kong cũng có rất nhiều tiệm phở".

Biết nhà trường vận động viết bài hưởng ứng cuộc thi, Natalie quyết định viết về VN và nhất là món phở của quê mẹ. Em gọi về cho bà hỏi chuyện về phở, tìm hiểu kỹ món ăn này qua cha mẹ và các kho tư liệu trên Internet. Bằng những dòng chữ tiếng Anh, Natalie đã "nấu" lên món phở ngon miệng thuyết phục được thực khách - ban giám khảo cuộc thi.

Natalie gọi phở là món ăn "linh hoạt" vì "bạn có thể ăn phở điểm tâm buổi sáng, ăn trưa hoặc ăn tối", đầy màu sắc: "chỉ nhìn tô phở đã thấy nó rất gọi mời: màu nâu và hồng của thịt, màu trắng của bánh phở, màu xanh của rau thơm làm cho món ăn này thật hấp dẫn". Và còn rất có lợi cho sức khỏe: "Nó không cay, rất dễ ăn và bổ dưỡng bởi lẽ nó chứa rất ít chất dầu hoặc chất béo".

"Tôi yêu phở"

Rành tiếng Anh, tiếng Pháp, nói được tiếng Quảng Ðông và một chút tiếng Việt, Natalie còn tỉ mỉ giải thích cho những bạn đọc ngoại quốc: "Khá nhiều người phát âm chữ phở là "pơ" hoặc "phâu" nhưng cách phát âm đúng nhất phải giống như "phở". Chỉ có hai loại phở là phở gà và phở bò. Những sợi bánh phở trắng phau, mềm mại và trơn láng, bên trên được rải những lát hành tây và các thứ rau thơm như rau mùi, húng quế, hành lá và giá đậu xanh. Các thứ rau trên phải thật tươi. Thịt gà được thái thành những miếng nhỏ trong khi thịt bò thì được cắt thành từng miếng lớn và mỏng.

Nước phở (nước lèo) là một thành phần quan trọng nhất của món ăn này. Nước lèo khi chế vào tô phở phải thật sôi. Màu sắc của nước lèo trong và hương vị của nó thơm mùi thịt được ninh nhừ trong nồi qua một thời gian dài. Tôi nghe nói rằng thật sự ra thì rất nhiều xương, không phải thịt, được ninh thật lâu qua đêm để làm nên nước phở. Người ta thường nấu nước lèo với hàng loạt gia vị hấp dẫn như hoa hồi, quế, gừng... Vị ngọt đậm của nước xương ninh hòa lẫn các thứ gia vị kể trên đã tạo nên thứ nước phở thật ngon mà chẳng cần dùng tới bột ngọt".

"Phở cũng là một cách biểu hiện nghệ thuật. Tôi đã từng nghe có một buổi triển lãm nghệ thuật mang tên "Tôi yêu phở" ở VN và ở Úc. Biểu tượng "Tôi yêu phở" đã được in lên các áo thun cũng giống như cách người ta in chữ "Tôi yêu Hong Kong". Trong cả hai lần nhận giải và ra mắt cuốn văn tuyển, Natalie đều xinh xắn đến dự với chiếc áo in dòng chữ I love phở - Tôi yêu phở.

Tuy đoạt giải trong cuộc thi viết, Natalie lại mơ ước một ngày trở thành nhà hoạt động xã hội hoặc chính trị gia, "để giới thiệu những món quà quý giá từ VN dành cho thế giới, như món phở mà em rất thích" - Natalie nói.

(Theo Tuổi trẻ) 


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu