A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cô gái Mỹ giúp đỡ bệnh nhân nghèo Việt Nam

Vẻ đẹp dịu dàng đầy nữ tính của cô gái Mỹ gốc Việt ấy lôi cuốn bất cứ ai dù chỉ lần đầu gặp gỡ. Vẻ đẹp càng trở nên thánh thiện khi ta biết cô luôn đau đáu hướng về quê hương đất nước, đặc biệt là những bệnh nhân nghèo.

Cô gái ấy là Jane Thùy Phạm, sinh năm 1977 ở quê lụa Hà Tây nhưng lại lớn lên ở Sài Gòn, và sang Mỹ định cư theo ba mẹ từ năm 10 tuổi. Jane tâm sự, lúc mới qua Mỹ, Jane bỡ ngỡ, rụt rè và mặc cảm vì không có họ hàng, bạn bè thân thích, lại bất đồng về ngôn ngữ. Để giảm bớt sự mặc cảm về môn tiếng Anh, năm học lớp ba, Jane đành phải từ bỏ môn Văn (môn học ưa thích) để tập trung vào môn Toán và Hội họa. Và, sự cố gắng của chị đã được đền đáp xứng đáng với tấm Huy chương Vàng môn Hội họa và kết quả môn Toán chỉ thua một học sinh cùng khối.

Tốt nghiệp cấp ba với tấm bằng xuất sắc, Jane quyết tâm thi vào ngành y khoa. Vì hoàn cảnh gia đình rất khó khăn nên để theo học được ngành này, Jane phải phấn đấu học thật giỏi để có học bổng tài trợ, đi làm thêm ở các công ty dược và tham gia các công trình nghiên cứu. Sau khi học xong đại học, chị lại tiếp tục học thạc sỹ y tế cộng đồng, rồi tiến hành nghiên cứu sinh ngành dịch tễ học về chuyên ngành ung thư (UT) với ước mơ được giúp đỡ và hỗ trợ cho các bệnh nhân nghèo và cộng đồng trong quá trình dự phòng và điều trị bệnh.

Trong quá trình nghiên cứu để chuẩn bị cho việc bảo vệ luận án Tiến sỹ, Jane đã từng cộng tác và làm việc cho Trung tâm Nghiên cứu UT miền Bắc bang California, Mỹ. Tại đây, chị đã thực hiện được niềm mơ ước của mình cũng như tìm thấy sự đồng cảm sâu sắc từ chính các bệnh nhân UT nghèo.

Có một câu chuyện, một cảnh ngộ khiến chị cảm động và day dứt mãi. Đó là trường hợp một phụ nữ gốc Việt có vị thế khá lớn trong xã hội, được chẩn đoán bị UT giai đoạn cuối và bị chỉ định cắt bỏ toàn phần khối u khi chị vừa sinh con và đang trong giai đoạn cho con bú. Vì thương con và cháu, mẹ của chị dù đã trên 90 tuổi vẫn đang ngày ngày đến BV thăm con và cầu nguyện cho con mau khỏi bệnh. Cảnh tượng đó và hình ảnh “đứa trẻ vẫn lần tìm bầu vú mẹ” khi mẹ nó đã bị cắt bỏ vú đã để lại ấn tượng mạnh đối với Jane.

“Sau khi tiếp xúc với những người bệnh UT, nhất là chị phụ nữ đó, mình rất cảm động và thấy cuộc sống đáng quý hơn rất nhiều, mình cũng cảm thấy gần gũi và phải có trách nhiệm hơn với cộng đồng xã hội…” – Jane tâm sự.

Jane cũng cho biết thêm, thời gian làm việc cho Trung tâm, vốn tiếng Việt của Jane được nâng cao lên rất nhiều bởi đối tượng mà Jane nghiên cứu là những người gốc Việt, nên khi nói chuyện với họ, chị không thể sử dụng vốn từ ngữ của một cô bé 10 tuổi mà phải là của một nhà nghiên cứu khoa học. Không chỉ thế, Jane chia sẻ: Khi tiếp xúc với những bệnh nhân, lại là bệnh nhân UT, chúng ta phải đứng ở cương vị chia sẻ, đồng cảm, tránh cảm giác đến với họ để lấy thông tin, phục vụ công tác nghiên cứu; cũng không nên đặt nặng vấn đề con số, thông tin… “Quý giá nhất vẫn là mối quan hệ thân thiết, sự cảm thông…”, Jane nói./.

Theo Pháp luật Việt Nam


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu