A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Âm hưởng "Núi rừng Tây Nguyên" vang lên rộn rã giữa trời Âu

Bản độc tấu Guitar "Núi rừng Tây Nguyên" , một trong số tác phẩm hay và độc đáo nhất của một nhạc sĩ châu Á - nhạc sĩ Đặng Ngọc Long - đã vang giữa trời Âu bởi các nghệ sĩ quốc tế, làm ấm lòng người Việt nơi xứ người.

Cuộc thi Guitar quốc tế tại Berlin, CHLB Đức, được tổ chức trong 2 ngày 15 - 16 /10 là một sự kiện hiếm hoi được tổ chức hai năm một lần. Cuộc thi đã thu hút nhiều thí sinh xuất sắc đến từ nhiều dân tộc khác nhau trên thế giới. Cuộc thi này có tầm cỡ đáng kể và ý nghĩa lớn lao trong các sự kiện quan trọng của cộng đồng người Việt tại CHLB Đức.

Đó là một sự kiện văn hóa có một không hai tại một quốc gia đã sản sinh ra những thiên tài âm nhạc của dân tộc Đức và thế giới.

 GS Đặng Ngọc Long trao giải Nhất cho Niklas Johansen (27 tuổi) đến từ Đan Mạch

Các giá trị tinh thần của những nhạc sỹ Việt Nam từ hơn bốn thập niên qua đã chứng minh sự hòa nhập tinh thần và khả năng kỳ diệu đại diện của một nền văn hóa châu Á, được thể hiện bằng đời sống sinh động cụ thể tại các quốc gia đang có những người Việt Nam sinh sống.

Một buổi sáng chủ nhật đẹp trời hơi se lạnh sắp bước vào đông, những chàng trai cô gái trong tà áo dịu dàng, những người yêu mến âm nhạc, sau một tuần lao động vất vả, đang đi về nơi hưởng thụ văn hóa, để bồi bổ cho mình những món ăn tinh thần mà nghệ thuật mang lại.

Trong một khán phòng tương đối lớn trên đại lộ Hoàng tử (Prinzenallee) tại thủ đô Berlin, khi chúng tôi mới bước vào, đã cảm nhận ngay về một không gian âm nhạc, một sự trân trọng của khán giả. Sự nghiêm trang của Ban Giám khảo - những giáo sư, nghệ sỹ tên tuổi - làm cho không gian văn hóa trở nên quý giá lạ thường.

Mọi người hướng lên sân khấu, tập trung chăm chú lắng nghe bản độc tấu Guitar "Núi rừng Tây Nguyên" của nhạc sĩ Đặng Ngọc Long sáng tác. Bản độc tấu về một giai điệu của Việt Nam được trình diễn trên những ngón tay điêu luyện của các nghệ sĩ đến từ khắp nơi trên thế giới. Thật xúc động và tự hào biết bao! Đã từ lâu rồi, chúng tôi mới lại được nghe một âm hưởng quê hương thân quen trên xứ người.

"Nghệ sĩ Đặng Ngọc Long đã chứng minh tài năng của mình bằng những kỹ thuật điêu luyện và cảm xúc tuyệt vời của ông qua các bản nhạc kinh điển đến những điệu nhảy Tây Ban Nha và âm nhạc dân tộc Việt Nam... Người ta có cảm giác như đang đi trên quê hương của ông mặc dù nơi đó cách xa hàng vạn dặm" (FreiePresse).

"Đặng Ngọc Long đã giới thiệu cho khán giả một màn đầy kịch tính như dàn giao hưởng qua sự diễn tấu kỳ tài, một phong cách độc đáo của anh trên cây đàn Guitar..." (Märkische Oderzeitung).

Tây Nguyên là một trong những cái nôi của dân tộc Việt, bởi sự lên núi và xuống biển chính là truyền thuyết Âu cơ hình thành nên dân tộc Việt Nam. Nhưng, các thí sinh quốc tế khác màu mắt, màu da đang mơ màng về những cô gái Tây Nguyên gùi trên vai dịu dàng. Tiếng cồng chiêng của dân tộc Ê Đê, Gia Rai vang lên rộn ràng. Dường như, họ hiểu được âm hưởng tinh thần văn hóa Bách Việt lúa nước trên những đất nước văn minh, hiện đại.

Tiếng kêu của con chim "bắt cô trói cột" không còn ai oán trong đêm tối của một dân tộc bé nhỏ nữa, mà tiếng chim kêu trên phím đàn Guitar hôm nay vang lên rộn rã, lạc quan mời gọi các tâm hồn thánh thiện hướng tới cái đẹp chân-thiện-mỹ.

Tiếng gầm gừ của các thú hoang, tiếng xào xạc của dãy đại ngàn, tiếng chim kêu nước chảy suối reo, đang hiện lên một không gian chân thực, ấm cúng mà lộng lẫy trong khán phòng đêm nay.

Trước khi đăng ký dự thi, các thí sinh nước ngoài đã phải dày công nghiên cứu, tìm tòi, học hỏi và thực tế tại các miền khác nhau trên đất Việt. Nếu không nghiên cứu tỉ mỉ thì họ không thể truyền tải được cái tinh thần sống động của một dân tộc hiếu kỳ ham học. Một miền đất lạ được miêu tả như những hòn ngọc xinh đẹp, rồi mạnh mẽ đầy sức sống của miền hoang dã. Vùng đất ấy đang được mài giũa sáng bóng, xinh đẹp và tỏa hào quang hơn.

Đối với khán giả Đức là sự trải nghiệm và công nhận về một nền văn hóa mới lạ và kỳ diệu. Đối với khán giả Việt Nam là một nền móng hội nhập, với cái nghĩa đúng của nó, của những cộng đồng người Việt nơi đây.

Sự thành công của các thí sinh về những bài dự thi bắt buộc là một minh chứng về trình độ đẳng cấp và tính chuyên nghiệp của Ban tổ chức.

Sự cảm nhận của các thí sinh năm châu bốn biển về một nền văn hóa Việt xa xôi, đã chứng minh rằng: không có nền văn hóa nào xa lạ và âm nhạc là tiếng nói chung của loài người. Thiên tài âm nhạc của Đức, Beethoven đã từng nói “Âm nhạc là sự giác ngộ cao hơn cả triết học và tri thức“.

Sau buổi biểu diễn của các thí sinh đoạt giải, chúng tôi - những khán giả người Việt đã được chứng kiến sự quan trọng của một Chủ tịch Hội đồng giám khảo quốc tế - Người cầm cân nẩy mực cho những tài năng guitar xuất chúng được tỏa sáng trên toàn thế giới. Tiếng "bắt cô trói cột“ của tác phẩm "Núi rừng Tây nguyên“ đã vang lên rộn rã giữa trời Âu như sự cảm ơn chân thành về một người thầy, mà ở nước Đức người ta gọi anh là Professor Long (Giáo sư Đặng Ngọc Long).

Tôi may mắn được quen anh từ những đầu năm 90, nhưng cho đến nay chưa hề nghe anh nói một lời về bản thân, kể cả những khi anh lên biểu diễn trên sân khấu, phải chăng đó cũng là một phong cách văn hóa Bách Việt lúa nước. Sự khiêm tốn chân thực, sự bình dị giản đơn của anh đã vun đắp nên sự thành công lớn lao trong sự nghiệp âm nhạc của mình.

Chúng tôi tự hào về anh: giáo sư - nhạc sĩ Đặng Ngọc Long.

Giáo sư – Nhạc sĩ Đặng Ngọc  Long là người VN đầu tiên đoạt giải Đặc biệt cuộc thi Guitar quốc tế tại Hungary (1987). Ông hiện là Hiệu trưởng Trường Âm nhạc Berlin-Gersundbrunnen; Chủ tịch Hội đồng giám khảo các cuộc thi Guitar Quốc tế từ 2006 đến nay.

Ông đã cho ra nhiều CD, trong đó Album mang tựa đề "Long plays Long" - một Album anh trình tấu các tác phẩm tự sáng tác và chuyển soạn theo trường phái riêng (pha trộn Hiện đại châu âu và giai điệu cổ truyền Việt nam) đã thành công ở châu âu và nhiều nước trên thế giới.

GS Đặng Ngọc Long có nhiều tác phẩm được tuyển chọn làm bài thi trong các cuộc thi quốc tế.

 Hoàng Sơn (CHLB Đức)


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu