A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Một số quy định mới của Liên bang Nga về lao động nhập cư ở nước ngoài

Đầu tháng 10/2006, Tổng thống Nga Putin đã chỉ thị cho chính phủ trước ngày 15/11/2006 phải ban hành các quy định để chấn chỉnh lao động nhập cư nước ngoài và lập lại trật tự ở các chợ của Nga. Thực hiện chỉ thị trên của Tổng thống Putin, từ ngày 15/11/2006 đến nay, Thủ tướng Nga và các cơ quan liên quan đã ban hành nhiều văn bản liên quan tới vấn đề trên, đặc biệt là việc hạn chế và sau đó cấm hoàn toàn người nước ngoài bán lẻ ở các chợ và Kiốt của Nga trước ngày 31/12/2007.

Những quy định trên sẽ tác động lớn đến việc làm ăn, sinh sống của cộng đồng ta tại Liên bang Nga. Do vậy, Đại sứ quán xin tóm tắt nội dung chính của một số văn bản sau đây để giúp bà con tham khảo, nắm được những nội dung cơ bản và hướng thực hiện của bạn, từ đó, căn cứ vào hoàn cảnh cụ thể của mình và địa phương mình (nơi mình sinh sống và làm ăn) mà tìm cho bản thân hướng đi thích hợp.

Chính phủ Nga sẽ tiếp tục ban hành các quy định liên quan. Đại sứ quán sẽ tiếp tục theo dõi để thông tin tới bà con.

NGHỊ ĐỊNH CỦA CHÍNH PHỦ LIÊN BANG NGA

Ngày 15 tháng 11 năm 2006 số 683

“Về việc thiết lập hạn ngạch nhân công nước ngoài năm 2007 được các chủ thể kinh tế sử dụng trong lĩnh vực bán lẻ trên lãnh thổ Liên bang Nga”

1) Người nước ngoài không được bán lẻ các loại đồ uống có cồn, bao gồm cả bia (mã 52.25.1) và tân dược (mã 52.31) từ ngày 15/1/2007.

2) Người nước ngoài bán lẻ tại các ki ốt (lều quán) và chợ (mã 52.62) giảm xuống còn 40% tổng số nhân công được các chủ thể kinh tế sử dụng trong giai đoạn từ 15/1/2007 đến 1/4/2007 và 0% trong giai đoạn từ 1/4/2007 đến 31/12/2007.

3) Người nước ngoài tiến hành các loại hình bán lẻ khác ngoài cửa hàng (mã 52.63) giảm xuống còn 40 % tổng số nhân công được các chủ thể kinh tế sử dụng trong giai đoạn từ 15/1/2007 đến 1/4/2007 và 0% trong giai đoạn từ 1/4/2007 đến 31/12/2007.

4) Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày 15/1/2007

Ngoài ra Nghị định còn nêu:

a) Các chủ thể kinh tế (có danh sách quy định) có trách nhiệm thuê số lượng nhân công nước ngoài phù hợp với Nghị định này, tuân thủ các đòi hỏi của luật lao động Liên bang Nga.

b) Bộ y tế và phát triển xã hội Liên bang Nga có trách nhiệm hàng năm vào ngày 15 tháng 11 đệ trình chính phủ đề nghị xác định hạn ngạch nhân công nước ngoài cho năm sau được các chủ thể kinh tế sử dụng trên lãnh thổ Lb Nga trong các lĩnh vực kinh tế khác nhau.

c) Bộ Y tế và Phát triển xã hội có trách nhiệm ban hành Thông tư hướng dẫn về việc áp dụng Nghị định này.

MÃ SỐ CÁC LOẠI HÌNH HOẠT ĐỘNG KINH TẾ

được nhắc đến trong Nghị định của Chính phủ
ngày 15 tháng 11 năm 2006 số 683

(Trích từ bảng phân loại toàn Nga các loại hình hoạt động kinh tế)

52.25.1: bán lẻ các đồ uống có cồn

Bao gồm: Bán lẻ bia, rượu màu, rượu trắng và các loại rượu và đồ uống có cồn khác.

52.31: Bán lẻ các mặt hàng dược phẩm

Bao gồm:

- Sản xuất và bán các loại dược phẩm

- Bán lẻ các loại dược phẩm có sẵn, bao gồm cả các loại thuốc thú y.

52.62: Bán lẻ các loại lều quán và chợ

Bao gồm:

Bán lẻ bất kỳ loại hàng nào (đồ uống, thuốc lá, đồ hộp, bánh mỳ, các mặt hàng không phải là thực phẩm v.v...), thường được thực hiện tại các lều quán di động trên các vị trí có đông người qua lại, dọc các quốc lộ hay tại các địa điểm dành cho buôn bán.

Nhóm này có 2 nhóm con;

52.621: Bán lẻ thông qua các lều quán và ki ốt

52.622: Bán lẻ tại chợ

52.63: Các loại hình bán lẻ khác không thuộc phạm vi cửa hàng

52.630: Các loại hình bán lẻ khác không thuộc phạm vi cửa hàng

Bao gồm:

Bán lẻ bất kỳ mặt hàng nào, được thực hiện dưới bất kỳ hìnhthức nào không được liệt kê trong các nhóm nêu trên: buôn bán qua các máy tự động, mang đến tận tay người mua hay ất kỳ hình thức nào khác.

THÔNG TƯ HƯỚNG DẪN

CỦA BỘ Y TẾ VÀ PHÁT TRIỂN XÃ HỘI LB NGA
VỀ VIỆC ÁP DỤNG NGHỊ ĐỊNH
(ban hành ngày 15/11/2006 số 683) CỦA CHÍNH PHỦ LB NGA LIÊN QUAN ĐẾN LĨNH VỰC BÁN LẺ)

I)Các chủ thể kinh doanh mà Nghị định này áp dụng:

1) cá nhân

2) pháp nhân

3) công dân nước ngoài, đăng ký tại LB Nga là doanh nhân hoạt động kinh doanh không thành lập pháp nhân có sử dụng sức lao động của người nước ngoài trên cơ sở hợp đồng lao động, hợp đồng dân sự đôi bên ký kết nhằm thực hiện công việc hoặc dịch vụ trong lĩnh vực bán lẻ.

4) Nghị định này áp dụng đối với người nước ngoài và người không có quốc tịch đến Nga theo visa hoặc không đòi hỏi visa; không áp dụng đối với người nước ngoài và người không có quốc tịch có giấy phép tạm trú (bà con ta thường gọi là khẩu tạm trú 3 năm) ở Nga và giấy phép cư trú (vit nam jichenstvo).

II) Người nước ngoài bị hạn chế hoặc cấm hoạt động trong các lĩnh vực kinh doanh sau đây:

1) Bán lẻ đồ uống có cồn (bao gồm cả bia) (mã 52.25.01) và sản phẩm tân dược (mã 52.31) ở các chợ, gian hàng, ki ốt, kể cả các đại lý (các sản phẩm tân dược nêu trên còn bao gồm các nguyên liệu điều chế sinh học được thêm vào thức ăn, có chứa chất thuốc, thực vật và động vật): tỷ lệ lao động nước ngoài được phép sử dụng trong lĩnh vực này là 0% trong giai đoạn từ 15/1/2007 đến 31/12/2007.

2) Bán lẻ hàng hoá (mã 52.62) ở các chợ, ki ốt và các địa điểm khác nằm ngoài cửa hàng (mã 52.63), bao gồm bán hàng trên các phương tiện di động (xe chở hàng, xe đẩy, giỏ xách tay...): tỷ lệ lao động nước ngoài được phép sử dụng trong lĩnh vực này là 40% trong giai đoạn từ 15/1/2007 đến 31/3/2007 và 0% từ 1/4/2007 đến 31/12/2007.

3) Người nước ngoài không được phép làm các nghề hoặc chức vụ sau đây trong giai đoạn từ 15/1/2007 đến 31/12/2007.

- Dược sỹ (mã 25850), dược sỹ trung cấp (mã 25851), dược sỹ nội trú (mã 25852), dược sỹ nội trú trung cấp (mã 25853), dược sỹ phân tích (mã 25854), dược sỹ công nghệ (27309), dược sỹ thực tập (mã 5855); dược sỹ (mã 27309), dược sỹ trung cấp (mã 27310), dược sỹ sơ cấp (mã 24237).

- Nghề thủ quỹ, kiểm kê, người bán hàng, cả trong tư cách đại lý buôn bán, đại lý hoa hồng (trong các lĩnh vực bán tân dược, bán đồ uống có cồn, bán lẻ tại chợ, cửa hiệu, ki ốt) tương tự như vậy đối với việc bán lẻ các đồ uống có cồn.

- Nghề thủ quỹ, kiểm kê, người bán hàng, cả trong tư cách đại lý buôn bán, đại lý hoa hồng hàng thực phẩm và phi thực phẩm; kể cả với sự trợ giúp của các phương tiện di động (xe chở hàng, xe lăn...).

III. Người nước ngoài không bị hạn chế hoặc cấm hoạt động trong các lĩnh vực kinh doanh sau đây:

1) Bán các phương tiện giao thông đường bộ (ô tô, xe máy), phụ tùng xe, phụ kiện xe, các bộ phận máy móc và nhiên liệu dành cho các sản phẩm nói trên.

2) Làm tại các nhà hàng ăn uống, quán cafe, quán bar, nhà ăn của các cơ quan, xí nghiệp, phân phối sản phẩm ăn uống, bao gồm cả đồ uống, để sử dụng tại chỗ (trong cơ sở kinh doanh ăn uống) và ngoài cơ sở kinh doanh ăn uống (thí dụ: giao đồ ăn tận nhà, tận các xí nghiệp...)

3) Bán lẻ tại các tổ hợp thương mại và Trung tâm thương mại (trừ chợ có mái che), nếu như các tổ hợp thương mại và Trung tâm thương mại đó có các  toà nhà chuyên dùng để làm nơi bán hàng và dịch vụ cho người tiêu dùng và có những gian buôn bán, gian phụ, gian hành chính và gian để nhận hàng, lưu kho hàng và chuẩn bị hàng để bán.

4) Ngoài ra, Nghị định này không áp dụng đối với người lao động nước ngoài làm tại các cửa hàng bán rộng rãi các loại hàng hoá thực phẩm và phi thực phẩm (bao gồm cả đồ uống có cồn), nếu như những người lao động nước ngoài đó không làm những công việc liên quan đên phục vụ khách hàng (thí dụ: người bán hàng, thu ngân, thủ quỹ).

Các nghề nghiệp và chức vụ mà Nghị định không cấm làm là:

Giám đốc doanh nghiệp buôn bán lẻ (mã 21501); Trưởng phòng kinh doanh (mã 24683); quản trị viên gian hàng buôn bán (mã 24107), trừ gian hàng bán đồ uống có cồn; Chủ nhiệm tổ hợp hàng hoá (mã 22155), người khuân vác (mã 12759); Trưởng phòng makéting (mã 24698); người cân hàng (mã 11422); Người giám sát vận chuyển hàng (mã 27772); thợ cơ điện, điện lạnh (mã 19793); Bảo vệ (mã 18883); Người quét dọn trong nhà (mã 19258), người quét dọn ngoài sân (mã 19262) và một số nghề khác (xin xem thêm văn bản này ở website:www.mzsrr.ru).

IV. Các hợp đồng lao động và thoả ước lao động ký giữa chủ thể kinh doanh và người lao động nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ phải bị huỷ bỏ:

1) Trước ngày 15/1/2007: đối với các lao động nước ngoài vượt quá tỷ lệ cho phép (40%) ở các chợ, ki ốt và ngoài cửa hàng.

2) Đến ngày 15/1/2007: đối với các lao động nước ngoài bán các đồ uống có cồn.

3) Đến ngày 1/4/2007: đối với tất cả lao động nước ngoài trong phạm vi áp dụng của Nghị định này.

V. Chấm dứt hợp đồng lao động:

- Việc chấm dứt hợp đồng lao động với người nước ngoài phải được tiến hành trên cơ sở và thủ tục của luật lao động LB Nga.

- Khi chấm dứt hợp đồng lao động, người sử dụng lao động phải trả cho người lao động những khoản tiền: bồi thường những ngày nghỉ phép chưa sử dụng, lương ngoài giờ, ngày nghỉ và ngày lễ, phụ cấp làm việc vượt quá tổng thời gian quy định và những khoản bồi thường khác vào ngày chấm dứt hợp đồng lao động....

QUY ĐỊNH VỀ HẠN NGẠCH
TIẾP NHẬN LAO ĐỘNG NƯỚC NGOÀI TRONG NĂM 2007

(Ban hành ngày 15 tháng 11 năm 2006)

Đối với các nước phải có visa gồm cả Gruzia và Turmenia là 308.842 người.

Đối với các nước không phải visa (chủ yếu là các nước SNG) là 6 triệu người.


QUY ĐỊNH

Cấp giấy phép lao động tại LB Nga đối với các công dân nước ngoài.

(Ban hành ngày 15/11/2006)

Trình tự cấp giấy phép lao động tại LB Nga cho các công dân nước ngoài thuộc diện đòi hỏi có thị thực.

Giấy phép lao động là văn bản chứng minh quyền được lao động tạm thời tại LB Nga của công dân nước ngoài vào Nga theo diện đòi hỏi có thị thực.
Giấy phép lao động được cấp bởi cơ quan nhập cư Liên bang.
Để nhận giấy phép lao động. Người nộp đơn cần trình cơ quan nhập cư LB đơn theo mẫu của Cục nhập cư LB bao gồm:
a) Ảnh chân dung của công dân nước ngoài kích thước 30 x 40mm.

b) Bản sao giấy tờ về trình độ chuyên môn, nghề nghiệp của người làm việc được cấp tại nước ngoài hay Giấy chứng nhận bằng, chứng chỉ do nước Nga cấp về trình độ chuyên môn;

c) Giấy chứng nhận đã nộp lệ phí Liên bang cho việc cấp Giấy phép lao động.

4. khi gửi đơn, người nộp đơn cần giấy tờ chứng minh cá nhân của mình cũng như của nhân công nước ngoài (bản sao) có thời hạn không ít hơn 6 tháng kể từ thời điểm gửi đơn.

5. Bản sao các giấy tờ gốc được cấp tại một quốc gia khác cần hợp thức hoá tại các cơ quan lãnh sự Lb Nga ở nước ngoài, nếu như không có quy định khác được xác định bằng thoả thuận quốc tế.

Những giấy tờ được lập bằng tiếng nước ngoài cần kèm theo bản dịch sang tiếng Nga có công chứng. Bản sao giấy tờ khi không trình bản gốc cũng cần được công chứng.

6. Việc kiểm tra tính đúng đắn khi khai báo và tính đầy đủ của giấy tờ sẽ được thực hiện khi tiếp nhận hồ sơ. Việc kiểm tra cũng như xác minh chữ ký của người nộp đơn được thể hiệnbằng chữ ký của người có thẩm quyền của cơ quan nhập cư LB.

7. Người có thẩm quyền của Cơ quan nhập cư LB nhập đơn vào sổ và đánh số, cấp cho người gửi bản sao đơn có ghi ngày tiếp nhận.

8. Cơ quan nhập cư LB thực hiện việc kiểm tra khai báo được ghi trong đơn và các giấy tờ đệ trình khác, dựa theo kết quả kiểm tra để đưa ra quyết định về việc cấp hay không Giấy phép lao động.

Mỗi đơn sẽ có một quyết định riêng.

9. Việc cấp giấy phép lao động được tiến hành trong khuôn khổ hạn ngạch cấp phép vào Nga làm việc cho công dân nước ngoài do chính phủ LB Nga xác định hàng năm.

10. Quyết định cấp giấy phép lao động được Cơ quan nhập cư LB thực hiện trong vòng 30 ngày kể từ thời điểm nhận đơn và các giấy tờ được ghi ở mục 17. Trong trường hợp cần tiến hành giám định giấy tờ. Quyết định cấp phép được đưa ra trong vòng 15 ngày sau khi nhận được kết luận giám định, nhưng không quá 45 ngày kể từ ngày nhận đơn.

11. Trong thời hạn 10 ngày kể từ thời điểm đưa ra quyết định, Cơ quan nhập cư LB có trách nhiệm cấp Giấy phép lao động cho người nộp đơn; trong trường hợp từ chối cấp giấy phép lao động - cần thông báo đến người nộp đơn bằng văn bản có ghi rõ nguyên nhân từ chối.

12. Giấy phép lao động được cấp với điều kiện:

a) công dân nước ngoài phải từ 18 tuổi trở lên;

b) việc thuê nhân công nước ngoài của Chủ thuê nhân công phải theo đúng hợp đồng lao động hay thoả thuận thực hiện lao động trong khuôn khổ số lượng được cấp phép;

c) không có những số liệu thiếu xác thực và sai lệch trong đơn xin cấp Giấy phép lao động cũng như các giấy tờ đệ trình khác.

13. Giấy phép lao động được làm bằng mẫu có sẵn dưới dạng thẻ nhựa có nhiều lớp bảo vệ tránh việc làm giả.

Mẫu giấy phép lao động là tài liệu được quản lý chặt chẽ, được xác định bởi cục nhập cư liên bang.

14. Giấy phép lao động được ký bởi người có thẩm quyền, người lãnh đạo có thẩm quyền của cơ quan nhập cư LB cấp phép có đóng dấu của tổ chức này.

15. Giấy phép lao động của nhân công nước ngoài được giao cho chủ thuê nhân công.

16. Khi nhận giấy phép lao động cấp cho nhân công nước ngoài, chủ thuê nhân công cần trình giấy chứng nhận sức khoẻ của nhân công nước ngoài, chứng nhận về việc người này không nghiện ma tuý và không mắc một trong những bệnh truyền nhiễm gây nguy hiểm cho môi trường được xác định trong danh sách do chính phủ  LB Nga xác định: Giấy chứng nhận không bị nhiễm virút HIV/AIDS.

Không xuất trình những giấy tờ này là cơ sở cho việc từ chối cấp Giấy phép lao động.

17. Dưới hình thức ký nhận, Chủ thuê nhân công có trách nhiệm chuyển Giấy phép lao động đến nhân công nước ngoài được cấp phép trước thời hạn làm việc của người này trên lãnh thổ LB Nga.

18. Trong trường hợp mất giấy phép lao động, nhân công nước ngoài cần gửi đơn xin cấp lại giấy phép lao động có ghi rõ hoàn cảnh mất trong thời hạn 10 ngày.

Nộp cùng với đơn này cần có thêm 1 ảnh chân dung trên giấy ảnh không bóng, có kích thước 30 x 40 mm và giấy chứng nhận đã nộp lệ phí quốc gia cho việc cấp giấy phép lao động.

Trong trường hợp này không đòi hỏi phải nộp những giấy tờ khác. Sau khi kiểm tra, trong thời hạn 10 ngày kể từ thời điểm nhận đơn, cơ quan Ngoại kiều cấp lại cho công dân nước ngoài giấy phép lao động dưới hình thức ký nhận.

19. Cơ quan nhập cư đưa ra quyết định huỷ giấy phép lao động đã cấp trong những trường hợp được xác định tại mục 9 điều 18 luật LB.

Ngoài ra, phù hợp với mục 2 điều 32 luật LB, quyết định huỷ giấy phép lao động  cũng được tiến hành trên cơ sở đơn đề nghị của chủ thuê nhân công gửi đến cơ quan nhập cư LB đã cấp giấy phép này.

Cơ quan nhập cư LB trong thời hạn 3 ngày cần thông báo đến công dân nước ngoài về quyết định của mình cũng như cảnh báo về việc cần rời khỏi lãnh thổ liên bang Nga của người này. Giấy phép lao động đã cấp sẽ thu hồi lại.

20. Cơ quan nhập cư LB tiến hành thống kê các giấy phép lao động đã cấp và đã huỷ, báo cáo theo đúng trình tự quy định lên hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký di trú.

21. Công dân nước ngoài đến Nga theo diện có thị thực, sau khi nhận giấy phép lao động, cần làm việc đúng vị trí đã được xác định trong giấy phép.

LUẬT LB NGA VỀ XỬ PHẠT HÀNH CHÍNH

 (đã sửa đổi, bổ sung)

Điều 18.10. Hoạt động lao động bất hợp pháp của người nước ngoài hoặc người không có quốc tịch tại LB Nga

Hoạt động lao động của người nước ngoài hoặc người không có quốc tịch tại LB Nga mà không có giấy phép lao động cần thiết sẽ bị phạt hành chính từ 20 đến 50 lần mức lương tối thiểu, có thể kèm theo trục xuất khỏi lãnh thổ liên bang Nga.

Điều 18.15. thuê trái phép người nước ngoài hoặc người không có quốc tịch lao động tại LB Nga.

1. Nếu người lao động không có giấy phép lao động: Người sử dụng lao động bị phạt hành chính từ 20 đến 50 lần mức lương tối thiểu (đối với cá nhân); từ 250 đến 500 lần mức lương tối thiểu (đối với người có chức vụ); từ 2.500 đến 8000 lần mức lương tối thiểu (đối với pháp nhân); hoặc phải ngừng hoạt động trong thời hạn tối đa 90 ngày.

2. Nếu người sử dụng lao động không có giấy phép thu hút lao động là người nước ngoài hoặc người không có quốc tịch: bị phạt hành chính từ 20 đến 50 lần mức lương tối thiểu (đối với cá nhân); từ 250 đến 500 lần mức lương tối thiểu (đối với người có chức vụ); từ 2.500 đến 8000 lần mức lương tối thiểu (đối với pháp nhân); hoặc phải ngừng hoạt động trong thời hạn tối đa 90 ngày.

3. Trong trường hợp người sử dụng lao động không trình báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra và giám sát về nhập cư, cơ quan có thẩm quyền về việc làm của nhân dân hoặc cơ quan thuế về việc sử dụng lao động nước ngoài hoặc không có quốc tịch, người sử dụng lao động sẽ bị phạt hành chính từ 20 đến 50 lần mức lương tối thiểu (đối với cá nhân); từ 250 đến 500 lần mức lương tối thiểu (đối với người có chức vụ); từ 2.500 lần đến 8.000 lần mức lương tối thiểu (đối với pháp nhân); hoặc phải ngừng hoạt động trong thời hạn tối đa 90 ngày.

(mục 3 của điều này có hiệu lực từ ngày 15/01/2007)

Chú thích:

Sử dụng lao động nước ngoài hoặc người không quốc tịch tại LB Nga: có nghĩa là cho phép người nước ngoài hoặc người không có quốc tịch thực hiện công việc, dịch vụ dưới mọi hình thức.
Trong trường hợp sử dụng lao động bất hợp pháp tại LB Nga người nước ngoài và (hoặc) người không có quốc tịch: trách nhiệm hành chính và mức phạt được áp dụng tăng lên nhiều lần (tương ứng với số người được sử dụng trái phép).
Điều 18.16. Vi phạm quy định về sử dụng người nước ngoài và người không có quốc tịch lao động tại các địa điểm buôn bán (bao gồm cả các trung tâm thương mại).

1. Cá nhân hoạt động kinh doanh không thành lập pháp nhân, doanh nghiệp, pháp nhân, chi nhánh hoặc đại diện, lãnh đạo pháp nhân quản lý địa điểm buôn bán (bao gồm cả Trung tâm thương mại hoặc cá nhân hoạt động kinh doanh không thành lập pháp nhân doanh nghiệp, pháp nhân, chi nhánh hoặc đại diện, lãnh đạo pháp nhân cung cấp chỗ buôn bán, sản xuất, kho hàng hoặc loại gian hàng khác trên địa phận các địa điếm buôn bán (bao gồm các Trung tâm thương mại) cho công dân nước ngoài hoặc người không có quốc tịch được sử dụng lao động trái phép; hoặc cấp phép thực hiện công việc cho công dân nước ngoài hoặc người không có quốc tịch được sử dụng lao động trái phép: bị phạt hành chính từ 450 đến 500 lần mức lương tối thiểu đối với người có chức vụ từ 3.500 đến 8000 lần mức lương tối thiểu hoặc buộc ngừng hoạt động đến 90 ngày (Đối với người hoạt động kinh doanh không thành lập pháp nhân), từ 4.500 đến 8.000 lần mức lương tối thiểu hoặc buộc ngừng hoạt động đến 90 ngày (đối với pháp nhân).

2. Cá nhân hoạt động kinh doanh không thành lập pháp nhân, doanh nghiệp, pháp nhân, chi nhánh hoặc đại diện, lãnh đạo pháp nhân quản lý địa điểm buôn bán (bao gồm cả trung tâm thương mại) hoặc cá nhân hoạt động kinh doanh không thành lập pháp nhân, doanh nghiệp, pháp nhân, chi nhánh hoặc đại diện, lãnh đạo pháp nhân cung cấp chỗ buôn bán, sản xuất, kho hàng hoặc loại gian phòng khác trên địa phận các địa  điểm buôn bán (bao gồm cả các trung tâm thương mại cho cá nhân hoạt động kinh doanh không thành lập pháp nhân hoặc pháp nhân khác không có giấy phép sử dụng lao động nước ngoài nhưng trên thực tế có sử dụng lao động nước ngoài, hoặc sử dụng lao động nước ngoài không có giấy phép lao động: bị phạt hành chính từ 450 đến 500 lần mức lương tối thiểu (đối với người có chức vụ), từ 3.500 đến 8.000 lần mức lương tối thiểu hoặc buộc ngừng hoạt động đến 90 ngày (đối với người hoạt động kinh doanh không thành lập pháp nhân), từ 4.500 đến 8000 lần mức lương tối thiểu hoặc buộc ngừng hoạt động đến 90 ngày (đối với pháp nhân).

Điều 18.17. Không chấp hành các quy định của luật LB đối với người nước ngoài, người không có quốc tịch và tổ chức nước ngoài về hạn chế thực hiện một số hoạt động nhất định

1. Người sử dụng lao động không chấp hành các quy định của luật Liên bang đối với người nước ngoài, người không có quốc tịch và tổ chức nước ngoài về hạn chế thực hiện một số hoạt động nhất định: bị phạt hành chính từ 20 đến 40 lần mức lương tối thiểu (đối với công dân), từ 450 đến 500 lần mức lương tối thiếu (đối với người có chức vụ), từ 8.000 đến 10.000 lần mức lương tối thiểu hoặc buộc ngừng hoạt động đến 90 ngày (đối với pháp nhân).

2. Người nước ngoài hoặc người không có quốc tịch không chấp hành các quy định của luật Liên bang đối với người nước ngoài, người không có quốc tịch và tổ chức nước ngoài về hạn chế thực hiện một số hoạt động nhất định: bị phạt hành chính từ 20 đến 50 lần mức lương tối thiểu, có thể kèm theo trục xuất khỏi lãnh thổ Liên bang Nga.

3. Pháp nhân nước ngoài, chi nhánh hay đại diện của pháp nhân nước ngoài không chấp hành các quy định của luật Liên bang đối với người nước ngoài, người không có quốc tịch và tổ chức nước ngoài về hạn chế thực hiện một số hoạt động nhất định: bị phạt hành chính từ 8000 đến 10.000 lần mức lương tối thiểu hoặc buộc ngừng hoạt động đến 90 ngày.

LUẬT LIÊN BANG
VỀ TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC CHỢ BÁN LẺ

(Hiện Quốc hội đang thảo luận để thông qua)

Sau đây xin cung cấp một số nội dung chính của Dự thảo luật này để mọi người tham khảo:

- Điều 1: Đối tượng điều chỉnh của Luật: đó là các quan hệ liên quan tới việc tổ chức hoạt động về bán hàng hoá, thực hiện các công việc, cung ứng dịch vụ cho những người tiêu dùng tại các chợ bán lẻ, trình tự tổ chức, chức năng của các chợ bán lẻ, quyền và nghĩa vụ của công ty quản lý chợ, của những người thuê chỗ bán hàng và những người bán hàng với mục đích chấn chỉnh các hoạt động buôn bán tại các chợ bán lẻ.

- Điều 3: nói về các khái niệm cơ bản được sử dụng trong luật này. Các khái niệm đó là ''chợ bán lẻ'', các loại chợ, ''chỗ buôn bán'', ''công ty quản lý chợ'', ''người thuê chỗ buôn bán”, ''người bán hàng", ''thẻ của người bán hàng'', ''hộ chiếu an ninh'',"người sản xuất hàng hóa trong nước'', ''bản đăng ký những người bán hàng”.

-  Điều 4 : Tổ chức hoạt động bán hàng, làm thuê, dịch vụ ở chợ.

- Điều 5: Quy định về đăng ký người bán hàng

Sau đây là một số điều khoản:

1. Công ty quản lý chợ thực hiện việc lập và duy trì danh sách người bán hàng. Trong danh sách nêu rõ thông tin người bán hàng khi ký hợp đồng và theo quy định của điều 7 khoản 3 và điều 8 khoản1 của Luật này.

2. Công ty quản lý chợ phải đảm bảo đưa người bán hàng vào danh sách một cách kịp thời và chính xác, cũng như cung cấp đầy đủ và chính xác thông tin trong danh sách cho chính quyền khi được yêu cầu.

- Điều 6.  Yêu cầu về địa phận và trang thiết bị tại chợ

- Điều 7. Quy định về việc cung cấp chỗ bán hàng ở chợ

Sau đây là một số điều khoản:

1. Để ký hợp đồng thuê chỗ bán hàng các doanh nghiệp đã đăng ký theo quy định của LB Nga, cũng như nông dân, gửi hoặc trình công ty quản lý chợ đơn xin cung cấp chỗ bán hàng, trong đó nêu rõ:

a) Thời hạn xin được cung cấp chỗ bán hàng và mục đích sử dụng.

b) Đối với pháp nhân: tên đầy đủ và tên gọi tắt (nếu có) và hình thức tổ chức pháp lý của pháp nhân, địa chỉ, số đăng ký thành lập pháp nhân và những giấy tờ chứng minh.

2.Trong trường hợp pháp luật quy định, kèm theo đơn cần có: (1) giấy phép thu hút lao động nước ngoài; (2) giấy phép lao động của người nước ngoài trên lãnh thổ LB Nga và một số giấy tờ khác.

3. Công ty quản lý chợ phải cung cấp số lượng nhất định quầy hàng (chỗ) để bán hàng hoá của các nhà sản xuất trong nước. Số lượng này do chính quyền địa phương quy định, nhưng không được dưới 20% tổng số quầy hàng (tuy nhiên luật không thấy quy định là ai sẽ bán hàng ở các quầy này).

4. Công ty quản lý chợ không có quyền chuyển giao thẩm quyền quản lý chợ và thu tiền cho thuê quầy hàng cho các tổ chức khác. Cấm cho thuê lại.

Matxcova, ngày 20/12/2006

 


Tin liên quan

Tin tiêu điểm