A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ước nguyện của một doanh nhân

Sau khi chợ Vòm đóng cửa, trên địa bàn thành phố Matxcơva có tới 8 chợ được mở ra, trung bình mỗi chợ có diện tích từ 20 ha đến 182 ha. Bà con kinh doanh người Việt vừa trải qua những vụ mất phòng, mất hàng kinh hãi, nay lại phải chạy dạt từ nơi này sang nơi khác mong tìm một chỗ kinh doanh ổn định.

Trên các báo, la liệt quảng cáo chợ bán buôn Liublino, Xađovod, Thế giới Xlavianxki, Balasickha… Chợ nào cũng cho rằng, họ là đơn vị được chính quyền cấp phép. Trong khi đó, Chính quyền Matxcơva đều nhiều lần tuyên bố rằng, các chợ trong vành đai nội đô không có quyền bán sỉ!

Có thể nói rằng, hội chứng mở chợ như là một dư chấn chưa có hồi kết ở Matxcơva. Chắn chắn thì cuối cùng cũng chỉ một hoặc hai chợ trụ lại với tư cách là đảm đương việc kinh doanh của các tiểu thương, trong đó có người Việt; còn các chợ khác thì rồi sẽ rơi vào cảnh vườn không, nhà trống. Thời gian không xa nữa sẽ trả lời điều này.

Từ Sông Hồng Mới…

Dường như mảng bán lẻ trong thời gian qua không được các chủ chợ quan tâm. Đã từng có một thời, tại Thủ đô nước Nga có tới 16 chợ bán lẻ của người Việt, từng tạo công ăn việc làm cho hàng chục ngàn người sau khi Liên Xô tan vỡ. Cho đến thời điểm đầu mùa Đông này, trên địa bàn Matxcơva chỉ còn có ba chợ bán lẻ do người Việt đứng ra, đó là Asean, Chợ Ba nhà ga và Sông Hồng Mới. Dù không sầm uất, náo nhiệt như trước đây, nhưng ba chợ cũng có gần một ngàn hộ kinh doanh, chí ít cũng giải quyết sinh kế, là nơi buôn bán cho gần ba ngàn người Việt.

 

Sau hàng loạt dự định không thành, gặp phải muôn vàn khó khăn, nếm đủ mùi vinh nhục của thương trường, tưởng chừng anh Phạm Văn Phóng sẽ từ bỏ hoàn toàn mộng kinh doanh. Nhưng điều bất ngờ là ý tưởng mở một ngôi chợ bán lẻ cho bà con buôn bán chưa bao giờ nguội tắt trong anh. Một năm rưỡi trước, nhờ mối quan hệ của mình với một doanh nghiệp lớn của Nga, anh lập nên chợ Sông Hồng Mới.

Có Sông Hồng Mới là bởi trước đó đã từng có Sông Hồng 1, Sông Hồng 3 một thời lừng lẫy. Việc Sông Hồng Mới mở ra như là sự kế tiếp dư âm kinh doanh bán lẻ thịnh vượng hơn mười năm của người Việt trên khu vực phía bắc thành phố.

Mặc dù Sông Hồng Mới tọa lạc giữa một địa bàn đầy lợi thế: cách bến ga tàu 20m, ngay cửa là baza bến đỗ của bốn tuyến ô tô bus, khu nhà kinh doanh khang trang, mùa Hè có điều hòa nhiệt độ, mùa Đông có lò sưởi, hệ thống cửa kính hoàn toàn, an ninh rất tốt, nhưng vận đen vẫn chưa buông tha Phạm Văn Phóng. Đó là hồi anh ký kết, giá đô la chỉ mới là 22 rúp, sau đó tăng vọt lên 25, 27, 30 và 37 vào mùa Hè. Anh phải oằn lưng ra để gánh những khoản thanh toán vọt lên tới 40%. Suốt một năm rưỡi chống chèo, anh chưa hề có lấy một xu lãi. Cho đến mùa Thu này, khi giá đô la chững lại chừng 30 rúp, anh cho biết đã bắt đầu có chút đồng ra, đồng vào.

… đến Trung tâm Thương mại Đồng Xuân



Quảng cáo về TTTM Đồng Xuân
trên báo cộng đồng

Tưởng chừng anh “oải”, đầu hàng, bỏ cuộc, nhưng không ngờ giữa tháng 10 này, anh bắt tay vào xây dựng Trung tâm Thương mại Đồng Xuân, một khu thương xá có thể nói là tuyệt đẹp và đắc địa. Anh cho biết khả năng, sức lực, vốn liếng thì có hạn, nhưng bỏ đi thì tiếc.
Quả thật, nếu không chấp nhận khó khăn để vào cuộc mới, thì bỏ qua một cơ hội không dễ gì có được không chỉ đối với bản thân anh mà còn đối với cộng đồng.

TTTM Đồng Xuân là một khu nhà ba tầng hiện đại rộng tới 3500m2, nằm sát hai bến tàu ra thành phố và là bến đỗ của hàng loạt chuyến ô tô buýt ra các bến metro. Bao quanh khu nhà là hàng dãy cửa hàng thực phẩm và hàng tiêu dùng đang hoạt động. Đặc biệt, hàng tuần vào ngày Thứ Bảy và Chủ Nhật chợ Giời đồ cũ được phép họp dọc khu phố, kéo dài gần hai km, gồm hàng ngàn người từ các nơi đến bán đủ các loại hàng từ thời Xô Viết. Như vậy, Đồng Xuân mở ra không cần lấy một dòng quảng cáo mà đã có một lượng khách hàng lai vãng đông đúc, thường xuyên. Lý tưởng hơn nữa, tầng ba khu nhà bao gồm hơn 60 phòng ở tiêu chuẩn, tạo thành một ký túc xá mới cho người Việt.

Và ước vọng của một doanh nhân


 Anh Phạm Văn Phóng

Anh Phóng cho hay, không dốc sức vào mở chợ Đồng Xuân, tiếc chỉ là một lý do. Theo anh, điều quan trọng nhất là anh muốn có một chút gắng gỏi, dành cho cộng đồng. Anh muốn thành tâm thể hiện một đóng góp thật có ý nghĩa để thể hiện một ước vọng của bản thân mình sau bao năm “công không thành, danh không toại”, là tạo ra một chỗ làm ăn, một chỗ ở ổn định cho một phần những người Việt buôn bán lẻ, những người đang gặp khó khăn sau cơn địa chấn khủng hoảng chợ Vòm.

Anh đặt tên Trung tâm Thương mại mới tên là Đồng Xuân, một chợ lớn nhất, có bề dày kinh doanh nhất tại Hà Nội là để hướng về Thủ đô và mong ước Đồng Xuân Matxcơva cũng sẽ trở thành một chợ văn minh, thịnh vượng của người Việt. Dân Nga ở phía Bắc Thủ đô gần hai chục năm nay đã quen với sự có mặt của người Việt, đã quen với hàng hóa vừa túi tiền bán tại các chợ Việt Nam. Đồng Xuân không bao lâu nữa cũng sẽ trở thành một cái tên quen thuộc của người Nga. Và ốp ở Đồng Xuân sẽ trở thành một Chi Hội của Hội người Việt Nam tại Liên bang Nga.

Anh Phạm Văn Phóng thành thật tâm sự, những người như anh Trịnh Viết Ngọ, Nguyễn Văn Niên, Võ Văn Hồng… là những chủ chợ đã đắp nền, xây móng cho phương thức kinh doanh của người Việt từ những năm thập kỷ 90. Còn anh chỉ là một doanh nghiệp khiêm tốn, không có tầm vóc bằng những người đi trước, nhưng không vì thế mà anh không mạnh dạn đóng góp sức mình cho cộng đồng khi “cờ đã đến tay”. Tin rằng ước vọng đó sẽ trong tầm tay của anh.


Nguyễn Quỳnh Anh (Matxcơva-LB Nga)


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu