A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thơm thảo tấm lòng qua mối tình quê

Những chuyến đi về Việt Nam của chị Việt Ly không giống như đa số bà con kiều bào là về nước thăm thân nhân và đi du lịch. Bởi chị luôn nặng lòng với những mảnh đời gieo neo túng quẫn cam chịu nên chị luôn tìm đến những vùng biên địa heo hút của mảnh đất đầu và cuối đất nước.

Hà Giang, mảnh đất địa đầu cực Bắc của Việt Nam (phía Bắc giáp Trung Quốc với chiều dài đường biên 274km, đông giáp tỉnh Cao Bằng, tây giáp Yên Bái và Lào Cai và nam giáp tỉnh Tuyên Quang). Hà Giang là nơi có nhiều sông suối và những ngọn núi cao lưng trời, có cao nguyên Đồng Văn nên thơ hùng vĩ, có chợ tình Khâu Vai lãng mạn. Đến với Hà Giang, du khách sẽ được tiếp cận với những sản phẩm kết tinh từ truyền thống văn hoá độc đáo của cư dân miền núi, đó là các loại khăn thêu, túi vải, áo váy với các loại hoa văn rực rỡ, tinh tế; sẽ có dịp tham dự những phiên chợ vùng cao của cư dân địa phương và khám phá nhiều điều mới lạ… 

Những thông tin ấy thật hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Thế nhưng, với chị Việt Ly (một Việt kiều Mỹ) thì Hà Giang lại là vùng đất của nắng rát mùa hè, gió rét mùa đông, nơi mà người lớn nhọc nhằn lủi thủi tìm kiếm cái ăn trên lưng núi, nơi mà trẻ con đầu trần chân đất phơi tuổi thơ của mình trên đá tai mèo xám ngắt và cõng trên lưng sự thiếu thốn triền miên…” 

Những chuyến đi về Việt Nam của chị Việt Ly không giống như đa số bà con kiều bào là về nước thăm thân nhân và đi du lịch. Bởi chị luôn nặng lòng với những mảnh đời gieo neo túng quẫn cam chịu nên chị luôn tìm đến những vùng biên địa heo hút của mảnh đất đầu và cuối đất nước.  

Mỗi năm, thời gian ở Việt Nam của chị dần dần dài hơn thời gian ở Mỹ. Chị miệt mài với những làng xã xa xôi hẻo lánh của miệt An Giang, Kiên Giang, Minh Hải, Tây Ninh, Đồng Nai, … Đôi chân nhỏ bé của chị dường như không biết ngừng nghỉ, hết mải miết đi dọc theo các tỉnh miền Trung từ Bình Thuận đến Nghệ An, Thanh Hoá lai bươn bả lên các vùng cao Hà Giang, Lào Cai, Hoà Binh... Khi thì để kiểm tra nhu cầu thực tế của bà con ở quê để xây tặng cây cầu bê tông gần nơi các trường học, khi thì đến nghiệm thu những chiếc giếng khoan vùng thiếu nước sạch; ở nơi này một ngôi trường mới, nơi kia quà bánh, tấm áo ấm cho con trẻ...  

Một tấm lòng thơm thảo 

Giữa tháng 4 vừa qua, chị đã có chuyến đi lên vùng cao Tây Bắc, đến tận xã Lũng Pủ, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang. Chuyến đi lần này cách lần trước 6 tháng. Mỗi chuyến đi kéo dài 5 ngày, 2 ngày đi về và 3 ngày đi thăm và tặng quà. Thời gian quá eo hẹp, nên không có thời gian nghỉ ngơi, chỉ kịp đi từ huyện đến xã, phát quà xong lại quay về huyện nghỉ đêm sáng mai đi tiếp điểm khác.  

Gặp chị sau chuyến đi, tôi cứ tiếc mình không thu xếp được để đi cùng chị đến Hà Giang. Chị kể với giọng nói đầy xúc động: "Đường đi Hà Giang đến các huyện giáp ranh biên giới chỉ thấy núi đồi bạt ngàn. Người ta gọi nơi đó là Bất Đại Sơn, nhưng lẽ ra phải gọi đó là Đại Ngàn Sơn mới đúng, vì không tài nào đếm hết được, núi non trùng điệp nối nhau chạy dài hàng trăm cây số. Đặc biệt, từ cao nguyên Đồng Văn đến Mèo Vạc, các dãy núi có màu xám đen lởm chởm hình răng cưa, vì vậy mà có tên là đá tai mèo. Núi chiếm đến 80% diện tích, đất trồng trọt chỉ còn độ 20% thôi. Cảnh thiên nhiên trời cho thì quá đẹp nhưng mà sao người dân thì quá khổ?!"  

Đất xen đá chỉ thích hợp cho cây ngô (bắp) nên người dân phải ăn ngô quanh năm suốt tháng. Ngô có thể trồng ngay trong đá, chỉ cần có chút ít đất là cây ngô sinh trưởng và phát triển xanh tốt. Bước vào nhà dân thì thấy nhà nào cũng toàn là ngô khô, xếp đầy trên gác lững và đầy trong gian bếp. Họ dự trử để ăn quanh năm. Đây là loại ngô đá - do trồng trên đá và khi phơi khô thì nó cũng cứng như là đá. Muốn ăn thì phải tẻ hạt, ngâm nước cho mềm rồi phải xay đi xay lại bằng cối đá 2 – 3 lần và đồ cũng phải 2- 3 lần mới thành món ăn có tên goi là "mèn mén".  

Qua lời kể và những hình ảnh mà chị chụp được trong chuyến đi, chúng ta có thể hình dung ra sự an phận trong thiếu thốn của người dân vùng cao ấy.   

Muối cũng là loại thực phẩm gia vị quí giá đối với người dân miền núi... nhưng cái khó nhất đối với người dân nơi đây là chuyện thiếu nước trầm trọng. Vào mùa khô, hấu hết khe suối đều cạn kiệt, họ chỉ biết trông chờ vào nguồn nước từ trời - như trong câu ca xưa "Lạy trời mưa xuống, lấy nước tôi uống..." Và chỉ có những nhà nào khá giả mới có bể chứa, còn nhà nghèo vẫn phải dùng can đi lấy nứơc từ xa. Mặc dù nhà nước đã có làm hồ treo nhân tạo, nhưng đường đèo dốc núi đá cheo leo, đi lại khó khăn, người dân lại không đủ thiết bị chứa nước, đem được một can nước về đến nhà rất cực công nên chỉ để dành cho việc nấu ăn, nước uống, còn mọi nhu cầu tắm giặt sinh hoạt khác thì ở ngay tại nguồn nước, vì thế ở nhà trẻ con không đủ nước để tắm rữa vệ sinh mỗi ngày. 


 Đường lên Hà giang. Ảnh: Việt Ly

Giọng chị Việt Ly đầy xót xa: "Thương nhất là trẻ con, vì thiếu nước trầm trọng nên đứa nào cũng lấm lem mặt mũi, tóc tai dính bệt vào nhau, áo quần nhếch nhác. Cũng có đứa không có quần áo mặc cứ phơi mình giữa trời, mặc cho nắng  mưa. Có những đứa bé vừa chập chững biết đi thì đôi chân bé bỏng đã buộc phải làm quen với đất đá. Nhìn những bàn chân non nớt phồng giộp vì trèo non lội suối theo cha mẹ làm nương rẩy khắp núi đồi, thấy thương làm sao! " 

Chuyến xe của nhóm từ thiện thường xuyên dừng lại dọc đường vì mỗi khi nhìn thấy trẻ con thì các cô chú vội vàng chuẩn bị quà để phát ngay tại chỗ.  

"Có những hình ảnh thật lạ lẫm: trên lưng chừng dốc núi ven đường vắng ngắt lại có vài em bé chỉ khoảng 4 - 5 tuổi ngồi ngắm trời mây...  Có lẽ cha mẹ chúng đang làm việc đâu đó. Các cháu nhận quà của người lạ trong sự bỡ ngỡ ngạc nhiên lẫn vui thích vì có những bộ quần áo mới, con gấu bông, bánh kẹo... Thấy các cháu vui, lòng mình cũng rộn lên hạnh phúc. Có nhóm trẻ em vừa mang cặp sách sau lưng vừa vác cuốc trên vai, mình cứ băn khoăn: Học hành và lao động, gánh nặng cuộc sống luôn oằn trên đôi vai bé nhỏ. Không biệt các em có thấy buồn không?"   

Và những ước mơ thật giản dị 

Chị không phải là một cô tiên với chiếc đũa thần mầu nhiệm, chị chỉ là một người phụ nữ có tấm lòng nhân hậu như nhiều người khác.  

Để có được chuyến đi từ thiện lên vùng núi Hà Giang với 250 phần quà mỗi phần trị giá 350.000 đồng này (gồm gạo, can nước, mùng mền, dầu ăn, đường, muối, bọt ngọt, tập vở, bánh kẹo, quần áo trẻ em…) là có sự đóng góp của anh chị em trong Hội Văn hoá Khoa học San Diego ở California cùng với sự tiếp sức của một số chị em thiện nguyện tại Hà Nội.   


 Chị không phải là một cô tiên với chiếc đũa thần mầu nhiệm, chị chỉ là một người phụ nữ có tấm lòng nhân hậu như nhiều người khác

Chị không phải là một cô tiên với chiếc đũa thần mầu nhiệm, chị chỉ là một người phụ nữ có tấm lòng nhân hậu như nhiều người khác.  

Chị vốn là một thành viên tích cực, sẵn sàng gánh vác công việc thiện nguyện của Hội Văn hoá Khoa học San Diego - gồm một nhóm Việt kiều là những kỹ sư, bác sĩ, những nhà trí thức có tấm lòng với đất nước và muốn giúp đỡ bà con nghèo nơi quê nhà.  

Khởi đầu là những chuyến từ thiện nho nhỏ do chị cùng các anh em trong gia đình góp lại. Những việc chị làm đã được ghi lại qua những hình ảnh sống động mang hơi thở quê hương dần dà được bạn bè quan tâm đến, mọi người ủng hộ cả vật chất lẫn tinh thần.  

Chị trở thành người đại diện nhóm thường xuyên về Việt Nam trực tiếp đi đến nơi cần được giúp đỡ -  do điều kiện sống và hoàn cảnh gia đình chị khá thong dong. Ông xã chị là một bác sĩ quân đội thường xuyên đi công tác xa ở nước ngoài nên chị đã dành hết thời gian của mình cho việc từ thiện với tấm lòng yêu thương trẻ thơ kém may mắn tại quê nhà. Anh chị không có con và cũng từ nhân duyên từ thiện nên đã gặp gỡ một bé trai mới 5 tuần tuổi xém bị bỏ rơi ngoài đường. Từ lòng trắc ẩn, anh chị đã nhận cháu làm con nuôi và gọi tên "thằng Bờm ".  

Chị Việt Ly kể : "Mỗi năm, hội Văn hoá Khoa học San Diego cũng tổ chức một vài hoạt động để gây quỹ. Các anh chị Vũ Mạnh Huỳnh, Liên Hoa, anh Tân chị Ngọc Anh cùng các anh chị em của  Hội là người khởi xướng thêm nhiều hoạt động thiện nguyện khác. Có khi là từ những biến cố trong gia đình các anh chị cũng khơi lên sự đóng góp vào việc thiện, như gia đình chị Liên Hoa khi người cha qua đời thì gia đình dùng tiến phúng điếu cụ xây một câu cầu ở Cà Mau để tưởng nhớ và hồi hương công đức cho cụ ở quê nhà. Anh Vũ Mạnh Huỳnh cùng thân hữu và những du học sinh ở Nhật đã đóng góp xây một cây cầu ở Cà Mau để tưởng nhớ giáo sư Nguyễn Văn Chuyển, một nhà khoa học ấp ủ những hoạt động cho ngành dinh dưỡng Việt Nam. Và ngay với tấm lòng thương con, muốn hướng con đến những hoạt động từ thiện, chị Kathy Huê ở Texas Hoa Kỳ đã xây cho mỗi cậu con trai của mình một cây cầu dành tặng cho quê nghèo để nhắc nhỡ con cái nhớ rằng phải biết chia sớt khó khăn đối với những người kém may mắn hơn mình. Các con của chị đang ở tuổi học hành, mai mốt khi trưởng thành sẽ tiếp tục làm những việc có ý nghĩa như thế. Còn rất nhiều anh chị em VK đã tự nguyện tặng những giếng nước sạch cho bà con quê nghèo để hồi hướng công đức đến cha mẹ đã qua đời hoặc cho người thân đang còn sống với tấm lòng hiếu nghĩa nhân ái, hướng thiện thảo thơm..." 

Một mái ấm tình thương dành cho những nạn nhân bị tạt acid không có điều kiện hoà nhập xã hội một cách bình thường và cũng là trường mầm non Từ Tâm của trẻ em nghèo ở vùng Định Quán, Đồng Nai ; mấy lớp học ở vùng cao Tay nguyen nhu Hà Giang, Lào Cai, Hoa Binh đã mọc lên sau những chuyến lặn lội tìm hiểu thực tế của chị khi tình cờ đọc bài báo viết về « những chuồng học vùng cao » ;  rất nhiều những cây giếng đóng để bà con nông dân vùng quê Kiên Giang có nước sạch ; nhiều cây cầu và lớp học ở vùng sông nứơc đồng bằng Nam bộ… là những công trình được mang tên của bà con kiều bào trực tiếp đóng góp trợ giúp, tất cả đều có sự nối kết ân cần của chị Việt Ly.

Khi biết có ai đó đang gặp hoạn nạn tai ương cần được giúp đỡ thì chị đều có sự trợ giúp chân tình. Nhiều năm rồi, ngẫu nhiên chị có mặt ở Việt Nam ăn Tết. Đêm giao thừa, chị đã cùng bạn bè - những nhà hảo tâm - rong xe trên những con phố Sài Gòn, không phải để ngắm phố phường hay đường hoa Nguyễn Huệ, mà chỉ đế đem những món quà, phong bao lì xì cho những người vô gia cư sống lang thang nơi gầm cầu xó chợ, hầu mong mang đến cho họ một niềm vui nho nhỏ nhân ngày Tết cổ truyền...  

Cứ như thế, như thế, chị như con ong cần mẫn bay từ Cali đến thành phố Hồ Chí Minh và từ đây lại cần mẫn bay về những vùng quê xa lắc xa lơ, để góp cho những mảnh đời nghèo khó giọt mật ngọt ngào được chắt lọc từ tấm lòng thơm thảo của những người con xa quê.  

Ngày 5/6 mới đây, các anh chị lại hẹn nhau đi xuống huyện Cái Nước, Cà Mau để khánh thành cây cầu tưởng nhớ giáo sư Nguyễn Văn Chuyển và 2 cây cầu của chị Kathy Huê.  

Từ những việc làm ấy, chị và Hội Hội Văn hoá Khoa học San Diego đã gặt hái những nụ cười hạnh phúc cho chính mình.  

*** 

Nhiều người đang sống ở Việt nam đã mơ " một thiên đường Mỹ Quốc " hào nhoáng xa hoa ; còn chị, người phụ nữ có cái tên trìu mến Việt Ly, tuy sống ở Mỹ nhưng đã luôn luôn mơ những giấc mơ về người dân nghèo nơi quê nhà.  

Vâng, chị đã ước mơ và đang thực hiện những ước mơ thật giản dị: Làm được cây cầu vững chắc, xây được lớp học khang trang, đóng được giếng nước sạch cho người nghèo, mang chiếc áo ấm, tấm bánh cho trẻ thơ... Những ước mơ mang ánh mắt ấp áp trên gương mặt rám nắng của người nông dân chân chất, những ước mơ có tiếng cười trong trẻo hồn nhiên của bầy trẻ nhỏ quê mùa... Chị mong những ước mơ bình dị ấy cứ lan rộng và  trải dài trên khắp nước Việt thân yêu.

 

Quỳnh Lệ/ Người viễn xứ


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu