A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

GS-TS Dương Nguyên Vũ: “NVNONN sẽ về nước đóng góp chất xám khi có môi trường làm việc tốt”

LTS: Cách đây 6 năm, khi đang là một trong những chuyên gia công nghệ thông tin hàng đầu trong lĩnh vực hàng không thế giới, GS-TS Dương Nguyên Vũ nhận lời mời của PGS-TS Phan Thanh Bình, Giám đốc ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh về làm lãnh đạo Viện John von Neumann thuộc ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh với nhiệm vụ kết nối sức mạnh tri thức Việt trong và ngoài nước, đóng góp cho nghiên cứu khoa học và đào tạo sau đại học của nước nhà. GS-TS Dương Nguyên Vũ trả lời phỏng vấn của Tạp chí Quê Hương về quan điểm của ông đối với sự phát triển kinh tế tri thức tại TP Hồ Chí Minh hiện nay.

PV: Là một trong những chuyên gia công nghệ thông tin hàng đầu trong lĩnh vực hàng không thế giới, ông chọn về nước làm việc khi đang ở thời kì khoa học sung sức của mình, điều gì đã thôi thúc ông đưa ra quyết định như vậy? Đã bao giờ ông cảm thấy tiếc nuối khi rời bỏ một nơi làm việc được nhiều người mơ ước để trở về quê hương?

GS-TS Dương Nguyên Vũ: Tôi bắt đầu tham gia giảng dạy tại Việt Nam từ năm 1998, lúc đầu thì mỗi năm một lớp, rồi hai lớp, rồi từ năm 2003 thêm công việc tổ chức đưa hội thảo quốc tế về Việt Nam. Đến năm 2008 thì 1/3 thời gian tôi ở Việt Nam và sau đó thì nhiều hơn, nên việc về hẳn là một điều rất tự nhiên.

Cuộc sống đôi khi không cần phải có lý do cho sự lựa chọn của mình, và tôi lựa chọn đồng hành với các đồng nghiệp trong nước, bởi tôi nhận thức được là việc trở về làm cho cuộc sống của tôi có nhiều ý nghĩa hơn. Thật sự khi về đây thì mỗi giây phút trong cuộc sống của tôi đều tuyệt vời hơn. Tôi yêu cái sôi động, ồn ào, yêu cả cái nóng của TP Hồ Chí Minh. Tôi quý mến những đồng nghiệp hết lòng vì công việc, những sinh viên trẻ nhiều hoài bão, đầy ước mơ, khát khao làm chủ bản thân và chinh phục khoa học. Tôi vui vì được làm những điều tôi đam mê mỗi ngày và thật tình là tôi chẳng có gì để tiếc nuối.

PV: Làm việc trong lĩnh vực giáo dục đã nhiều năm nay, điều gì khiến ông gắn bó với công việc giảng dạy đến thế?

GS-TS Dương Nguyên Vũ: Điều khiến cho tôi thích thú là sự khám phá qua trải nghiệm của bản thân mình về các tiềm năng của sinh viên Việt Nam. Tôi may mắn được tiếp cận với các bạn trẻ, những sinh viên thuộc nhóm xuất sắc của Việt Nam và có cơ hội được khám phá ra tiềm năng tri thức của các sinh viên Việt Nam rất lớn, nếu được khai phá, họ có thể sánh cùng với các sinh viên của các trường hàng đầu trên thế giới.

Công việc giảng dạy khiến tôi đam mê vì không phải ai cũng có được khả năng tác động đến tương lai của các bạn trẻ, đây là niềm vinh dự của “người làm thầy”. Mỗi khi nghe được các thành tích của các sinh viên của mình, tôi đều rất hạnh phúc. Tôi hạnh phúc với những gì tôi làm, đó là “có ảnh hưởng” lên tương lai của những sinh viên của tôi.

PV: Năm 2010, ông tham gia thành lập Trung tâm Xuất sắc John von Neumann, thuộc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, nay là Viện John von Neumann. Ông có thể giới thiệu qua về Viện? Định hướng và những mục tiêu của Viện John von Neumann hướng tới là gì?

GS-TS Dương Nguyên Vũ:  Thực sự mỗi người Việt sống xa quê hương đều luôn canh cánh trong lòng chuyện trở về, giúp sức cho Việt Nam. Thấu hiểu được tâm tư này, và với mong muốn tạo được một môi trường nghiên cứu khoa học cách tân, không nặng nề về cấu trúc hành chính, tự trị về quản lý và tự do về học thuật, thầy Phan Thanh Bình đã mạnh dạn mời tôi về chịu trách nhiệm Viện John von Neumann với nhiệm vụ kết nối sức mạnh tri thức Việt trong và ngoài nước, tạo một môi trường nghiên cứu khoa học thuận lợi để thu hút trí thức NVNONN đóng góp cho quê hương.

Viện John von Neumann là trung tâm xuất sắc của Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh về các lĩnh vực: Toán ứng dụng, Khoa học tri thức, Khoa học hệ thống và Khoa học thông tin. Năm 2008, xuất phát từ ý tưởng của Ban Giám đốc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, một nhóm nghiên cứu được thành lập gồm GS-TS Hồ Tú Bảo đang công tác tại Viện Khoa học và Công nghệ tiên tiến Nhật Bản, GS-TS Cao Hoàng Trụ của trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh và tôi, để xúc tiến nghiên cứu tính khả thi thành lập Viện này.

"Nếu Việt Nam có thể tạo ra được các điều kiện tốt nhất cho các nhà khoa học trẻ trong việc tiếp cận kiến thức với chất lượng hàng đầu, mở ra cho họ các cánh cửa để có những cơ hội việc làm tốt nhất, ở trong nước cũng như quốc tế, và các bạn không phải lo lắng về tài chính cho việc học thì tôi tin rằng hiện tượng chảy máu chất xám sẽ không còn là nỗi lo của chúng ta

                   GS-TS Dương Nguyên Vũ

Đến năm 2010, Viện được chính thức thành lập và Ban Giám đốc ĐHQG TP Hồ Chí Minh đã rất mạnh dạn đề xuất tôi là một Việt kiều đang còn công tác ở châu Âu vào làm Giám đốc của Viện. Viện John von Neumann được đặt tên theo tên của GS John von Neumann - 1 trong 4 nhà khoa học đầu tiên cùng với Albert Einstein tại Viện Nghiên cứu cao cấp trường ĐH Princeton, Hoa Kỳ. Chúng tôi lựa chọn tên của ông cho Viện vì ông là một nhà khoa học xuất sắc trong tất cả các lĩnh vực chuyên môn của Viện, từ toán ứng dụng cho đến thuật toán thông minh.

Viện John von Neumann theo đuổi mô hình đào tạo sau đại học trong các lĩnh vực liên ngành, kết nối nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo với doanh nghiệp để hình thành một mô hình đào tạo sau đại học chất lượng quốc tế với ba nhiệm vụ chính: một là trở thành nơi hội tụ các nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài về tham gia đóng góp nghiên cứu và giảng dạy; hai là trở thành nơi hội tụ của các doanh nghiệp để đổi mới sáng tạo; ba là trở thành chuẩn mực quốc tế về đào tạo sau đại học trong các lĩnh vực liên ngành.

Có thể nói, từ lúc ban đầu còn khó khăn, sau 6 năm thành lập và phát triển thì Viện đã bắt đầu đi vào ổn định và bền vững để tiến tới hoàn thành các nhiệm vụ được giao.

PV: Là người có kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực đào tạo trí thức, ông đánh giá như thế nào về vai trò của kinh tế tri thức đối với sự phát triển chung của TP Hồ Chí Minh hiện nay? Và tầm quan trọng của nguồn lực NVNONN đối với phát triển kinh tế tri thức của TP Hồ Chí Minh cũng như cả nước hiện nay?

GS-TS Dương Nguyên Vũ: Kinh tế tri thức được hiểu như là nền kinh tế mà tri thức là nguồn khởi của sự cạnh tranh. Tri thức là sản phẩm của nghiên cứu khoa học nên nói cách khác, nếu không nghiên cứu khoa học để làm đổi mới sáng tạo cho các sản phẩm và dịch vụ, quy trình của doanh nghiệp thì sức cạnh tranh sẽ yếu dần.

TP Hồ Chí Minh là thành phố đầu tàu cho sự phát triển của cả nước, thành phố của sự năng động, nhưng hiện nay chúng ta vẫn còn cạnh tranh qua lao động giá rẻ và qua chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. Còn về nghiên cứu khoa học để làm ra tri thức tham gia vào quá trình cạnh tranh, thì hiện nay ta vẫn còn rất yếu, mặc dù từ vài năm nay thành phố đã rất quyết liệt trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp nhưng vẫn là chưa đủ.

Phải hiểu được rằng không có nghiên cứu đổi mới sáng tạo thì sự phát triển kinh tế sẽ thiếu sự bền vững. Ngay trong kinh tế dịch vụ cũng cần đổi mới sáng tạo về quy trình. NVNONN có điều kiện được tiếp cận với kinh tế tri thức và khoa học công nghệ tiên tiến, nên có thể giúp ích rất lớn cho sự phát triển của TP Hồ Chí Minh qua đóng góp của họ. Sự đóng góp này có thể về ý tưởng đổi mới sáng tạo hoặc cách thức quản lý đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp. Ngoài ra, nếu được hợp tác sâu rộng hơn, họ có thể tham gia vào các dự án nghiên cứu đổi mới sáng tạo.

Dù mới tham gia ở một tỷ lệ nhỏ nhưng Viện John von Neumann hiện cũng có nhu cầu tham gia các dự án nghiên cứu cho doanh nghiệp trong các lĩnh vực về phân tích dữ liệu như: y khoa, thị trường, tài chính, nhân sự… và về ứng dụng vận trù học như: chuỗi cung ứng, lịch trình, nguồn lực…

PV: Có mối liên hệ gần gũi với nhiều trí thức VNONN, anh nhận thấy tâm nguyện lớn nhất của họ là gì? Những rào cản nào khiến phần đông trí thức VNONN không muốn trở về làm việc tại quê hương?

GS-TS Dương Nguyên Vũ: Qua trải nghiệm của tôi thì những khoảng cách còn rộng là vì chúng ta không hành động để thu nhỏ nó lại. Những đồng nghiệp của tôi ở nước ngoài, cũng như tôi trước kia, ai cũng mong muốn nhìn thấy một Việt Nam phát triển như những nơi họ đang sống và làm việc, và ai cũng muốn đóng góp vào sự đổi thay đó. Hiện nay Việt Nam đang phát triển rất mạnh mẽ, tuy nhiên vẫn còn rất nhiều bất cập còn hiện hữu, nếu chính chúng ta không làm gì thì nó cũng sẽ vẫn còn ở đó.

Riêng tôi, tôi nhận thức được đóng góp của mình dù rất nhỏ vào công cuộc phát triển, đổi thay của Việt Nam là một cơ hội của một đời người, mà không phải ai cũng có được cơ hội này.

Trong một cuộc khảo sát với gần 500 sinh viên, nghiên cứu sinh và nhà khoa học Việt Nam đang học tập cũng như sinh sống tại khắp nơi trên thế giới, có đến 83% cho biết họ sẽ về nước đóng góp chất xám khi có môi trường làm việc tốt chứ không phải chỉ là vấn đề thu nhập. Kết quả của cuộc khảo sát này càng làm tôi trăn trở rất nhiều về việc làm sao để tạo ra được một môi trường khoa học chuyên nghiệp, nghiên cứu giải quyết các vấn đề khoa học và công nghệ cấp thiết, xây dựng các chương trình đào tạo sau đại học theo phương pháp tiên tiến và chuẩn mực thế giới… Đó cũng là một lý do để Viện John von Neumann ra đời.

Ai xa quê hương nhiều năm cũng khao khát trở về như tôi vậy. Nếu Việt Nam có thể tạo ra được các điều kiện tốt nhất cho các nhà khoa học trẻ trong việc tiếp cận kiến thức với chất lượng hàng đầu, mở ra cho họ các cánh cửa để có những cơ hội việc làm tốt nhất, ở trong nước cũng như quốc tế, và các bạn không phải lo lắng về tài chính cho việc học thì tôi tin rằng hiện tượng chảy máu chất xám sẽ không còn là nỗi lo của chúng ta.

PV: Đã gắn bó và làm việc tại TP Hồ Chí Minh nhiều năm nay, ông có đề xuất hay nguyện vọng gì về cơ chế, chính sách của TP Hồ Chí Minh để xây dựng được môi trường kinh tế tri thức phát triển, góp phần vào sự phát triển của TP HCM và cả nước nói chung? 

"TP Hồ Chí Minh nên mạnh dạn tháo bỏ cơ chế, đi đầu trong cả nước về đổi mới sáng tạo. Và khi nói tới sáng tạo thì tự do học thuật, nghiên cứu khoa học là nền tảng. Cho nên, cơ chế ràng buộc hiện nay cần được xem xét và tháo gỡ."

                 GS-TS Dương Nguyên Vũ

GS-TS Dương Nguyên Vũ: Xã hội hiện vẫn còn suy nghĩ nghiên cứu khoa học, nghiên cứu ứng dụng nghĩa là làm ra sản phẩm, thay vì làm ra tri thức. Vì vậy người làm nghiên cứu khoa học ở trong nước chưa được coi trọng. Nhà nước không đầu tư cho nghiên cứu khoa học, phát triển kinh tế tri thức nhiều bằng đầu tư cho những trung tâm, viện làm ra sản phẩm, đồng thời không hề tiến hành đánh giá để biết những sản phẩm ấy cho đến nay liệu đã thực sự đóng góp được những gì cho xã hội? Tất nhiên cần có sự phân chia mục tiêu ngắn - dài hạn phù hợp, nhưng nếu cứ tiếp tục theo con đường này, đất nước sẽ không thể có một nền kinh tế tri thức mạnh.

Một quốc gia không có nghiên cứu khoa học đúng đắn thì như một gia đình có những đứa con không được đi học tử tế, chúng chỉ làm việc tay chân. Muốn một quốc gia có khoa học thì cần nuôi dưỡng những đứa con để nó làm ra tri thức mới.

TP Hồ Chí Minh nên mạnh dạn tháo bỏ cơ chế, đi đầu trong cả nước về đổi mới sáng tạo. Và khi nói tới sáng tạo thì tự do học thuật, nghiên cứu khoa học là nền tảng. Cho nên, cơ chế ràng buộc hiện nay cần được xem xét và tháo gỡ.

PV: Xin cảm ơn ông!

GS-TS Dương Nguyên Vũ là cựu học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TPHCM). Đầu thập niên 1980, ông đến Pháp, được nhận vào học đồng thời tại trường Kiến trúc thuộc Học viện Quốc gia Mỹ thuật (Ecole Nationale des Beaux-Arts) và trường Quốc gia Cầu cống (Ecole Nationale des Ponts et Chaussees) thuộc Viện Công nghệ Paris (Paris Institute of Technology). Năm 1990, ông bảo vệ thành công luận văn tiến sĩ với đề tài liên quan đến lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.

Giáo sư Dương Nguyên Vũ từng là Giám đốc nghiên cứu đổi mới sáng tạo, cố vấn khoa học cấp cao của Trung tâm Nghiên cứu Hàng không châu Âu (Eurocontrol), đồng thời là giáo sư tại trường EPHE Sorbonne (Pháp) và giáo sư hợp đồng với trường Telecom-ParisTech.

Từ năm 1998, ông bắt đầu về Việt Nam để giảng dạy thỉnh giảng. Ông quyết định hồi hương về Việt Nam từ năm 2010 khi ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh thành lập Trung tâm Xuất sắc John von Neumann (sau trở thành Viện John von Neumann) và mời ông làm Giám đốc của Trung tâm này.

 

Thanh Thủy (thực hiện)


Các tin khác

Tin tiêu điểm