A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kiều bào thăm Trường Sa: Hành trình giữa màu xanh vô tận của biển-đảo-trời quê hương

Tôi được chọn đại diện cho Hội người Việt Nam tại Pháp trong chuyến đi thăm quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 cùng với gần 80 đại diện kiều bào từ các nước khác như Pháp, Mỹ, Nga, Đan Mạch, Đức, Séc, Campuchia, Hàn Quốc, Singapore... Tôi rất hãnh diện, cảm thấy vô cùng may mắn và xúc động được đi trong chuyến này để có được một hành trình và những trải nghiệm cảm xúc không bao giờ quên được.

8 giờ sáng ngày 18/04/2016, còi tàu vang lên, rẽ sóng rời cảng Cát Lái - Thành phố Hồ Chí Minh, ra khơi, bắt đầu hành trình đi thăm quần đảo Trường Sa.

Gần 2 ngày trên biển lặng và sóng êm, xa xa cụm đá lớn nhô lên như thách thức với sóng gió và biển khơi. Mặt trời mọc rất sớm, chân trời ửng hồng và đỏ rực nhuộm cả những cụm mây lơ lửng trên bầu trời giữa biển và đảo.

Bình minh trên biển đảo quê hương

Đảo Đá Lớn đây rồi! Tất cả mọi người vội vã ăn sáng và trông đợi lên xuồng để vào thăm đảo. Bầu không khí nhộn nhịp vui vẻ. Cảm giác hồi hộp và xúc động trào dâng, không diễn tả được khi lần đầu trông thấy đảo Đá Lớn. Đẹp quá! Các chiến sĩ đứng nghiêm chào chúng tôi. Nhìn từ xa anh chiến sĩ trang nghiêm gác cột mốc của đảo... ý nghĩ thoáng qua lúc đầu hơi ngây ngô là tại sao nơi đây lại có lính Châu Phi? Thật buồn cười, vì khi lại gần tôi mới hiểu là nắng và gió biển đã nhuộm đen làn da người chiến sĩ, nhưng có lẽ cũng vì thế mà nụ cười tươi càng thêm nổi bật, lộ rõ một khí chất mạnh mẽ, đầy nghị lực.

Sau khi tặng quà cho các chiến sĩ, chúng tôi đi thăm khắp nơi. Ở đâu cũng là những nụ cười tươi và ân cần trò chuyện. Các chiến sĩ luôn lạc quan, yêu đời dù đang xa gia đình hay người thân, vẫn luôn giữ vững tinh thần hăng say công tác, sẵn sàng chiến đấu. Tôi hỏi, các anh xa gia đình có buồn không và đã ở đây bao lâu. Các anh trả lời chân thành là lúc đầu không quen, thường về đêm nhìn ra biển lại nhớ nhà, nhớ cha mẹ hay người yêu, nhưng ý thức được nhiệm vụ cao cả mà Tổ quốc giao cho, anh em động viên lẫn nhau, những lúc ngoài nhiệm vụ, trên đảo cũng tổ chức nhiều hoạt động như câu cá, thể thao, báo tường và văn nghệ, rồi năm nào các đoàn trong đất liền cũng ra thăm và động viên như hôm nay... khiến họ rất hãnh diện vì mình đang góp phần bảo vệ Tổ quốc. Nỗi nhớ cùng thời gian cũng giảm đi. Hơn nữa, thông tin liên lạc phát triển, họ vẫn có thể thường xuyên giữ liên lạc với gia đình bằng điện thoại, nhiều lúc vui khi các con gọi nhờ hướng dẫn bài vở ở trường, lắm khi buồn thấm thía vợ phải một mình bươn chải với cuộc sống và vẫn âm thầm ủng hộ mình.

Vốn là đảo chìm nên nơi đây không một bóng cây, việc trồng rau xanh đã khó nói chi đến trồng cây cao, nhưng các chiến sĩ cũng khắc phục được khó khăn này bằng cách trồng rau trong những chậu đất được vận chuyển từ đất liền ra. Với sáng tạo ấy các chiến sĩ có rau xanh ăn quanh năm.

Tàu tiếp tục chở đoàn công tác vượt biển đến đảo Sơn Ca. “Tháng Ba bà già đi biển", mùa này sóng yên biển lặng, thời tiết khá thuận lợi.

Là chim Sơn Ca trên đảo Trường Sa
Em hát bài ca
anh ngày quân mưa nắng
Canh giữa biển trời hải đảo biên cương
Bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm cùng cán bộ chiến sĩ
tại đảo Đá Lớn A

Đoàn đến, các chiến sĩ tay bắt mặt mừng. Đảo giữa biển khơi, nước ngọt đương nhiên thiếu thốn, phần lớn hứng từ nước mưa. Những khi hạn hán trời không mưa, hay nước từ đất liền chưa ra đến đảo, mỗi người chỉ được chút nước cho tất cả sinh hoạt hàng ngày từ tắm rửa, ăn uống, giặt giũ... Nên các anh phải rất tiết kiệm, nước tắm rồi còn giữ lại để tưới cây. Chia nhau từng giọt nước, nhưng khi chúng tôi đến, các chiến sĩ đã chuẩn bị những thau nước ngọt để khách rửa tay và lau mặt cho mát. Chúng tôi vô cùng cảm động trước sự hiếu khách và tinh thần chia sẻ này.

Cả đoàn chúng tôi đi thăm đảo Sơn Ca và dự lễ chào cờ long trọng và trang nghiêm. Quốc ca vang lên trên biển đảo quê hương, cảm xúc nghẹn ngào, nước mắt trào dâng. Tự hào và vinh quang Tổ quốc ta khi thấy các chiến sĩ hải quân diễu hành, bước đi hùng hồn cùng trái tim tràn đầy tình yêu biển đảo quê hương hướng về lá cờ bay trước gió, vượt trùng khơi kết nối với triệu triệu đồng bào đang sống yên bình trong đất liền.

Đảo Sơn Ca đặc biệt có nhiều cây cối và bóng mát, một cảm giác thật bình yên, tự tại trong tiếng chuông chùa Sơn Linh ngân vang.

Tàu KN490 tiếp tục lướt sóng đến với đảo Nam Yết. Trên đảo Nam Yết, tượng đài Trần Hưng Đạo tạc vào trời xanh, sừng sững chỉ tay ra biển như nhắc nhở con cháu phải cẩn trọng và quyết tâm gìn giữ biển trời quê hương. Không tưởng tượng được đảo san hô nhô lên giữa biển lại có cây cối xanh mát quanh năm. Đặc biệt nhất là đảo này có nhiều dừa; không biết ai là người đầu tiên mang ra trồng, nhưng dường như hợp phong thổ nơi đây, nên như các chiến sĩ kể lại dừa sai trái lắm và nhiều nước. Mỗi dịp Tết đến, các chiến sĩ trên đảo còn tổ chức lễ hội trồng dừa. Cây cối xanh tươi nhờ bàn tay chiến sĩ chăm sóc và chắt chiu từng giọt nước ngọt, thậm chí nhường cả phần nước ngọt sinh hoạt của mình để tưới cho cây.

Rau xanh trên đảo

Tiếng chuông chùa ngân vang xuất phát từ chùa Nam Huyên là linh hồn của đảo, là cột mốc nối tâm linh và chủ quyền Tổ quốc. Chúng tôi đến thắp nén hương cầu nguyện cho anh linh các chiến sĩ đã hy sinh vì đất nước.

Lại một ngày mới bắt đầu, đảo Sinh Tồn hiện ra trước mặt trong một buổi sáng đầy ánh nắng rạng rỡ. Trên đảo có những hộ dân sinh sống, trước mỗi nhà đều trồng cây xanh hoa quả. Ở đây cũng có một ngôi chùa nằm bình yên dưới tán cây xanh; hiện ra uy nghiêm và yên tĩnh là nơi đặt bia ghi danh các liệt sĩ đã anh dũng hy sinh trong trận hải chiến Gạc Ma năm 1988. Xin thắp nén tâm nhang để tưởng nhớ các anh.

 Những chú gia cầm được các chiến sĩ trên đảo chăm sóc chu đáo

Chúng tôi đến thăm trường tiểu học Sinh Tồn. Các em nhỏ thấy các cô chú đến thăm thì rất vui mừng, bám lấy không rời. Học sinh ở đây chia làm hai lớp và chỉ có hai thầy giáo. Do lớp học ghép, nên cả thầy lẫn trò nhiều lúc cũng khó khăn. Các thầy cho biết sau khi kết thúc tiểu học, các em sẽ được đưa về đất liền để học tiếp bậc trung học. Thầy Đúc tâm sự, “Lúc mới nhận nhiệm vụ, tôi lo lắng không biết ra đảo đời sống có như đất liền không. Giờ quen hẳn rồi, tuy đã lâu chưa được về nhà nhưng với đại gia đình ở đây gồm học sinh, phụ huynh học sinh và các chiến sĩ hải quân cùng chia sẻ, nên vơi đi nỗi nhớ nhà. Ngày qua ngày đã trở nên rất gắn bó với các em nhỏ, nếu một ngày nào đó về lại đất liền, chắc chắn không quên được các em”.

Trở lại tàu, chúng tôi ăn trưa cùng anh em chiến sĩ trên tàu trong không khí vui vẻ và ân cần. Hành trình lại tiếp tục. Chúng tôi cập bến đảo Colin trong tiết trời nắng đẹp. Lá cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió, sừng sững hùng vĩ giữa trời.

Trên tàu KN490, đoàn chúng tôi làm lễ tưởng niệm các chiến sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc. Trước khói hương bảng lảng, kính cẩn trang nghiêm, tất cả mọi người trong đoàn xúc động nhìn vòng hoa trôi từ từ ra biển..., nghe những câu chuyện huyền thoại về thuyền trưởng Vũ Huy Lễ dưới mưa đạn của kẻ địch vẫn dũng cảm chỉ huy lao con tàu đang cháy vì bị tấn công lên bãi cạn đảo Colin để giữ lấy đảo, bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc. Chúng tôi nguyện luôn ghi nhớ công ơn của các anh, quyết tâm tiếp nối bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương. Đảo là nhà, biển đảo là quê hương. Viết đến đây, hình ảnh của đảo Colin vẫn còn đọng lại rõ ràng trong tâm trí với lá cờ bay phấp phới, hùng vĩ hiên ngang.

Tác giả (thứ ba từ trái sang) chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu tại chùa trên đảo

Tàu tiếp tục hành trình qua đảo nổi mang tên người anh hùng Phan Vinh. Cũng như các đảo khác, nơi nào cũng có chùa, chùa Vinh Phúc đứng sừng sững nhìn ra biển nguyện cầu mười phương chư Phật từ bi gia hộ cho dân đảo và các chiến sĩ an lạc và hòa bình.

Chúng tôi đến Trường Sa Đông. Ở đây, thời tiết không được ưu đãi, nắng mưa gió đều khắc nghiệt và bất thường, vậy mà nhờ bàn tay của các chiến sĩ, nhiều loại cây như bàng vuông, tra và phong ba vẫn vươn lên xanh tốt, những đàn gà, vịt chí chóe đòi ăn, những chú heo kêu eng éc khi đói và vườn rau cũng ngát xanh để phục vụ cho đảo quanh năm.

Khi chúng tôi lên thăm đảo có những chú chó nằm phơi nắng, vẫy đuôi thân thiện. Theo các chiến sĩ, khi đêm xuống, các chú chó bắt đầu nhiệm vụ cảnh giới, báo động khi có mục tiêu lạ xuất hiện.

Không thể tưởng tượng, tại một nơi xa đất liền như vậy, vốn chỉ là một rạn san hô, lại có bao nhiêu công trình được dựng lên cho đến ngày hôm nay. Đó là nhờ chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, ý chí quyết tâm khắc phục khó khăn của các chiến sĩ trước thiên nhiên cũng như trước mọi sự đe dọa của ngoại xâm...

Tàu tiếp tục hành trình vào sáng sớm để đến Trường Sa. Nơi đây được coi như là “thủ phủ” của quần đảo Trường Sa. Những anh lính trang nghiêm và dân đảo cùng đi với trẻ em ra cảng chào đón chúng tôi. 

Ngạc nhiên, giữa đảo còn có cả đường băng máy bay. Đại biểu đua nhau ra chụp hình ở cột mốc chủ quyền để lưu lại kỷ niệm. Trên đảo, ngoài những cây “đặc sản” là phong ba, bàng vuông, còn có cả hoa phong lan. Nhà tưởng niệm Bác Hồ uy nghiêm, đài tưởng niệm liệt sỹ hiên ngang vươn lên bầu trời xanh giữa những cây cổ thụ. Cuộc sống trên đảo như đời sống đất liền thu nhỏ, cũng trường học cho con em, chùa chiền đáp ứng nhu cầu tâm linh, trạm xã y tế chăm sóc sức khỏe cho chiến sĩ, cư dân trên đảo và ngư dân, trại chăn nuôi gà-vịt-heo và vườn rau sạch quanh năm.

Tác giả bên tượng đài Trần Hưng Đạo tại đảo Nam Yết

Xe vận tải cũng có mặt trên đảo để di chuyển dụng cụ nặng. Nước ngọt để tiêu dùng hàng ngày không dồi dào như ở đất liền, nhưng đã tạm thời được khắc phục nhờ nguồn nước thiên nhiên. Tại đảo Trường Sa, chúng tôi đã có một đêm giao lưu văn nghệ thật ấm tình quân dân. Đêm đó trên đảo, dường như có điều gì huyền bí giữa trời biển rộng bao la, tiếng sóng rì rầm, đầu sóng trắng xoá và gió biển mát dịu êm. Tôi chỉ muốn kéo dài thời gian để tận hưởng giờ phút này vì không biết trong tương lai bao giờ sẽ trở lại để nhìn thấy đời sống giữa thiên nhiên trời và biển đẹp như nơi đây. Tiếng nhạc vang lên, đến phần biểu diễn của đoàn văn công theo đoàn đến động viên các chiến sĩ trong hành trình thăm đảo: Đời mình là một khúc quân hành, đời mình là bài ca chiến sĩ/ Ta ca vang, triền miên qua tháng ngày, lượn bay trên núi đồi biên cương đến nơi đảo xa...

Chặng cuối cùng của hành trình là thăm nhà giàn DK1. Vẫn một cảm giác xúc động vô cùng trong suốt chuyến thăm này. Cách đất liền hàng trăm km, DK1 làm nhiệm vụ là cụm dịch vụ Kinh tế - Khoa học – Kỹ thuật của các vùng thềm lục địa vào khoảng 250 - 350 hải lý, và cũng là cột mốc lãnh hải quốc gia.Không muốn xa nơi đây nhưng rồi cũng đến lúc phải rời đi với nỗi buồn nặng trĩu. Loa trên tàu vang lên gọi tất cả đoàn về tàu để nhổ neo từ giã Trường Sa ngay vì sợ nước thủy triều rút xuống tàu không rời cảng được.

Cuộc hành trình kết thúc mang lại rất nhiều kỷ niệm sâu sắc, chúng tôi sẽ không quên được hình ảnh các anh chiến sĩ sạm nắng đứng vững ngày đêm canh giữ lãnh thổ biển đảo quê hương ta, ánh mắt và trái tim đau đáu nhìn về phía đất liền. Chúng tôi cũng sẽ không thể quên tiếng chuông chùa vang vọng giữa sóng biển, đưa ánh nhìn của bao nhiêu ngôi mộ chiến sĩ vượt sóng trở về quê hương. Chúng tôi cũng sẽ nhớ màu xanh của cây vươn lên từ đá, từ san hô, từ đất mặn giữa biển, từ những chậu cây trên sân thượng nhà giàn... Điều đó biểu tượng cho sự quyết tâm, bền bỉ, lòng yêu thương, chia sẻ giữa người và cây từng giọt nước ngọt hiếm hoi, để biến những điều tưởng chừng không thể thành có thể. Biểu tượng cho sự sống - trời - biển - Việt Nam và chủ quyền lãnh thổ.

Nguyện rằng nhất định phải làm gì cho đảo, cho các chiến sĩ Trường Sa...

Tưởng nhớ các chiến sĩ Trường  Sa
Tặng người con gái phương xa

Nguyễn Thanh Tòng (Pháp)


Các tin khác

Tin tiêu điểm