A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cô gái Việt hướng về quê mẹ

Mỗi việc làm, mỗi quyết định của Aymi Trần Vân Ngọc đều liên quan đến Việt Nam, mảnh đất mà cô sống xa từ nhỏ nhưng luôn nghĩ mình thuộc về nơi ấy.

Vân Ngọc với mẹ và bạn 

Aymi Trần Vân Ngọc từ trên lầu chạy xuống, một con mèo cũng chạy theo thỏ thẻ meo meo. Trong một lần đi trên phố dừng chân mua trái cây, cô thấy con mèo đi lòng vòng ngoao ngoao không biết vì buồn hay vì đói, thấy thương nên vuốt ve nó. Bà bán hàng liền nói: "Cô mang nó về nuôi đi, ở với cô nó sẽ sướng hơn".

Về nhà, cô đặt cho nó cái tên Mau Mau vì ngày xưa ông ngoại cô cũng có một con mèo tên như thế. Cô mua cho nó một cái dây đeo cổ màu hồng có gắn chữ “M” đính bằng hạt pha lê. Mau Mau và cô chủ thân thiết như hình với bóng.

Vân Ngọc rất xúc động khi kể lại những lần đi ra đường thấy người ta có hành vi không tốt với thú vật, hay khi xem tivi, đọc báo thấy những người kinh doanh giết hổ, gấu, nai… Những chuyện ấy cô thường tâm sự với  bạn trai của mình là anh Nemanja Vucicevic. Tình cờ trong một lần đọc báo được biết có cuộc thi “Thiết kế mẫu quảng cáo trên báo in” do WWF Greater Mekong và TRAFFIC Đông Nam Á tổ chức, thế là đôi bạn cùng bắt tay vào thiết kế hình ảnh tham dự.

2 mẫu thiết kế 2 con thú bị bịt mắt để bức tử đã gây được xúc động mạnh mẽ với người xem về hành động săn bắt và giết mổ động vật hoang dã một cách vô tội vạ. Ban giám khảo đã trao cả hai giải nhất cho Aymi Trần Vân Ngọc và đồng tác giả Nemanja Vucicevic. Nhận được giấy báo, Vân Ngọc từ Anh quốc trở về nhận giải. Niềm vui lớn nhất với Vân Ngọc là những người xem tranh đã hiểu được những điều cô và Nemaja Vucievic muốn nói. Vân Ngọc cũng rất hạnh phúc vì có cả mẹ cô là bà Nguyễn Thị Hoài Thu – Giám đốc Trung tâm Vinaphunu ở Berlin cũng về Việt Nam để cùng có mặt trong lễ trao giải.

Từ bé Amy Trần đã theo gia đình sang Đức sống. Vốn thông minh lại yêu nghệ thuật nên cô ham học múa, hát, học vẽ tranh sơn dầu, tranh lụa và còn tự tìm chất liệu sẵn có ở Đức để làm tranh sơn mài. Cô cũng đọc nhiều sách như thói quen của mẹ. Là thành viên nhỏ nhất trong gia đình, nhưng ý kiến nào của cô cũng lập luận ngược xuôi, và thường thuyết phục được mọi người.

Tuổi thơ sống trên đất Đức, tiếp xúc với bạn đồng tuổi, có những bạn người Việt không nói được tiếng Việt, Aymi Trần nghĩ cách tổ chức một nhóm dạy múa, hát để các bạn thường xuyên gặp nhau chuyện trò bằng tiếng Việt, hiểu về văn hóa nghệ thuật Việt Nam hơn, sẽ thêm tự hào về quê hương mình và bạn bè Đức cũng yêu mến mình hơn.

Năm 2004, Berlin tổ chức một vũ hội hóa trang rất lớn với rất nhiều đoàn nghệ thuật nước ngoài tham gia. Aymi Trần đã kết hợp hai điệu múa Chiều lên bản Thượng và bài Đá đơm bông thành một điệu múa có những đường nét múa hiện đại dựa trên cơ sở nghệ thuật dân gian. Các "diễn viên" nhỏ tuổi người Việt (nhiều em còn chưa sõi tiếng Việt) với trang phục áo lửng, quấn xà rông, mang những dải lụa hoa văn. Từ nơi tập trung, các đoàn múa đi bộ khoảng 10 km mới qua nơi Ban giám khảo, sau đó mỗi đoàn chỉ được dừng lại múa đúng 60 giây. Aymi Trần đã chọn những đường nét độc đáo nhất, làm sao qua âm nhạc và điệu múa chinh phục được Ban giám khảo và công chúng. Cuối cùng nhóm Việt Nam đã đoạt giải nhất. Sau lần ấy, đội múa tiếp tục được thành phố Berlin mời đi biểu diễn ở Tòa thị chính Đỏ, trong Hội thảo về vùng sông nước Đồng bằng Sông Cửu Long và ở quảng trường Alexander...

Tốt nghiệp phổ thông, Aymi Trần vào học tại khoa Đông Nam Á của trường Đại học Humbold. Sau khi học ở đó 3 năm cô chuyển sang học thiết kế truyền thông vì từ bé Amy vốn đã đam mê sáng tạo nghệ thuật. Học xong, việc đầu tiên cô nghĩ là về thăm quê hương. Xa quê cha đất tổ từ thủa ấu thơ nên cô quyết định làm việc tại Việt Nam để hiểu về văn hóa của dân tộc mình hơn, vì điều này sẽ giúp cô rất nhiều trong ý tưởng sáng tạo trong nghệ thuật theo phong cách phương Đông.

Cô đã làm việc ở Công ty quảng cáo của Mỹ Saatchi & Saatchi, rồi dạy tiếng Đức ở Trung tâm tiếng Đức. Nhưng vì vẫn muốn học thêm về thiết kế nên Aymi Trần lại sang London học tiếp thiết kế truyền thông. Học và ứng dụng là cách mà Aymi Trần Vân Ngọc luôn thử sức mình để tạo cho mình một phong cách sống theo kịp với sự phát triển của thời đại./.

Nguyễn Thị Ngọc Trâm/ VOV 


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu