A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cội nguồn của phát triển là nhân lực

Định cư tại Canada từ năm 1987, trở lại Việt Nam vào những năm 1992 để tìm kiếm cơ hội làm ăn với thị trường trong nước, trải biết bao thăng trầm trên nghiệp kinh doanh, đến nay ông Nguyễn Hoài Bắc là một trong những doanh nhân Việt kiều được nhìn nhận là thành công.



Ông Nguyễn Hoài Bắc (bên trái) giới thiệu với ông Trương Vĩnh Trọng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ (thứ 2 từ bên trái) về việc thi công xây dựng Trường nghề Việt Nam - Canada 

Với hơn 12 năm chính thức đầu tư, hiện tại ông là chủ của Công ty TNHH Home Deco Canada (chuyên về sản xuất chăn, ga, gối, đệm), và là cổ đông lớn của 5 công ty: Công ty cổ phần Phát triển & Đầu tư Đại Sơn (Trung tâm Thương mại, biệt thự sinh thái, Nhà máy Sản xuất Nước tinh khiết...); Trường nghề Việt Nam – Canada (dạy nghề phục vụ cho các công ty trong nước và xuất khẩu lao động); Trường THPT dân lập Marie Curie Hà Nội; Công ty cổ phần IQLinks (liên doanh với EVN, Qualcomm Hoa Kỳ, Ubiquam Hàn Quốc chuyên sản xuất thiết bị đầu cuối phục vụ cho viễn thông và ngành điện); Công ty cổ phần Cao su Hòa Lâm (trồng và khai thác chế biến mủ cao su).
Phóng viên báo Quê Hương đã có cuộc trò chuyện và trao đổi với ông.

PV: Đã nhiều lần ông trả lời phỏng vấn báo chí Việt Nam và nước ngoài về những công việc kinh doanh của mình trong thời gian qua, xin ông cho biết nhận định của mình tại thời điểm này về kinh tế Việt Nam?

NHB: Là một Việt kiều về làm ăn tại Việt Nam đã lâu, cũng trải nghiệm nhiều thăng trầm của bản thân nói riêng và công việc làm ăn nói chung, tôi nhận thấy thời kỳ hiện nay (2008 -2010) là giai đoạn khó khăn về phát triển kinh tế của Việt Nam và hầu hết các nước trên thế giới, khi nền kinh tế suy thoái và khủng khoảng sâu rộng trên mọi lĩnh vực của các cường quốc trên thế giới. Việt Nam chúng ta không tránh khỏi tác động của nó khi các nguồn vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp chảy vào Việt Nam tương đối mạnh, nhưng việc giải ngân để thực hiện các dự án này sẽ có vấn đề khi các tập đoàn, các công ty mẹ tại nước ngoài suy thoái và có khả năng phá sản, họ phải đối đầu với chính sự sống còn của bản thân thì có muốn đầu tư ra nước ngoài e rằng lực bất tòng tâm. Tổng vốn đầu tư FDI lớn nhưng không giải ngân được thì trở thành bức ảnh ảo, nếu Chính phủ không điều tiết chuẩn mực sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong công tác dự báo và bình ổn an sinh trong xã hội.



Mô hình Trường nghề Việt Nam - Canada 

PV: Thành lập và phát triển một công ty đã khó khăn vất vả, với ông phải lo lắng cho nhiều công ty như vậy vẫn trụ vững và phát triển, đâu là bí quyết, ông có thể chia sẻ cùng bạn đọc?

NHB: Khi một số người đánh giá tôi là người thành đạt, thực lòng mà nói tôi cũng ngượng lắm, bởi vì những Công ty của riêng gia đình tôi thì chỉ tầm bé và nhỏ, còn lại những Công ty tôi tham gia góp vốn thì cổ phần tôi nắm giữ cũng rất khiêm tốn. Các lĩnh vực đầu tư của tôi, nhìn bề ngoài thì cảm nhận là dàn trải có thể dẫn tới rủi ro. Nhưng thực tế tôi lại cảm nhận được an toàn vì các Công ty này đều là nhà máy, hãng xưởng trực tiếp tham gia sản xuất, tạo công ăn việc làm cho người lao động, tuy rằng lãi suất nhỏ nhưng có độ bền vững cao. Trong lúc nền kinh tế khó khăn, những Công ty này của tôi sẽ tương hỗ cho nhau tạo thành thế chân vạc để duy trì và cùng phát triển.



Trường nghề Việt Nam - Canada 

PV: Được biết ông đầu tư rất lớn vào Trường nghề Việt Nam – Canada và Trường THPT Dân lập Marie Curie Hà Nội, đây có phải là bước chuyển hướng mới của ông không?

NHB: Những năm tháng dài đã đi qua cuộc đời tôi, cái tuổi ngoài ngũ tuần như tôi mới nhận thấy và ngộ ra rằng con đường học tập và đào tạo tay nghề quả thực là quan trọng nhất cho một cuộc đời. Bản thân tôi đã ít học nên khi gặp những tình huống khó khăn, với vốn hiểu biết hạn chế của mình để xử lý, giải quyết công việc thật là vất vả. Khi tôi ở Canada đi làm hãng xưởng, nhà hàng…, tôi đã nhận ra điều quan trọng nhất là phải hiểu biết việc mình làm và có tay nghề. Bên đó họ không khoe mình có bằng cấp, học vị cao… mà chỉ tự hào là mình có việc làm ổn định, thu nhập cao. Thực tế an sinh xã hội của Canada là một trong những nước cao nhất của nhóm G7 và thế giới bởi vì họ biết cội nguồn để phát triển đất nước là nhân lực, cần đủ người hiểu việc và làm được việc chứ không cần nhiều người mà không làm được việc. Từ thực tế cuộc sống và những suy nghĩ của mình nên tôi đã tập trung vào lĩnh vực giáo dục và đào tạo các công nhân có tay nghề, với tiêu chí mỗi học viên khi ra trường đều có việc làm ổn định. Khi mỗi gia đình và nhiều gia đình yên tâm về cuộc sống, mặc nhiên xã hội tốt đẹp, Chính phủ sẽ bớt đi nỗi lo từng bữa ăn cho các gia đình nghèo khó để tập trung vào các việc quốc gia đại sự.

PV: Khi nào trường của ông đi vào hoạt động?

NHB: Trường THPT Dân lập Marie Curie đã hoạt động được 16 năm do thầy Nguyễn Xuân Khang sáng lập và là Hiệu trưởng. Trường này đã được kiểm định bằng thời gian và chất lượng của học sinh sau khi tốt nghiệp. Tôi chỉ là người đầu tư một phần với hy vọng mang thêm làn gió mới để thúc đẩy và phát triển phù hợp với xu thế hiện nay của thế giới và Việt Nam.

Tôi là nhà đầu tư chủ đạo của Trường nghề Việt Nam – Canada. Theo dự kiến Trường sẽ tổ chức khánh thành vào ngày 14/2/2009, đi vào khai thác sử dụng trong Quí 1 năm 2009. Tôi hy vọng và mong muốn nơi đây sẽ trở thành nơi đến của những bạn trẻ yêu lao động, muốn tìm cho mình một nghề phù hợp với khả năng và sau khi ra trường có việc làm tốt. Ước mơ nhỏ bé của tôi là được kết nối khoảng giữa của xã hội là tạo nguồn nhân lực.

PV: Xin cảm ơn ông.

Phương Thuận


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu