A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lặng lẽ làm từ thiện

Trước khi về nước, tôi đề nghị bạn tôi đưa đến đến gặp anh Hoàng Văn Vinh. Khác hẳn với tưởng tượng của tôi, anh Hoàng Văn Vinh không phải là một người nghiêm nghị, đạo mạo, mà là một người bình dị với nụ cười hiền như phụ nữ. Khi tôi hỏi về những chuyện anh đã làm, về những việc tôi được tai nghe, mắt thấy, anh khiêm nhường bảo: “Có gì đâu anh. Đó là những việc khi có điều kiện không thể không làm. Bất cứ ai ở địa vị tôi cũng phải làm như vậy!”

Một người bạn cùng quân ngũ với tôi sang lao động hợp tác ở Nga từ năm 1986 giờ đây đã là một doanh nhân thành đạt.
Hai năm trước, nhân kỷ niệm 30 năm nhập ngũ, anh về nước, tổ chức một buổi gặp mặt anh em cùng đơn vị và trở lại thăm chiến trường xưa nơi địa đầu Tổ quốc.

Khi trở lại Nga, anh chân tình mời tôi, với tư cách là thủ trưởng cũ của anh, sang Nga một chuyến. Tôi nhận lời, nhưng lúc đó, tôi đang chuẩn bị làm thủ tục về hưu nên khất lại một thời gian nữa.

Hè năm nay, khi rời quân ngũ, tôi mới có điều kiện sang thăm nước Nga, nơi tôi hằng yêu mến, nhưng chưa một lần được đặt chân đến. Anh bạn tôi sống ở thành phố Ekaterinburg cách xa Thủ đô Matxcơva hai ngàn cây số. Bạn tôi dành cả tuần lễ đánh xe đưa tôi tới thăm biên giới Á- Âu, thăm mỏ đá quý Ural, đến khu điều dưỡng dành cho người cao tuổi.

Gần sáu chục tuổi, bốn chục năm phục vụ trong quân đội, có lẽ đây là khoảng thời gian tôi được nghỉ ngơi thực sự theo đúng nghĩa của nó. Mãi trước khi về, anh bạn mới dẫn tôi đi thăm nơi làm ăn, buôn bán của người Việt Nam tại khu chợ Nhà kính, khu siêu thị quần thể Taganxki và Trung tâm Thương mại mang tên Hà Nội đang được xây dựng.



Anh Hoàng Văn Vinh

Anh bạn tôi cho biết, anh Hoàng Văn Vinh, một người Việt có vai trò rất lớn trong cộng đồng, một doanh nghiệp đầy bản lĩnh và năng động, chính là người tổ chức, người quản lý chủ yếu việc kinh doanh buôn bán của bà con người Việt tại Ekaterinburg. Vốn xuất thân từ một vùng quê nghèo Hà Tĩnh, có hai bằng Đại học, sau khi học xong ở Matxcơva, anh Hoàng Văn Vinh đã xuống kinh doanh tại thành phố này. Anh là một doanh nghiệp có tiếng, nhưng lại là một nhà từ thiện ẩn danh.

Tôi ra chợ - được biết, được nghe, được gặp những người Việt không gặp được may mắn được anh Hoàng Văn Vinh cưu mang, giúp đỡ. Tôi gặp anh Lê Văn Nam vốn là một người buôn bán nhỏ ở Matxcơva tâm sự kể về tấm lòng cao thượng đầy nhân ái của anh Hoàng Văn Vinh. Anh Nam kể: Để có thêm vốn, do có mối quan hệ với một cán bộ hưu trí khả kính là ông T.G., Nam vay của ông 70.000 rúp và hứa sẽ thanh toán lại trong thời gian ngắn nhất. Do làm ăn thua lỗ, mất hết vốn liếng, anh bỏ trốn xuống Ekaterinburg mai danh, ẩn tích. Hay tin, anh Hoàng Văn Vinh đã chủ động tìm gặp Nam để hiểu rõ ngọn ngành. Một mặt, anh Hoàng Văn Vinh xuất trước 70 ngàn rúp yêu cầu Nam phải gửi trả lại cho ông T.G. để “đừng mang tiếng dối lừa một người có tuổi” và đồng thời bố trí cho Nam một chỗ bán hàng ở đầu chợ để giải quyết sinh kế. Cùng một lúc, Nam vừa có cả “cần câu và xâu cá”, có cuộc sống ổn định ở Ekaterinburg.

Còn anh Lâm ở thành phố Toliachi lại rơi vào một cảnh huống khác. Trong lúc vợ anh nằm mổ ở bệnh viện, con anh còn nhỏ, trong túi không còn lấy một đồng, hoàn toàn không biết trong cậy vào ai. Trong lúc cùng đường, một người quen đưa anh số điện thoại của anh Hoàng Văn Vinh. Anh liều mình gọi cho anh Vinh nhưng trong lòng nghĩ không mấy hy vọng. Anh Lâm đã nhận được sự bất ngờ ngoài sức tưởng tượng của mình, thay vì nhận được một lời động viên xã giao, một lời hứa đãi bôi, anh Lâm nhận được một lời yêu cầu gọn lỏn: “Đến gặp tôi ngay!”. Anh Lâm lên tàu đi suốt đêm đến gặp anh Vinh tại Ký túc xá. Anh Vinh lẳng lặng đề nghị tài vụ đưa cho anh Lâm 30 ngàn rúp để trang trải nợ nần và trả tiền viện phí cho vợ. Trước khi anh Lâm lên đường, anh Vinh đưa thêm cho 5 ngàn rúp để mua vé tàu và làm lộ phí.

Vào tháng 5 vừa rồi, một người đã từng là công nhân ở thành phố Ulianov hai chục năm trước, giờ đã là một người có tuổi, tìm đến gặp anh Hoàng Văn Vinh chỉ với một mục đích: xin một chiếc vé máy bay và ít tiền để về quê hương, bản quán. Dẫu trách cứ hết lời một người đã không có nghị lực, không chịu khó làm ăn để rơi vào nông nỗi này, nhưng mặt khác, anh Hoàng Văn Vinh lại không cầm lòng được trước những người sa cơ, lỡ vận. Ngoài số tiền anh cho đủ mua vé về nước, anh còn cho nhân viên lo cho anh ít quà mang theo, dẫu sao cũng mang tiếng “ở nước ngoài về”.

Có một chuyện tôi vô cùng xúc động, dù được nghe kể tới hai lần bởi hai người khác nhau. Đó là chuyện về một cô gái lầm lỡ, bị lừa bán, dạt từ Matxcơva xuống Ekaterinburg. Nhân lúc chủ nhà chứa và bọn bảo kê sơ hở, cô chạy ào ra đường giữa lúc băng tuyết lạnh tới -20 độ trong bộ quần áo phong phanh. Nhờ những bà già Nga hảo tâm, cô được đưa lên tàu điện và tới được đồn công an. Cũng như mọi lần khác, công an lại gọi điện và cho xe đưa cô tới Ký túc xá của anh Hoàng Văn Vinh trong tình trạng không giấy tờ, không tiền nong, không quần áo ấm. Lúc đó là chiều 29 Tết năm 2007.

Vợ anh Vinh, chị Ánh, đã lấy quần áo, giày dép của mình đưa cho cô gái đang tím tái và ho hen vì lạnh. Nhân viên trong công ty bố trí chăn đệm riêng cho cô ở. Từ cõi chết, từ cõi  nhơ nhuốc, cô được đến với cộng đồng, được hưởng một cái Tết dân tộc đầm ấm trong ốp.
Sau Tết chục ngày, anh Hoàng Văn Vinh đã mua vé, mua túi du lịch, kẹo bánh và đưa cô ra sân bay về nước. Hiện tại cô đang sống với gia đình, có việc làm ở phường Lê Lợi, Thành phố Vinh.

Tôi cũng đã gặp chị Thanh, chị Hương…, những người thất bát, trắng tay tìm về Ekaterinburg được anh Hoàng Văn Vinh cho vay vốn, không lấy lãi, bố trí chỗ ở, chỗ làm, có công việc ổn định kể về anh với lòng biết ơn và kính trọng.

Trước khi về nước, tôi đề nghị bạn tôi đưa đến đến gặp anh Hoàng Văn Vinh. Khác hẳn với tưởng tượng của tôi, anh Hoàng Văn Vinh không phải là một người nghiêm nghị, đạo mạo, mà là một người bình dị với nụ cười hiền như phụ nữ. Khi tôi hỏi về những chuyện anh đã làm, về những việc tôi được tai nghe, mắt thấy, anh khiêm nhường bảo: “Có gì đâu anh. Đó là những việc khi có điều kiện không thể không làm. Bất cứ ai ở địa vị tôi cũng phải làm như vậy!”

Trong khi Cộng đồng người Việt ở Nga còn đối mặt với bao nhiêu khó khăn, còn bao nhiêu số phận cơ nhỡ, không may mắn, tôi thầm mong có thêm nhiều doanh nhân thành đạt có tấm lòng và tâm đức như anh Hoàng Văn Vinh để cộng đồng bà con ngưởi Việt mình ở đây ngày càng phát triển bền vững.

Đặng Nguyễn 


Nguồn:quehuongonline.vn Copy link

Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu