A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đi tìm hoa khôi xứ Huế

Đã 10 năm trôi qua, ít ai biết rõ số phận của nàng hoa khôi xứ Huế Tô Diệu Linh ngày nào bây giờ ra sao. Nhân chuyến đi Mỹ vừa rồi, tôi đã vượt qua ngàn dặm, tìm đến tận nơi Diệu Linh ở.


 Từ trái qua: nhà văn Tô Nhuận Vỹ, nhà văn
Trần Công Tấn cùng gia đình Tô Diệu Linh

Năm 1997, Báo Người Lao Động đăng liên tiếp hai bài "Hoa khôi xứ Huế, bây giờ..." và "Nỗi lòng các bậc sinh thành". Bài báo viết về nỗi bất hạnh, đau khổ tột cùng của Tô Diệu Linh - con của nhà văn Tô Nhuận Vỹ, bạn tôi- bị tạt a-xít hủy hoại cả khuôn mặt xinh đẹp, cùng sự xót xa, tuyệt vọng của các bậc sinh thành.

Đã 10 năm trôi qua, ít ai biết rõ số phận của nàng hoa khôi xứ Huế ngày nào bây giờ ra sao. Nhân chuyến đi Mỹ vừa rồi, tôi đã vượt qua ngàn dặm, tìm đến tận nơi Diệu Linh ở.

Tình người cầm bút

Sau năm 1975, những người cầm bút chúng tôi quy tụ về ngôi nhà 26 Lê Lợi, trụ sở của Hội Văn nghệ Thừa Thiên - Huế. Tôi và Trịnh Công Sơn ở chung căn phòng trên gác. Mỗi lần Tô Nhuận Vỹ đi làm đều đèo theo Diệu Linh mới ba tuổi. Nghe tiếng guốc của Linh, tôi và Sơn tranh nhau xuống bế cháu. Hai bác đều để dành quà cho Diệu Linh, lúc thì quả cam, lúc thì vài cái kẹo mè xửng. Linh mũm mĩm, hiền lành, có đôi mắt thật đẹp mà buồn buồn. Chúng tôi thương cô bé như con.

Vài năm sau, chúng tôi chuyển vào Sài Gòn công tác, lâu lâu vẫn hỏi thăm cháu. Tô Nhuận Vỹ rất yêu con. Cuốn tiểu thuyết Dòng sông phẳng lặng của Vỹ có nhân vật Diệu Linh mà anh yêu quý nhất đã mang đặt tên cho con gái đầu lòng. Một bữa, Vỹ báo tin Diệu Linh sắp tốt nghiệp ĐH Sư phạm, khoa Anh văn. Chúng tôi chưa hết vui mừng cho gia đình Vỹ thì hôm sau tin vào như sét đánh: Diệu Linh bị tạt a-xít trọng thương, chắc không sống nổi! Chúng tôi đau đớn đi báo tin cho nhau, góp mỗi người một ít tiền gửi ra giúp Vỹ cứu chữa cho con.

May sao, Diệu Linh thoát được lưỡi hái tử thần, cùng cha vào Sài Gòn tìm nơi cứu chữa. Biết tin, tôi tìm gặp hai cha con. Vỹ cứ ngồi lặng lẽ khóc. Còn Diệu Linh, khuôn mặt xinh tươi ngày nào giờ không có mũi, đôi môi với nụ cười “hiền như cục đất” (lời của Trịnh Công Sơn) cũng không còn, đôi mắt đẹp hơi buồn bị dính lại... Tôi hỏi: “Con có nhìn thấy bác không?”. Dường như biết tôi rơi nước mắt, Linh bình tĩnh quay sang an ủi: “Bao giờ con cũng thấy bác. Bác đừng buồn, con không sao đâu”. Tôi tin bản lĩnh của Diệu Linh, song vẫn băn khoăn không rõ nền y học VN có thể chữa được khuôn mặt của cháu hay không?

Điều tôi nghĩ đến thì nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã có hành động kịp thời. Anh biết rõ chỉ có đưa Diệu Linh sang Mỹ may ra mới chữa được. Nhưng gia đình Vỹ nghèo, lấy tiền đâu? Thiều nghĩ ngay đến một đồng nghiệp ở Mỹ. Anh liền viết thư gửi nhà thơ Kevin Bowen nhờ giúp đỡ. Kevin đã cùng các bạn cầm bút ở Mỹ ra tay hỗ trợ, đưa được Diệu Linh sang nước này. Họ lại còn xin được cho Linh một học bổng. Từ đó Diệu Linh vừa học vừa chữa bệnh. Cảm phục trước bản lĩnh và sự nhẫn nại vượt qua số phận của Diệu Linh, những nhà văn Mỹ và Việt trên đất Mỹ đã góp phần vào động viên, an ủi, giúp đỡ cô hoa khôi xứ Huế đang bơ vơ có nơi ăn, chốn ở và học hành. Sau khi nhận bằng thạc sĩ, khuôn mặt Linh cũng dần dần được các bác sĩ chắp vá, sửa sang...

Vượt qua số phận

Trước khi đi Mỹ, vợ tôi dặn qua đó phải tìm thăm cho được Diệu Linh. Tất nhiên, chuyện đó nằm trong chương trình chuyến đi của tôi. Đến California, tôi nghe tin vợ chồng Tô Nhuận Vỹ đang ở Boston với con gái, liền gọi điện thoại liên lạc. Vỹ reo lên trong máy: “Vợ chồng em và Diệu Linh mong anh mãi. Đây, Diệu Linh nói chuyện với bác”. Giọng Linh nũng nịu: “Bác không nhớ con à? Sao bác chưa đến thăm con”. Tôi bảo: “Bao giờ bác cũng nhớ, nhất định bác sẽ đến thăm con”. Tôi nghe tiếng Diệu Linh reo lên mừng rỡ...

Tôi hồi hộp mong ngày gặp lại Diệu Linh, nhưng bạn bè, người quen cứ níu kéo mất vài ngày. Cuối cùng, tôi cũng thoát ra được, lên xe đò để đi Boston thăm Diệu Linh. Ngồi trên xe đò suốt 8 giờ, tôi hồi hộp chờ và rất sốt ruột. Đến ga Boston, tôi hoa cả mắt trước khung cảnh ầm ầm xe đến, xe đi và hàng ngàn người ra vào, song vẫn chưa thấy Linh ra đón. Một cô gái da đen kéo tay tôi xuống xe, dắt đi luồn lách qua đám người và xe cộ trong bến rồi lên gác một nhà hàng. Cô chỉ ghế bảo tôi ngồi xuống, hỏi có đói không, muốn ăn gì không, rồi đưa điện thoại, bảo gọi người nhà đến đón. Nghe tôi bảo đã hẹn người nhà, cô gái chào: "Vậy thì ông ngồi đây chờ, đừng đi đâu mà lạc”. Vừa chia tay cô gái tốt bụng thì Diệu Linh chạy ào tới ôm lấy tôi, liến thoắng: “Bác mới đến Boston lần đầu mà sao biết lên chỗ này ngồi chờ con?”. Tôi kể về cô gái da đen tốt bụng, Diệu Linh nói: “Người ở đây họ đều thế cả”.

Tô Nhuận Vỹ đã ngồi trên xe chờ sẵn. Con đường từ bến xe về nhà khá xa. Linh chăm chú lái xe nhường cho cha và bác chuyện trò. Vừa đến nơi đã thấy Cúc, vợ Vỹ, bế đứa cháu ngoại vừa tròn hai tháng; Shawn, anh chàng người Mỹ chồng Diệu Linh, bế cậu con trai lớn 2 tuổi ra đón trước hiên nhà. Chúng tôi mừng rỡ ôm hôn nhau.

Tôi mừng cho Vỹ, mừng cho Diệu Linh. Nàng hoa khôi bất hạnh ngày nào giờ đã xây được một tổ ấm. Ở nhà Diệu Linh vài ngày, tôi thấy Shawn hễ đi làm về là sà vào bế con, giúp vợ hết việc này đến việc khác. Xong việc nhà lại ra ngoài vườn, hết sửa cái máy cắt cỏ lại chăm bón luống cà chua. Anh chàng cứ như con chim tha từng cọng rơm để xây tổ ấm cho vợ, cho con. Chồng Diệu Linh là một kế toán giỏi của một công ty xây dựng lớn. Sau khi lấy bằng thạc sĩ về khoa Hoa Kỳ học, Diệu Linh đã định cư ở Mỹ nên cố học để lấy thêm bằng kế toán tài vụ. Hiện nay Linh đang là một nhân viên kế toán giỏi của một công ty xây dựng. Vợ chồng có hai ô tô mới để đi làm. Gia đình Diệu Linh có nhà cửa khang trang và đồng lương ổn định. Quan trọng hơn, họ có hai cậu con trai đẹp như thiên thần.

Rời tổ ấm của Diệu Linh, tôi thấy thật yên tâm vì đứa cháu bất hạnh của mình đã vượt qua số phận, tìm thấy hạnh phúc...

 

                         Được lòng hàng xóm

Tô Diệu Linh vừa vào nhà thì liên tục nghe và trả lời điện thoại. Tôi nói: “Con bận công việc thì cứ tự nhiên, cứ để mặc bác”. Diệu Linh cười: “Chẳng phải công việc gì đâu bác, hàng xóm họ gọi hỏi có khách VN sang chơi phải không? Có gì đãi khách chưa để họ lo”. Tôi thầm nghĩ, chắc cô bé này sống được lòng hàng xóm lắm.

Tôi vừa ở nhà tắm bước ra thì thấy trên bàn ăn đã bày ra các món Huế mà chúng tôi vẫn yêu thích. Diệu Linh khoe: “Gà quay, bánh nướng, bánh chocolate và các loại xà lách trộn trứng này là của hàng xóm mang tới”.

 

Nhà văn Trần Công Tấn (Báo Người Lao Động)

 


Nguồn:quehuongonline.vn Copy link

Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu