Chính trị gia gốc Việt Philipp Roesler - Một trong 3 bộ trưởng trẻ nhất nước Đức
Tiến sĩ Philipp Roesler là chính trị gia có nguồn gốc nước ngoài thành đạt và đặt được nền móng vững chắc trong sự nghiệp chính trị khi tuổi đời còn rất trẻ.
Nguồn gốc Việt
Philipp Roesler sinh tại Khánh Hòa vào ngày 24.2.1973 và được ông bà Roesler người Đức nhận nuôi từ trại trẻ mồ côi khi mới được 9 tháng tuổi. Lớn lên tại các thành phố Hamburg, Buckeburg và Hannover ở miền bắc nước Đức, Philipp đã tốt nghiệp đại học y và làm việc trong ngành quân y của Đức. Sự nghiệp chính trị của Philipp bắt đầu vào năm 1992, khi người thanh niên gốc Việt này gia nhập đảng Dân chủ Tự do (FDP) và hoạt động trong nhóm thanh niên chính trị của đảng. Sự nghiệp chính trị của Philipp thăng tiến không ngừng nhờ vào tài năng của một chính khách bẩm sinh.
Vào năm 2000, Philipp giữ chức vụ Tổng thư ký của FDP ở bang Niedersachsen, một vị trí rất quan trọng nếu so với tuổi đời còn rất trẻ của cậu bé mồ côi năm xưa. Đến năm 2003, Philipp được bầu vào nghị viện bang Niedersachsen. Đây là bang có 3,2 triệu dân, với 198 thành phố, tỉnh lỵ. Ba năm sau, anh được bầu làm Chủ tịch đảng FDP của bang Niedersachsen trong cuộc bầu cử tại Goettingen với số phiếu tín nhiệm gần như tuyệt đối là 96%, trở thành chủ tịch trẻ nhất từ trước đến nay của FDP ở một bang. Lúc đó, Philipp mới gần 33 tuổi. Với sự thăng tiến nhanh chóng và tài năng chính trị sáng chói, Philipp đã được đề cử vào chức vụ Tổng thư ký đảng FDP trên toàn liên bang, nhưng anh đã từ chối và chọn ở lại bang Niedersachsen.
Bước ngoặt trong sự nghiệp của chính trị gia gốc Việt này đã được đánh dấu vào đầu năm nay, khi anh được Thủ hiến bang là ông Christian Wulff thuộc Liên minh Dân chủ Thiên Chúa giáo (CDU) đề cử vào chức vụ Bộ trưởng Kinh tế thay ông Walter Hirche nghỉ hưu vào ngày 13.2.2009. Philipp, lúc đó 35 tuổi, là một trong những bộ trưởng trẻ nhất và cũng là bộ trưởng gốc Việt đầu tiên trong guồng máy chính quyền tại Đức.
Báo chí toàn nước Đức đều đưa tin về Philipp Roesler và cho đó là thành quả lớn nhất của FDP, một đảng nhỏ chỉ giành được 8,1% phiếu bầu của cử tri (so với đảng lớn CDU giành được sự ủng hộ của 48,3% cử tri) trong cuộc bầu cử 2003. Sự kiện này trở thành tâm điểm của giới báo chí Đức trong suốt một thời gian và giới truyền thông nước này nhận định chức vụ trên sẽ là một đòn bẩy mạnh để mở đường cho Tiến sĩ Roesler tiếp tục thăng tiến nhanh đến những vị trí cao hơn ở cấp chính quyền trung ương.
Chạy đua vào quốc hội
Các đảng chính trị tại Đức đang vận động ráo riết cho cuộc tổng tuyển cử vào ngày 27.9 với nhiều khả năng hình thành một chính phủ liên minh mới. Hãng tin Reuters dẫn kết quả khảo sát cho thấy đảng bảo thủ CDU của Thủ tướng Angela Merkel có thể đạt đủ số phiếu để liên minh thành lập chính phủ với đảng FDP theo chủ trương thúc đẩy kinh tế. Hiện sự ủng hộ đối với đảng FDP đang ở mức cao nhất sau nhiều thập niên. Đài truyền hình Deutsche Welle dẫn kết quả khảo sát trước bầu cử dự đoán FDP có thể giành đến 15% số phiếu, cao gần gấp đôi so với kết quả 8,1% vào năm 2003. Và Bộ trưởng Kinh tế bang Niedersachsen Philipp Roesler là một trong những nhân vật sáng giá của FDP trong cuộc đua giành ảnh hưởng tại quốc hội.
Được đánh giá là một chính trị gia có khả năng đưa ra quyết định nhanh, có đầu óc thực tế, có tài ăn nói lưu loát và khôn ngoan, Bộ trưởng Roesler đã mạnh dạn phê bình và đưa ra phương hướng tiếp cận mới có lợi cho FDP trong nỗ lực thu hút đông đảo cử tri. Hồi năm ngoái, anh đã thảo cương lĩnh chính trị kêu gọi các thành viên FDP hãy tập trung vào những vấn đề quan trọng như “nhận thức, khoan dung và đoàn kết”, những điều mà bấy lâu FDP đã quên lãng. Theo Roesler, đảng này đã quá chú trọng vào các mục tiêu kinh tế và thuế. Chính trị gia trẻ tuổi này nhấn mạnh thế hệ của mình đại diện cho cả cao vọng về tự do kinh tế và những giá trị xã hội. Những phương hướng mới trên đã được thành viên FDP hoan nghênh nhiệt liệt.
Giới phân tích đánh giá Philipp Roesler được xem là nhân vật tài ba trẻ tuổi nhất làm chính trị ở tầm liên bang tại Đức và sự nghiệp chính trị của anh vẫn đang mở rộng trước mắt.
Huyền Trang (Vietinfo)