A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hà Nội những ngày tháng ấy...

Thời gian cứ thế trôi qua mau, hôm nay, hơn một tháng tôi rời xa Hà Nội sau Khóa Tập huấn giảng dạy Tiếng Việt cho giáo viên Việt Nam ở nước ngoài được tổ chức vào tháng 8 vừa qua.

 Các giáo sinh khóa tập huấn tiếng Việt tham dự giờ học tiếng Việt tại Trưởng Tiểu học Vínchool

Trở về Savannaket (Lào) nơi tôi đang giảng dạy với những cảm xúc vừa như mới hôm qua. Có lẽ, thời tiết vào những tháng này ở đây đang bước vào giai đoạn chuyển mùa.

Trời bắt đầu có những cơn mưa nhỏ làm dịu đi cái nóng oi bức của những ngày cuối mùa hè nơi đây. Cô trò và trò chúng tôi vừa trải qua không khí nhộn nhịp của những ngày tựu trường, những âm thanh rộn ràng và nhộn nhịp của tiếng trống trong dịp Tết Trung thu.

Lúc này đây, lòng tôi lại trào dâng những cảm xúc nhớ lại những ngày tôi cùng các thầy cô tham gia khóa tập huấn tại Hà Nội. Đó là cảm xúc của một người con Việt Nam khi lần đầu tiên được đến thăm Thủ đô với một tâm trạng háo hức, mong chờ và những ngày được ở lại nơi đó luôn mãi là những kỉ niệm đẹp trong lòng tôi.

Hà Nội những ngày tháng ấy trong tôi là cả một bầu trời xanh. Thời tiết những ngày đầu khi tôi mới vừa đến là những ngày nắng dịu. Sau đó là những buổi chiều với những cơn mưa phùn, gió nhẹ và mát, rồi những ngày xuất hiện những trận mưa to như trút nước. Và những ngày sau cùng, khi phải sắp chia tay nơi ấy thì tôi mới cảm nhận được một vẻ đẹp ẩn sau bên trong thời tiết phức tạp ấy là những làn gió se se lạnh, có ai đó đã nói với tôi rằng: “Hà Nội đang vào thời điểm giao mùa đó em.” Và tôi cảm nhận được sắc thu đang len lỏi về trong ngõ hẻm, qua từng con phố, trên những con đường đang hòa mình cùng bầu trời của Thủ đô.

Tôi cảm nhận được nó khi lang thang dạo quanh Hồ Gươm, Hồ Tây, thăm chùa Trấn Quốc… Ngắm mặt nước hồ làm cho tôi cảm nhận được sự nhẹ nhàng và êm dịu của mùa thu như đang bao bọc lấy cả tâm hồn của mình.

Hà Nội những ngày tháng ấy trong tôi là cảm xúc như được quay về với những thời khắc đang ngồi trên ghế nhà trường. Cảm giác về lớp học, có thầy cô, bạn bè, sách vở. Những khoảng thời gian được nghe các thầy, cô giảng bài và những giờ thảo luận sôi nổi. Những ngày học tập đó đã mang lại cho tôi và các thầy cô khác có thêm những kiến thức và kinh nghiệm bổ ích. Và khi trở về lại với công việc giảng dạy hằng ngày của mình, tôi lại có thêm những phương pháp giảng dạy mới và hay.

Có lẽ, từ đây và sau này những giờ học Tiếng Việt của tôi sẽ rất thuận lợi hơn phần nào, khi tôi đã có những tư liệu cụ thể và chân thật hơn trong quá trình được tham gia lớp học. Tôi sẽ tự hào khi cho các em xem những bức ảnh mà tôi chụp được ở Hồ Gươm, đó là hình ảnh Tháp Rùa, cầu Thê Húc, đền Ngọc Sơn… trong giờ dạy về bài tập đọc Hồ Gươm. Tôi sẽ đưa cho các em đến với hình ảnh hàng tre ngà bên Lăng Bác, cây đa Kiên Trì hay cho các em thấy được vẻ đẹp của nắng Ba Đình mùa thu và ngôi nhà sàn đơn sơ của Bác. Tôi sẽ cho các em xem chùa Một Cột, Văn Miếu Quốc Tử Giám, chợ Đồng Xuân,... và đưa các em đi xa hơn Hà Nội một chút, về lại với lịch sử của Cố Đô Hoa Lư, khám phá non nước hữu tình ở Tràng An, hay vẻ đẹp đắm mình trong làn sương khói và trang nghiêm của chùa Bái Đính…

Hà Nội những ngày tháng ấy trong tôi là được thưởng thức những món ăn đặc sản nơi đây. Tôi vẫn còn nhớ và cảm giác được những làn khói nhè nhẹ hắt lên từ món bánh cuốn nóng, được uống ly cà phê sữa đá và ngắm dòng xe cộ đi lại nhộn nhịp trên từng con đường. Tôi nhớ những cây kem Tràng Tiền mát lạnh, mùi thơm nồng của ly nước sấu và vị cay của đĩa hoa quả dầm… Nhớ món bún chả, bún thang, bát phở ngào ngạt mùi thơm… và thứ mà tôi cảm thấy nhớ nhất đó là cốm bởi vì nó đưa tôi đi qua những vùng cảm xúc khác nhau trong buổi học cuối cùng, được cùng nhau thưởng thức “món quà của lúa non”. Tôi nhớ về những khoảnh khắc khi các cô, các chị tách từng mảnh lá sen, chia cho nhau những hạt cốm... Những giây phút đó đối với tôi sao mà thân thương và gần gũi đến nghẹn lòng, làm cho tôi nhớ đến những câu thơ của cô Lan Hương (Đức):

Bốn phương hội tụ về đây
Xa xôi gần lại giữa ngay phố nhà
Tha hương lòng vẫn thiết tha
Câu vần tiếng Việt đậm đà hồn quê.

Hà Nội những ngày tháng ấy trong tôi là những khoảnh khắc được quay về và đắm mình trong dòng chảy của văn học. Đến nơi đây, tôi nhớ lại những trang viết của Nguyễn Tuân đưa tôi về với lịch sử hào hùng của Thủ đô trong Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi, hay nhìn bát phở nghi ngút khói tôi lại nhớ đến Tùy bút “Phở”. Khi ngắm phố phường và thưởng thức đặc sản nơi đây tôi lại nghĩ đến Miếng ngon Hà Nội – Vũ Bằng, đắm chìm trong thời tiết đang giao mùa tôi lại bồi hồi trong dòng suy tưởng về Thương nhớ mười hai của ông. Thưởng thức cốm tôi lại đắm mình trong Một thứ quà của lúa non: Cốm, lang thang trong trên những con phố cổ tôi lại nhớ đến Hà Nội Băm Sáu Phố Phường của nhà văn Thạch Lam. Đi giữa dòng người đông đúc nhưng tôi lại cảm nhận đâu đó những người con mang trong mình vẻ đẹp của Hà Thành cổ xưa mà tôi đã từng đọc trong Một người Hà Nội của Nguyễn Khải. Buổi sớm mùa thu của Thủ đô những ngày ấy đã dâng trào trong tôi những vần thơ Đất Nước- Nguyễn Đình Thi.

Hà Nội những ngày tháng ấy trong tôi rất gần mà cũng rất xa. Nếu có dịp tôi mong mình được quay trở lại đó thêm một lần nữa, vào khoảnh khắc đón nhận mùa thu mới chớm. Tôi tin rằng, mỗi một chúng tôi khi đến tham dự Khóa tập huấn, lúc trở về nơi mình đang sinh sống và công tác, mỗi người điều có thể mang ít hay nhiều cảm xúc về Hà Nội làm hành trang mang đi. Đó chính là những kỉ niệm đẹp với Thủ đô thân yêu- Hà Nội, hai tiếng rất thiêng liêng với nghìn năm văn hiến, là trái tim của dân tộc Việt Nam. Và hơn hết đó là lòng yêu mến Tiếng Việt và tình yêu quê hương, đất nước và lòng tự hào dân tộc của chúng tôi sẽ theo Tiếng Việt truyền đi khắp mọi nơi. Bởi vì:

“Ôi Tiếng Việt, suốt đời tôi mắc nợ
Nỗi quên mình, quên áo mặc cơm ăn.”

(Tiếng Việt- Lưu Quang Vũ)

Phương Anh (Lào)


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu