A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tôi luôn băn khoăn tự hỏi…

Nhân Đại hội thành lập Hiệp hội doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài lấn thứ nhất, phóng viên Tạp chí Quê Hương có bài phỏng vấn Luật gia- Doanh nhân Trần Thị Minh Tâm ở CHLB Đức về những vấn đề các doanh nghiệp quan tâm.



 Luật gia Trần Thị Minh Tâm. Ảnh: Thế Sáng.

Phóng viên: Xin Bà vui lòng cho biết những nét chính về quá trình hình thành, lĩnh vực kinh doanh/hoạt động cũng như xuất phát điểm để có những thành quả như ngày hôm nay của Bà?

Luật gia Trần Thị Minh Tâm: Doanh nghiệp của chúng tôi hình thành sau khi bức tường Đông –Tây Berlin sụp đổ và chính thức  hoạt động từ mùa Xuân  năm 1990.

Bắt đầu từ một cơ sở kinh doanh nhà hàng nhỏ, sau hai mươi năm, chúng tôi đã phát triển thành một hệ thống nhà hàng Châu Á có mặt tại nhiều Trung tâm thương mại và các nhà Ga lớn ở các thành phố  tại  CHLB Đức. Sau nhiều năm, thương hiệu của doanh nghiệp chúng tôi đã trở thành tên tuổi nổi tiếng trong ngành ăn uống ở nước Đức.

Doanh nghiệp chúng tôi hoạt động  theo hình thức “nhượng quyền kinh doanh” – Franchisesystem, và có những Thương hiệu như: ASIA-SNACK; Aasia – Gourmet; Sushi and  More v.v…

Ngẫm lại, có lẽ vì tinh thần “hiếu thắng” và ý chí muốn khẳng định bản lĩnh Việt Nam của mình cho nên chúng tôi đã đạt được những  thành quả như ngày hôm nay.

Phóng viên: Bà có thể chia sẻ bí quyết thành công của mình và những hoạch định chiến lược phát triển của bản thân/doanh nghiệp của Bà trong thời gian tới?

Luật gia Trần Thị Minh Tâm: Bí quyết ư? Có lẽ đó là lòng tự tin  và tính tự chủ  tiềm tàng trong một bản lĩnh bướng bỉnh. Cái bản lĩnh bướng bỉnh của tôi vốn không mấy khi thích nghe mệnh lệnh của người khác ngoài hứng thú bẩm sinh là chỉ thích tự mình làm chủ doanh nghiệp để tự mình ra lệnh cho chính bản thân. Thật khó có thể gói ghém những hoạch định chiến lược phát triển của bản thân và của doanh nghiệp chúng tôi trong những năm tới vào một câu trả lời. Tuy nhiên,  tôi có thể tiết lộ rằng, không chỉ ở Đức, không chỉ ở Việt Nam, chúng tôi còn muốn thương hiệu của doanh nghiệp chúng tôi dần dần có mặt ở khắp thế giới. Đương nhiên, ước mơ này của chúng tôi không thể thành sự thật trong một hành trình đơn độc.

Phóng viên: Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài được thành lập, theo Bà đây có phải là cơ hội để các doanh nghiệp đóng góp trí tuệ, công sức của mình xây dựng đất nước? Bản thân Bà đã xác định trách nhiệm của mình với đất nước như thế nào? Bà tự nhận thấy có thể đóng góp cho đất nước trong lĩnh vực nào?

Luật gia Trần Thị Minh Tâm: Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài được thành lập vào thời điểm mà nhu cầu phát triển của các doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài cần đến một  sức mạnh tổng hợp từ một sự liên hiệp và kết nối trí tuệ. Không có sự liên thông chặt chẽ giữa các doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài với nhau và với các Doanh nhân Việt Nam ở trong nước thì hiệu quả và sức mạnh của các doanh nghiệp Việt Nam sẽ khó mà thoát ra khỏi các giới hạn. Đây đích thực là cơ hội để các doanh nghiệp đóng góp công sức trí tuệ của mình với sự phát triển của  đất nước. Tôi có mặt trong Đại hội này cũng là để khẳng định tinh thần  công dân và trách nhiệm của mình với tư cách là một Luật gia kiêm doanh nhân đang sống ở CHLB Đức. Tôi có thể đóng góp cho đất nước trong lĩnh vực nào ư? Tôi chỉ có thể nói rằng bất kỳ những thành quả nào đó mà tôi và doanh nghiệp của chúng tôi đã và đang làm được tại Đức và Việt Nam đều có ý nghĩa cụ thể là đã mang lại nhiều công ăn việc làm cho người Việt Nam đang sinh sống tại quê hương và tại Đức. Điều đó, theo tôi cũng có ý nghĩa là đã đóng góp được “một chút gì đó” cho đất nước của mình.

Phóng viên: Xin cho biết những thuận lợi và khó khăn của Bà khi hoạt động/kinh doanh ở trong nước? Bà có những kiến nghị gì đối với Chính phủ để giúp cho các doanh nghiệp thuân lợi hơn trong các hoạt động kinh doanh của mình?

Luật gia Trần Thị Minh Tâm: Theo tôi, hệ thống pháp luật Việt Nam cho tới nay đã được xây dựng và hoà nhập quốc tế rất lớn. Tuy vậy, trong quá trình về Việt Nam đầu tư, kinh doanh chúng tôi cũng chưa thật an tâm, thậm chí lo lắng do có thể gặp nhiều rủi ro mà việc tháo gỡ sẽ rất khó khăn. Thực tế, trong quá trình kinh doanh ở Việt Nam, chúng tôi đã gặp rắc rối và có nguy cơ mất một số tiền lớn. Chúng tôi đã có đơn đến các cơ quan chức năng nhờ giải quyết. Chúng tôi nghĩ, Nhà nước và Chính phủ nên tạo ra sự an tâm về môi trường pháp lý hơn nữa cho doanh nhân Việt kiều để họ không có cảm giác bị bỏ rơi khi gặp những rắc rối trong quá trình đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam.     

Tại Đức, chúng tôi hoạt động theo hình thức chuyển nhượng quyền kinh doanh các Nhà hàng ăn uống trong hệ thống Nhà hàng của mình. Tuy nhiên tại Việt Nam, hinh thức này chưa được phổ cập, có doanh nhân Việt Nam ở trong nước chưa thấu đáo hình thức này cho nên đã xảy ra tình trạng Người điều hành Nhà hàng- Giám đốc làm trong Nhà hàng của chúng tôi, sau một thời gian đã chiếm đoạt cả tư cách pháp nhân của Nhà hàng lẫn công nghệ và thương hiệu của chủ đầu tư. Đó là cái khó thứ hai mà chúng tôi vấp phải khi khởi sự hoạt động kinh doanh ở trong nước. Cái khó này thuộc về vấn đề đạo đức và văn hóa kinh doanh của doanh nhân Việt Nam ngay tại Hà Nội.
Tôi luôn băn khoăn tự hỏi: làm thế nào để vượt qua cái khó này ?

Tôi xin kiến nghị với Chính phủ:

Một là: ngoài Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Chính phủ nên cho phép thành lập một bộ phận nhỏ (nằm trong Ủy ban này) chuyên trách giúp đỡ hỗ trợ những doanh nghiệp Việt kiều đang gặp khó khăn khi hoạt động ở Việt Nam.

 Hai là: Chính phủ nên ban hành những chính sách đặc biệt khuyến khích Việt kiều về nước đầu tư và tư vấn trong một số lĩnh vực cho Chính phủ. Tôi nghĩ, nếu Việt kiều được Chính phủ động viên khích lệ đúng mức thì chí ít họ cũng nhiệt tình đóng góp thêm vật chất cũng như trí tuệ cho đất nước.

Tôi luôn băn khoăn tự hỏi: liệu mình có thể là một trong ngàn tay, ngàn mắt của quê hương hay không?

Sau hai mươi năm Doanh nghiệp chúng tôi mới đạt được những thành quả tại Đức. Tại Việt Nam, chúng tôi vẫn đang chỉ là những người chập chững khởi đầu. Sự khởi đầu của chúng tôi, về nhiều mặt không hề dễ dàng như các doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam. Do đó chúng tôi luôn luôn mong mỏi và vô cùng biết ơn mỗi khi cảm nhận được sự quan tâm của đất nước đối với từng bước trở về.

Tôi  luôn băn khoăn tự hỏi:  mình đã đóng góp được gì cho đất nước của mình chưa?

Phóng viên: Xin cảm ơn bà!

Vũ Thúy (thực hiện)


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu