Joy Mỹ Liên và hành trình 14 năm tìm về nguồn cội
Tình cờ gặp chị trong buổi lễ khai giảng lớp học tiếng Anh từ thiện do Quỹ Degenhardt tài trợ tại Trung tâm bảo trợ Trẻ em đường phố Đà Nẵng, ở người phụ nữ này có một nét gì đó cuốn hút đặc biệt với tôi. Từ vóc dáng khoẻ mạnh, tự tin; từ nụ cười rất duyên dáng nhưng không giấu nổi nét buồn sâu lắng; từ giọng nói ngập ngừng, gấp khúc với một thứ tiếng Việt còn chưa sõi của một người phương xa lâu lắm mới về lại Việt Nam... Nhưng phải đến khi tiếp xúc với chị và nghe chị nói chuyện, tôi mới thật sự ngỡ ngàng và xúc động trước một cuộc đời và một tấm lòng...
"Tôi là đứa trẻ mồ côi"
Joy Mỹ Liên DegenhardtChị đã mở đầu bài phát biểu tại buổi khai giảng lớp tiếng Anh bằng lời giới thiệu về mình như vậy. Mỹ Liên mồ côi ngay từ khi mới lọt lòng mẹ và gần như không được hưởng một phút giây âu yếm nào từ bàn tay mẹ. Năm 1968, giữa cái thời khắc nghiệt ngã của cuộc chiến tranh, mẹ chị khi vừa sinh con xong đã bị chết bởi bom Mỹ. Lúc ấy, chị còn nằm trên bụng mẹ, rồi được đưa vào nuôi dưỡng trong cô nhi viện ở Cam Ranh. Đến năm 4 tuổi, chị trở thành con nuôi của một gia đình Mỹ giàu có và tốt bụng Dawn C. Degenhardt (cổ đông lớn nhất của Tập đoàn McDonald- kinh doanh thức ăn nhanh nổi tiếng trên toàn thế giới).
Rời Việt Nam năm 1972 trên một chiếc máy bay vận tải quân sự Mỹ cùng với một vài đứa trẻ khác, cô bé mồ côi 4 tuổi đã có cái tên mới: Joy Mỹ Liên Degenhardt cùng với một quốc tịch mới, một cuộc đời mới. Sáng dạ, Joy bắt đầu học tiếng Anh và đã có thể hiểu những điều bố mẹ nuôi nói trong vòng một tháng...
Tuổi trẻ của Joy đã trôi qua trong những thành công và hạnh phúc, 18 tuổi chị vào đại học theo chuyên ngành về trẻ thơ ở Đại học Southern Maine. 2 năm sau chị chuyển sang Đại học Hawai theo chuyên ngành kinh doanh quốc tế.
Năm 1992 được xem là bước ngoặt lớn nhất của cuộc đời Mỹ Liên.
Món quà dành cho chị nhân dịp tốt nghiệp Đại học Hawai của bố mẹ nuôi là một chuyến bay cùng mẹ nuôi Degenhardt về Việt Nam, tìm về "homeland" - quê hương. Tròn 20 năm kể từ ngày ra đi, Mỹ Liên đã thật sự được đặt chân lên đất mẹ, và một điều không ngờ đến đã xảy ra. Xúc động trước hoàn cảnh của những em bé ở trung tâm nuôi trẻ mồ côi khuyết tật Thuỵ An, tỉnh Hoà Bình, Mỹ Liên đã từ bỏ cả chương trình học tiếng Nhật đang dang dở, từ bỏ luôn dự định trở thành người kế tục sự nghiệp kinh doanh của gia đình trong tập đoàn McDonald, chị quay trở lại Việt Nam một lần nữa và sống cuộc đời của một "bà đỡ" cho hàng chục dự án, hàng chục chương trình từ thiện đầy ý nghĩa dành cho các em nhỏ mồ côi và người khuyết tật trên khắp đất nước Việt đã 14 năm trời.
Chị nhớ lại: "Khi đến trung tâm nuôi trẻ mồ côi, khuyết tật Thuỵ An, tôi thật sự bàng hoàng. Đó là một cuộc sống không có gì cả ngoài sự hiện hữu khó khăn và đau đớn. Nhìn những em nhỏ ấy, tôi như thấy lại được nhân dáng của mình hơn 20 năm về trước. Tôi cũng là đứa trẻ mồ côi... Nhưng tôi đã có một cuộc sống may mắn. Còn các em? Tôi ôm mặt khóc. "Mẹ ơi, con phải làm gì để giúp các em nhỏ này?". Và mẹ tôi đã nói: "Mẹ đã từng biết cách giúp con. Còn con, con sẽ giúp những em nhỏ ấy bằng cách nào?". Câu hỏi của mẹ ám ảnh tôi. Và sau một thời gian, tôi quyết định trở lại Việt Nam. Tôi muốn góp phần thay đổi số phận của các em nhỏ giống tôi, nhưng không phải trên đất Mỹ, mà chính ở đất nước Việt..."
"Giọt nước tìm về"...
Trở lại Việt Nam, Mỹ Liên đảm nhận trọng trách làm Giám đốc tổ chức MAPS (Tổ chức từ thiện Maine Aid and Protection Services do bà Dawn C. Degenhard sáng lập và điều hành với mục tiêu góp sức mang lại hạnh phúc cho trẻ em nghèo bất hạnh trên thế giới). Từ năm 1993, MAPS đã hợp tác với Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội triển khai hàng loạt dự án nhân đạo tại Việt Nam. Sau 14 năm hoạt động, tổ chức MAPS đã tài trợ được một số tiền tương đương 4 triệu USD cho các dự án nhân đạo hết sức thiết thực dành riêng cho trẻ em của 09 tỉnh thành Việt Nam, mang lại hạnh phúc cho rất nhiều trẻ em nghèo bất hạnh, cho hàng ngàn phụ nữ lỡ lầm và cả những người khuyết tật. Bàn chân của Mỹ Liên hầu như đã in dấu khắp nơi, từ Hà Nội, Hoà Bình đến Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Khánh Hoà, thành phố Hồ Chí Minh, Bến Tre, Tây Ninh... chỉ với một ước mong cháy bỏng: Thực hiện được thật nhiều, thật nhiều hơn nữa những chương trình, những dự án để mang lại một chút gì đó tươi đẹp hơn cho những mảnh đời bất hạnh.
Năm chị 24 tuổi, một lần đến Hội An, không cầm lòng được trước một em bé 4 tuổi gầy gò, đen đúa tại Trung tâm mồ côi Hội An, Mỹ Liên đã xin nhận cháu về làm con nuôi. Và mặc dù sau này cô bé may mắn tìm lại được mẹ ruột nhưng chị vẫn luôn hết lòng yêu thương và chăm sóc cho cô bé ăn học. Niềm hạnh phúc vì con gái nuôi đã không phải vĩnh viễn mồ côi mẹ như chính mình ngày trước đã an ủi, động viên chị rất nhiều.
Ít ai nghĩ chị có thể từ bỏ mọi thứ bên Mỹ để sống được một cuộc sống vất vả đến thế ở Việt Nam: tự mày mò học tiếng Việt, một mình, một xe gắn máy Trung Quốc, Mỹ Liên tự mình tìm kiếm và liên hệ khắp nơi để xin hợp tác triển khai dự án... Những hiểu lầm, những vấp váp khó khăn ban đầu từng khiến chị rơi nước mắt nhưng không khiến chị nản lòng. Trong thẳm sâu trái tim của Mỹ Liên, chị vẫn luôn tự khẳng định: mình là một người Việt Nam, và chị mong muốn làm được một chút gì đó cho quê hương của mình. Cũng nhờ đó, vào đầu tháng 1/2006, một tổ chức mang tên dòng "Quỹ Degenhardt" (Degenhardt Foundation) đã chính thức được ra đời, ngân sách hoạt động giai đoạn đầu là 500 ngàn USD. Tổ chức này được thành lập như một phần thưởng của dòng họ Degenhardt dành riêng cho 3 đứa con nuôi người Việt của mình (gồm Mỹ Liên và 2 em nuôi là David Vinh và Heather Kim), trong đó Mỹ Liên làm giám đốc dự án phát triển quốc tế của Quỹ. Mục tiêu chủ yếu của Quỹ là tập trung vào đối tượng trẻ em nghèo, mồ côi và chỉ hoạt động tại một nước duy nhất là Việt Nam. Dự án dạy tiếng Anh cho trẻ em nghèo, trẻ mồ côi ở Trung tâm Bảo trợ trẻ em đường phố Đà Nẵng chính là dự án đầu tiên Quỹ thực hiện trên toàn quốc. Trong tương lai, Quỹ sẽ tiếp tục triển khai các dự án lớn trên toàn quốc mà tập trung nhiều nhất là ở TP Đà Nẵng như: Dự án "dạy gậy định hướng" cho 1.400 người mù ở Đà Nẵng với tổng số đầu tư khoảng 50.000USD (sẽ được thực hiện từ tháng 6 - 8/2006); Dự án xây dựng ký túc xá dành riêng cho các em ở Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ em mồ côi Đà Nẵng để các em có nơi ăn ở và học nghề và một trung tâm nuôi dưỡng các trẻ em bị bỏ rơi với tổng số vốn dự kiến 70.000USD; Phối hợp với Bệnh viện Hải Châu (Đà Nẵng) thực hiện Dự án "tư vấn về sức khoẻ sinh sản cho phụ nữ nghèo" và dự án "trang bị thiết bị khám chữa bệnh hiện đại trong việc khám thai nhi" với tổng số vốn 35.000USD; Phối hợp với Uỷ ban nhân dân thị xã Hội An triển khai dự án "Thư viện điện tử" dành cho thanh thiếu niên Hội An với tổng kinh phí khoảng 70.000USD (dự kiến khai trương vào tháng 6/2006)...
Nhưng ước mơ của Joy Mỹ Liên vẫn không chỉ dừng lại ở đó. Từ một giọt nước nhỏ bé tìm về suối nguồn, chị hy vọng mình sẽ tập hợp được một đội ngũ gồm toàn bộ số con nuôi là người Việt Nam (có hoàn cảnh như chị) trên toàn nước Mỹ nay đã lớn khôn và thành đạt cùng tham gia vào hoạt động nhân đạo với Quỹ Degenhardt tại quê hương. Theo đó, Quỹ sẽ tổ chức cho họ về Việt Nam học tiếng Việt, giao lưu văn hoá, tìm về cội nguồn, thậm chí tìm lại cha mẹ ruột và tham gia vào các hoạt động tình nguyện giúp đỡ dân nghèo. Qua đó, Mỹ Liên mong mỏi sẽ xoá bỏ dần những định kiến, những khoảng cách giữa những người con xa xứ như chị với quê hương ruột thịt; để họ có điều kiện được sống với quê hương, làm được những việc có ích cho đất nước, đồng bào...