A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hành trình mới của Djamila

Gần 18 năm sau khi mẹ qua đời, người phụ nữ lai Việt - Algeria mới có dịp trở về thăm quê ngoại và trải nghiệm Việt Nam bằng cảm xúc thực của mình.


Ở tuổi 39, Djamila đã sẵn sàng thực hiện hành trình mới của cuộc đời: khám phá nguồn cội  

 

“Djamila nghĩa là Xinh” - cô gái đội khăn choàng trùm đầu cười thật tươi khi giải thích bằng thứ tiếng Việt chưa sõi. Cô khá nổi bật với phục trang lạ và khuôn mặt xinh xắn, phúc hậu tại Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ nhất vừa tổ chức tại Hà Nội.

Dù chưa một ngày biết tới chiến tranh, chính chiến tranh lại là nguồn gốc cho sự có mặt của cô và 10 anh chị em khác trên đời. Cha cô, một người lính lê dương của quân đội Pháp trong chiến tranh Đông Dương, tới Việt Nam năm 1950. Chỉ ít lâu sau, nhận ra bản chất xâm lược của Pháp, ông rời bỏ hàng ngũ và tiếp tục chiến đấu ở bên kia chiến tuyến.

Ông trở thành một người lính của quân đội nhân dân Việt Nam. Đây chính là cơ duyên giúp ông gặp được cô y tá Việt Nam mà ông đã gắn bó suốt đời cho tới khi bà mất năm 1992. Hai người sinh được ba người con ở Việt Nam trước khi về Algeria năm 1964. Trở về quê hương, ông tiếp tục chiến đấu để giải phóng Algeria khỏi thực dân Pháp.

Suốt những năm tháng thơ ấu và trưởng thành, Djamila được mẹ truyền cho cảm thụ về một đất nước hình chữ S xa xôi, nơi bà luôn ấp ủ hình ảnh quê hương qua bộ áo dài và tấm ảnh cha mẹ mà bà mang theo khi rời Việt Nam. Những câu chuyện về quê lụa Hà Đông, con người và tinh thần Việt Nam đã theo Djamila suốt những năm tháng của cuộc đời, đến nỗi hình thành ước mơ ngày một mãnh liệt: “Phải thăm Việt Nam”.

Bà mẹ cũng đã giúp tất cả 11 người con của mình học sử dụng tiếng Việt, tuy không thành thạo lắm nhưng cũng đủ để họ không quên một nửa nguồn cội của mình. Bản thân Djamila được mẹ dạy cho cách làm nem và sử dụng nước mắm trong nấu ăn. Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài là cơ hội tuyệt vời, đưa Djamila không chỉ trở lại quê mẹ, mà còn gặp gỡ và làm quen với hàng trăm người con Việt kiều khác trên khắp thế giới.

Giờ đây, Djamila đã là một phụ nữ trưởng thành, làm việc cho Tập đoàn dầu khí Bir Seba (công ty điều hành khai thác dầu khí chung giữa Tổng công ty Thăm dò khai thác dầu khí Việt Nam - PVEP cùng các đối tác PTTEP Algeria Ltd. và Công ty dầu khí quốc gia Algeria Sonatrach).

Cô bày tỏ hi vọng trong tương lai, Hiệp hội Văn hóa Việt Nam - Algeria được thành lập để giúp những người con xa quê như cô hiểu thêm về Việt Nam, văn hóa Việt Nam và học tiếng Việt. Cô tin đó cũng là cách để kết nối hơn 100 gia đình có bố Algeria, mẹ Việt Nam hiện đang sinh sống rải rác khắp Algeria. Về phần mình, cô nói: “Tôi sẽ về Việt Nam nhiều hơn để xem sức mình làm được gì cho Việt Nam”.

Theo Hương Giang / Tuổi Trẻ


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu