A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Người “mắc nợ” quê hương

Hơn 30 năm bôn ba nơi xứ người, tiến sĩ kinh tế học Đỗ Đức Tính (định cư tại Slovakia) vẫn đau đáu một nỗi niềm quê nhà với những dự định trở về. Thế rồi ông đã trở về để mở phòng khám chữa bệnh từ thiện.


 Ông Tính (bên phải) tranh thủ trao đổi với
các bác sĩ về tình hình bệnh nhân

Người con tha hương quyết định: “Phải về thôi. Về trả nợ nơi đã sinh ra, nuôi lớn và ươm mầm những khát vọng tuổi trẻ của mình”. Và ông về thật, về ngay với một phòng khám đặc biệt: khám bệnh miễn phí định kỳ, đi khám bệnh từ thiện, bệnh nhân có tiền hay không tiền đều như nhau.

Những bệnh nhân đặc biệt

Đi lại như con thoi trong và ngoài nước để biến những ấp ủ với quê hương thành hiện thực, ông Tính còn rất ít thời gian cho gia đình. Ông nói giản dị: “Vì điều kiện học hành, công tác nên vợ con tôi vẫn ở Slovakia, lâu lâu mới về thăm được một lần. Tuy vậy, công việc bận rộn và rất nhiều việc đang cần làm nên phải nén nỗi nhớ gia đình lại”. Tuy bận rộn, ông Tính vẫn tham gia Trung tâm Tư vấn hỗ trợ người Việt tại Slovakia, nơi đã bao năm ông gắn bó với tất cả tâm huyết hướng về VN và đồng bào.

Từ rất lâu, hình ảnh người đàn ông quá ngũ tuần với hàm răng đã “vơi” quá nửa ngồi vạ vật trên hè phố Vương Thừa Vũ (Hà Nội) đã quen thuộc với rất nhiều người dân trên phố. Ai hỏi ông chỉ nói: đi kiếm việc làm, không xin ăn. Với hình dáng tiều tụy như vậy, ông chẳng được ai thuê mướn bao giờ.

Gặp ông già khi ông đang sưng mặt vì bị đau răng, ông Tính mời ông vào phòng khám. Sau khi được khám chữa bệnh miễn phí, ông già ngậm ngùi: “Tôi đi kiếm việc làm nhưng chắc do răng lợi rụng gần hết, hom hem quá, người ta không thuê nên tôi không có tiền”. Trăn trở mấy hôm, ông Tính quyết định làm răng cho ông già. Ông Tính kể: “Mất mấy hôm hình ảnh ông già cứ ở trong tâm trí tôi. Không có việc làm ông ấy sẽ sống bằng  gì?”.

Thế là ông Tính lại ra phố tìm đưa ông già về phòng khám, cả nhóm nha sĩ xúm tay trồng cho ông những chiếc răng đẹp đẽ. Ông già trông trẻ ra vài tuổi, không tin vào mình trong gương hay không tin vào câu chuyện “cổ tích” giữa đời thường. Chị Quỳnh, bán hàng trên phố, chia sẻ: “Rất lâu không ai quan tâm đến ông già, tội nghiệp lắm. Thấy ông ấy được chữa bệnh lại được trồng răng, bà con ai cũng vui. Giờ ông ấy thi thoảng có người thuê trông xe hay làm việc vặt”.

Phòng khám tư nhân Y Đức (74 phố Vương Thừa Vũ) của ông Tính vẫn thường có những bệnh nhân đặc biệt như thế. Vào những ngày khám chữa bệnh miễn phí, số bà con nghèo đến càng đông. Nhân viên y tế phải chạy như con thoi để giải quyết cho hơn 200 người được khám và tặng thuốc miễn phí. Bà Mai Thị Cẩm Tú, giám đốc điều hành, cho biết: “Mỗi năm ít nhất hai lần (vào 27-2 và 27-7), chúng tôi tổ chức khám chữa bệnh miễn phí có thông báo và phát tờ rơi rộng rãi để bà con biết. Ông Tính bảo ở nước ngoài khám sức khỏe định kỳ là việc quen thuộc, đằng này bà con ta cứ phát bệnh mới đi chữa, nhiều khi quá muộn”.

Quyết định từ một lần vào viện

Trời chiều đã chạng vạng, sau rất nhiều cuộc điện thoại, ông Tính mới có chút thời gian thư thả để chia sẻ câu chuyện mà năm lần bảy lượt ông từ chối. “Mấy năm trước bố tôi đau nặng, tôi bay vội về Bệnh viện Huế để chăm sóc bố. Suốt những ngày đó, tôi chứng kiến cảnh bệnh nhân phải ghép giường vì quá tải, người nhà vạ vật nơi vườn hoa, ghế đá, hành lang. Dù bệnh viện, nhân viên y tế đã gắng hết sức song họ cũng không thể làm gì hơn khi bệnh nhân cứ ùn ùn kéo đến mà điều kiện cơ sở vật chất lại có hạn”.

Trở về Slovakia, ông quyết định sẽ về nước hoạt động trong lĩnh vực  y tế hầu góp chút công sức nhỏ giảm tải cho ngành y tế trong nước. Quyết định đó diễn ra khá nhanh và liều vì ông là tiến sĩ kinh tế học, không có kiến thức về y khoa. Tuy vậy, quyết là làm, ông bay về VN nhiều lần, nhờ vả người quen chỉ dẫn tới các lương y và học hỏi, tìm hiểu. Sau sáu tháng, phòng khám ra đời.

Để thực hiện mong muốn ai có bệnh cũng được khám chữa, ông Tính suy đi tính lại rất kỹ. Làm thế nào để nhân viên y tế của phòng khám đồng lòng đặt lợi ích của bệnh nhân lên trên hết, không đặt lợi nhuận làm trọng. Như vậy sẽ có khám chữa miễn phí, sẽ có mức lương không cao, sẽ có đi vùng sâu vùng xa nghèo khó để làm từ thiện… Con đường cuối cùng cũng được mở ra. Ông Tính nhờ bạn bè, người quen tìm đến những y bác sĩ đã về hưu, những cử nhân y chưa có việc làm, mời họ làm việc cùng, thuyết phục họ về việc ông đang ấp ủ và làm để họ đồng tâm hiệp lực với ông.

Công việc phòng khám dần đi vào ổn định, ông Tính cùng những người bạn là người Việt ở Hungary lại ấp ủ một công việc mới. Ông Tường (Việt kiều Hungary) kể: “Ngay khi về nước, anh Tính đã đi rất nhiều để tìm hiểu về ngành y tế trong nước và nhận thấy ngành điều dưỡng ở VN chưa được phát triển nên có tâm sự với tôi”. Ông Tường và ông Tính quyết định bỏ tiền túi về Hải Phòng bàn bạc với ĐH Y Hải Phòng, liên hệ với Trường ĐH Điều dưỡng hàng đầu của Hungary, rồi tổ chức hội thảo làm cầu nối… Ông Tính phấn khởi: “Tới đây sẽ có hợp tác đào tạo cụ thể giữa hai trường. Không lâu nữa VN sẽ có những điều dưỡng viên có bằng cấp của EU”.

Giúp cả doanh nghiệp

Đi nhiều, ước ao làm được nhiều việc nên ông Tính đã trở thành ân nhân của rất nhiều người. Năm 1996, khi đi thăm làng gốm sứ Bát Tràng, tình cờ ông được biết các cơ sở sản xuất ở đây phải xuất hàng cho đầu mối ở Đài Loan, sau đó họ đóng gói, dán mác lại và đưa đi tiêu thụ ở thị trường khác. Ông Tính quyết định tìm mối hàng cho Công ty sứ Quang Vinh tại thị trường châu Âu. Nhờ sự giúp đỡ của  ông, sứ Quang Vinh đã có mặt tại Cộng hòa Czech với chính thương hiệu của mình. Sau chuyến thâm nhập đầu tiên thành công vào Czech của Quang Vinh, hàng trăm doanh nghiệp gốm sứ Bát Tràng đã có mặt ở Czech và Slovakia.

Ông Sơn, phó chủ tịch Hội Doanh nghiệp VN - Hungary, cho biết: “Không chỉ là người đầu tiên đưa gốm sứ VN sang CH Czech, ông Tính còn tham gia hỗ trợ rất nhiều người Việt sống ở Đông Âu chuyển sang kinh doanh, làm ăn ổn định ở Tây Âu. Nhiều khi mê mải với việc làm cầu nối cho người Việt, ông Tính không còn thời gian lo cho công việc của cá nhân mình nữa”.

Ông Nguyễn Minh Tâm, định cư ở  Ba Lan, chia sẻ: “Từ những năm 1990, anh Tính đã tự nguyện  làm tại Trung tâm Tư vấn và hỗ trợ người Việt ở Slovakia. Rất nhiều doanh nghiệp trong nước đã được hỗ trợ sang thị trường mới, doanh nghiệp nước ngoài được hỗ trợ về VN. Khi về VN, cảm kích tấm lòng của anh với đất nước, chúng tôi cùng xúm vào giúp anh một tay”.

Chia tay, ông Tính phấn khởi thông báo: “Chúng tôi vừa làm việc với Trường ĐH Y tế cộng đồng Budapest (Hungary) và đã xin được 50 suất học bổng (5.000 euro/suất) cho sinh viên y, bác sĩ trẻ của VN không có tiền sang học ở bên đó. Sự hỗ trợ này sẽ được diễn ra liên tục và thường xuyên”. Ông trầm ngâm: “Mong sao nền y tế của nước ta sẽ phát triển hơn nữa để sức khỏe của đồng bào được chăm sóc tốt nhất. Từ cái trước mắt như giảm quá tải tại bệnh viện đến lâu dài như cải thiện chất lượng đội ngũ lương y, áp dụng thêm nhiều khoa học công nghệ tiên tiến, điều trị bệnh nan y…”.

(Theo Tuổi Trẻ)


Nguồn:quehuongonline.vn Copy link

Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu