A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sum vầy tết Việt

Năm hết tết đến, từ những chặng bay khác nhau, từ mọi miền xa xứ lạ, người Việt cùng nhau hội ngộ ở quê nhà. Sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) lại chứng kiến những niềm vui sum vầy.


 
Bà Nguyễn Phan Ngọc Kiều (thứ hai từ phải sang), Việt kiều Thụy Sĩ, về quê ăn tết được người thân chào đón tại sân bay Tân Sơn Nhất, TP.HCM chiều 23-1


Giữa đoàn người đang bước ra khỏi sân bay, bà Trần Phương Lan nắm tay đứa con gái và rơm rớm nước mắt nói: “Thế là đã về nhà đó con”. Câu nói đơn giản thôi nhưng với 25 năm xa cách quê hương của bà Lan và lần đầu tiên sau 19 năm chào đời của Alice Trần - con gái bà - mang rất nhiều ý nghĩa. “Cuối cùng tôi cũng đã thực hiện được ước nguyện đưa con gái về thăm quê nhà!” - bà Lan xúc động nói.

Tới “nhà” rồi!

Bà Lan bảo bà thích gọi quê hương bằng một chữ ngắn gọn là “nhà”. Sau chuyến bay dài, hai mẹ con đều thấm mệt nhưng họ rất hào hứng cho đoạn hành trình về tới Nha Trang. “Từ ngày con bé Alice sinh ra đến giờ, ông bà ngoại cứ mong gặp nó!” - bà Lan nắm tay con gái đầy yêu thương.

Nổi bật trong đoàn người lũ lượt ra cổng sân bay, gia đình ông Trịnh Viết Hưng có hơn tám người nô nức trở về quê. Ba ông Hưng năm nay đã 83 tuổi, được ông đẩy xe lăn đi trước. Vợ, con và các cháu đi sau. Vừa thấy ông Hưng và người cha già, một phụ nữ đã ôm chầm khóc nức nở: “Ba ơi! Ba khỏe không ba”.

Ông Hưng cho biết gia đình đã định cư hơn 20 năm ở Canada. Riêng ba ông đã qua sống cùng gia đình gần chục năm. “Chị tôi chắc xúc động quá khi gặp lại ba. Cũng lâu quá rồi mà. Năm nay chắc sẽ thể theo nguyện vọng của ba là để ba sống với chị ở Việt Nam luôn” - ông Hưng chỉ người phụ nữ trên và nói.

Những thành viên còn lại của gia đình thì tíu tít gọi tên nhau. “Đây là bé Lì con cô Ngọc, cháu ngoại tôi đó”, “Đây là bà Năm, chị của ba”... những lời giới thiệu dường như không dứt. Hơn chục năm sống nơi đất khách quê người, ba ông Hưng chỉ mong được sống gần tổ tiên khi về già.

Ở một góc khác tại nhà ga A1, bà Bích Hạnh quê Kiên Giang và chồng người Thụy Sĩ đang lụm cụm với hai đứa con và mớ hành lý. Tám năm ở Thụy Sĩ, đã sáu lần bà dẫn gia đình về nhà ngoại hưởng tết Việt. Chồng bà giờ rất mê tết Việt, cứ gần tết là ông rủ rê thêm bạn bè về Việt Nam ăn tết chung với gia đình. “Bên đó cũng có bánh chưng, cũng tìm mua được kẹo mứt, nhưng vẫn thấy thiếu vắng quê nhà...”.

 Ra mắt tổ tông

Với bà Trần Phương Lan, tết này bà sẽ thực hiện chuyến thăm bà con họ hàng để Alice Trần ra mắt tổ tông. Đó là điều lớn lao nhất mà bà hằng mong mỏi. Sau đó, họ sẽ đi thăm một số chùa ở Việt Nam để con biết rõ hơn về văn hóa Phật giáo Việt Nam, đồng thời đi cúng chùa để tích phước lành.

Ngộ nghĩnh và đơn giản nhất có lẽ là ông Nguyễn Quốc Việt, Việt kiều ở California (Hoa Kỳ), mang về nước... năm con chó. Nghe thiệt lạ, nhưng: “Tui mua nhà ở quận 7 rồi, tính ở luôn, không mang mấy cục cưng này về sao được”. Còn lý do sao về ở luôn khi họ hàng, người thân không còn ai ở Việt Nam nữa, với ông Việt chỉ đơn giản là: “Về thấy toàn người Việt, đi ra ngõ được hỏi thăm bằng tiếng mẹ đẻ thấy thoải mái vô cùng”.

Ông Việt cho biết sau tết ông sẽ gửi con về cho ông bà nội nuôi cháu ăn học, còn mình sẽ ở lại Việt Nam luôn. Công việc, nhà cửa đã được ông sắp xếp ổn thỏa. Chín con chó ở Mỹ, ông đã lần lượt đưa chúng về Việt Nam rồi.

Ông Trần Văn Phước, quê Biên Hòa, Đồng Nai, Việt kiều Canada, cho biết đã về Việt Nam đầu tư một số dự án trong mấy năm nay. “Năm nay tôi đưa cả gia đình về quê ăn tết. Vài năm nữa, con cái học xong, tôi sẽ về nước sinh sống luôn cho tiện việc làm ăn” - ông Phước tính toán thế.

Còn bà Bích Hạnh và chồng thì về quê, ra chợ dạo một vòng “nhìn người ta mua sắm thôi cũng đã đủ thấy tết”. Đứa con lớn của bà năm nay đã 5 tuổi, bé chưa biết nói tiếng Việt. Bà Bích Hạnh hi vọng những lần về tết như thế này có thể tạo nền tảng giúp bé học tiếng Việt ở Thụy Sĩ được tốt hơn.

Sân bay Tân Sơn Nhất những ngày giáp tết đông nghẹt. Bí thư chi đoàn hải quan sân bay Đặng Bùi Việt cho biết chi đoàn đã cử 40 đoàn viên thay phiên nhau trực tại cầu thang, băng chuyền hành lý và bàn hướng dẫn làm thủ tục hải quan để giúp đỡ bà con trong những ngày cao điểm. Bà Katthy Nguyễn, Việt kiều Mỹ, sau 15 năm xa quê, không nhớ cả mặt người thân đến đón. Bà nhờ một đoàn viên gọi về Nha Trang hỏi giúp số điện thoại người thân đi đón. Cú điện thoại giúp họ bắt được nhịp cầu sau 15 năm cách biệt. Quê nhà đang tết!

(Theo Tuổi trẻ) 


Nguồn:quehuongonline.vn Copy link

Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu