A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nguyễn Thúy An từ Czech và cuộc thi tài năng khoa học trẻ châu Âu

Trên tạp chí Ekonom số 39 từ ngày 1 tới 7 tháng 10, trong mục Khoa học và Công nghệ có đăng bài về cuộc thi tài năng khoa học trẻ châu Âu do Ủy ban châu Âu tổ chức với tít bài "Jak se rodí noví Einsteinové" (Những Einstein mới hình thành thế nào). Nguyễn Thúy An là một trong 4 học sinh của Czech đã tham dự cuộc thi tài năng khoa học trẻ châu Âu lần thứ 21 tổ chức ở Paris thủ đô nước Pháp.

Theo bài báo thì 4 sinh viên tới từ Cộng hòa Czech cũng đã tham gia cuộc thi Những niềm hy vọng khoa học. Anna Krejčí và Nguyễn Thúy An - niềm hy vọng thứ nhất và thứ hai của nước Czech, niềm hi vọng thứ ba của nước Czech ở Paris là Michal Řepík 18 tuổi và niềm hy vọng thứ tư là Markéta Kocová.

“Chúng tôi đứng trước tờ quảng cáo với tiêu đề Những đứa trẻ Chuối. Điều này có ý nghĩa gì? Hình như nó có sự liên quan nào đó với châu Phi chăng? Hai cô gái trẻ, một người Czech, một người Việt Nam, ân cần giải thích: “Nó ám chỉ về những đứa trẻ Việt Nam nhưng sống ở châu Âu. Vỏ chuối mầu vàng là mầu da và suy nghĩ theo người châu Âu da trắng.”

Các cô gái, với các tờ quảng cáo, ngồi trong gian phòng lớn của cung điện Paris, nơi các sinh viên ở độ tuổi từ 14 tới 20 trình bày dự án với những phát minh của mình. Tập trung tại đây là những người đã giành chiến thắng trong các cuộc thi quốc gia ở tất cả các nước trong EU, Mỹ, Israel, Nhật Bản và cả ở Trung Quốc. Đây là cuộc thi lần thứ 21 và ý nghĩa của nó là nhằm phát hiện các tài năng khoa học trẻ và để cho họ trình bày công trình khoa học bằng tiếng Anh và trước một hội đồng khoa học, như các nhà khoa học thực thụ.
 



Anna Krejčí và Nguyễn Thuý An - Foto Ekonom.



Hai cô gái Anna Krejčí và Nguyễn Thúy An (Anička) tới đây mang theo nghiên cứu về Những đứa trẻ Chuối, những điều mà các cô gái trường chuyên (Gymnazium) đưa vào luận văn của mình viết về cuộc sống và quan điểm của những đứa trẻ Việt Nam sống ở Czech. Cuộc sống và quan điểm với 2 mặt của chúng.

Bố mẹ của những đứa trẻ này vẫn còn coi Việt Nam là ngôi nhà của mình, tuy nhiên những đứa trẻ bị chia làm hai hoặc cảm thấy ngôi nhà của chúng chỉ là ở Czech. Cha mẹ nói tiếng Czech một cách vất vả, tuy nhiên chúng nói tốt tiếng Czech và chưa khi nào học viết chữ Việt. Những thế hệ cũ sống trong cộng đồng Việt Nam khép kín, tuy nhiên giới thanh niên có bạn người Czech. Đối với họ như thế nào? Họ cảm thấy thế nào? Họ tiếp nhận vị thế của mình tại đất nước này – ngôi nhà mới, như thế nào?

Thúy An sống ở Czech từ năm 8 tuổi, tới Czech từ Thủ đô Hà Nội, Việt Nam. Cô đã trải qua thời kỳ khi mà những đứa trẻ Czech còn chưa quen với người nước ngoài. Cô biết cái cần nói khi cô cho rằng: “Ở tuổi đấy, tất cả mọi vấn đề là cay đắng nhất, khi người ta cần biết mình là ai, cả khi không sống ở nước ngoài. Huống hồ khi không có nơi nào là nhà mình.”

Câu hỏi mà các cô gái hỏi những đứa trẻ Việt Nam ở độ tuổi từ 10 tới 20 cho thấy rằng, một nửa số trẻ em Việt Nam tại đây coi nước Czech là nhà mình và 32% nói cả hai nước là nhà của chúng. 21% trẻ em Việt Nam cảm thấy có vấn đề về hội nhập trong lớp học. Và ba phần tư không cảm thấy có vấn đề trong các mối quan hệ hỗn hợp này. “Các cô gái chỉ lo ngại phản ứng của xung quanh, chủ yếu là cha mẹ, những người dĩ nhiên, muốn hiểu được người yêu tương lai của con gái hay con trai mình,” Thúy An nói thêm. Hai cô gái thân nhau đã tốt nghiệp trường Gymnazium Eliška Krásnohorská ở Praha và hiện cả hai đang bắt đầu việc học tập ngành nhân chủng học tại khoa tự nhiên, trường Đại học Tổng hợp UK.

Cuộc thi kết thúc, cả hai cô gái muốn tiếp tục nghiên cứu khoa học chưa kết thúc của mình.

Cuộc thi năm nay có sự tham gia của 132 sinh viên tới từ 44 nước. Một sinh viên Thụy Sĩ - Fabian Gauner, 19 tuổi đã giành giải chính về xây dựng mô hình hoạt động của máy bay có thể thay đổi hướng và bay lùi nhờ cánh máy bay có thể biến đổi được. Giải tiếp theo thuộc về Lian McCarthy 14 tuổi tới từ Ailen.

Nguyễn Thúy An là cô con gái cả của một gia đình người Việt sinh sống tại Praha 4 - Libuš. Khi sang Czech đoàn tụ cùng bố mẹ năm lên 8 tuổi, sau một tháng học tiếng Czech, cô bước vào học chung với các bạn Czech. Nhờ sự thông minh và chăm chỉ, ngay từ năm học đầu tiên đến khi kết thúc chương trình trung học cơ sở cô luôn là tấm gương học tốt, niềm tự hào của bố mẹ và nhà trường. Năm 2001, Thúy An thi vào Gymnazium hệ 8 năm mà không qua bất kỳ lớp học thêm hay luyện thi nào. Bố mẹ cô cũng chỉ biết tiếng ở mức độ giao tiếp nên mọi việc học ngoài thầy cô ở trường hướng dẫn, cô tự giác tìm hiểu và tự học để đạt kết quả cao nhất. Luôn tự giác học tập, nếu cần sẵn sàng thức đến tới 1-2 giờ sáng để học cho xong. Kỳ thi tốt nghiệp vừa qua cô đạt cả ba điểm một (điểm cao nhất theo thang điểm của Czech) và thi đỗ vào Đại học Tổng hợp UK.

Thúy An đã tham dự nhiều cuộc thi và đã giành được giải nhất toàn Czech trong cuộc thi biện luận bằng tiếng Czech viết về phong tục tập quán của Việt Nam cách đây vài năm. Trong những năm qua, Thúy An đã nhiều lần được khen thưởng từ Hội người Việt tại Czech và Đại sứ quán Việt Nam tại Czech.

Nguyễn Thúy An thực sự là niềm tự hào của người Việt tại Cộng hòa Czech.


Mai Lan (Vietinfo)


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu