A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Mối dây nguồn cội

Sinh ra tại tiểu bang California của Mỹ, tuy vậy Đặng Quang Uyên Khanh (ảnh) luôn tâm niệm mình là một người Việt chính cống. Cô đã thấy bà ngoại mình thức dậy từ 4g sáng và đi làm đến chiều tối để giúp bố mẹ cô đi học ngành y và luật. Bà ngoại Uyên Khanh cũng đã giành nhiều thời gian dạy cho Uyên Khanh và em trai cô biết tiếng Việt, lịch sử và văn hóa VN.

Bố mẹ và bà ngoại Uyên Khanh đã đóng góp nhiều vào niềm say mê về y khoa của cô. “Tôi nhớ bà ngoại hay nói: Khi lớn lên, con nên học ngành y vì ở đâu thì cơ thể con người cũng giống nhau. Không ai có thể cướp đi được sự hiểu biết đó của con”.

Sau khi mẹ Uyên Khanh trở thành bác sĩ tâm thần, Uyên Khanh chứng kiến được những phép lạ của y khoa. “Có những bệnh nhân đến văn phòng của mẹ, và họ như không còn hồn nữa. Nhưng sau khi làm việc với mẹ, họ lại trở thành những con người khỏe mạnh” - cô tâm sự.

Vì vậy, khi Uyên Khanh được nhận vào Trường đại học Harvard, cô đã quan tâm nhiều đến ngành y và những gì liên quan đến người Việt. Cô làm điều phối viên cho dự án viêm gan siêu vi B tại một phòng khám miễn phí cho người dân cộng đồng. Uyên Khanh phiên dịch cho người Việt, giúp đỡ các tình nguyện viên và giúp đỡ bệnh nhân qua quá trình thử nghiệm, tiêm chủng...

Năm thứ ba tại ĐH Harvard, khoa lịch sử khoa học và dự bị y khoa, Uyên Khanh quyết định viết luận án nhỏ về “ba phong trào người Việt đi di tản từ năm 1975 đến cuối những năm 1980”, và những thay đổi trong những nước phương Tây, nhất là ngành y khoa, để giúp đỡ ba nhóm. Luận án của Uyên Khanh nhấn mạnh về “khả năng văn hóa” của các bác sĩ để cảm nhận được nhu cầu của người dân thiểu số.

Khi Uyên Khanh trở về VN năm 2002 để nghiên cứu cho luận án cử nhân của mình, cô là sinh viên Việt kiều đầu tiên muốn tìm hiểu sâu rộng về ngành tâm lý và tâm thần trong nước.

Cô đã phỏng vấn nhiều bác sĩ tâm lý ở phía Bắc và thu thập được nhiều thông tin về tâm lý học trong nước, ngay cả qua các cuộc phỏng vấn với bệnh nhân và gia đình của họ. Uyên Khanh cho biết: "Kinh nghiệm đi nghiên cứu ở VN đã thúc đẩy tôi học hỏi nhiều hơn về chính sách y tế”. Sau khi nghiên cứu xong, Uyên Khanh tiếp tục học tại trường cao học sức khỏe cộng đồng ở Harvard.

Năm nay, Uyên Khanh tiếp tục đeo đuổi nguyện vọng của mình: trở thành sinh viên y khoa năm thứ nhất để trở thành bác sĩ giúp đỡ người Việt. Cô tâm sự: “Gốc Việt là một yếu tố quan trọng trong tất cả mọi mặt của cuộc đời tôi. Khi tôi còn nhỏ, tôi có nguyện vọng rằng mình sẽ cố gắng hết sức để giúp người Việt, tôi được mẹ và bà ngoại thôi thúc cho nguyện vọng này. Niềm say mê về đất Việt và người Việt của gia đình đã thấm vào xương cốt và trở thành niềm say mê của riêng tôi. Tôi thật sự biết ơn bố mẹ và bà ngoại đã nâng đỡ, khuyến khích tôi yêu mến VN”.

Tương lai của Uyên Khanh có định hướng rõ về VN. Đối với một cô Việt kiều sinh sống ở nước Mỹ, Uyên Khanh hiểu được rằng mình chỉ là một phần nhỏ trong cộng đồng rất lớn. “Mặc dù mình chỉ là một người, nhưng nếu có nhiều cá nhân khác làm việc tốt để giúp đỡ đất nước và dân Việt, chúng ta có thể tạo ra những con sóng thay đổi vĩ đại và hùng cường” - cô nói.

Anne Tristin Nguyen (TT)

 

 


 


Nguồn:quehuongonline.vn Copy link

Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu