A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nhạc sư Việt – Di sản quốc gia Mỹ

Hơn 20 năm bôn ba, GS.TS Nguyễn Thuyết Phong được Chính phủ Mỹ tôn vinh là di sản quốc gia của nước Mỹ bởi những nỗ lực của ông đưa âm nhạc VN trở thành một phần di sản văn hóa Mỹ.



Giáo sư Nguyễn Thuyết Phong

Sinh ra trong một gia đình nông dân có truyền thống âm nhạc vùng đồng bằng Cửu Long, lên 5 tuổi, Nguyễn Thuyết Phong biết đến nghiệp cầm ca từ đờn ca tài tử, nhạc lễ, hát bội đến cải lương.

Tốt nghiệp tiến sĩ ngành dân tộc nhạc học thế giới (Ethnomusicologie) tại Học viện Sorbonne (Paris) năm 1984, ông sang Hoa Kỳ phụ trách giảng dạy âm nhạc châu Á ở hơn 20 trường đại học, là Ủy viên Hội đồng Nghệ thuật Quốc gia Hoa Kỳ.

Trong thời gian ở Mỹ, ông được mời tới 50 bang và hơn 40 đại học để giảng dạy về âm nhạc các dân tộc trên thế giới, trong đó có âm nhạc Việt Nam. Những bài giảng về âm nhạc Việt Nam của GS.TS Nguyễn Thuyết Phong có sự cuốn hút đặc biệt bởi ông không chỉ am hiểu về lý thuyết mà còn có thể chơi đàn rất hay.

Tháng 5/2001, GS.TS Nguyễn Thuyết Phong được ghi tên và tiểu sử vào cuốn Đại từ điển Âm nhạc Thế giới The New Grove.

Ông là người Việt Nam thứ hai, sau giáo sư Trần Văn Khê, được ghi tên và tiểu sử vào cuốn sách danh tiếng này cùng với những bậc thầy về âm nhạc thế giới như Shubert, Beethoven...

Ngoài đàn tranh, đàn bầu, đàn nguyệt là các loại nhạc cụ luôn được các sinh viên học một cách say mê, ông còn có thể chơi được hơn 20 nhạc cụ truyền thống của Nhật, Thái Lan, Trung Quốc…

Số lượng sinh viên theo học những lớp của GS.TS Nguyễn Thuyết Phong thường đông quá quy định. Ông nói: “Có những người không sinh ra ở Việt Nam, không nói được tiếng Việt Nam, nhưng có thể chơi đàn Việt Nam và thích âm nhạc Việt Nam”. 

Kỷ niệm đáng nhớ nhất với giáo sư Phong là việc một sinh viên Mỹ tự mua gỗ và học cách làm đàn bầu tặng thầy như một lời cảm ơn.

Cho đến nay, bộ sưu tập âm nhạc truyền thống Việt Nam của GS.TS Nguyễn Thuyết Phong có thể được coi là lớn nhất ở nước ngoài. Những tài liệu âm nhạc của ông  được lưu trữ tại Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ và Đại học New York.

Gần đây, ông dành một nửa thời gian của mình ở Việt Nam để nghiên cứu âm nhạc Việt Nam sâu sắc hơn nhưng ông lấy làm tiếc không thể ghi lại được hết những tinh hoa âm nhạc dân tộc.

Giáo sư Phong đang muốn dành thời gian nghiên cứu về giáo dục Việt Nam.

Ông thành lập một viện nghiên cứu tại TPHCM để tìm hiểu phương pháp giáo dục Việt Nam và việc ứng dụng các phương pháp giáo dục Mỹ trong môi trường Việt Nam.

Làm thế nào để giáo dục Việt Nam bắt kịp với thế giới, làm thế nào để bằng cấp Việt Nam được quốc tế công nhận, là những vấn đề quan tâm hiện nay của GS.TS Nguyễn Thuyết Phong.

Ông sẽ bắt đầu từ việc nghiên cứu quá trình giảng dạy ở các trường nghệ thuật như âm nhạc, múa, sân khấu, điện ảnh và các ngành nghề khác. Mở trường đại học âm nhạc mang tên Đào Tấn tại Việt Nam cũng là dự định mà ông ấp ủ lâu nay.

Những ngày cuối năm 2008 và đầu năm 2009, ông đi khắp Bắc - Nam, đắm chìm vào không khí Tết cổ truyền cũng như các lễ hội truyền thống như  liên hoan Tây Sơn, Bình Định, xem biểu diễn tuồng, hát bội... Đối với ông, đó là điều thú vị nhất trong cuộc đời một nghệ sỹ xa xứ.

Năm 1997, tại Nhà Trắng, GS.TS Nguyễn Thuyết Phong là người trẻ tuổi nhất trong 11 nghệ sỹ của nước Mỹ được tôn vinh là di sản quốc gia Hoa Kỳ.

Đây là lần đầu tiên, âm nhạc Việt Nam được công nhận như là một thành tố âm nhạc của nước Mỹ.

Sau lễ tôn vinh, ông lại có vinh dự là người phát biểu và biểu diễn trước 200 quan khách quốc tế với sáo, kèn, đàn Việt Nam tại hội trường Đại học New York.

(Theo Tiền Phong)


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu