A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tiếng "chát, tom" gọi hồn viễn xứ

Giọng thơ thâm trầm, cổ kính mà không kém phần sang trọng đó dễ khiến những đào nương, kép đàn khẳng định, một quan viên "mày râu nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao" đã nổi hứng múa bút trong một lần vãn cảnh Tây Hồ.

"... Nước Tây Hồ long lanh sóng gợn
Điện Ngọc Hồ khói cuộn thang mây
Nhìn non xanh nước biếc mây bay
Hồ Trúc Bạch cỏ cây hoa lá
Khách viễn du dừng chân nấn ná..." 

Giọng thơ thâm trầm, cổ kính mà không kém phần sang trọng đó dễ khiến những đào nương, kép đàn khẳng định, một quan viên "mày râu nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao" đã nổi hứng múa bút trong một lần vãn cảnh Tây Hồ. Nhưng sự thật thì ngược lại: Tác giả của những vần thơ ấy lại là một phụ nữ định cư ở Mỹ, chị Đặng Thị Xuân Mai, Giám đốc điều hành một Văn phòng Luật thương mại quốc tế ở quận Cam, California.

Vốn là một sản phẩm văn hoá có tính chất cung đình xưa, sáng tác thơ ca trù nếu không là những vị Nho quan văn hay, chữ tốt, thì cũng phải những bậc mặc khách tao nhân. Song một thời, ca trù bị coi là thứ ca bị... trù (nguyên lời của một số nghệ nhân tên tuổi), sênh phách lãng quên, cung đàn lỡ nhịp, thơ ca trù cũng đành phận dở dang. Đến khi ca trù được công nhận, thì số người biết thưởng thức ca trù cũng hiếm, nhiều ca nương, kép đàn lừng danh, nhiều bậc văn hay có khả năng sáng tác thơ ca trù dần về tiên tổ. Vậy nên một phụ nữ của thế kỉ XXI sáng tác ca trù là một trường hợp khó có thể đặc biệt hơn.

"Mỗi người có những đam mê riêng, có người thích sưu tập tem, người thích sưu tập, tìm hiểu đồ cổ. Với tôi là âm nhạc truyền thống của dân tộc, đặc biệt là ca trù", Xuân Mai cho biết.

"Ai cũng biết ca trù là một thể loại âm nhạc bác học, một thể loại khó với phần đông mọi người. Tại sao chị lại chọn một con đường chông gai đến vậy?"

"Những người sáng tác thơ ca trù xưa là ai? Đó là những Cao Bá Quát, là Dương Khuê, là Tản Đà..., các cụ gửi gắm nhiều nỗi niềm thâm thúy và sâu sắc vào lời thơ ca trù. Khi ca lên, nó dễ đánh thức tinh thần dân tộc trong mỗi con người. Với người xa xứ, nó trở thành một nỗi khát khao".

"Ở xa quê hương, hẳn chị gặp nhiều khó khăn lắm trong việc tìm hiểu âm nhạc truyền thống?".

"Tất nhiên là khó khăn, nhưng tôi khẳng định tôi có tài liệu nhiều hơn... khối nhà nghiên cứu trong nước".

Khởi đầu, Xuân Mai chỉ nghiên cứu, học hát dân ca nói chung và ca trù nói riêng vì đam mê. Nhưng những dịp lễ tết, người Việt ở Mỹ thường tụ hội và nhớ về cố hương bằng việc tái hiện những sinh hoạt văn hoá dân gian. Hát dân ca luôn là một phần không thể thiếu. Ở nơi viễn xứ, ngoại trừ những người từng đắm mình trong những câu ca từ thủa thiếu thời khi còn trong nước, với nhiều người, nhất là lớp trẻ, giữa thưởng thức và hiểu các làn điệu dân ca là cả một khoảng cách. Rất cần một người có kiến thức để giúp mọi người cảm nhận thấu đáo về âm nhạc quê hương. Từ niềm đam mê của cá nhân, Đặng Thị Xuân Mai đã trở thành một diễn giả "bất đắc dĩ" trong những cuộc gặp mặt như thế, dù công việc của chị không chút gì liên quan đến âm nhạc.

"Để mọi người hiểu và cảm nhận về cái hay, cái đẹp của âm nhạc dân tộc, mỗi khi nói chuyện về làn điệu dân ca nào, mình lại phải trình bày làm mẫu. Thành ra phải học hát nhiều làn điệu dân ca của cả ba miền. Mình trở về Việt Nam trong tháng 6 và tháng 7 này để học hát ca trù. Mình hát chưa hay, nhưng ít ra để mọi người có thể hiểu hơn".

"Vậy tôi nên gọi chị thế nào, một nhà thơ, một nhà nghiên cứu hay một ca nương?"

"Chỉ là một người yêu âm nhạc dân tộc thôi".

"Hiện chúng ta đã hoàn thành bộ hồ sơ "Hát ca trù của người Việt" để đệ trình UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới, hẳn chị vui lắm, nay mai ca trù sẽ còn được biết đến nhiều hơn trên khắp thế giới?"

"Với tôi, được công nhận là di sản văn hoá thế giới hay không không quan trọng bằng thực tế tồn tại của ca trù. Tôi được biết, cách đây ít lâu có lớp dạy ca trù, nhưng đó là do bên ngoài (Quỹ Ford) tài trợ. Hiện giờ, các nghệ nhân tôi tiếp xúc không được nhà nước hỗ trợ bất cứ một khoản kinh phí gì để họ bảo tồn ca trù, thi thoảng có liên hoan ca trù hay việc gì đó mới được mời hát vài buổi".

Giang Nam (Đại đoàn kết)


 


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu