Tin mới nhất
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

TP Hồ Chí Minh cần có chiến lược lâu dài trong đào tạo nguồn nhân lực

LTS: Giáo sư - Tiến sĩ Huỳnh Hữu Tuệ là một trong những trí thức kiều bào quan tâm đến tình hình phát triển của quê nhà, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục đào tạo ngay từ khi đất nước thống nhất đến nay. Ông hiện là giảng viên Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh. GS-TS Huỳnh Hữu Tuệ trả lời phỏng vấn của Tạp chí Quê Hương về vấn đề đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho TP Hồ Chí Minh trong quá trình hội nhập quốc tế.

PV: Là một kiều bào từ nước ngoài về trực tiếp tham gia giảng dạy tại TP Hồ Chí Minh, giáo sư có thể chia sẻ về công việc của mình?

GS-TS Huỳnh Hữu Tuệ: Từ năm 1977, nhận lời mời từ trong nước, tôi đã trở về Việt Nam và giảng dạy tại trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Huế, Học viện Kỹ thuật Quân sự và một số trường đại học ở TP. Hồ Chí Minh với mong muốn góp một phần chất xám của mình để xây dựng quê hương.

Năm 2005, theo lời mời của Giáo sư Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu, tôi quyết định trở về nước và trong khoảng thời gian từ đó đến nay, tôi làm việc tại một số trường đại học. Hiện tại tôi đang công tác tại Đại học Quốc tế thuộc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh. Đại học Quốc tế là trường hoàn toàn tự chủ về ngân sách cũng như về nhân sự. Nhờ vậy, Đại học Quốc tế đã tạo cho tôi điều kiện khá tốt trong công tác và sinh hoạt hàng ngày, không đặt ra quá nhiều ràng buộc đối với tôi. 

Nói chung, môi trường của Đại học Quốc tế khá thích hợp cho những chuyên gia Việt kiều hoặc người nước ngoài chấp nhận về Việt Nam tham gia công tác đào tạo và nghiên cứu.

PV: Thưa giáo sư, trong sự phát triển của đất nước nói chung, của các địa phương nói riêng, vấn đề nguồn nhân lực là yếu tố quyết định. Là người gắn bó với công tác giảng dạy, đào tạo nguồn nhân lực cho TP Hồ Chí Minh trong những năm qua, giáo sư đánh giá như thế nào về chất lượng nguồn nhân lực thành phố hiện nay?

GS-TS Huỳnh Hữu Tuệ: TP Hồ Chí Minh là thành phố phát triển đi đầu trong cả nước, thu hút nguồn nhân công từ nhiều địa phương về làm việc, học tập. Tuy nhiên, với yêu cầu của sự phát triển và hội nhập ngày càng sâu rộng của đất nước nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng thì việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu mới là điều tất yếu, đòi hỏi mang tính chiến lược, lâu dài.

Trong nhiều năm qua, tôi phải nói thật rằng vì chúng ta không có chiến lược rõ rệt trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, nên hệ quả của nó là chất lượng nguồn nhân lực (chủ yếu tôi muốn nói ở đây là việc đào tạo các chuyên gia, kỹ sư có tay nghề cao) trong cả nước nói chung và TP Hồ Chí Minh còn nhiều hạn chế.

"TP Hồ Chí Minh là thành phố phát triển đi đầu trong cả nước, thu hút nguồn nhân công từ nhiều địa phương về làm việc, học tập. Tuy nhiên, với yêu cầu của sự phát triển và hội nhập ngày càng sâu rộng của đất nước nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng thì việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu mới là điều tất yếu, đòi hỏi mang tính chiến lược, lâu dài." - GS-TS Huỳnh Hữu Tuệ

Chúng ta nghe rất nhiều về vấn đề kiểm tra chất lượng, cải tổ các chương trình đào tạo từ mầm non, tiểu học, trung học, cho đến đại học và sau đại học, nhưng chính những thay đổi liên tục này đã làm cho nền giáo dục của chúng ta mất định hướng một cách cụ thể. Và kết quả là nguồn lao động chúng ta đào tạo ra (nguồn lao động chất lượng cao) chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế, nhất là ở lĩnh vực công nghệ cao.

PV: Có một thực tế là số lượng cử nhân, kỹ sư… được đào tạo ngày một tăng, nhưng vẫn không đáp ứng được yêu cầu về chất lượng nguồn nhân lực, theo giáo sư vấn đề thực sự nằm ở đâu?

GS-TS Huỳnh Hữu Tuệ: Người dân TP Hồ Chí Minh may mắn được tiếp xúc, hội nhập sớm với xã hội của các nước phát triển phương Tây như Pháp, Úc, Canada, Hoa Kỳ... Cung cách làm việc, phương pháp tư duy của một nền công nghiệp phát triển in dấu trong họ, vì vậy, các công ty của phương Tây đang hoạt động ở thành phố nói chung rất hài lòng với nhân lực sở tại. Theo ý kiến riêng của tôi thì nền công nghiệp hiện nay của thành phố cũng không có những đòi hỏi chuyên gia cao cấp, mà chỉ yêu cầu lao động phổ thông, hay các chuyên gia ở mức kỹ sư. Điều mà các công ty nước ngoài yêu cầu đối với lao động Việt Nam là tinh thần trách nhiệm và kỷ luật lao động. Do đó, nhân lực do các cơ sở đào tạo nghề hay các đại học ở thành phố hiện nay đều có đủ chuyên môn để đáp ứng; nếu có gì thiếu, thì chính là bản lĩnh, tinh thần trách nhiệm và phương pháp tư duy của người lao động. Và cái thiếu này lại có tính hệ thống, chứ không riêng ở một địa phương hay một đơn vị nào.

Nói chung, vấn đề cụ thể đặt ra không phải là vấn đề chất lượng đào tạo, mà vấn đề hiện nay là vấn đề cung nhiều hơn cầu. Có nghĩa rằng việc đào tạo nhân lực của chúng ta hiện nay chưa quan tâm đến nhu cầu thực tế, dẫn đến việc nhiều người sau khi được học, đào tạo ở các cơ sở giáo dục ra trường không kiếm được việc làm hoặc làm không đúng chuyên môn nghiệp vụ mình được đào tạo. Mà các cơ sở giáo dục đào tạo này hàng năm vẫn tiếp tục chiêu sinh, có cơ sở năm nay tuyển sinh còn nhiều hơn năm trước... Vấn đề cung cầu chỉ có thể giải quyết thông qua chiến lược phát triển của thành phố. Khi thành phố có chiến lược thích hợp và có phương pháp thực hiện nghiêm túc thì chắc chắn chất lượng đào tạo của các cơ sở đào tạo và các đại học sẽ không còn là vấn đề như báo chí vẫn thường đặt ra như hiện nay.

PV: Giáo sư có thể nói cụ thể hơn về vấn đề này? Về lâu dài, TP Hồ Chí Minh nên làm gì để phát triển nguồn nhân lực có chất lượng, đáp ứng được nhu cầu phát triển của thành phố?

GS-TS Huỳnh Hữu Tuệ: Khi xã hội có những nhu cầu cụ thể, thì nền giáo dục của Việt Nam tất sẽ đủ khả năng đào tạo để đáp ứng. Trong một xã hội phát triển, các chương trình đào tạo thường một mặt dựa trên nhu cầu trước mắt, một mặt dựa trên dự báo phát triển của nền công nghiệp nước đó. Mô hình phát triển mà chúng ta cần học tập là ở các nước như Hàn Quốc, Singapore. Nền công nghiệp hiện đại và phát triển mạnh mẽ của các nước này đã được xây dựng từ 30- 40 năm trước. Và để thực hiện chiến lược công nghiệp của họ, nhà nước đã hết sức giúp đỡ giới trẻ xây dựng các công ty góp tay xây dựng từng bước sức mạnh công nghiệp quốc gia.

Phải nói rõ rằng, sự thông minh và khả năng thích ứng của giới trẻ Việt Nam là điểm mạnh không ai phủ nhận được. Nhưng để góp tay xây dựng, phát triển TP Hồ Chí Minh theo như kỳ vọng của người dân và lãnh đạo thành phố, thì các yếu tố tích cực này cần được thực sự phát huy. Theo tôi, thành phố cần có một chiến lược nhằm xây dựng một nền công nghiệp hiện đại. So với thế giới, lợi thế của Việt Nam nằm trong các lĩnh vực như công nghệ sinh học, hóa học, công nghệ thông tin, nông lâm hải sản và chế biến thực phẩm. Điều hơi đáng tiếc là trong 20 năm qua, nếu TP Hồ Chí Minh chọn đúng chiến lược phát triển vi điện tử, thì hôm nay, chúng ta đã sẵn sàng góp mặt với nền công nghệ điện tử của thế giới. Tuy là khá trễ, nhưng nếu bắt tay nghiêm túc từ bây giờ, thì trong 10 năm tới, ta vẫn có thể hình thành một số hướng đi cụ thể cho nền công nghiệp của thành phố.

Tóm lại, TP Hồ Chí Minh cần phải xây dựng nền công nghiệp mạnh, hiện đại thì kéo theo đó chất lượng nguồn nhân lực của chúng ta sẽ được nâng lên vì tự thân giáo dục đào tạo phải thay đổi để đáp ứng nhu cầu thực tiễn mới của xã hội.

PV: Trong công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ở các cơ sở giáo dục đại học có sự đóng góp tích cực của một số trí thức, chuyên gia Việt kiều, nhưng dường như sự đóng góp đó còn hạn chế so với tiềm năng. Theo giáo sư, TP Hồ Chí Minh nên làm gì để tiếp tục thu hút và phát huy hiệu quả sự đóng góp của trí thức VNONN?

GS-TS Huỳnh Hữu Tuệ: Đây là một vấn đề có lẽ đang ở trong tình trạng nan giải. Tuy vẫn có một số chuyên gia Việt kiều về nước tham gia công tác trong một số lĩnh vực, nhưng những người như thế chiếm tỷ lệ khá nhỏ so với tiềm năng thực tế. Tôi thấy tình trạng này thật ra cũng dễ hiểu. Bởi những chuyên gia Việt kiều làm việc ở nước ngoài được sống trong một môi trường điều kiện công tác đầy đủ, tư duy không bị ràng buộc, nên thường khó thích ứng với xã hội Việt Nam. Tuy nhiên, một số trí thức Việt kiều vẫn dành nhiều tình cảm cho quê hương Việt Nam, đây chính là thành phần mà thành phố cần quan tâm.

Tôi nghĩ rằng, để thuyết phục họ tham gia xây dựng một nền công nghiệp hay tham gia công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao,  thành phố nên triển khai một số chính sách “chiêu hiền đãi sĩ” như cách làm của Hàn Quốc, Trung Quốc hay Singapore, là dành cho họ một số quyền lợi cao hơn bình thường, đặc biệt là tạo ra một môi trường làm việc thuận lợi để họ có thể phát huy cao nhất khả năng và đóng góp của mình.

Ở Hàn Quốc và Trung Quốc, các nhà khoa học trở về từ nước ngoài thường được hưởng lương bổng gần giống như lúc họ còn sống bên ngoài, được ưu đãi trong ngân sách nghiên cứu cũng như trong điều kiện sinh hoạt hàng ngày. Ở Singapore, giảng viên đại học được đối xử hoàn toàn giống như ở các nước phát triển. Đối với Tp Hồ Chí Minh, chúng ta không có những điều kiện tương đương nên không thể áp dụng những chính sách này một cách đại trà như các nước phát triển.và  Tuy nhiên, Tp vẫn có thể những điều kiện này cho những chuyên gia mà thành phố đánh giá là cần thiết trong quá trình thực hiện chiến lược phát triển của mình.

PV: Xin trân trọng cảm ơn giáo sư!

Giáo sư Huỳnh Hữu Tuệ tốt nghiệp Tiến sĩ ở Canada và là Giáo sư Đại học Laval (Canada). Ông đã bảo vệ luận án tiến sĩ về lĩnh vực xử lý thông tin và là một trong những nhà nghiên cứu hàng đầu trong lĩnh vực được coi là rất mới mẻ này từ năm 1969 tại ĐH Laval và.

Vào những năm 70, ông là Phó Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Canada, những năm 80 ông là Chủ tịch Hội. Ông cũng đã từng là Tổng biên tập báo “Đất mới” của Hội người Việt Nam ở Canada.

Từ năm 1977, giáo sư đã trở về Việt Nam tham gia giảng dạy tại trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Huế, Đại học Quân sự và một số trường đại học ở TP. Hồ Chí Minh. Trong những năm tháng sống tại Canada cũng như tại quê nhà, giáo sư luôn quan tâm tới tình hình phát triển của đất nước, đặc biệt rất tâm huyết về vấn đề giáo dục đào tạo của nước nhà.

Giáo sư Huỳnh Hữu Tuệ kinh qua nhiều vị trí trong công tác giảng dạy tại Việt Nam: là trí thức Việt kiều đầu tiên giữ chức Chủ nhiệm bộ môn Xử lý thông tin thuộc Khoa Điện tử viễn thông, Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội; Hiệu trưởng Đại học quốc tế Bắc Hà; giảng viên Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh.

Cảnh Tiên (thực hiện)


Các tin khác

Tin tiêu điểm