A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phát huy sức mạnh tinh thần dân tộc và lòng yêu nước của mọi người Việt Nam

Từng đi qua hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc và giữ chức vụ lãnh đạo quan trọng của Đảng, Chính phủ, ông Võ Văn Kiệt đã để lại dấu ấn đậm nét trong lòng nhân dân ta.

Vẫn nhạy bén và đầy tâm huyết với vận mệnh đất nước, ông đã có cuộc trò chuyện với phóng viên báo Lao động về một số vấn đề liên quan đến chiến thắng 30/4/1975 của dân tộc ta. Theo ông về những chiến công chói lọi của cả dân tộc thì "nói bao nhiêu cũng không đủ" và cuộc nói chuyện của ông hướng vào những kỷ niệm xúc động, gợi nhớ đến những bài học có mối liên hệ trực tiếp đến những công việc mà chúng ta đang phải gánh vác hôm nay.

Quê Hương xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc một số nội dung của cuộc nói chuyện này.

Về vai trò của giai cấp công nhân, nhân dân lao động trong sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Cựu Thủ tưởng Võ Văn Kiệt đánh giá: Giai cấp công nhân, nhân dân lao động là lực lượng đông đảo nhất và gặp nhiều khó khăn nhất trong chế độ cũ. Đây là tầng lớp quần chúng lao động dễ bị địch "bôi đen", bị bắt đi quân dịch, gây nên bao nỗi đau cho họ. Tầng lớp này cũng là chỗ dựa vững chắc của phong trào đấu tranh ở đô thị. Hồi đó, vùng nông thôn, nhất là vùng giáp ranh với thành phố, là địa bàn hoạt động của Đảng nhằm tạo thế và lực để gây dựng lại phong trào cách mạng đô thị, vốn đã bị địch tập trung đánh phá rất ác liệt; nhiều nơi, cơ sở hầu như bị xoá trắng.

Song, khi đã bám được vào công nhân và nhân dân lao động ở đô thị thì phong trào ngày càng phát triển. Ở đây, tôi thấy cần nhắc lại một bài học mà sau này, khi đã là người cầm quyền, chúng ta lại hay quên: Đó là khi đi vào trong công nhân, vào quần chúng lao động, chúng tôi không bị chi phối bởi lý lịch gia đình hay tôn giáo tín ngưỡng, mà chỉ căn cứ vào hoàn cảnh sống của họ và thái độ của họ đối với đất nước, với cách mạng. Chúng tôi coi vấn đề đấu tranh giành quyền lợi thiết thực hàng ngày của nhân dân đô thị, cũng là đấu tranh cách mạng. Các tổ chức công khai như nghiệp đoàn, công đoàn là nơi tập hợp quần chúng công nhân, có mối gắn bó rất chặt chẽ với công nhân. Cán bộ của Đảng phải tìm cách có mặt hoặc chí ít cũng là gần gũi với các tổ chức đó. Khi nào có được những hạt nhân cách mạng trong các tổ chức nghiệp đoàn, thì khi đó Đảng phát huy được sức mạnh của công nhân hướng vào những mục tiêu cách mạng.

Trong đấu tranh chính trị ở đô thị, cùng với công nhân lao động, vai trò của tầng lớp thanh niên, đặc biệt là học sinh, sinh viên là rất quan trọng, thường có ý nghĩa "châm ngòi" cho phong trào bùng phát. Vai trò của những nhân sĩ, trí thức tiêu biểu có ý nghĩa lớn trong tập hợp lực lượng đấu tranh ở đô thị. Trong đấu tranh giữa cách mạng và phản cách mạng, thường xuất hiện một lực lượng vẫn đứng giữa, trong đó đan xen những hạt nhân cách mạng và phản cách mạng. Vì thế, chủ trương và sách lược của ta là tập hợp cho được một "khuynh hướng chính trị thứ ba" - đó chính là lực lượng thứ ba. Trên tinh thần đó, phải tranh thủ và tổ chức gây dựng cho được "lực lượng thứ ba". Lực lượng này có một ý nghĩa lớn trong phong trào cách mạng ở đô thị, vì nếu lôi kéo được lực lượng thứ ba - lực lượng đang đứng giữa ngả về bên nào, sẽ làm thay đổi tương quan lực lượng giữa cách mạng và phản cách mạng. Trường hợp anh Phạm Ngọc Thảo - một trí thức công giáo dòng, "dân Tây" với danh nghĩa "người quốc gia" đi kháng chiến chống Pháp trở về, được chính đồng chí Lê Duẩn trực tiếp giao nhiệm vụ và chỉ đạo việc tập hợp lực lượng thứ ba trong lòng chế độ Sài Gòn là ví dụ điển hình, mà sau này tôi được giao là người trực tiếp phụ trách từ lúc anh Thảo làm Tỉnh trưởng tỉnh Bến Tre của chính quyền Sài Gòn.

Khi tiếp quản Sài Gòn, nhiệm vụ đặt ra cho bộ phận công vận, Hoa vận huy động công nhân cùng với lực lượng tự vệ xí nghiệp là phải giữ các xí nghiệp còn lại gần như nguyên vẹn, không bị địch phá hoại. Công nhân Sài Gòn đã thực hiện xuất sắc nhiệm vụ cách mạng ấy, bảo vệ được máy móc, nguyên vật liệu của các nhà máy, do đó mà ta có điều kiện để sớm khởi động lại sản xuất ngay sau 30/4/1975. Cần phải thấy cho hết, cho sâu tinh thần yêu nước của công nhân, viên chức Sài Gòn trong những ngày thử thách đó. Phải nói rằng, với ba mươi năm quen cầm súng, hồi đó chúng tôi chưa có nhiều kiến thức và kinh nghiệm quản lý đô thị, quản lý sản xuất và các hoạt động kinh tế ở một thành phố lớn như Sài Gòn. Do đó, nếu không có lòng yêu nước của công nhân, viên chức và bà con cô bác trong mọi tầng lớp nhân dân - thuộc mọi chính kiến, tôn giáo với những hoàn cảnh không ai giống ai nhưng đều có cách thể hiện tấm lòng của mình với đất nước, cộng thêm sự chi viện rất kịp thời của miền Bắc, thì không thể duy trì được sự hoạt động bình thường của một thành phố với hơn mấy triệu dân. Đối với tôi, mãi mãi đó là bài học nằm lòng và kinh nghiệm quý báu nhất, sâu sắc nhất.

Về thời cơ và  vận hội đối với dân tộc, Ông Võ Văn Kiệt cho rằng khó có thể lặp lại một thời cơ lớn, vận hội lớn mà đất nước ta có được như với ngày 30 tháng 4 năm 1975 và mấy năm sau đó. Khi đại quân ta 5 mũi hành quân tiến vào thành phố, kết hợp với lực lượng nội đô và sự vùng dậy của quần chúng cách mạng đô thị, lúc ấy tại Sài Gòn vẫn còn 4,8 vạn binh lính của chế độ cũ với vũ khí trong tay. Tại cửa ngõ thành phố, chiến trận vẫn diễn ra ác liệt, nhiều đồng chí của ta hy sinh ngay tại đây, thế mà khi tung bay cờ giải phóng, Sài Gòn vẫn hầu như còn nguyên vẹn. Đó là một kết thúc chiến tranh thật độc đáo chưa từng có trên thế giới, như lời  Tổng Bí thư Lê Duẩn: "Đây là thắng lợi của cả dân tộc, không của riêng ai".

Phải thông hiểu sâu sắc truyền thống của dân tộc Việt Nam (VN), lòng yêu nước thương nòi trong mỗi trái tim người VN, cho dù sự biểu hiện có thể rất khác nhau với nhiều hoàn cảnh không giống nhau, thì mới đánh giá đúng sự kiện 30 tháng 4 năm 1975.

Mọi người dân thành phố cũng như nhân dân cả nước hừng hực niềm vui chiến thắng, non sông quy về một mối, bè bạn quốc tế gần xa hân hoan chào đón và chia sẻ với chúng ta niềm vui lớn vượt quá sức mong đợi, vị thế của VN chưa bao giờ đạt tới đỉnh cao như vào lúc ấy. Đến thời điểm này, quả thật khi nghĩ lại thấy rằng chúng ta đã chưa tận dụng, khai thác tốt thời cơ một đi khó trở lại. Và thật là xót xa khi nghĩ lại những khó khăn mà đất nước gặp phải khi chúng ta đang ở đỉnh cao của vinh quang vừa giành được. Khó khăn kéo dài thời hậu chiến là tất yếu, nhưng phải thẳng thắn mà nói rằng khó khăn đó cộng với những thiếu sót của chúng ta trong quản lý điều hành đất nước, do chậm đổi mới, khiến cho khó khăn lại càng lớn và kéo dài hơn. Khó khăn của đất nước sau 1975 cùng với hiện tượng ra đi của một số doanh nhân, trí thức và người dân là do hậu quả nặng nề của cuộc bao vây, cấm vận kéo dài, song cũng có thiếu sót chủ quan của chúng ta. Phải thẳng thắn nhìn nhận thì mới có đủ tri thức và bản lĩnh rút ra bài học kinh nghiệm cho công việc đang làm hôm nay. Chúng ta cần ôn lại để tự soi sáng cho mình trong những bước đi sắp tới. Bằng ý thức trách nhiệm với biết bao hy sinh, mất mát không sao kể hết của đồng chí, đồng bào ta và sự giúp đỡ quý báu của bè bạn quốc tế trong cuộc chiến tranh kéo dài ngót một phần ba thế kỷ, chúng ta phải nhìn lại mình, nghiêm khắc với những công việc mà chúng ta đã và đang làm. Theo tôi, đó là cách kỷ niệm ngày lễ trọng đại này một cách có ý nghĩa nhất.

Cần làm sống lại những bài học lịch sử của ông cha đánh giặc giữ nước, nay trao lại cho thế hệ trẻ đang ra sức xây dựng lại đất nước ta "đàng hoàng hơn, to đẹp hơn" - một nhiệm vụ mà trong cách nhìn khác đi, thì sẽ thấy khó khăn hơn rất nhiều. Vì vậy, phải biết tận dụng thời cơ, biết chủ động tạo ra cơ hội mới để đưa đất nước bứt lên. Theo tôi, đó là mong muốn cháy bỏng của mọi người VN đối với đất nước quê hương mình.

Về những bài học kinh nghiệm cần phải có để đưa đất nước tiến lên, theo ông Võ Văn Kiệt,  càng tự hào với những chiến công chói lọi bao nhiêu, chúng ta càng phải tỉnh táo bấy nhiêu với việc lựa chọn bước đi sắp tới - trong một bối cảnh thế giới đã đổi thay rất nhiều, với những biến động mà ta chưa lường hết được. Chúng ta phải đủ nhạy cảm với tình hình như vậy, kịp điều chỉnh và thích ứng với những đổi thay đó. Chỉ khi nào chúng ta thật sự độc lập và sáng tạo trong chủ trương đường lối, luôn luôn biết kiểm chứng qua thực tiễn, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của dân, gắn bó với dân thì lúc đó chúng ta mới giành được thắng lợi. Khi đứng bên bờ vực cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội kéo dài ở nửa thập kỷ 80, chúng ta đã vượt qua vì đã nhận ra được bài học đó. Hôm nay càng phải nhận thức rõ hơn bài học lớn đó.

Đại hội VI của Đảng đánh dấu một bước đột phá trong tư duy lý luận, biết đúc kết những bài học từ hành động cách mạng của quần chúng "bung ra" trong sản xuất, dám tự "xé rào", ở đây là rào cản của những công thức và giáo điều vốn đóng khung những cơ chế đã bị cuộc sống vượt qua, thúc đẩy sự nghiệp Đổi mới tiến tới, tạo ra động lực to lớn đưa đất nước đi lên. Đây chính là bài học về bản lĩnh và trí tuệ của Đảng, biết vực dậy và phát huy tiềm năng vô hạn trong quần chúng nhân dân. Không có một tình huống nào mà không có lối ra. Chỉ cần chúng ta biết thực sự cầu thị, dám vượt qua chính mình, chân thành lắng nghe và trân trọng tiếp thu những tiếng nói trung thực của mọi người VN vốn nặng lòng với đất nước, mở rộng dân chủ để mọi sáng kiến, mọi kế sách tâm huyết đến được với những nơi cần đến, nhất định sự nghiệp của chúng ta sẽ giành được thắng lợi - mà chiến công ngày 30 tháng 4 năm 1975 đã tạo ra một nền tảng cực kỳ vững chắc.

Ông khẳng định, yêu nước có cả trăm hình thức thể hiện. Có một thời kỳ sự hẹp hòi, thành kiến và đố kỵ đã làm tổn thương tình cảm của dân tộc, xa rời truyền thống "thương người như thể thương thân", làm ảnh hưởng không tốt đến tính đồng thuận xã hội. Thay vì phải làm sao giảm bớt nỗi đau của những gia đình VN có người thân bị ép phải cầm súng chống lại cách mạng, vì không thể trốn lính được và đã tử trận, thì cho đến bây giờ vẫn còn nhiều trường hợp bị phân biệt đối xử. Không ai "lựa cửa để sinh ra", nên chúng ta không nên khoét sâu thêm vết thương trong lòng họ. Với những nước từng đưa quân đến xâm lược và đánh thuê trên đất nước ta, chúng ta còn khép lại quá khứ, đưa tay kết bạn, huống chi là người nước mình. Mỗi người dân VN biết lo cho mình, cho gia đình mình và lo cho cái chung, đều là sự đóng góp quý báu cho đất nước.

Ba mươi năm đã trôi qua, chúng ta đã mở rộng vòng tay đón những người VN xa quê hương trở về, thì nay càng phải phát huy truyền thống đã nói trên. Ba mươi năm qua, có những bà mẹ ngày ngày thắp nhang cho những người con của mình - người là chiến sĩ giải phóng đã hy sinh, người là lính của chế độ Sài Gòn đã tử trận. Phải chăng, đã đến lúc chúng ta cần thấu hiểu tâm tình của Người Mẹ VN, cùng thắp một nén nhang cầu cho linh hồn của những người con của mẹ được siêu thoát? Tôi nghĩ rằng làm được điều này sẽ thoả lòng mong ước của biết bao gia đình VN, làm ấm thêm đạo nghĩa "người trong một nước phải thương nhau cùng" vốn thấm sâu trong triết lý nhân ái và khoan dung của ông cha ta.

Ông cũng đề cập đến những vấn đề mà ông quan tâm về Đại hội Đảng lần thứ X tới và có lời nhắn gửi tới công nhân viên chức lao động và tổ chức công đoàn nhân kỷ niệm ngày chiến thắng 30/4 và Quốc tế lao động 1/5.

 


Tin liên quan

Tin tiêu điểm