A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Johnny Trí Nguyễn: Người hùng cô độc

Bốn năm đặt chân về lại Việt Nam, Johnny Trí Nguyễn liệu có còn là người lạ, khi cái tên nửa Tây nửa ta này đã kịp trở thành một cái tên quen? Một cái tên quen liệu đã đủ cho một gương mặt lạ? Con đường nào với Trí Nguyễn là ngắn hơn: từ Hollywood về Việt Nam hay từ Việt Nam ra lại với thế giới?


Sau 4 năm, những gì Johnny Trí Nguyễn làm được là: hai vai chính trong phim “Hồn Trương Ba da hàng thịt”, “Nụ hôn thần chết”; vai thứ trong phim “Sài Gòn nhật thực”; tác giả kịch bản, tổ chức sản xuất, chỉ đạo võ thuật kiêm diễn viên chính phim “Dòng máu anh hùng”, và hiện là “Bẫy Rồng”.



Johnny Trí Nguyễn



Những gì Trí Nguyễn làm, khiến nhiều người ngưỡng mộ, cũng không ít tị hiềm, còn nhiều người khác vẫn cảm thấy “chưa đã”, vì họ (trong đó có báo chí) kỳ vọng vào Trí Nguyễn nhiều hơn. Riêng Trí Nguyễn vẫn bình tĩnh đi trên con đường anh đã trở về - một con đường khá nhiều... ổ gà, mà nguyên nhân chủ yếu là do chưa đồng bộ, chưa tương thích và chưa hiểu nhau.

Không thấy tôi hay khán giả cứ đi thích người khác

Ngay từ khi anh trở về Việt Nam, với hình ảnh mạnh mẽ, gai góc, nam tính - thứ mà thị trường giải trí trong nước đang thiếu, rất nhiều người đã kì vọng anh sẽ là một “cú hích” về mặt hình tượng diễn viên. Bản thân anh có nhận thức được ưu thế của mình?

- Tôi không so sánh với thị trường giải trí. Còn tôi tự tin với khả năng của mình và biết mình có thể làm được những gì.

Thời gian qua lại cho thấy hình ảnh của anh không ăn khách. Người ta vẫn chưa giải được “cơn khát babyfaces” - thứ rất nhiều năm độc chiếm thị trường giải trí Việt Nam nói riêng và châu Á nói chung. “Phe” khen anh đẹp bị yếu thế, do họ không phải số đông?

- Tôi cũng nhận thấy gu nghệ thuật của mình không hoàn toàn giống của đại chúng. Có nhiều cái tôi thấy không đẹp nhưng người ta lại cho là đẹp và ngược lại. Ngay cả hình ảnh tôi chụp cho báo chí cũng vậy. Lúc đầu tôi thấy lạ vì điều đó. Sau rút kinh nghiệm, tôi không chụp những tấm hình mà mình không thích nữa. Hay khi ở Mỹ, nước da tự nhiên rất trắng, tôi phải đi tắm nắng cho đen. Nhưng ở Việt Nam thì ngược lại, mọi người thích nước da trắng hơn.

Sự chênh nhau về thẩm mỹ cho thấy bất lợi của anh, trong khi là diễn viên hay vào vai anh hùng như anh, rất cần một hình ảnh đẹp để “ám ảnh” khán giả?

- Mỗi ngày tôi hiểu văn hóa Việt Nam hơn, để khi viết kịch bản, tôi biết xây dựng tình tiết như thế nào cho hay và thể hiện như thế nào sẽ tốt hơn. Tôi chỉ làm theo những điều đó, chứ không chạy theo mọi sở thích của khán giả. Có thể khán giả yêu thích nhiều diễn viên, ca sĩ có ngoại hình không giống tôi, nhưng tôi không thể chạy theo thị hiếu của họ. Thỏa mãn trái tim khán giả nhưng không thỏa mãn được trái tim của mình, như vậy sẽ không vui. Tôi sẽ sống theo đúng hình ảnh của mình, thấy hay khán giả thích, còn không thấy hay, khán giả cứ đi thích người khác.

Còn nhớ, khi anh mới có dự định về Việt Nam, báo chí đã lăng xê và kì vọng sẽ có một ngôi sao điện ảnh Việt Nam. Nhưng gần 4 năm, Việt Nam vẫn chưa có ngôi sao điện ảnh. Anh nghĩ sao?

- Tôi đâu phải người đặt kỳ vọng. Tôi chỉ biết thể hiện mình và làm theo những gì mình yêu thích. Ví dụ, muốn làm phim “Dòng máu anh hùng”, tôi viết kịch bản, kêu gọi anh em, kiếm nhiều cách để thực hiện bộ phim bằng hết sức của mình. Kế tiếp là tôi lựa kịch bản phù hợp hoặc hay để tham gia. Sau một thời gian, tôi vẫn làm phim của mình, đó là “Bẫy Rồng”

Làm phim ở Việt Nam bắt buộc cái gì cũng phải biết

Anh có tự tin về diễn xuất của mình?

- Tôi tự tin.

Dựa trên những yếu tố nào?

- Trước khi bước vào con đường diễn xuất, tôi đã nghiên cứu và học tập rất nghiêm túc. Tôi học trong trường nhỏ, nhưng rất tốt. Họ đào tạo ra những ngôi sao ở Hollywood.

Tuy nhiên, nhận định về diễn xuất của anh lại có cả khen và chê, thậm chí có định kiến chỉ coi anh như một cascader không hơn không kém. Anh có coi đấy là một thử thách?

- Làm nghệ sĩ, lúc nào cũng có người khen hay, chê dở. Nghệ thuật không như kỹ thuật, làm đúng là nó đúng. Nghệ thuật luôn có sự lựa chọn. Sẽ có một số người thích, một số người không thích. Theo tôi, nói đến nghệ thuật thì không có gì đúng cũng không có gì sai, chỉ có sự lựa chọn của mình có được nhiều người thích hay không thôi.

Nhưng vẻ như trong “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”, “Nụ hôn thần chết”, anh mới có cơ bộc lộ chút duyên hài, còn “Dòng máu anh hùng” thì chỉ thấy sự phô diễn võ thuật hơn là chiều sâu diễn xuất? Hay chúng ta không nên đòi hỏi anh vừa là ngôi sao của dòng phim hành động (Việt Nam), vừa phải là người có khả năng diễn xuất?

- Trong phim “Hồn Trương Ba da hàng thịt”“Nụ hôn thần chết” thì không nói, vì đó là vai hài. Khi làm phim với vai trò diễn viên, sẽ có rất nhiều thời gian để tập trung thể hiện nhân vật. Còn với phim “Dòng máu anh hùng”, chị cứ hình dung thế này: tôi đứng trước ống kính và nói: “Anh này chỉnh đèn lẹ lên, cascader chuẩn bị cho cảnh kế, make up nhớ make up cô này cho máu me chút xíu. Ok. Máy bấm. Diễn...”. Những phân đoạn hành động thì không sao, nhưng những phân đoạn về tâm lí thì không dễ dàng chút nào. Với “Bẫy Rồng”, cũng có nhiều lúc bận bịu như vậy, nhưng nhớ lại kinh nghiệm của “Dòng máu anh hùng” đã ảnh hưởng tới nhân vật của mình như thế nào, để tôi cố gắng tránh đi. Nói vậy nhưng lâu lâu vẫn bị... dính.

Với khả năng “cái gì cũng biết”, anh sẽ khó trở thành người giỏi nhất?

- Tôi biết điều đó. Nhưng làm phim ở Việt Nam với mức đầu tư như vậy thì bắt buộc cái gì cũng phải biết. 

Đúng là tôi có đòi tiền khi chụp hình cho báo chí

Khi nhắc đến anh, nhiều người hay nói đến khái niệm chuyên nghiệp. Nhưng thị trường Việt Nam có đặc điểm: Nếu đi trước một bước, anh là người tiên phong. Nhưng nếu đi trước quá xa, anh sẽ bị... lạc đội hình. Tôi được biết anh có đòi tiền khi chụp hình cho báo chí. Điều này diễn viên nước ngoài đã làm từ lâu, nhưng ở Việt Nam, anh là một trong số ít, và xem ra, tiền lệ này khá... bất ổn, ít nhất trong giai đoạn hiện nay?

- Khi báo chí gọi chụp thời trang, tôi nghĩ đây là hình thức quảng cáo. Có lợi cho nhãn hiệu thời trang, còn báo chí được nhãn hiệu đó trả tiền, người chụp hình cũng được trả tiền. Vậy lí do gì tôi không được trả tiền? Cả hai bên cùng có lợi, tôi có lợi gì đâu mà phải đi làm cả ngày để chụp 8 tấm hình đó? Đối với tôi như vậy là bất công. Trong khi tôi cũng có nhiều công việc chứ có phải rảnh đâu.

Anh nói rất đúng, nhưng ở thị trường Việt Nam vẫn tồn tại những điều trái khoáy như vậy đấy! Được biết, không chỉ thời trang, mà anh còn đòi tiền khi chụp bìa báo, trong khi rất nhiều nghệ sĩ mong muốn, thậm chí trả tiền để được lên bìa. Xin nhắc lại, lí lẽ anh đưa ra rất đúng, nhưng không đúng ở Việt Nam.

- Đúng là tôi có đòi tiền khi chụp bìa, thực sự số tiền đó không đáng gì cả, nó cũng không đáng đối với tôi. Nhưng tôi nghĩ đây là sự chuyên nghiệp giữa hai bên. Dù chỉ là số tiền rất tượng trưng, nhưng thà tượng trưng mà có, chứ không phải tôi đi làm miễn phí để cầu được nổi tiếng. Đây là công việc, đâu phải quan hệ bạn bè. Tại sao tôi cố gắng làm cho chuyên nghiệp, mà nhiều người cứ khư khư cái sự không chuyên nghiệp hoài?

Nếu ở Việt Nam có 10 người kiên quyết đòi hỏi như anh thì may ra anh mới không “cô đơn”.

- Chắc khi tôi hỏi tiền chụp hình, đã có nhiều người dị ứng với tôi?

Và những cơ hội sau đó sẽ mất dần, trong khi là diễn viên, anh cũng rất cần PR hình ảnh?

- Thực sự số tiền tôi đòi đâu có đáng bao nhiêu. Đâu phải 1.000 đôla. Mà tôi cũng không đòi luôn. Tôi chỉ hỏi có trả cho anh cái gì không? Mình lên truyền hình họ cũng chỉ đưa 300.000. Tại sao tôi bị “kết án” khi cố gắng làm chuyên nghiệp?

Diễn viên ở Việt Nam gần như không có người quản lí. Anh thì ngược lại. Anh tiếp tục muốn chứng tỏ sự chuyên nghiệp? Và công việc của anh từng bị “gãy” vì sự chuyên nghiệp này?

- Tôi dùng người quản lí cho công việc quảng cáo, còn phim ảnh, tôi tự nói chuyện, chỉ có duy nhất “Huyền thoại bất tử” là có người quản lí. Thời gian đó những người bạn của tôi mới mở công ty quản lí, tôi muốn đem lại công việc cho họ. Hơn nữa, lúc đó tôi đi nước ngoài, nên giao hết công việc cho người quản lí làm. Rốt cuộc chuyện xảy ra không được hay. Đó là kinh nghiệm cho tôi.

Được biết, vai Long trong “Huyền thoại bất tử” đầu tiên Lưu Huỳnh dành cho anh chứ không phải Dustin Nguyễn. Nhưng Lưu Huỳnh phải đi qua người quản lí, và cuối cùng sự việc bị “gãy”, không phải vì anh mà vì người quản lí. Còn có thông tin bên lề là sau đó anh lập tức sa thải người quản lí của mình?

- Anh Lưu cũng có một người sản xuất, và họ mới là người nói chuyện về tài chính. Lưu Huỳnh nói qua người sản xuất, người sản xuất nói chuyện với người quản lí của tôi cũng là chuyện hợp lí. Nhưng người quản lí còn quá mới, không nắm rõ. Hơn nữa, đó là người bạn của tôi chứ không phải là người quản lí thực sự chuyên nghiệp. Kết quả không như mình mong muốn, thì không làm việc với nhau được nữa. Nhưng chúng tôi vẫn là bạn. Song tôi sống rất lạc quan. Chuyện đã qua thì thôi, cố gắng lấy điều đó làm bài học chứ tôi không bao giờ nuối tiếc./.

(Đẹp/Vietnam+)


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu