A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hãy ủng hộ nạn nhân chất độc da cam/ dioxin Việt Nam

Đó là thông điệp của tiến sĩ Nguyễn Đắc Như Mai, Việt kiều Pháp - người gắn bó và luôn sát cánh ủng hộ hành trình đi tìm công lý của các nạn nhân chất độc da cam/ dioxin Việt Nam, tới bạn bè quốc tế.



Tiến sĩ Nguyễn Đắc Như Mai (đầu tiên bên phải)
trong lần tham dự Hội nghị quốc tế tại Ấn Độ

Tôi gặp bà sau khi Đại hội Luật gia thế giới được tổ chức tại Hà Nội vừa kết thúc, cái ấn tượng khó thể quên ở người phụ nữ nhỏ nhắn này là tấm lòng nhiệt tình luôn đấu tranh cho các nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/ dioxin Việt Nam mọi lúc, mọi nơi trên các diễn đàn, hội nghị quốc tế mà bà tham dự.

Lên tiếng kêu gọi ủng hộ các nạn nhân trên các diễn đàn, hội nghị quốc tế

Từ nhiều năm nay, tiến sĩ Nguyễn Đắc Như Mai luôn tích cực phổ biến thông tin về các nạn nhân chất độc da cam /dioxin tới bạn bè quốc tế bằng rất nhiều cách như tổ chức chiếu phim, viết báo, tham luận, xin chữ ký ủng hộ tại các hội nghị… Đặc biệt, bà thường xuyên là diễn giả chính trong nhiều Hội nghị quốc tế lớn về tội ác huỷ diệt môi trường.

Năm 2000, khi các nạn nhân Việt Nam chưa bắt đầu vụ kiện các công ty hoá chất của Mỹ, tiến sĩ Mai đã lên tiếng đánh động giới nghiên cứu khoa học về hậu quả của chất độc da cam tại Hội nghị quốc tế Montreal (Canada). Trước đó, năm 1999, bà cũng đưa vấn đề này ra Hội nghị quốc tế tổ chức tại Cap Town (Nam Phi), và khi gặp gỡ Tổng thống Nelson Mandela, bà trực tiếp trao đổi với nhà lãnh đạo huyền thoại về thảm hoạ này.

Tiến sĩ Nguyễn Đắc Như Mai, tốt nghiệp ngành Ngoại giao Chính trị Đại học Cambridge (Anh), tiến sĩ Kinh tế nông thôn Pháp cấp Nhà nước, chuyên gia Trung tâm Nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp (đã nghỉ hưu) và thông thạo nhiều ngoại ngữ. Tiến sĩ Mai từng nhiều năm tham gia trong Ban chấp hành Hội người Việt Nam tại Pháp và bà cũng là hội viên danh dự Hội nạn nhân chất độc da cam / dioxin Việt Nam (VAVA) ở ngoài nước, Thường trực VAVA tại Pháp, Chủ tịch Hội khuyến khích Phụ nữ làm khoa học.

Ngay sau Hội Nghị Montreal, một đoàn nghiên cứu của Canada đã sang Việt Nam xem xét tình hình. Phía Canada cũng đã đề xuất một chương trình giúp đỡ tỉnh Khánh Hoà, nhưng do một số trục trặc, dự án đã không được triển khai mà chuyển sang Campuchia. Sau đó, bà tiếp tục làm việc với Khánh Hoà và với giáo sư Nguyễn Thị Thế Trâm –nguyên Chủ tịch Viện Paster Nha Trang, để giúp đỡ trẻ em tại đây.

Trong những lần tham dự Hội nghị Phụ nữ thế giới thứ 3 làm khoa học, hành trang theo tiến sĩ Mai là thông điệp của các nạn nhân chất độc da cam/ dioxin Việt Nam gửi tới cộng đồng quốc tế. Tháng 1/2009 vừa qua, trong dịp tham dự Hội nghị này tổ chức ở Bangalore (Ấn Độ), bà đã chắp nối liên lạc giữa Hội nạn nhân chất độc da cam/ dioxin Việt Nam và tổ chức bảo vệ nạn nhân ảnh hưởng bởi chất độc hoá học của thảm hoạ Bhopal ở Ấn Độ.

Trung tuần tháng 5 năm nay, bà trực tiếp tham gia vào Hội luật gia dân chủ thế giới tổ chức Toà án lương tri quốc tế tại Paris để ủng hộ nạn nhân da cam/ dioxin Việt Nam và giúp đỡ phái đoàn từ Việt Nam sang tham dự. Không giấu nổi sự vui mừng, phấn khởi, tiến sĩ Mai kể về kết quả thắng lợi của phiên toà, tuy mức độ chỉ là tinh thần nhưng bà cho rằng thông qua đó bạn bè quốc tế đã có sự sẻ chia, ủng hộ đối với Việt Nam.

Tiếp đó, trong Đại hội Luật gia thế giới lần thứ XVII tổ chức tại Hà Nội (6/2009), tiến sĩ Mai cũng có bài phát biểu nhằm kêu gọi sự đồng tình, ủng hộ của các luật gia trên thế giới đối với vấn đề bà đã theo đuổi và đấu tranh trong suốt nhiều năm qua.

Tiến sĩ Mai cho biết, bà quan tâm đến loại chất độc gây chết người này từ năm 1967 - ngay sau khi bà tốt nghiệp đại học và là người phụ trách chuẩn bị tài liệu cho giáo sư Bertrand Rusell tham dự Toà án công luận về tội ác chiến tranh ở Việt Nam (trong đó đã lên án việc Mỹ sử dụng chất độc hoá học trong chiến tranh ở Việt Nam nhưng chưa xác định tên của nó như bây giờ). Bà tâm sự, lúc đó xuất phát điểm tất cả cũng vì quê hương, đất nước, khao khát đất nước sớm chấm dứt chiến tranh, nước nhà được độc lập. Nhưng giờ đây khi đất nước đã thống nhất, chiến tranh đã qua đi nhiều năm nhưng di chứng của nó vẫn còn để lại như nỗi đau da cam, điều đó khiến bà sẽ tiếp tục lên tiếng ủng hộ các nạn nhân nhiều hơn nữa.

Gần gũi và chia sẻ với nỗi đau của các nạn nhân

Bên cạnh việc tích cực lên tiếng bảo vệ các nạn nhân da cam tại các diễn đàn quốc tế, tiến sĩ Mai cùng chồng và các tổ chức hội đoàn tại Pháp còn có những hoạt động thiết thực ở nhiều địa phương Việt Nam (Hà Nội, Tp Hồ Chí Minh, Khánh Hoà, Phú Yên…) như: trợ cấp nuôi dưỡng trẻ em khuyết tật do ảnh hưởng của chất độc da cam, trợ giúp học bổng cho các em có khả năng học tập, tạo điều kiện cho các em hoà nhập với cộng đồng, tổ chức tập huấn phục hồi chức năng cho cha mẹ các em bị khuyết tật để họ có thể tự chăm sóc con em mình, hỗ trợ xây dựng Trạm Y tế…

Nhân dịp về công tác và thăm quê hương lần này, bà cùng chồng lại đến với các em nhỏ không may bị nhiễm chất độc da cam tỉnh Thái Bình. Thay mặt các tổ chức hội đoàn tại Pháp, vợ chồng tiến sĩ Mai đã trao tặng 2 chiếc máy tiện cho Trung tâm dạy nghề tạo việc làm của Hội nạn nhân chất độc da cam/ dioxin tỉnh. Trước đó, vợ chồng tiến sĩ cũng đã đến thăm và giúp đỡ các em bị nhiễm chất độc da cam tại các tỉnh Tuyên Quang, Khánh Hoà, Ninh Thuận.

Mỗi khi về thăm quê hương, chứng kiến nỗi đau của các nạn nhân chất độc da cam/dioxin và thân nhân của họ đang phải gánh chịu, sự đau xót, thương cảm lại trào dâng trong lòng tiến sĩ Mai, điều đó đã thôi thúc bà cùng chồng tiếp tục chung đường với họ cho tới khi nào sự công bằng được trả lại cho những con người đó. Tiến sĩ Mai tâm sự, bà sẽ tiếp tục theo đuổi những hoạt động trợ giúp này và về Pháp sẽ vận động thêm nhiều tổ chức hội đoàn ủng hộ các nạn nhân da cam Việt Nam cả về vật chất lẫn tinh thần.

Cảnh Tiêu


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu