Tin mới nhất
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thu hút nguồn lực trí thức người Việt Nam ở nước ngoài

Trong những năm qua, cùng với sự phát triển của đất nước, ngày càng có nhiều kiều bào tham gia vào các hoạt động hướng về quê hương. Với vai trò là thành phố đầu tàu của cả nước trong lĩnh vực kinh tế, có tiềm năng to lớn và sự năng động vốn có, TP Hồ Chí Minh luôn là điểm đến cho những người Việt Nam ở nước ngoài có ý định trở về đầu tư.

Việc ngày càng nhiều doanh nhân kiều bào sống và kinh doanh tại TP Hồ Chí Minh, kéo theo lượng kiều hối mỗi năm một tăng, cho thấy các chính sách thu hút đầu tư của Thành phố đã có những bước thành công nhất định.

Một tiềm năng rất lớn nữa của khối người Việt Nam ở nước ngoài là tiềm năng chất xám của lực lượng trí thức, của các chuyên gia, chuyên viên người Việt đang làm việc trong nhiều lĩnh vực tại các nước trên thế giới. Vận động và tận dụng được tiềm năng này sẽ góp phần quan trọng cho sự phát triển của đất nước nói chung và cho TP Hồ Chí Minh nói riêng.

Đã có nhiều trí thức kiều bào về đầu tư hay làm việc tại các khu công nghệ cao của Thành phố, nhiều người tham gia vào hoạt động tại các trường đại học, các viện nghiên cứu… Nhưng đó vẫn chỉ là một lượng rất nhỏ trong cộng đồng trí thức người Việt ở nước ngoài.

Trong hoàn cảnh hiện nay, khả năng và hy vọng mời tất cả giới trí thức, chuyên gia này về Việt Nam sinh sống, làm việc là điều không thể. Bên cạnh những yếu tố khách quan thì cũng có một số yếu tố chủ quan như hạ tầng cơ sở của Thành phố chưa đáp ứng được các điều kiện để họ làm việc. Bên cạnh đó, theo cơ chế hiện hành, Nhà nước cũng không thể trả mức lương tương xứng cho công sức họ bỏ ra. Ngoài ra, những yếu tố như gia đình, con cái, đồng nghiệp… không phải kiều bào nào cũng có thể thu xếp để chuyển về Việt Nam được. Phần đông người Việt Nam ở nước ngoài đều rất mong muốn và sẵn sàng làm những việc có ích cho quê hương, nhưng một số rào cản nhất định lại không cho phép thực hiện. Chính vì vậy để tạo điều kiện cho các trí thức kiều bào có thể đóng góp được cho đất nước và TP Hồ Chí Minh trong khi họ vẫn sinh sống và làm việc ở nước ngoài, chúng ta có thể tham khảo một số giải pháp sau.

Thứ nhất, những trường đại học, các cơ sở nghiên cứu khoa học của Thành phố, thông qua Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, hoặc Ban liên lạc kiều bào của Thành phố, có thể xây dựng các mối liên hệ, hợp tác với các trí thức, chuyên gia người Việt hoạt động trong lĩnh vực tương đương ở nước ngoài và tiến tới có thể xây dựng những sự hợp tác hiệu quả, thực hiện những đề án liên kết nghiên cứu cụ thể với các chuyên gia kiều bào và các tổ chức chuyên nghành ở nước ngoài. Qua đó giới trí thức, chuyên gia người Việt mặc dù sinh sống ở nước ngoài vẫn có thể đóng góp những kiến thức, kinh nghiệm của họ cho sự phát triển khoa học, công nghệ của đất nước.

Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Ban liên lạc kiều bào của TP Hồ Chí Minh có thể triển khai tập hợp các đề tài nghiên cứu khoa học của các đơn vị trong thành phố và gửi cho kiều bào ở nước ngoài thông qua cơ quan ngoại giao hay các kênh liên lạc khác. Trên cơ sở đó những trí thức người Việt đang hoạt động trong phạm vi liên quan sẽ biết và có điều kiện hỗ trợ hay liên kết.

Thứ hai, Thành phố có thể tổ chức lấy ý kiến của giới trí thức, chuyên gia kiều bào ở các nước khác nhau để tập hợp, tìm hiểu kinh nghiệm và kiến nghị gửi lãnh đạo thành phố về các vấn đề cụ thể mà Thành phố đang phải giải quyết. Ví dụ: việc quản lý và thực hiện giám sát môi trường ở các thành phố lớn trên thế giới, các mô hình đào tạo ở các nước khác nhau hay xây dựng thành phố thông minh… Hội nghị kiều bào đóng góp xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh lần này là một minh chứng cho mô hình này. Thành phố có thể tổ chức các hội thảo với quy mô nhỏ hơn, chuyên sâu về một lĩnh vực nào đó để có thể tập trung được ý kiến đóng góp của kiều bào về lĩnh vực đó.

Ngoài ra, Thành phố có thể xây dựng các mạng lưới kiều bào đầu mối tại nước ngoài, từ đó có thể nắm bắt được những thế mạnh của từng nước để tận dụng được những khả năng trong việc phát triển thành phố. Không hẳn chỉ những cường quốc lớn mới có những thế mạnh, mà mỗi nước nhỏ hay yếu thế hơn đều có thế mạnh riêng của mình.

Đơn cử như ở Hungary, nơi tôi sinh sống và làm việc là một nước nhỏ, thuộc khối Đông Âu cũ nên trong TP Hồ Chí Minh rất ít người biết đến. Hungary tuy nhỏ, chỉ 10 triệu dân, ít hơn dân số của TP Hồ Chí Minh nhưng đã có 16 giải thưởng Nobel, tính bình quân số giải thưởng Nobel trên đầu người là đứng đầu thế giới. Trường Đại học Kỹ thuật Budapest có 3 sinh viên đã đoạt giải thưởng Nobel về Vật lý và Hóa học. Hungary cũng là nơi phát minh ra những sản phẩm như Vitamin C, bút bi hay cơ sở cho máy tính. Hiện nay trong lĩnh vực giám sát, quan trắc tự động môi trường không khí, một trong những vấn đề rất cấp thiết của Việt Nam nói chung và của TP Hồ Chí Minh nói riêng, Hungary cũng đang có giải pháp công nghệ với phát minh rất hiện đại và tiên tiến, tiện lợi đồng thời lại tiết kiệm.   

Thứ ba, Thành phố nên xây dựng trang web dành cho kiều bào.

Trang web đó sẽ cung cấp thông tin về các đề tài khoa học mà các đơn vị của Thành phố đang quan tâm để các chuyên gia, trí thức ở nước ngoài có thể cập nhật và đề xuất hỗ trợ, hợp tác.

Trên trang web này, Thành phố cũng có thể tổ chức tham khảo ý kiến và tư vấn kiều bào về một vấn đề cụ thể, hoặc đề nghị kiều bào cung cấp thông tin về vấn đề đó tại nước mà kiều bào sinh sống và làm việc. Tôi nghĩ tất cả kiều bào đều sẵn sàng cung cấp thông tin về nước sở tại của mình. Trên cơ sở đó, Thành phố có thể tham khảo những mô hình đã được thực hiện trên thế giới để tìm giải pháp hợp lý, tiết kiệm được thời gian tự mày mò, thử nghiệm.

Thứ tư, Thành phố nên cung cấp cho kiều bào đầu mối liên lạc trong những trường hợp khi có những ý kiến, ý tưởng, thông tin muốn đóng góp cho sự phát triển của Thành phố.

Nhiều trường hợp kiều bào có những thông tin rất hữu ích nhưng không biết phản ánh ở đâu, cũng có khi trao đổi cho bộ phận nào đó, nhưng lại không có chức năng và thẩm quyền để quyết định đưa ra cách giải quyết vấn đề nên không có tác dụng, dẫn đến việc nhiều kiều bào nản chí không muốn cung cấp thông tin. Nhưng cũng có những trường hợp gặp đúng người, đúng cơ quan có thẩm quyền thì được tận dụng rất tốt. Nhiều chương trình trong lĩnh vực đào tạo, năng lượng... đã được triển khai ở mức hợp tác song phương giữa hai nhà nước Việt Nam và Hungary đều xuất phát khởi điểm là những thông tin do người Việt sống tại Hungary cung cấp.  

*

Khi Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới và khu vực thì càng có nhiều trí thức, nhà khoa học gốc Việt trên thế giới về nước định cư lâu dài và làm việc. Cùng với doanh nhân kiều bào và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài nói chung, các trí thức, nhà khoa học gốc Việt khi về nước làm việc sẽ góp phần gia tăng thêm giá trị kinh tế cho đất nước, góp phần quan trọng trong việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sự tăng trưởng kinh tế. Điều đó cho thấy trí thức kiều bào luôn vững tin vào đường lối đúng đắn, chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước, tích cực tham gia vào công cuộc phát triển kinh tế xã hội của quê hương.

Phan Bích Thiện
Ủy viên UBTW MTTQ Việt Nam
Chủ tịch Quỹ vì quan hệ Hungary - Việt Nam


Các tin khác

Tin tiêu điểm