A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tuổi trẻ với sự phát triển của đất nước

LTS: Tạp chí Quê Hương xin giới thiệu bài viết của chị Vũ Lê Thùy Dương - Trưởng đoàn Thanh niên Năng động Việt Nam tại Pháp, Chủ tịch Liên hiệp Doanh nhân trẻ Việt Nam tại Châu Âu (EViYBA). Bài viết được tổng hợp từ góc nhìn của một số doanh nhân trẻ trong EViYBA về phát triển kinh tế tại Việt Nam, cũng như TP Hồ Chí Minh.

Giới trẻ nói chung đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của đất nước, nhất là khi giới trẻ ở Việt Nam chiếm một số lượng khá lớn: dân số dưới 35 tuổi chiếm 60%.

Giới trẻ hiện nay sử dụng thành thạo công nghệ thông tin hiện đại, mạng xã hội và truyền thông, thích nghi nhanh và góp phần phát triển sự toàn cầu hoá. So với thế hệ trước, giới trẻ hiện nay tiếp cận với thế giới nhiều hơn, dễ dàng đi nước ngoài để du lịch, giao lưu hay du học; qua đó mở rộng kiến thức, tư duy và học hỏi nhiều hơn từ các quốc gia phát triển. Chính những tầng lớp trẻ này cùng với kiều bào trẻ ở nước ngoài sẽ có khả năng tạo ra một tri thức trẻ tiềm năng cho sự phát triển của đất nước. Tại sao?

Kinh tế Việt Nam hiện nay năng suất lao động và giá trị gia tăng khá thấp do dựa vào tài nguyên thô, sản phẩm ít chế biến và gia công giá rẻ. Những sản phẩm giá trị gia tăng hay công nghệ thông tin, cơ sở hạ tầng đều phụ thuộc nhiều vào các nhà đầu tư nước ngoài: hơn 70% xuất khẩu của Việt Nam vẫn từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Kiến thức kinh tế và sản xuất của Việt Nam hiện nay còn chưa đủ khả năng để phát triển thương hiệu riêng của Việt Nam trên tầm quốc tế. Để làm được điều đó, Việt Nam cần đến tầng lớp trí thức, chuyên gia có thể sáng tạo, hoặc áp dụng những công nghệ thông tin, cơ chế sản xuất và làm việc, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ lên tầm quốc tế. Tầng lớp này chính là trí thức trẻ và kiều bào đã tiếp cận, hiểu biết và có kinh nghiệm làm việc ở nước ngoài một cách bài bản.

Tuy nhiên, Việt Nam hiện nay đang phải đối mặt với dòng chảy máu chất xám và sự ngần ngại của kiều bào khi đầu tư về hoặc làm việc tại Việt Nam nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng. Lý do chính là do môi trường kinh doanh, làm việc và phát triển không tốt, chứ không chỉ là về vấn đề thu nhập. Tư duy kinh doanh của người Việt Nam còn quá ngắn hạn, chưa có bài bản và chính sách lâu dài. Ở TP Hồ Chí Minh, người làm kinh doanh và thương mại nhiều, nhưng phần đông coi trọng lợi nhuận trước mắt hơn. Tài sản được đánh giá qua vật chất, ít khi qua ý tưởng. Những nhân viên được tuyển dụng nhiều khi qua quan hệ, quen biết chứ không phải qua thực lực, khả năng, trí tuệ phù hợp với công việc. Như vậy, trí thức trẻ khó kiếm được vị trí phù hợp để phát triển hiệu quả tiềm năng của mình. Với môi trường như vậy, giới trẻ hiện nay có xu hướng ra nước ngoài du học, rồi mong muốn sống và làm việc tại nước sở tại hoặc ở nước nào đó phù hợp để phát triển khả năng của họ. Đầu tư của kiều bào hoặc vốn đầu tư nước ngoài vào cũng khó khăn do tài chính không minh bạch, cách làm việc thiếu chuyên nghiệp, bài bản, chính sách ngắn hạn và chiến lược không rõ ràng, khó phát triển trên tầm quốc tế và toàn cầu hoá.

Để hướng tới một môi trường kinh doanh có sức thu hút cao, Chính phủ Việt Nam cần đầu tư vào việc cải cách tư duy, văn hoá kinh doanh qua những chính sách và hoạt động cụ thể, như: Khuyến khích, hỗ trợ, bảo vệ, tạo môi trường thuận lợi cho khởi nghiệp và phát triển bài bản các mô hình start-up, tập trung đề cao những ý tưởng đổi mới, sáng tạo; Không đánh thuế những thu nhập cá nhân được sử dụng vào việc đầu tư cho sự phát triển của công ty; Miễn thuế trong 5 năm đầu cho các công ty start-up để tích luỹ vốn cho sự phát triển của mình; Đổi mới các chính sách, luật lệ phù hợp để bảo vệ quyền lợi các nhà đầu tư nước ngoài, Việt kiều (luật Lưu trú, luật Bất động sản).

Đối với doanh nghiệp trong nước, cần tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, cổ phần hóa và tư hữu hóa một số doanh nghiệp quốc doanh để tạo sự cạnh tranh lành mạnh và bền vững.

Trong giao thương quốc tế, trên tinh thần chuẩn bị thực hiện các điều lệ của Hiệp định thương mại tự do Liên Minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA), các doanh nghiệp và chính quyền Việt Nam cần nâng cao chính sách cởi mở cho nhà đầu tư, không những chỉ cho hướng xuất khẩu từ Việt Nam ra nước ngoài, mà phải có sự hỗ trợ cho doanh nghiệp nhập khẩu từ nước ngoài về Việt Nam, cũng như tháo gỡ rào cản cho doanh nghiệp Việt Nam muốn sang nước ngoài mua bán do thủ tục hiện nay rườm rà, cần giấy phép của nhiều bộ, ngành.

Bên cạnh đó, Việt Nam cần dần đổi mới, phát triển cơ sở hạ tầng phù hợp hơn với môi trường kinh doanh năng động, giao thông và làm việc nhanh, an toàn và hiệu quả; Cải cách chương trình giáo dục, đào tạo phù hợp để phát triển tư duy dài hạn, tinh thần khởi nghiệp, cách làm việc bài bản; chú trọng ứng dụng công nghệ; triển khai những dự án thiết thực với đời sống và môi trường làm việc ngay từ sớm cho học sinh, sinh viên; thúc đẩy các dự án giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, kiến thức và giảng dạy với các trường quốc tế. Tư duy và kinh doanh phải hướng tới tiêu chuẩn quốc tế, với hoài bão phát triển toàn cầu.

Khi nước ta phát triển kinh tế mạnh, bền vững, chất lượng cuộc sống của người dân được nâng cao thì việc bảo vệ môi trường, đối phó với chuyển biến khí hậu sẽ có nhiều thuận lợi hơn.

Ngoài ra, các tổ chức ở Việt Nam như Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Sở Ngoại vụ, Trung tâm xúc tiến thương mại tại các tỉnh, thành phố, cần kết nối các doanh nghiệp với các Hội Doanh nhân, Doanh nghiệp Việt kiều ở nước ngoài, để tư vấn về cách tiếp cận thị trường ở nước ngoài. Hội Doanh nhân Việt Nam tại Pháp (ABVietFrance) và Liên hiệp Doanh nhân trẻ Việt Nam tại Châu Âu sẵn sàng hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt Nam trong vấn đề này.

Chính phủ cần thúc đẩy nhiều hơn nữa những dự án như Việt Nam Sillicon Valley VSV đã được triển khai khá thành công từ năm 2013 tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Đặc biệt, TP Hồ Chí Minh, với vai trò là trung tâm kinh tế của Việt Nam cùng nền kinh tế khá năng động, sẽ là một tiềm năng phát triển lớn, có thể đi đầu trong cả nước về đổi mới, sáng tạo, nếu nhanh chóng mạnh dạn tháo bỏ cơ chế hiện tại và khuyến khích cải cách tư duy, văn hoá kinh doanh.

Vũ Lê Thùy Dương (Pháp)


Các tin khác

Tin tiêu điểm