Tin mới nhất
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tái cơ cấu kinh tế, cải cách, xây dựng thành phố thông minh: TP Hồ Chí Minh chào đón Việt kiều tham gia

TP Hồ Chí Minh là địa phương có quan hệ nhiều mặt với số lượng Việt kiều lớn nhất cả nước. Số kiều hối chảy về Thành phố luôn lớn nhất, số bà con về ăn Tết, thăm thân cao nhất. Với tiềm lực khoa học công nghệ, cơ sở giáo dục-đào tạo, văn hóa nghệ thuật phong phú, đa dạng, có chất lượng cao, TP Hồ Chí Minh là môi trường thuận lợi nhất để thu hút Việt kiều về nước làm việc, đầu tư kinh doanh.

Vị trí đầu tàu của kinh tế TP Hồ Chí Minh

TP Hồ Chí Minh là trung tâm sáng tạo về khoa học-công nghệ, đi đầu trong vận dụng công nghệ cao, tiên tiến, trở thành trung tâm kinh tế-tài chính, là đô thị lớn nhất của cả nước, là cửa ngõ của miền Đông và Miền Tây Nam Bộ, là đầu mối giao thông vận tải đường không, đường thủy, đường bộ của cả nước và quốc tế, là trung tâm của Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, xứng đáng và cần phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước, tiến tới trở thành một trung tâm kinh tế, tài chính của Đông Nam Á.

Từ sau năm 1975, TP Hồ Chí Minh cũng là cái nôi "xé rào", đi tiên phong trong Đổi Mới và hội nhập kinh tế, là đơn vị đầu tiên cho phép doanh nghiệp được xuất-nhập khẩu sang thị trường các nước không phải xã hội chủ nghĩa, thu hút đầu tư nước ngoài và hợp tác quốc tế... có nhiều đóng góp quan trọng cho công cuộc cải cách và phát triển của đất nước.

TP Hồ Chí Minh chỉ chiếm 0,2 diện tích cả nước, khoảng 9% dân số cả nước nhưng đóng góp trên 21% GDP của cả nước, gần 30% sản lượng công nghiệp và 30% tổng nguồn thu ngân sách cả nước.

Trong cơ cấu kinh tế của TP Hồ Chí Minh, khu vực nhà nước chiếm 33,3%, ngoài quốc doanh chiếm 44,6%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 22,1%. Về cơ cấu ngành kinh tế, dịch vụ chiếm tỷ trọng cao nhất: 51,1%, công nghiệp và xây dựng chiếm 47,7%, nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chỉ chiếm 1,2%.

Bốn ngành dịch vụ chủ yếu của thành phố là tài chính-ngân hàng, du lịch, vận tải-dịch vụ cảng-kho bãi, bưu chính-viễn thông đều có sự tăng trưởng mạnh.

Tính đến 31/12/2013, tổng tài sản của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đạt khoảng 5,75 triệu tỷ đồng, tăng 13,2% so với năm 2012; Dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế đạt khoảng 3,48 triệu tỷ đồng (khoảng 100% GDP), tăng 12,52% so với dư nợ tại thời điểm 31/12/2012, trong đó TP Hồ Chí Minh là trung tâm ngân hàng-tín dụng lớn của cả nước và cho toàn Nam Bộ.

Về thị trường chứng khoán, mức vốn hóa thị trường chứng khoán trên cả nước đạt khoảng 1.144 nghìn tỷ đồng, tương đương 31,9% GDP. Giá trị giao dịch bình quân mỗi phiên trong 6 tháng đầu năm 2014 (tính đến hết ngày 30/6) đạt 4.752 tỷ đồng, tăng 76,71% so với bình quân cả năm 2013 và tăng 56,28% so với bình quân 6 tháng đầu năm 2013. Trong đó, cổ phiếu và chứng chỉ quỹ đạt khoảng 2.687 tỷ đồng, tăng 79,19% so với bình quân 6 tháng đầu năm 2013 và tăng 95,52% so với bình quân mỗi phiên cả năm 2013, trong đó Thị trường chứng khoán TP Hồ Chí Minh chiếm tỷ trọng lớn với Vn-Index. Trong tương lai cần kết nối với Thị trường chứng khoán Hà Nội với HOSE-Index để kết nối với 5 thị trường chứng khoán của các nước ASEAN đang hoạt động hiện nay.

Chỉ riêng ngành du lịch, lượng khách quốc tế đến thành phố bình quân hàng năm đạt 2,7 triệu lượt (theo Nghị quyết 53- NQ/TW: đến năm 2010 toàn Vùng đón 13-14 triệu lượt khách, trong đó có 2,2-3,5 triệu khách quốc tế).

TP Hồ Chí Minh là trung tâm và cửa ngõ của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam chiếm khoảng 50% GDP, 57% tổng sản lượng công nghiệp, 60% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu, và 47% ngân sách của cả nước. TP Hồ Chí Minh phát huy tác động quan trọng tạo đà thúc đẩy phát triển của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, được nhân theo bội số của hệ số lan tỏa mà các chuyên gia kinh tế đã tính toán: 1% GDP tăng thêm của Vùng kinh tế này sẽ có tác động làm tăng 0,3% GDP của cả nước. 

Chính vì vậy, Nghị quyết số 16-NQ/TW ngày 10/8/2012 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP Hồ Chí Minh đến năm 2020 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ X, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã khẳng định vị trí đầu tàu kinh tế của cả nước của TP Hồ Chí Minh và đề ra những nhiệm vụ và mục tiêu phát triển vượt trội của thành phố.

Thu nhập bình quân đầu người của người dân thành phố đến hết năm 2015 đạt 5.538 USD/năm, tăng trên 73% so với năm 2010. Thành phố đã kéo giảm chênh lệch mức sống các nhóm dân cư từ 10 lần vào năm 1992 xuống còn 6,6 lần năm 2014, giảm chênh lệch mức sống giữa thành thị và nông thôn từ 1,8 lần năm 2008 xuống còn 1,2 lần năm 2014. Đến cuối tháng 6/2016, tỷ lệ người dân có thu nhập dưới 21 triệu đồng/người/năm chỉ còn 3,2%. 

 TP Hồ Chí Minh – Trung tâm kinh tế - tài chính của cả nước

TP Hồ Chí Minh cũng có chủ trương xây dựng thành phố thông minh là quyết định tiên phong trong cả nước.

Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong, mục tiêu xây dựng “Thành phố thông minh” đang là một trong những công tác trọng tâm của TP Hồ Chí Minh nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế; nâng cao chất lượng môi trường sống và chất lượng phục vụ người dân; đặc biệt là tăng cường hơn nữa vai trò giám sát của người dân đối với các hoạt động của chính quyền thành phố.

Về lộ trình thực hiện và cách thức triển khai, dự kiến tháng 11/2016, TP Hồ Chí Minh sẽ có đề án chi tiết về việc xây dựng “Thành phố thông minh”. Trong đó, mục tiêu chung là đến năm 2025 phấn đấu xây dựng TP Hồ Chí Minh trở thành Thành phố thông minh và là một trong những trung tâm khoa học công nghệ hàng đầu khu vực.

Những mục tiêu đó là đúng đắn và rất đáng khích lệ, song TP Hồ Chí Minh đang phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức gay gắt; vị thế của TP Hồ Chí Minh còn khiêm tốn so với các  trung tâm lớn khác trong khu vực như Bangkok, Kuala Lumpur hay Singapore. Ví dụ như so sánh sân bay Tân Sơn Nhất với sân bay của ba thành phố trên, thấy rõ khoảng cách còn rất lớn; hay so sánh thị trường chứng khoán và dịch vụ ngân hàng, chúng ta cũng thấy cần phải nỗ lực vượt bậc để trở thành một trung tâm "ngang tài ngang sức" với khu vực chứ chưa nói đến dẫn đầu.

Xếp hạng về năng lực cạnh tranh môi trường sống của Thành phố Hồ Chí Minh so với các thành phố trong khu vực cũng còn thấp[1]:

 

Ngoài ra, chỉ số Năng lực Cạnh tranh cấp tỉnh của TP Hồ Chí Minh được xếp thứ 6 trong 63 tỉnh, thành phố, có một số tiến bộ, cao hơn nhiều so với Hà Nội - xếp thứ 24, song các chỉ số về chi phí không chính thức, cạnh tranh bình đẳng và tính năng động còn thấp.


Công cuộc cải cách và tái cơ cấu kinh tế để thực hiện vai trò đầu tàu kinh tế của TP Hồ Chí Minh diễn ra trong bối cảnh nước ta đã hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới. Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đã có hiệu lực từ 31/12/2015. Thị trường trong nước của nước ta đã trở thành thị trường chung của hàng hóa 10 nước ASEAN, doanh nghiệp Việt Nam nếu không hài lòng với môi trường đầu tư trong nước đã có thể sang Singapore hay Thái Lan để đầu tư và xuất khẩu ngược về Việt Nam. Các thước đo và chuẩn mực về môi trường đầu tư đều phải áp dụng theo các chuẩn mực mà nước ta đã ký kết.

Bối cảnh quốc tế

Quá trình xây dựng kinh tế, công nghiệp hóa và tái cơ cấu kinh tế phải được xem xét trên cơ sở năng lực cạnh tranh. Xây dựng những nhà máy đồ sộ với công nghệ lạc hậu, không có khả năng cạnh tranh sẽ không những không thúc đẩy công nghiệp hóa mà chỉ làm tăng nợ công và nợ xấu.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra với tốc độ chóng mặt với sự kết nối giữa hệ thống ảo-thật (Cyber-Physical System), với trí tuệ thông minh nhân tạo, người máy và hệ thống Internet vạn năng (Internet of Things, Machineto Machine Internet), đề ra những yêu cầu mới đối với nguồn nhân lực, hệ thống giáo dục-đào tạo và chính sách của nhà nước.

 

Cuộc cách mang công nghiệp 4.0 này đòi hỏi những doanh nghiệp và con người phải sáng tạo, chủ động đổi mới, chính sách của nhà nước cũng phải phản ứng nhanh trước biến động của thị trường và tiến bộ khoa học-công nghệ.

TP Hồ Chí Minh phải đi đầu cả nước trong cuộc cách mạng này như một bộ máy hết lòng ủng hộ cái mới, làm việc nhanh nhạy nhất để giúp các doanh nghiệp bứt phá về khoa học-công nghệ, sáng tạo trong cạnh tranh, để rút ra các bài học kinh nghiệm cho cả nước.

Trọng dụng nhân tài, thu hút kiều bào xây dựng Thành phố

TP Hồ Chí Minh là địa phương có quan hệ nhiều mặt với số lượng Việt kiều lớn nhất cả nước. Số kiều hối chảy về Thành phố luôn lớn nhất, số bà con về ăn Tết, thăm thân cao nhất. Với tiềm lực khoa học công nghệ, cơ sở giáo dục-đào tạo, văn hóa nghệ thuật phong phú, đa dạng, có chất lượng cao, TP Hồ Chí Minh là môi trường thuận lợi nhất để thu hút Việt kiều về nước làm việc, đầu tư kinh doanh.

 Kiều bào về thăm quê hương trong chương trình Giỗ tổ Hùng Vương

Trước mắt, cần tổ chức một “Hội nghị Diên Hồng” của Thế kỷ 21, mời bà con Việt kiều thuộc các tầng lớp, không phân biệt quá khứ, tôn giáo, chính kiến cùng chung lòng yêu nước thương nòi, cùng chung mục tiêu xây dựng Thành phố hiện đại, xanh, sạch, đẹp trở thành thành phố thông minh đầu tiên của cả nước nhằm thu hút các kiến nghị, các dự án, thiết lập quan hệ hợp tác với đông đảo bà con kiều bào. Mỗi sở, ban ngành, mỗi quận, huyện cần xây dựng chuyên đề thu hút bà con về đóng góp cho ngành, lĩnh vực, địa phương mình. Nếu như trước đây ông Nguyễn Cao Kỳ đã về nước, được đón nhận trên tinh thần cởi mở thân tình thì trong tương lai chắc chắn sẽ có thêm nhiều nhà khoa học, nhân sỹ, nhà đầu tư Việt kiều sẽ tìm được con đường về nước xây dựng quê hương.

Nhân dịp này, lãnh đạo Thành phố cần công bố chính sách trọng dụng nhân tài, chính sách ưu đãi đầu tư đối với bà con Việt kiều, bày tỏ thái độ cầu thị, cởi mở sẵn sàng lắng nghe và tiếp thu những ý kiến của kiều bào có nhiều kinh nghiệm quốc tế đóng góp cho sự nghiệp cải cách và xây dựng Thành phố...

Chắc chắn Thành phố sẽ giang tay đón những người con trở về góp công sức xây dựng quê hương và Thành phố sẽ phát triển cao nhất cả nước về kinh tế, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, khoa học-công nghệ... từ đó sẽ tạo ra môi trường thuận lợi để thu hút kiều bào về xây dựng đất nước./.

Tiến sỹ Lê Đăng Doanh nguyên là chuyên gia kinh tế cao cấp, thành viên ban cố vấn của Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Phan Văn Khải từ 1993 đến tháng 6/2006; nguyên là Viện trưởng Viện Nghiên Cứu Quản lý Kinh tế Trung ương. Ông tham gia giảng dạy tại các trường đại học và học viện tại Hà Nội, là giáo sư thỉnh giảng tại trường Đại học Nihon ở Tokyo. Ông đã làm việc tại Ban Đổi Mới doanh nghiệp nhà nước, Ban tư vấn của Thủ tướng về cải cách hành chính và kinh tế xã hội, Ủy ban tư vấn về chính sách tài chính và tiền tệ, Hội đồng nghiên cứu Việt-Nhật. Tiến sỹ Lê Đăng Doanh là tác giả của nhiều bài báo, ấn phẩm nghiên cứu trong các trường học và đóng góp nhiều bài viết nghiên cứu về kinh tế Việt Nam.

Vào đầu tháng 7/2015, Liên Hợp Quốc đã bổ nhiệm Tiến sĩ Lê Đăng Doanh làm thành viên Ủy ban chính sách phát triển của Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 1/1/2016 đến 31/12/2018.

--------------------------------------------

[1] http://tuoitre.vn/tin/ban-doc/20160506/quy-hoach-de-huy-dong-nguon-luc-hay-vi-do-thi-canh-tranh/1096066.html

Tiến sỹ kinh tế Lê Đăng Doanh


Các tin khác

Tin tiêu điểm