A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phát triển bền vững và nâng cao chất lượng môi trường của TP Hồ Chí Minh

TP Hồ Chí Minh sở hữu các yếu tố địa lý, lịch sử, nhân văn, kinh tế trọng yếu và các cơ chế hợp tác phát triển kinh tế lớn vùng Mê Kông với nhiều tổ chức và đối tác quan trọng trong nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên khi nhìn vào thực trạng ô nhiễm nghiêm trọng và cơ sở hạ tầng còn yếu kém về nhiều mặt của Thành phố trước áp lực đô thị hóa cho thấy thách thức to lớn và cấp bách của TP Hồ Chí Minh trong việc xử lý ô nhiễm môi trường.

 

 Cần có chiến lược “phủ xanh” Thành phố để giảm thiểu ô nhiễm không khí

Thách thức trong việc xử lý môi trường TP Hồ Chí Minh

Với hơn 10 triệu dân, TP Hồ Chí Minh nằm ở vị trí chiến lược trục giao thông, phát triển vùng với các tỉnh thành phố phía Nam và các nước Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan. Toàn vùng diện tích là 2,3 triệu km2, dân cư hơn 320 triệu người, đa sắc tộc và có các nền văn hóa rất phong phú. Là cửa ngõ ra biển phía Đông, TP Hồ Chí Minh sở hữu các yếu tố địa lý, lịch sử, nhân văn, kinh tế trọng yếu và gần đây là các cơ chế hợp tác phát triển kinh tế cùng có lợi lớn. TP Hồ Chí Minh và vùng phụ cận là trung tâm kinh tế, xã hội hàng đầu của cả nước, đầu tàu của các tỉnh phía Nam và tiểu vùng sông Mê Kông.

Bên cạnh đó, TP Hồ Chí Minh là một trong những thành phố có tốc độ đô thị hóa nhanh nhất khu vực Đông Nam Á. Điều này đặt ra nhiều nhiệm vụ nặng nề và áp lực phải giải quyết các vấn đề cấp bách cho Thành phố, nhất là với hiện trạng cơ sở hạ tầng quá ít và xuống cấp cho việc cấp, thoát nước và rác thải - ô nhiễm báo động về môi trường sống, tình trạng ngập lụt - nhiễm mặn, tắc nghẽn giao thông, thiếu thốn nhà ở và quy hoạch đô thị chắp vá, chất lượng và tỉ lệ sử dụng lao động, nguồn nhân lực còn rất thấp.

Thống kê từ Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh cho thấy, trong số 76 km tổng hệ thống chiều dài kênh rạch nội thành, có đến 60% - 70% chiều dài tuyến kênh đang bị ô nhiễm. Điển hình như một số hệ thống kênh chính như Nhiêu Lộc - Thị Nghè, kênh Đôi - kênh Tẻ, Tân Hóa - Lò Gốm, Rạch Tra - Thầy Cai, An Hạ... Các chỉ tiêu quan trắc đều vượt tiêu chuẩn cho phép từ 2,5 - 8,3 lần, thậm chí với hàm lượng vi sinh tại nhiều thời điểm vượt quy chuẩn cho phép lên đến 700 lần. Các hồ, đầm, vùng trũng thoát nước tự nhiên nằm ở phía Nam, Đông Nam và Tây Nam của Thành phố biến mất nhanh chóng do phát triển ồ ạt ở các quận 7, 8, huyện Bình Chánh, Nhà Bè đã đua nhau lấy hết các khu vực chứa nước tự nhiên.

Theo World Bank, Việt Nam là 1 trong 10 nước có chất lượng không khí ô nhiễm rất cao. Sự thiếu hụt trầm trọng mảng công viên - cây xanh của TP Hồ Chí Minh làm mất chức năng cứu vãn các hệ lụy về môi trường như ô nhiễm không khí, tiếng ồn, nhiệt độ nóng bức, hấp thụ chất ô nhiễm - điều tiết nguồn nước gần như không có… Mật độ cây xanh quá thấp chưa đạt tiêu chuẩn về độ che phủ và không đáp ứng vai trò lá phổi xanh giảm thiểu ô nhiễm không khí.

TP Hồ Chí Minh phải chịu gánh nặng ngân sách và hiệu quả đầu tư - vận hành thấp, lãng phí cùng những hệ lụy tiêu cực về môi trường - kinh tế và xã hội của mô hình “Thu gom- Vận chuyển- Xử lý” chất thải của Thành phố.

Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trọng yếu cho các mục tiêu, giải quyết căn cơ vấn đề và ngăn chặn tác động tiêu cực đến phát triển đô thị một cách hiệu quả, không thể có các giải pháp chắp vá, cục bộ có tính “chữa cháy” mà cần xác định chiến lược định hướng - tư duy có tính chu đáo trước khi đưa ra lộ trình thực hiện rõ ràng, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, ban ngành để đảm bảo sự đồng bộ thống nhất về chủ trương chính sách và tổ chức triển khai thực hiện.

Cần hành động cụ thể và triệt để

Các tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc (UNEP Habitat III, New Urban Agenda), World Bank (Competitive Cities) đã đề xuất một cách tiếp cận tích hợp cho vấn đề đô thị hóa, bằng cách thiết lập một tầm nhìn rõ ràng cho nền kinh tế đô thị, mức sống của cư dân và phát triển bền vững nên liên kết với nhau.

 Kênh Nhiêu Lộc. Ảnh: Getty Images

Cách duy nhất để cung cấp một tương lai sạch - sáng sủa hơn là thiết kế cho các thành phố hoạt động trên các sáng kiến ​​hợp tác carbon thấp để thúc đẩy đổi mới và thay đổi cơ cấu và huy động cộng đồng, bao gồm các cộng đồng nhỏ ở nông thôn, làng, thị trấn, thành phố và đô thị lớn trung gian, cho sự tăng trưởng dân số và kinh tế, xóa đói giảm nghèo và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên (đất, nước, rừng, đa dạng sinh học). Các mục tiêu và Chương trình hành động, các mục tiêu Phát triển bền vững SDGs của Liên hợp quốc chính là tài liệu cốt lõi trong vài thập kỷ phát triển tiếp theo.

Các tổ chức quốc tế kêu gọi chính phủ các nước đang phát triển và các tổ chức có liên quan, các khu vực tư nhân khẩn cấp thay đổi sang mô hình tiêu dùng và sản xuất bền vững để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, làm tăng khả năng tái tạo của các hệ sinh thái. Để đạt được các mục tiêu trên, ba trụ cột (i) Thúc đẩy tiêu thụ và sản xuất bền vững (SCP); (ii) Xóa đói nghèo; (iii) Quản lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên (đất, nước, rừng, đa dạng sinh học) là hết sức cần thiết.

Áp dụng với TP Hồ Chí Minh, tôi cho rằng để xây dựng Thành phố phát triển bền vững, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, Thành phố có thể thực hiện những biện pháp dưới đây.

Thứ nhất, cần thay đổi mô hình quản lý chất thải để phát triển bền vững.

Từ năm 1999, TP Hồ Chí Minh đã triển khai ba chương trình phân loại rác tại nguồn, nhưng tất cả đều thất bại. Nguyên nhân được cho là do thiếu đầu tư đồng bộ, tầm nhìn ngắn hạn và thiếu những biện pháp căn cơ, quyết liệt của các cấp chính quyền, ban, ngành liên quan và không có mô hình quản lý chất thải liên kết thành thị, vùng phụ cận và nông thôn để xử lý chất thải hiệu quả. Vì vậy, cần thay đổi mô hình Thu gom - Vận chuyển - Xử lý sang Quản lý chất thải theo hướng Zero Waste/ Circular Economy.

Zero Waste/ Circular Economy ở đây không có nghĩa là không có chất thải, mà là dùng phương pháp hay công nghệ để hạn chế lượng chất thải; biến đổi chất thải thành sản phẩm được thị trường và xã hội cần đến và tiêu thụ - hoặc đưa trở về dạng tài nguyên ban đầu qua quy trình xử lý khép kín như biến chất thải hữu cơ thành phân vi sinh hay năng lượng, chất thải vô cơ thành vật liệu xây dựng và nước thải sau khi xử lý được đưa vào bổ sung nguồn nước ngầm và nước mặt. Từ đó không còn chất thải ra môi trường.

Mô hình này cần được đưa thành chính sách, được thực hiện xuyên suốt từ trung ương đến địa phương, được mọi tầng lớp nhân dân chung tay thực hiện thì kết quả sẽ rất mau chóng và vô cùng to lớn. Đây là thực tế áp dụng của mô hình “liên kết bốn nhà” hay “chiến lược nhân dân” đã giúp cho Việt Nam là một nước nhỏ nhưng đã thành công trong suốt chiều dài lịch sử chiến tranh dựng nước và giữ nước, mà rất tiếc chiến lược hiện chưa được phát huy và áp dụng trước yêu cầu cấp bách của phát triển và hiện đại hóa.  

Thứ hai, để trước mắt giải quyết sự thiếu hụt trầm trọng mảng công viên - cây xanh của TP Hồ Chí Minh kết hợp với hoạt động ngăn chặn ô nhiễm, lãnh đạo Thành phố nên công bố minh bạch ngân sách đang và sẽ chi cho công tác thu gom - vận chuyển - xử lý chất thải và chuyển một phần tỉ lệ ngân sách này cho cộng đồng thực hiện mô hình quản lý chất thải bằng phân loại và tái sử dụng, tái chế gần nguồn thải, đồng thời phục vụ yêu cầu trồng nhiều cây xanh, công viên của Thành phố. Kết quả sẽ cho thấy sự cần thiết của cộng đồng trong việc tham gia quản lý chất thải tại nguồn.

Đề xuất lãnh đạo Thành phố nên chỉ đạo lồng ghép: (i) Quy hoạch hay đổi đất để xây dựng hạ tầng “đa chức năng” như kết hợp dịch vụ - công viên - cụm xử lý rác và nước thải, thì không phải tiêu tốn thêm khoản ngân sách khổng lồ đầu tư cho xử lý rác và nước thải - nước thoát; (ii) Với giá đất đắt đỏ hiện nay, nên vận động xã, phường và cộng đồng trồng nhiều cây xanh, vườn thẳng đứng và tham gia thiết kế mặt đường thẩm thấu nước mưa, xây hồ sinh học hay hồ ngầm chứa nước mưa, nước thải qua xử lý trong nhà hoặc trong công sở để sử dụng góp phần chia tải cho hệ thống cống thoát nước. Những giải pháp tại chỗ này nên là ưu tiên thực hiện ngay, ít tốn kém và mang hiệu quả thiết thực. Chỉnh sửa nhà, đường, đô thị có các mảng cây xanh hoặc những nơi nước mưa có thể thấm xuống được, nhờ đó giữ lại được lượng nước đáng kể, hạn chế mức độ ngập và tạo mảng cây xanh cần thiết; (iii) Thực hiện các dự án khoanh vùng đất bảo vệ khu vực dọc các sông Đồng Nai, Sài Gòn bằng cách phát triển thảm thực vật dọc các sông này nhằm hạn chế ô nhiễm nguồn nước mặt.

Thứ ba, thực hiện xã hội hóa và thúc đẩy các chương trình khởi nghiệp, phát triển nông thôn mới để nhanh chóng đạt các mục tiêu bảo vệ môi trường, phát triển khoa học công nghệ - nguồn nhân lực; giảm khoảng cách giàu nghèo.

Nên khẩn trương thực hiện mô hình cộng đồng tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường, có sự vào cuộc của Mặt trận Tổ quốc, các trường, viện nghiên cứu, các chuyên gia trong và ngoài nước, chuyên gia người Việt Nam ở nước ngoài.

Cùng lúc vận động kiều bào kết nối trong chuỗi “Đầu tư - Sản xuất - Phân phối - Tiêu thụ” sản phẩm hay dịch vụ liên quan đến hoạt động bảo vệ môi trường. Cũng như thế, rất nhiều dự án đầu tư từ nguồn vốn ODA của Nhà nước phải là môi trường đào tạo thực tế cho thật nhiều công nhân, kỹ thuật viên, kỹ sư, nhà quản lý. Thông qua đó Việt Nam sẽ từng bước hình thành đội ngũ lao động có tay nghề cao, có thể đảm nhận nhiều dự án, công trình trong và ngoài nước.

Thứ tư, với những ngành nghề như nhà máy lọc dầu, nhiệt điện hay luyện quặng beauxit đòi hỏi vốn đầu tư, công nghệ, thiết bị ngoại nhập vì quy mô và khả năng trong nước chưa đáp ứng được. Nhưng với quản lý chất thải thì ngược lại, Việt Nam hoàn toàn có thể chủ động về quy mô, công nghệ, thiết bị trong nước đủ để đảm bảo công trình, nhà máy hoạt động và bảo trì tối ưu, tiết kiệm nguyên liệu, năng lượng và vốn đầu tư.  Do đó, Nhà nước không nên đặt mục tiêu ngoại nhập, để tiết kiệm ngân sách cũng như không đánh mất cơ hội tạo công việc làm và phát triển nội lực về khoa học công nghệ.

Ngày nay, trước áp lực bắt kịp các nước trong vùng và thế giới về kinh tế - xã hội, khoa học công nghệ thì sự chậm trễ áp dụng của chiến lược sẽ gây thiệt hại vô cùng to lớn và đáng tiếc. Sự nhận thức và áp dụng đúng đắn nguyên tắc đoàn kết, sáng tạo và sử dụng đúng đòn bẩy kinh tế, khoa học kỹ thuật là vô cùng quan trọng.

Nằm ở vị trí chiến lược kết nối với các nước của Tiểu vùng sông Mê Kông, nơi có nguồn nước và đồng bằng cung cấp nguồn lương thực nông nghiệp và thuỷ sản quan trọng cho toàn thế giới, TP Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung có nhiệm vụ quốc gia và quốc tế chung tay bảo vệ nguồn nước, bảo vệ sự sống của muôn loài, trong đó có đa đang sinh học và đời sống văn hóa - xã hội của nhiều người dân hiện tại và nhiều thế hệ tiếp nối.

Năm 2015, Việt Nam được cộng đồng thế giới chọn làm thành viên ECOSOC để góp phần thực hiện Chiến lược Phát triển bền vững của Liên hợp quốc, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã phát biểu "Chúng ta cần bắt tay ngay vào triển khai thực hiện tốt các SDGs (Sustainable Development Goals - Mục tiêu Phát triển bền vững của Liên hợp quốc) tại Việt Nam. Lời nói hay nhất chính là hành động. Đó cũng là cách tốt nhất để chúng ta đóng góp được cho thế giới".

Nguyễn Thị Mỹ
Kỹ sư Môi trường Quản lý nguồn thải
Thạc sĩ Công nghệ sinh học (Úc)
Chuyên gia Điều khiển tự động, Nhà máy nhiệt điện & luyện quặng beauxit (Úc)

 


Các tin khác

Tin tiêu điểm