A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Những trí thức Việt kiều khao khát được đóng góp cho quê hương

Trong số hơn 3 triệu người VN sinh sống định cư ở nước ngoài, có khoảng 300.000 người có học vị cao, có kiến thức sâu rộng về các lĩnh vực khoa học, công nghệ, quản lý kinh tế... Nhiều người trong số đó có vị trí quan trọng trong các viện nghiên cứu, trường đại học, bệnh viện, công ty… của các nước và các tổ chức quốc tế. Tuy sống và làm việc ở các nước có trình độ phát triển cao, chịu ảnh hưởng về nhận thức, tư duy, lối sống khác với trong nước, nhưng cũng như bà con kiều bào ta nói chung, đại bộ phận trí thức kiều bào vẫn nặng lòng hướng về quê hương mong muốn có cơ hội tham gia đóng góp vào công cuộc xây dựng, phát triển đất nước. Nhiều người sẵn sàng về nước làm việc dù điều kiện làm việc và thu nhập ở trong nước không bằng ở nước ngoài.

Mọi nẻo đường đều dẫn về… Việt Nam



Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh tặng quà cho
TS Lê Quốc Sính và TS Nguyễn Văn Sơn

Tiến sĩ Lê Quốc Sính - Giám đốc khoa học và Giám đốc điều hành của Viện Nghiên cứu Khoa học Quốc gia tiểu bang Québec, Canada (INRS) là một người như vậy.

Tốt nghiệp Đại học Sherbrooke, Canada với chuyên ngành cơ khí, rồi học lên Thạc sỹ và Tiến sỹ khoa học, Lê Quốc Sính đã trải qua rất nhiều nghề. Năm 1974, khi Canada tiến hành chiến lược sản xuất điện từ năng lượng hạt nhân, anh đã tham gia trong những nhóm đầu tiên. Anh có 22 năm tham gia giảng dạy về cơ khí và tự động hóa tại Đại học Bách khoa Montreal, Canada (từ 1978 – 2000). Tuy sống và làm việc ở Canada nhưng TS Sính vẫn luôn đau đáu hướng về quê hương. Anh tâm sự: Tôi luôn muốn được về hợp tác với trong nước, được đóng góp một phần nhỏ bé của mình vào sự nghiệp phát triển đất nước, vì thế tôi đã hợp tác với Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng để đào tạo một số giáo sư cho trường (từ 1995 đến 1999). Từ năm 2002 đến nay, tôi hợp tác với Viện Khoa học Công nghệ Quốc gia tại Hà Nội trong các lĩnh vực môi trường và sinh học và cùng phối hợp đào tạo một số nghiên cứu sinh của Viện.



KS Đỗ Bá Phước (thứ ba từ trái sang) tại buổi
Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh tiếp Đoàn đại biểu kiều bào

Sang Mỹ du học từ năm 1965, “Hiệp sĩ Công nghệ Thông tin” Đỗ Bá Phước (danh hiệu được Tạp chí CNTT E-chip tặng năm 2003) đã sớm tham gia vào các phong trào yêu nước. Dù sống xa đất nước, anh và gia đình vẫn luôn có sự liên hệ mật thiết với quê hương. Anh là người có đóng góp rất lớn trong việc chuẩn hóa ngôn ngữ Việt Nam trong máy tính. Từng có thời gian dài làm việc tại Thung lũng Silicon, nhưng từ năm 2007, anh về làm việc cho PSD - một công ty chuyên về tư vấn và phát triển phần mềm có trụ sở tại TPHCM với mong muốn “làm cho công ty thành công, đồng thời đóng góp cho công cuộc phát triển của VN nhất là trong lĩnh vực CNTT”. Con trai cả của anh vừa tốt nghiệp đại học ở Mỹ cũng tình nguyện trở về giảng dạy tiếng Anh tại trường Đại học An Giang ở Thành phố Long Xuyên.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Sơn hiện làm việc cho Công ty IBM. Anh đã có hơn 100 bằng sáng chế tại Mỹ, giành được 12 giải thưởng của IBM về thành tựu phát minh. Luôn trăn trở và mong muốn được đóng góp cho đất nước, nên ngay từ những năm đầu sang Mỹ, TS. Nguyễn Văn Sơn đã làm việc cho Cơ quan Hợp tác Khoa học Việt Mỹ - một tổ chức phi lợi nhuận do các giáo sư Mỹ thành lập. Nhiều dự án hợp tác khoa học và học bổng dành cho sinh viên VN đã sớm bắt nguồn từ tổ chức này. Ngay từ năm 1982, TS. Nguyễn Văn Sơn đã trở về VN và hợp tác chặt chẽ với Trung tâm Nghiên cứu Khoa học tại Nghĩa Đô, Hà Nội. Anh đã từng phỏng vấn và đưa hàng trăm sinh viên VN sang Mỹ du học.

Đóng góp chất xám xây dựng đất nước



TS Lê Quốc Sính (thứ hai từ trái sang) tại Phủ Chủ tịch

TS Lê Quốc Sính cho biết, hàng năm đều có cán bộ của Viện Khoa học Công nghệ Quốc gia sang INRS làm Tiến sĩ về nhiều ngành như Khoa học môi trường, Khoa học công nghệ sinh học, Khoa học công nghệ vật liệu và y học...

Với dự án “Quản lý tổng hợp lưu vực sông Cầu”, INRS đang hợp tác với Viện Công nghệ Môi trường, thuộc Viện Khoa học Công nghệ Quốc gia VN làm sạch con sông Cầu. Dự án này được Canada tài trợ 1 triệu USD và kéo dài 5 năm, đã bắt đầu được hơn 1 năm. Dự án cũng giúp các cán bộ VN tiếp cận với những công nghệ tiên tiến nhất trong việc sạch hóa sông ngòi. Đây cũng là dự án mở đầu cho những dự án tiếp theo được áp dụng với những con sông khác ở VN như sông Đồng Nai.

Nhiều lần về hợp tác với trong nước, nhận thấy cần phải có sự kết nối tốt hơn giữa trong và ngoài nước, TS Sính và một nhóm các nhà khoa học Việt kiều đang vận động thành lập một mạng lưới giáo dục và khoa học liên kết Canada và VN với mong muốn giúp đỡ các bạn trẻ có nguyện vọng du học. Mạng lưới này đã khởi động từ tháng 5/2008 và dự kiến sau 1 năm sẽ chính thức ra mắt. Hiện tại, trang web của mạng lưới đang được xây dựng để làm diễn đàn trao đổi thông tin liên lạc. Chẳng hạn, những nơi có nhu cầu ở VN cần chuyên gia nước ngoài có thể vào trang web này tìm kiếm thông tin cũng như liên lạc với bên có thể đáp ứng nhu cầu. Trên đó sẽ liệt kê danh sách các lĩnh vực có thể hợp tác và các thông tin về chuyên gia, nhà khoa học nước ngoài có thể sang VN hợp tác, làm việc. Trước mắt, mạng lưới chỉ hoạt động về giáo dục và sau đó sẽ kết nối sang các lĩnh vực khoa học, kinh tế, thương mại…

Ngay từ những năm 90 của thế kỷ trước, khi máy tính bắt đầu phổ biến khắp thế giới, Việt Nam đã nhận thấy nhu cầu phải chuẩn hóa chữ Việt trên máy tính, vì với 5 bộ chữ viết chính là chữ La tinh, Hán Nôm, Kh'me, Thái và Chăm, chúng ta gặp khó khăn lớn trong vấn đề trao đổi thông tin. “Trong thời đại cần trao đổi thông tin lẫn nhau mà có nhiều bộ mã như vậy thì dẫn đến vấn đề trao đổi thông tin không được, và như vậy sẽ làm cản trở sự phát triển CNTT ở VN.” – KS Đỗ Bá Phước cho biết. Chính vì vậy, từ năm 1991, anh đã nỗ lực tham gia vào việc đưa các bộ chữ đó vào bộ chữ chuẩn quốc tế Unicode. Nói thì đơn giản vậy, nhưng công việc hoàn toàn không giản đơn chút nào. “Tôi về nước từ sớm nên hiểu được nhu cầu của trong nước cần giúp đỡ trong vấn đề chuẩn hóa trong CNTT. Tôi nghiên cứu và phát hiện ra khi đưa bộ chữ quốc ngữ vào chuẩn quốc tế đã gặp một số sai sót. Từ đó tôi tìm cách giải quyết vấn đề dứt điểm một lần, khi đưa một chữ nào vào chuẩn quốc tế ta phải rất thận trọng vì một chữ đã đưa vào rồi thì không thể rút ra được, cho nên nếu thiếu thì là vấn đề mà dư thì cũng là vấn đề rất lớn, mình phải làm việc rất kỹ.”

Với các giải pháp kỹ thuật hiện đại, KS Phước đã cùng với các đồng nghiệp trong và ngoài nước lần lượt đưa được chữ quốc ngữ, rồi chữ Nôm vào chuẩn Unicode, tiếp đến sẽ là chữ Chăm và chữ Thái Việt Nam. “Tuy vẫn còn những thách thức lớn để tận dụng tiến bộ công nghệ vào đời sống văn hoá, kinh tế, và xã hội Việt Nam, nhưng giờ thì bất kỳ máy tính nào trên thế giới đều có thể xử lý được chữ Việt rất thuận tiện” – KS Phước nói giọng đầy tự hào.

Ngoài lĩnh vực CNTT, KS Đỗ Bá Phước còn quan tâm đến vấn đề nhân đạo và giúp đỡ phát triển bền vững ở VN, cụ thể qua các chương trình đào tạo. Vợ chồng anh đều là những thành viên tích cực của Liên hội Các tổ chức Phi chính phủ Việt Mỹ (Vietnamese-American NGO Network) với hàng loạt các dự án và hoạt động nhân đạo tại VN.

Được mời giảng về công nghệ nano cho các trường đại học VN, nên hàng năm, TS Nguyễn Văn Sơn đều thu xếp về nước khoảng 2-3 lần. Hiện nay, anh đang hợp tác với trường Đại học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội và làm cố vấn trong thời gian 5 năm với Đại học Trà Vinh, là một trong những thành viên tham gia vào chương trình đào tạo ngành Công nghệ kỹ thuật hóa học của trường.

Tại Đại học Trà Vinh, TS Nguyễn Văn Sơn đã có nhiều buổi giới thiệu và trao đổi với giáo viên và sinh viên của trường về ngành công nghệ kỹ thuật hóa học chuyên ngành chất dẻo linh hoạt và vật liệu Nano, mô tả về tính chất, ứng dụng của Nano trong thực tế và tương lai. Đặc biệt là định hướng đào tạo chuyên ngành này tại trường Đại học Trà Vinh.

Tiềm năng của trí thức NVNONN là rất lớn, đây là một nguồn lực quan trọng đối với sự phát triển của VN trong giai đoạn hội nhập quốc tế. Chỉ cần có những chính sách đúng đắn tận dụng và phát huy được nguồn lực này thì chắc chắn rằng, trí thức NVNONN sẽ có những đóng góp chất lượng và xứng đáng cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam.

Phương Thuận – Mai Chi


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu