A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Người làm cầu nối giao thương Mỹ - Việt

Tôi gặp ông Trịnh Việt Trung trong Đoàn đại biểu kiều bào về thăm quê hương nhân dịp Quốc khánh 2/9 vừa rồi. Trước đó, vốn đã nghe nói nhiều về một Việt kiều Mỹ trong đoàn - một trong những người đi tiên phong trong việc giới thiệu sản phẩm của Mỹ vào VN, đưa các đoàn doanh nghiệp Mỹ vào VN và ngược lại, và có nhiều đóng góp trong việc phát triển quan hệ thương mại, đầu tư giữa hai nước trong thời gian qua, bởi vậy, tôi tìm cách tiếp xúc và trò chuyện với ông. Cởi mở và vui vẻ, ông kể về công việc của mình ở VN.

Tìm cơ hội kéo đầu tư vào Việt Nam

Năm 1994, sau khi Mỹ bỏ cấm vận đối với Việt Nam, luật sư Trịnh Việt Trung - khi đó đang sinh sống tại bang Virginia (Mỹ), quyết định về nước tìm cơ hội làm ăn. Đầu tiên, ông hợp tác với TPHCM mở một trung tâm trưng bày sản phẩm của Mỹ tại VN như dụng cụ y tế, công nghiệp... Chỉ sau một năm, trung tâm phải đóng cửa vì thất thu do không thể cạnh tranh được với hàng giá rẻ của Trung Quốc, Đài Loan, và cả Hàn Quốc.



Ông Trịnh Việt Trung (người bên phải)
trở về VN từ năm 1994 

Không nản chí, ông Trung tìm hướng đi khác. Với mong muốn kết hợp nguồn tài nguyên nhân lực dồi dào giữa hai nước để hợp tác làm ăn lâu dài, ông đứng ra thành lập Công ty Nhóm tài nguyên VN (Vietnam Resource Group) chuyên về tư vấn thương mại và đầu tư cho các công ty Mỹ nhỏ và vừa muốn tìm hiểu và làm ăn với VN.

Ông Trung cho biết, từ năm 1995 đến năm 2005, công việc của Công ty ông đa phần là giới thiệu các cơ hội cho các công ty Mỹ và cả công ty VN. Một trong những dịch vụ của Công ty là phối hợp với các cơ quan trong nước đưa các đoàn doanh nhân VN đi tham gia Hội chợ và tham quan thị trường Mỹ; đồng thời cũng giúp một số công ty Mỹ về VN thăm dò tình hình, tìm hiểu thêm về khả năng sản xuất và cách thức làm ăn với VN. Sau 10 năm hoạt động, ông Trung không thể nhớ nổi Công ty của mình đã đưa được bao nhiêu đoàn doanh nhân Mỹ sang VN và ngược lại. Chỉ biết ở địa phương nào cũng đều đã có dấu chân của công ty ông với các đoàn doanh nghiệp Mỹ đến tìm hiểu, thăm dò khả năng hợp tác.

Năm 2005, ông Trung quyết định thành lập thêm Phòng Thương mại Mỹ - Việt (UVCC) hoạt động phi lợi nhuận và tình nguyện để tạo ra một mạng lưới các công ty Mỹ và Việt kiều nhằm giúp nhau các thông tin cần thiết trong việc tìm đối tác VN. UVCC - trụ sở tại bang Virginia, hiện có 175 hội viên, có các đầu mối thông tin ở tất cả các thành phố lớn của Mỹ. Ông Trung cho biết, nhiều công ty của Mỹ làm ăn không tốt ở Trung Quốc đang nhắm vào thị trường VN nên ông coi đây là cơ hội để kéo đầu tư của Mỹ vào VN.

* Người ta thường nói rằng Việt kiều đóng một vai trò cầu nối rất quan trọng trong việc đưa hàng VN thâm nhập thị trường nước ngoài; và không chỉ là cầu nối, Việt kiều còn là kênh thông tin, kênh phân phối hàng hoá hữu hiệu… Vậy ông có nhận xét như thế nào về vai trò của Việt kiều trong việc này?

Ông T.V.Trung: Là một người làm việc ở VN trên 10 năm nay, tôi thấy đúng là Việt kiều có vai trò cầu nối. Tuy nhiên, không chỉ giới hạn trong vai trò cầu nối, bởi có những người Việt vì hoàn cảnh sinh sống, vì gia đình, vì đời sống…, họ phải làm ăn ở bên kia, nhưng họ cũng là những người có thể tiêu biểu cho văn hóa VN, cho con người VN tại nước Mỹ. Nếu mỗi người có thể tạo ra một hình ảnh đẹp từ những việc làm của mình, cách sống của mình thì đó cũng là một hình thức đóng góp làm cho quan hệ giữa 2 quốc gia thêm phần tốt đẹp hơn, phát triển hơn.

Thị trường Mỹ gồm rất nhiều các công ty vừa và nhỏ, những công ty này khi vào VN thì họ cũng muốn đi tìm một chiếc cầu nối có đủ khả năng giúp họ hiểu được văn hóa, phong cách làm ăn, cũng như những cơ hội trong tương lai. Khi đó, những Việt kiều có tâm và có khả năng sẽ có thể đóng vai trò đó rất tốt.

* Ông có thể cho biết hiệu quả hoạt động của Phòng Thương mại Mỹ - Việt?

Ông T.V.Trung: Phòng Thương mại Mỹ - Việt của chúng tôi mang tính chất tự nguyện và là của tư nhân, cho nên sinh hoạt của chúng tôi đa phần là trên mạng. Ở mỗi một cơ sở, mỗi thành phố có một chi nhánh. Tháng nào chúng tôi cũng có những buổi giao lưu để cung cấp thông tin cho hội viên mới cũng như cũ. Đó là những sinh hoạt để tạo mạng lưới thông tin thôi, còn chuyện làm được hiệu quả hay không còn qua nhiều bước khác nữa, nhưng ít ra là chúng tôi cũng tạo được những đầu mối để người ta có thể tìm đến mình và mình có thể cung cấp những thông tin cần thiết, cũng như giới thiệu các đối tác VN hoặc các cơ quan liên quan đến thương mại và đầu tư của VN cho họ.

Nhiều người đến với chúng tôi để được cung cấp thông tin. Rồi khi đã bắt mối làm ăn được với VN, họ lại trở thành thành viên tích cực của chúng tôi. Mạng lưới của chúng tôi cứ thế mà được phát triển khá rộng. Hiện nay, trung bình mỗi ngày tôi nhận được 3 đến 5 email của các công ty Mỹ muốn làm ăn với VN.

Quyết tâm và Hành động



Ngày càng nhiều các doanh nghiệp Mỹ tìm cơ hội làm ăn với VN 

Nói về cơ hội làm ăn giữa doanh nghiệp VN và Mỹ, ông Trung say sưa, “Sau khi 2 quốc gia ký kết Hiệp định Thương mại Song phương với nhau, cũng như VN trở thành thành viên của WTO thì vấn đề làm ăn giữa Mỹ và VN ngày càng nhiều thuận lợi. Nếu những năm 1994, 1995 lượng hàng xuất khẩu của VN vào thị trường Mỹ chỉ chừng 400-500 triệu USD/năm thì năm ngoái thương vụ giữa Mỹ và VN đã lên tới gần 10 tỷ USD. Cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay có ảnh hưởng lớn nhưng đó chỉ là nhất thời. Còn tiềm năng là rất lớn và lâu dài. Tôi nghĩ là con số này sẽ còn tăng lên nữa. Đây là cơ hội cho doanh nghiệp cả hai bên”.

* Vậy theo ông, doanh nghiệp VN muốn tham gia xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Mỹ cần có những điều kiện gì?

Ông T.V.Trung: Thị trường Mỹ là một thị trường rất phức tạp và đa dạng. Thực sự mà nói thì loại hàng nào cũng có thể tiêu thụ ở bên đó được. Vấn đề quan trọng là doanh nghiệp VN phải biết thế mạnh và điểm yếu của mình, biết được mặt hàng của mình có thể thâm nhập vào thành phần tiêu thụ nào. Thứ hai là cũng nên hiểu biết về văn hóa Hoa Kỳ. Thứ ba nữa là nên khoanh vùng ra. Nước Mỹ lớn lắm, nhiều khi chỉ làm ăn với một tiểu bang không thôi cũng đã đủ cho doanh nghiệp VN phát triển việc làm ăn kinh doanh ở bên đó, chứ không cần phải vẽ ra cả một đường dây phân phối hàng hóa cho toàn nước Mỹ thì cái đó là quá lớn.

Tôi nghĩ là doanh nghiệp VN có nhiều lợi điểm. Thứ nhất là so với các quốc gia lân bang thì nhân công của mình vẫn rẻ hơn; thứ hai là quyết tâm của VN trong việc thâm nhập thị trường Mỹ. Chỉ có điều, ta phải tìm hiểu thị trường Mỹ nhiều hơn bằng cách là tìm hiểu về văn hóa của họ, bằng cách là có những phương án làm ăn cụ thể và cũng cần có sự hỗ trợ của Thương vụ VN ở Mỹ trong vấn đề góp ý làm ăn. Không phải là sản phẩm nào cũng có thể cạnh tranh ở Mỹ, bởi vì mình là người sinh sau đẻ muộn ở thị trường đó, nhiều quốc gia như Thái Lan, Trung Quốc, Philippine, Ấn Độ… đã làm ăn với Mỹ cả hàng ba, bốn chục năm nay rồi. Cho nên ta phải biết lựa thế, biết tìm cái thị phần nào đó, sản phẩm đặc chủng nào đó mà mình có thể thâm nhập được.

* Với kinh nghiệm hoạt động ở VN, theo ông chúng ta nên làm gì để phát triển hơn nữa quan hệ thương mại giữa 2 bên?

Ông T.V.Trung: Với kinh nghiệm làm việc cụ thể của tôi trong vòng hơn 10 năm qua thì tôi quan niệm bây giờ không phải là lúc cổ vũ nữa, mà là lúc ta phải hành động.

Hiện tại, tất cả mọi chuyện, những cái gọi là cơ cấu hạ tầng để 2 quốc gia có thể giao thương với nhau đã xong rồi, vấn đề bây giờ là công ty Mỹ có kế hoạch thế nào trong việc làm ăn với VN hoặc là công ty VN muốn gì ở thị trường Mỹ. VN ngày nay đã trở thành một quốc gia được nhiều công ty Mỹ đánh giá là nguồn sản xuất thứ hai sau Trung Quốc để họ tìm ra những cơ hội mới nên vấn đề bây giờ là hành động.

Vâng. Quyết tâm và Hành động – đó là phương châm mà ông Trung đã áp dụng và đã thành công trong vai trò cầu nối của mình cho các doanh nghiệp Mỹ và Việt Nam. Đó cũng là lời khuyên ông dành cho các doanh nghiệp VN đã, đang và sẽ tham gia vào quan hệ thương mại Việt - Mỹ để phát triển chính mình và góp phần phát triển kinh tế đất nước.

Thanh Mai


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu