A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nhận ra mình từ lênh đênh nguồn cội

Giáo sư tiến sĩ Nguyễn Văn Tuấn không xa lạ với độc giả. Nhiều năm sống và làm việc ở nước ngoài, nhưng ông chưa bao giờ là người ngoài cuộc với những sự kiện nóng trong nước.


 Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn tại phòng thí nghiệm của nhóm nghiên cứu ông phụ trách ở Viện Garvan, Sydney

Một ngày cuối năm 2007 ở Sydney (Úc), phóng viên có cuộc trò chuyện với ông tại Viện Nghiên cứu y khoa Garvan, nơi ông làm việc nhiều năm qua.

* Công việc của một giáo sư ở Úc ra sao, thưa ông?

- Hai tuần tôi mới có một giờ đứng lớp. Phần lớn thời gian còn lại trong tuần được dành cho công tác nghiên cứu và xin tài trợ cho nhóm nghiên cứu mà tôi phụ trách. Nhưng mỗi năm tối thiểu phải có một công trình. Nếu hai năm mà không có công trình nào, họ sẽ mời mình lên yêu cầu giải thích, và nếu giải thích không thỏa đáng sẽ được "mời" đi tìm việc khác, và họ cho sáu tháng để chuẩn bị.

* Áp lực xem ra không nhẹ, vậy làm sao để luôn có ý tưởng mới?

- Phải luôn đặt mình ở vị trí mở đường, lúc nào cũng theo đuôi thì không được. Muốn có ý tưởng mới, phải xuất phát từ nhu cầu thực tế lâm sàng và thực tế cuộc sống. Chẳng hạn, chúng tôi đặt vấn đề làm sao có thể đánh giá nguy cơ ai đó có thể bị gãy xương trong năm hay 10 năm tới.

Để có được những ý tưởng mới, lâu lâu chúng tôi đi "ẩn dật" một vài ngày. Đó là lúc chúng tôi kéo đến một địa điểm hẻo lánh, tắt hết máy fax, điện thoại bàn lẫn di động, cả máy tính cũng bỏ lại nhà, để vắt óc suy nghĩ đề án cho năm tới. Đó cũng là lúc chúng tôi phân tích mạnh yếu của đối thủ lẫn của mình, tìm xem đối thủ mình là ai, họ mạnh tới đâu, mình yếu chỗ nào. Nếu thấy thế yếu đó mình không có khả năng khắc phục thì mua quách đối thủ luôn cho rồi (cười)!

 Nội Giáo sư tiến sĩ Nguyễn Văn Tuấn là thành viên của Hội đồng nghiên cứu y khoa và y tế quốc gia Úc, là nhà nghiên cứu cấp cao về di truyền học và loãng xương tại Viện Nghiên cứu y khoa Garvan ở Sydney, phó giáo sư y khoa thuộc Trường lâm sàng St Vincent's, trường y học và trường y tế cộng đồng thuộc Đại học New South Wales.

Ông là cựu phó giáo sư khoa y, đại học Wright State (Ohio, Mỹ) và giáo sư thỉnh giảng tại một số trường đại học ở Mỹ, Thụy Sĩ, Hong Kong và Thái Lan. Là tác giả của hơn 150 công trình nghiên cứu y học, chuyên gia bình duyệt cho 15 tập san y học quốc tế, ông được xem là một trong những tên tuổi quen thuộc nhất trong lĩnh vực nghiên cứu về dịch tễ học loãng xương trên thế giới. 

* Ông nói giống hệt người Mỹ...

- Đúng vậy. Đó là bài học tôi học của người Mỹ. Từ kinh nghiệm của chính mình, đầu năm 1997, tôi sang Mỹ dự hội nghị thường niên về xương tại thành phố Cincinnati thuộc bang Ohio, và chỉ sau vài cuộc tiếp xúc với một số nhà khoa học Mỹ, vài tháng sau ở Úc, tôi được báo họ đã bổ nhiệm tôi vào chức phó giáo sư trường y ở một đại học thuộc bang Ohio.

Sau này tôi mới biết cái "cơ duyên" đó là cả một kế hoạch có bài bản để lôi kéo tôi về làm việc cho trường, vì lúc đó trường muốn "khắc tên" mình vào lĩnh vực loãng xương, và họ cần một người có khả năng thực hiện những công trình nghiên cứu quan trọng. Họ lên kế hoạch "mua" tôi cho gọn, và với tôi thì lại có lợi ích vì Mỹ dù sao cũng là xứ sở của cơ hội. 

* Điều gì làm ông chạnh lòng nhất khi là nhà khoa học gốc Việt trên đất Mỹ?

- Tôi nhớ khi mới sang Mỹ làm việc, các đồng nghiệp thường hỏi tại sao tôi trở thành giáo sư trễ vậy, ở ngoài tuổi 40! Tôi thường trả lời rằng cuộc đời của mỗi người Việt cùng thế hệ với tôi là một lịch sử, là một con đường gập ghềnh, chứ không phẳng phiu như các đồng nghiệp ở phương Tây.

So sánh với đồng nghiệp nước ngoài tôi mới thấy sự phá hoại của chiến tranh về trí lực và nhân lực rất ư là ghê gớm. Một người nước ngoài trung bình, sống trong cảnh thanh bình có thể đã thành danh và ở đỉnh cao của sự nghiệp vào độ tuổi 30 hay 40. Trong khi đó, ở tuổi 20, vì hoàn cảnh lịch sử tôi chẳng làm gì được nhiều. Khi xong tiến sĩ, tôi đã trở thành một trung niên hơn 30 tuổi. Ở những năm bước sang tuổi 40, tôi mới có dịp cống hiến. Mà, cần phải nói ngay và nói rõ rằng những gì tôi đạt được trong vài năm qua chỉ là những đóng góp rất nhỏ trong khoa học; nó chưa xứng đáng được đề cao và chưa phải là những đóng góp mà tôi thấy tự hào.

* Chúng tôi từng băn khoăn vì sao có nhiều sinh viên học rất giỏi, nhưng VN lại có ít nhà khoa học lừng lẫy?

- Ngoài một số sinh viên xuất sắc của ta, tôi thấy đứng trên bình diện quần thể mà nói sinh viên ta nói chung chỉ trung bình hay trên trung bình một chút. Sự thật là nhiều sinh viên VN cũng rất vất vả, gian truân trong học hành để có đỗ đạt. Ở những năm đầu đại học sinh viên ta học tương đối giỏi, nhưng khi lên đến cấp nghiên cứu sinh (tức lúc đòi hỏi một sự độc lập trong học hành và sáng tạo) thì sinh viên VN yếu kém rõ rệt.

Thế hệ chúng tôi cũng từng không được khuyến khích đi tìm hiểu những sự việc, hiện tượng xung quanh xảy ra như thế nào và tại sao. Kết quả cuối cùng là nhiều thế hệ học sinh không có cơ hội nghiên cứu khoa học.

* Thật ngạc nhiên khi thấy tuy nhiều việc như thế, ông vẫn theo dõi sát sao tình hình quê nhà và đóng góp nhiều vấn đề hữu ích cho quê hương.

- Ban ngày tôi là người của Viện Garvan, của Đại học New South Wales, của Bệnh viện St Vincents, nhưng ban đêm tôi dành thì giờ cho VN. Tôi làm đủ thứ việc, như thực hiện các nghiên cứu liên quan tới chất dioxin, tham gia nghiên cứu loãng xương, cố vấn cho đồng nghiệp và nghiên cứu sinh viên bên nhà, viết báo, viết sách... Hễ thấy "có chuyện" là lên tiếng.

Mà tôi nghĩ chẳng riêng gì tôi, nhiều người cùng cảnh ngộ khác cũng vậy thôi: ra khỏi quê hương nhưng vẫn gắn bó với quê nhà, chứ không có nghĩa là chối bỏ quê hương. Với tôi, thân thì ở đây nhưng tâm thì ở VN. Tôi có lần viết đại khái rằng một lần lênh đênh nguồn cội mới nghiệm ra mình là ai, nơi chốn của mình là chỗ nào. Thành ra tôi phát hiện một sự thật hiển nhiên: đi không phải là chối bỏ mà bắt đầu cho việc trở về tốt hơn. Tôi vẫn nghĩ sẽ có một ngày không xa, tôi quay về quê nhà để làm tròn bổn phận của một người được sinh ra và lớn lên ở VN.

* Xin cảm ơn ông và chúc ngày trở lại đó sẽ không xa.

Ông dự báo thế nào về sự phát triển của khoa học VN?

- Tình trạng khoa học của một nước thường được đánh giá qua các ấn phẩm khoa học được công bố trên các tập san quốc tế. Mới đây tôi và một đồng nghiệp có làm một phân tích về các ấn phẩm khoa học từ các nước trong vùng Đông Nam Á thì thấy trong thời gian từ 1996-2005 (10 năm), các nhà khoa học VN công bố được khoảng 3.500 bài báo khoa học trên các tập san khoa học quốc tế.

Con số này thoạt nghe thì khá đấy, nhưng sự thật là thấp nhất trong vùng, thấp hơn cả IndonesiaPhilippines. Con số công trình khoa học của VN chỉ bằng 1/5 số bài báo từ Thái Lan, 1/3 so với Malaysia, 1/14 so với Singapore! Tôi cũng ước tính nếu tốc độ tăng trưởng chậm như hiện nay thì phải cần đến 60 năm sau chúng ta mới bắt kịp số lượng bài báo của Thái Lan vào năm 2005!

Đó là mới nói về số lượng. Còn chất lượng cũng kém lắm. Nhưng điều đáng quan tâm nhất với tôi là chỉ có 20% các công trình nghiên cứu khoa học từ VN là do nội lực, phần 80% còn lại là do hợp tác hay giúp đỡ từ nước ngoài. Trong khoa học, chúng ta chưa đứng vững bằng đôi chân mình. Hợp tác khoa học là xu hướng tất yếu trong thời đại toàn cầu hóa ngày nay, nhưng điều tôi quan tâm là các hợp tác khoa học từ VN là theo kiểu "khoa học nhảy dù”, tức nhà khoa học nước ngoài vào VN hợp tác nhưng họ giành công trạng về họ!

Nếu chúng ta không sớm chấn chỉnh hệ thống hoạt động khoa học, kể cả hệ thống cung cấp tài trợ và xây dựng các chuẩn mực khoa học theo tiêu chuẩn quốc tế, tôi sợ chúng ta sẽ tụt hậu và trượt dài trên trường quốc tế.

(TTO)

 


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu