A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hồ Phương Dung: Diễn viên nữ xuất sắc nhất tại LHP quốc tế Singapore 2005

Cuối tháng 4 vừa qua, Hồ Phương Dung - nữ diễn viên trong phim Thời xa vắng (đạo diễn Hồ Quang Minh) đã nhận giải Diễn viên nữ xuất sắc nhất tại LHP quốc tế tại Singapore (Singapore International Film Festival)".

Vậy là một diễn viên quốc tịch Thụy Sĩ, chưa một lần biết đến làng quê miền Bắc, đã đoạt giải nhờ vai một phụ nữ nông thôn Việt Nam “chính hiệu” thuở những năm 50.

Với riêng giới báo chí, Hồ Phương Dung dường như là người có "hành tung" rất bí mật. Ngay cả khi vai diễn của Dung trong Thời xa vắng gây xôn xao dư luận thì cũng chẳng báo nào có thể phỏng vấn được cô. Trong những buổi họp báo ra mắt phim, hay tại LHP toàn quốc cuối năm ngoái, cũng chỉ thấy một mình Hồ Quang Minh, hỏi thì đạo diễn Việt kiều này nói: "Biết tính vợ nên chẳng bao giờ ép. Mỗi khi đóng phim của anh, Dung luôn ra điều kiện là chỉ đóng xong phim là thôi, từ chối tất cả mọi cuộc tiếp xúc với đám đông, với báo chí. Dung sống hướng nội, và luôn muốn lùi lại sau những vai diễn, để cho nhân vật sống trong lòng khán giả là đủ".

Đam mê điện ảnh nhưng Dung không bao giờ coi đó là nghề, là sự nghiệp mình theo đuổi. Đóng phim rất ít và chỉ là những phim của chồng (Con thú tật nguyền, Bụi hồng, Trang giấy trắng, Thời xa vắng), nhưng giới trong nghề luôn coi Dung là một diễn viên chuyên nghiệp, dù cô chưa qua bất kỳ một trường lớp đào tạo diễn viên nào. Nơi đào tạo duy nhất là ngay tại phim trường, dưới sự hướng dẫn của Hồ Quang Minh. Khi đó, Dung diễn hết mình, nhập thân tối đa vào nhân vật, xong vai diễn, coi như là xong nhiệm vụ, không bao giờ nói về mình, nói về vai diễn. Diễn xuất dường như là một bản năng bẩm sinh ở Dung, và chỉ khi bấm máy, cô ấy mới để cho bản năng diễn bùng lên, và hầu như Dung chỉ diễn một đúp duy nhất.

Nhân vật Tuyết của Thời xa vắng cũng được Dung ấp ủ từ nhiều năm nay. Trước khi đóng phim, cô đã về quê và sống cạnh vợ của nhà văn Lê Lựu trong thời gian khá dài. Và một người phụ nữ vốn xa Hà Nội từ khi còn rất trẻ, chưa bao giờ biết đến đời sống nông thôn, đã diễn đạt đến mức mà cha đẻ của nhân vật - nhà văn Lê Lựu cảm thấy quá hài lòng. Ngạc nhiên hơn khi biết chính Dung đã tự hóa trang cho mình thành một người phụ nữ nông thôn già ở những cảnh cuối phim. Vậy mà không ít  người tưởng phải có bàn tay của nghệ sĩ hóa trang nước ngoài.

Hai trường đoạn xuất sắc nhất của Thời xa vắng khiến Dung giành được giải Diễn viên xuất sắc nhất chính là khi Tuyết (vợ Sài) lên đơn vị thăm chồng, cô đã nói rất nhiều để mong làm vừa lòng chồng, mong giành được một tình cảm, dù là sự thương xót của chồng. Sài nói: "Cô đừng nói nữa, thà cô câm đi còn hơn". Vậy là Dung đã diễn cái câm lặng đến khốn cùng của một người đàn bà chưa bao giờ được chồng để mắt tới. Khuôn mặt ấy, dưới ánh đèn dầu leo lét đã gây ấn tượng rất mạnh với khán giả. Còn với trường đoạn cuối cùng của phim, trong đám cưới đứa con gái của Sài và Tuyết, khi được gọi ra chụp ảnh, Tuyết cúi mặt với những giọt nước mắt, thợ chụp ảnh bảo: "Ơ, đám cưới sao lại khóc, phải cười lên chứ". Tuyết dần ngẩng mặt lên, và gượng cười, một cái cười như mếu mà không phải là mếu trong ánh chiều tà, cái khóc và cười trong tích tắc ấy chứa đựng tất cả thân phận suốt một đời của người phụ nữ nông thôn. Đây được coi là cảnh diễn độc đáo, xuất sắc nhất của Phương Dung trong Thời xa vắng. "Cảnh diễn này nâng Dung lên một đẳng cấp khác trong diễn xuất" - một nhà biên kịch đã nói về Dung như vậy. Nhà phê bình Ngô Phương Lan cho biết đó cũng chính là lý do khiến ban giám khảo không có bất cứ một băn khoăn nào khi quyết định trao giải Nữ diễn viên xuất sắc nhất cho Dung.

Phạm Ngọc (Thanh niên)

 


Tin liên quan

Tin tiêu điểm