A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Mãi không quên những khúc dân ca quê nhà

Tôi gặp chị ngay sau khi chị vừa kết thúc bài dự thi của mình ở Hội thi sơ khảo toàn quốc “Kể chuyện tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” khu vực V. Ngồi bên ngoài Hội trường mà chị vẫn chưa hết bồi hồi. Chị bảo, mình xúc động quá, có những lúc mình như nghẹn lại không nói thành lời, thương Bác vô cùng… Chị đã kể bằng tất cả trái tim, tình thương dành cho Bác. Và tôi cũng không bất ngờ khi đêm bế mạc (11/10) tên chị - Hoàng Lan đã được xướng lên sau cùng. Chị đã giành giải Nhất Hội thi sơ khảo. (Ở Hội thi chung khảo, chị giành được giải Khuyến khích).

Chị Hoàng Lan sinh ra ở thành phố biển Vũng Tàu. Năm 1962 chị cùng gia đình sang Pháp, khi ấy chị mới 12 tuổi. Sau đó chị học hát opera ở trường Đại học đào tạo âm nhạc chuẩn mực của Paris (L’Ecole Normale Superieur de Musique de Paris).

Nghệ sĩ opera Hoàng Lan

“Từ nhỏ trên quê biển Vũng Tàu, những câu hò, điệu lý và những làn điệu vọng cổ đã át đi tiếng sóng biển rì rào, đưa tôi vào giấc ngủ hồn nhiên. Khi lớn lên, tôi lại thay mẹ ru các em mình với những bài ru con, những câu hát miền sông nước Nam bộ đã thấm sâu vào tâm trí tôi”, chị tâm sự. Có lẽ lời ca tiếng hát được nghe từ lúc nhỏ đã đưa chị vào con đường ca nhạc và trở thành nghệ sĩ hát opera.
 
Năm 1971, Nghệ sĩ Hoàng Lan là hội viên Hội người Việt Nam tại Pháp. Chị cho biết: Ở nước Pháp xa xôi, chị rất tự hào với truyền thống của “Hội người Việt Nam tại Pháp” - Hội đoàn do chính Bác Hồ thành lập từ năm 1918-1919, với tên lúc đó là Hội người An Nam yêu nước. Trong hai cuộc kháng chiến của dân tộc, Hội đã gửi nhiều trí thức kiều bào về quê hương, chung tay xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Hội đã cùng bạn bè quốc tế và nhân dân tiến bộ tại Pháp tổ chức xuống đường phản đối chiến tranh Việt Nam. Hội còn là lực lượng quan trọng hậu thuẫn cho các hoạt động đàm phán của ta tại Hội nghị Fontainebleau (năm 1946) và Hội nghị ký kết Hiệp định Paris (năm 1973). Trong những năm tháng đó, hoạt động văn nghệ của Hội người Việt Nam tại Pháp cũng là một vũ khí sôi động góp phần trên mặt trận ngoại giao, tham gia vào sự nghiệp thống nhất đất nước. Và khi ấy chị thường cùng với các anh chị em trong Hội hát những ca khúc Việt Nam, những bài dân ca, vọng cổ phục vụ cộng đồng người Việt, các bạn bè Pháp và những người bạn quốc tế để họ hiểu hơn về Việt Nam, về văn hóa, văn nghệ Việt Nam. Nghệ sĩ opera Hoàng Lan đã được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen Kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Rồi sau này, chị lại đem những câu hò, điệu lý, những ca khúc Việt Nam ấy biểu diễn trong những ngày lễ lớn của Việt Nam, đặc biệt là Tết cổ truyền tại Paris, và các địa phương như Marseille, Lyon, Bordeaux… để đưa tâm hồn người Việt Nam sống trên đất Pháp về với quê hương, với những kỷ niệm êm đềm nơi chôn nhau cắt rốn.
 
Về dự Hội thi kể chuyện về Bác, chị chọn câu chuyện "Lời Bác dặn trước lúc đi xa" bởi chị đã vô cùng xúc động khi trong những giây phút cuối cùng của cuộc đời, Người muốn nghe lại, muốn đem đến cõi vĩnh hằng những câu hát ví dặm của quê hương. Chị nói: "Người muốn để lại lời nhắn nhủ có giá trị đến ngàn đời: Hãy giữ gìn những làn điệu dân ca, giữ gìn những bản sắc văn hoá của dân tộc".
 
Nghệ sĩ opera Hoàng Lan cho biết chị đang học thêm sáng tác, và chắc chắn chị sẽ viết một liên khúc về Bác Hồ với những tình cảm dạt dào yêu thương luôn thẳm sâu trong trái tim chị. Tháng Tư vừa rồi chị có về Hà Nội và chị đã vào viếng lăng Bác hai lần. Chị kể lại rằng khi ấy chị ao ước được vào Lăng viếng Bác, khi viếng Bác trở về chị lại muốn được vào thêm lần nữa để được ngắm Bác kỹ hơn. Và hôm sau chị thực hiện ước muốn của mình. “Bác Hồ sống mãi trong trái tim tôi”, chị nói trong niềm xúc động.
 
Chị đã có một cuộc hành trình đi theo dấu chân Bác dọc chiều dài đất nước. Chị đã đi tham quan khu di tích Pắc Bó, Cao Bằng - di tích lịch sử gắn liền với chủ tịch Hồ Chí Minh. Đến đây chị như muốn khóc, bởi thấy Bác sống đạm bạc quá. Chị cũng đã tới Côn Đảo, thăm mộ chị Võ Thị Sáu, người cùng quê hương Vũng Tàu mà chị rất kính trọng và yêu quý. Chị rất thích hát ca khúc Biết ơn chị Võ Thị Sáu với những cảm xúc từ lời bài hát, từ hình ảnh người con gái Đất Đỏ kiên trung luôn làm chị bồi hồi xúc động.
 
Và chính những con người của lịch sử, những con người sống mãi với Tổ quốc đã cho chị những tình cảm chân thành, thực của lòng mình qua những câu hò, làn điệu dân ca sâu lắng của quê hương gửi tới cộng đồng người Việt ở Pháp và bè bạn quốc tế.
 
Chị đã nói lên từ trong sâu thẳm lòng mình:
 
“Được cùng các anh, chị và các em thiếu nhi cất lên tiếng hát Việt Nam, được thưởng thức các điệu múa dân tộc nơi đất khách quê người, phải chăng đây là niềm hạnh phúc, là ngọn lửa sưởi ấm chúng tôi và cộng đồng người Việt trong những ngày Đông giá buốt.
 
Có gì hơn khi các bản hợp xướng của Việt Nam tổ quốc ta, của Trường ca sông Lô hay Người Hà Nội vang lên trong các đêm Tết mừng Xuân mới với các lĩnh xướng và gần 100 người trên sân khấu đã làm cho hơn 1000 trái tim Việt Nam trong khán đài cùng chung một nhịp đập, cùng nhớ về quê Cha đất Tổ để rồi như một sợi dây vô hình đã liên kết chúng tôi với đất nước Việt Nam.
 
Chính đời sống văn hoá, văn nghệ của tôi và các bạn bè trong suốt những năm tháng đó thật vô cùng đa dạng và sôi động, vì vậy tôi như chưa bao giờ xa cách quê hương, cũng chính điều đó giúp tôi tự hào là người Việt Nam, ý thức được thế nào là con dân nước Việt.
 
Hôm nay, đứng trong lòng thủ đô Hà Nội, tôi lại nhớ đến những buổi sinh hoạt tại Paris trong những ngày kỷ niệm sinh nhật Bác, kỷ niệm Quốc khánh, bà con, cô chú tập hợp tại trụ sở Hội Người Việt Nam tại Pháp, nơi luôn có ảnh Bác Hồ được đặt ở vị trí trang trọng nhất, để thắp những nén nhang trên bàn thờ Bác, để hát những bài ca ngợi đất nước, quê hương, ca ngợi Bác Hồ.
 
Ngày đó luôn là ngày hội đầy ý nghĩa của chúng tôi, những người xa quê. Các cô, chú có người sang Pháp từ rất lâu, nay sức khoẻ yếu đi, đôi khi còn bệnh tật, những vẫn nhờ con cháu đưa đến họp mặt.
 
Cùng với tôi, còn có những bác tuổi ngoài 70, mặc dù giọng ca không chuyên, không điêu luyện nhưng vẫn say sưa gửi gắm qua lời ca tình yêu sâu đậm với quê hương”.

 
Nghệ sĩ opera Hoàng Lan đã gần 40 năm đem giọng ca tiếng hát của mình gắn liền với những điệu dân ca của quê hương. Mãi mãi trong trái tim mình, chị luôn tâm niệm, dù đi đâu, về đâu cũng không quên những khúc dân ca quê nhà, phải giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc Việt Nam.

 Phương Thuận


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu