A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nhọc nhằn chuyện hội nhập ở Đức

Có lẽ tôi muốn bắt đầu câu chuyện “nhọc nhằn” của mình bằng một tin vui đang làm nức lòng người Việt ở Đức, đó là chuyện một chính trị gia trẻ gốc Việt được cử làm Bộ trưởng Y tế trong Chính phủ Đức nhiệm kỳ 2009- 2013. Ngày 28/10/2009 Philipp Roesler đã tuyên thệ nhậm chức tại phiên họp đầu tiên của Quốc hội Cộng hòa Liên bang Đức khóa 17.



Philipp Roesler 

Đây có lẽ là giờ khắc đáng nhớ không chỉ riêng đối với Philipp Roesler mà còn đối với cả cộng đồng chúng ta ở Đức và có lẽ ở khắp nơi trên thế giới. Điều này làm người ta tin rằng không có gì là viễn tưởng nếu như một ngày nào đó trong tương lai có một tổng thống, thủ tướng nước ngoài  là người mang trong mình dòng máu Việt, như đã từng có Tổng thống Peru là người gốc Nhật, hay Tổng thống Mỹ đương nhiệm Obama có nguồn gốc châu Phi (Kenia), Tổng thống Pháp Sarkozy có cội rễ từ Hungari v.v... Mấy ngày qua đến cả đài BBC tiếng Việt cũng giật tít “Người Việt làm Bộ trưởng nước Đức”. Các báo mạng của Việt Nam là những người đưa tin sớm nhất về việc này. Đến cả những “người tỵ nạn Việt Nam” ở Đức cũng “vơ vào” cho đó là niềm tự hào của riêng “người tỵ nạn” mà lờ đi sự thật là Philipp Roesler rời đất nước khi mới chín tháng tuổi, nào có biết “tỵ nạn” hay chiến tranh là gì. Nói như vậy để thấy rằng đây đúng là một “hiện tượng” trong đời sống cộng đồng ở hải ngoại.

Mà không phải chỉ là hiện tượng đối với cộng đồng chúng ta. Philipp Roesler hiện đang là đề tài hot của báo chí và dư luận Đức. Hãy cùng xem báo chí và dư luận Đức nhìn nhận và đánh giá hiện tượng này như thế nào.



Philipp Roesler và vợ 

Trang ftd.de giật tít ngày 26/10 “Philipp Roesler, một siêu tài năng”;  trang Bild.de ngày 25/10 “Từ đứa trẻ mồ côi trở thành Bộ trưởng Y tế”; trang Handelsbatt.com ngày 25/10 “Ngôi sao mới trong Chính phủ Liên bang”; tờ die Welt.de ngày 25/10 “Philipp Roesler, sự nghiệp thẳng đứng của FDP”; trang Aerztezeitung.de ngày 23/10 “Bộ trưởng y tế Philipp Roesler – bản thân đã là một chương trình nghị sự”; Stern.de ngày 24/10 "FDP- người trẻ nhất trong trận chiến gần”; Express.de “Bộ trưởng gây ngạc nhiên nhất trong Chính phủ Merkel: Philipp Roesler, một người Việt“; trang suedeutsche.de ngày 24/10 “Chân dung Philipp Roesler – không sợ hãi trước những đề tài nhậy cảm”. Tờ taz.de thì ngay từ 22/1/2008 đã giật tít “Philipp Roesler – vũ khí bí mật” của FDP và là niềm hy vọng lớn nhất của đảng này. Ngay tờ báo lớn nhất của Đức là tờ Thời báo Frankfurt (FAZ) ra ngày 25/10 khi đăng tin về dự kiến nội các mới của Thủ tướng Merkel cũng đưa ảnh lớn của Philipp Roesler cùng ngôi sao đang tỏa sáng của đảng CSU zu Guttenberg (nguyên Bộ trưởng Kinh tế) và gọi hai người này là những ngôi sao đang lên trên chính trường Đức.

Vì sao một người gốc Việt lại có sự nghiệp mà báo chí Đức gọi là “thẳng đứng” và đáng kinh ngạc như vậy? Có lẽ cũng lý thú nếu tìm hiểu kỹ hơn về nhân vật này.

Trước hết phải khẳng định Philipp Roesler là người Việt 100% vì sinh ra ở Việt Nam trong chiến tranh loạn lạc. Bản thân anh cũng nói anh không hề biết bố mẹ ruột của mình là ai và cũng không hề có tên khi ở trại trẻ mồ côi Khánh Hòa năm 1973 (anh nói cha mẹ mình chắc lúc đó có nhiều mối quan tâm hơn là tìm một cái tên hay). Khi được cặp vợ chồng người Đức – ông bà Roesler – nhận làm con nuôi và mang sang Đức thì Philipp mới chín tháng tuổi. Anh được gia đình này nuôi dưỡng theo đúng tinh thần của người công giáo bắc Đức và điều may mắn với anh là anh nhận được tình yêu thương và sự chăm sóc chu đáo của bố mẹ Đức và khi bố mẹ nuôi chia tay năm anh lên 4 tuổi thì anh được cha nuôi – một sĩ quan quân đội Đức nuôi dưỡng và giáo dục. “Papa” là người mà anh luôn tôn thờ và luôn nhắc đến với lòng biết ơn vì ông đã hy sinh cả con đường sự nghiệp của mình để nuôi dưỡng và dậy dỗ anh. Sau này anh có nói ông đã ảnh hưởng lớn đến con đường hình thành nhân cách và sự nghiệp của anh. Về cá nhân, anh nói mình là người Đức và luôn cảm thấy như vậy. Được đánh giá là người có quan điểm độc lập, có tài hùng biện, dám tranh luận cả những đề tài khó khăn nhất; trong tranh luận anh luôn bảo vệ quan điểm của mình bằng lý luận và thái độ mềm mỏng, lịch sự. Chính điều này làm cho anh khác với các chính khách khác. Ngay từ học phổ thông anh đã được đánh giá là có năng khiếu đặc biệt, nhất là về toán và lý (như đa số học sinh Việt Nam khác). Điều mà mọi người đánh giá cao ở anh là sự cần cù trong học tập và công việc cũng như thái độ niềm nở, lịch sự trong tiếp xúc. Trong đảng Dân chủ tự do (FDP) anh là người được đánh giá là niềm hy vọng của đảng này, là người được yêu mến hơn cả Chủ tịch nay giữ chức Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Westerwelle.



Chủ tịch đảng FDP bang Niedersachsen Philipp Roesler
thăm trường Đại học Osnabrueck năm 2007

Câu chuyện của Philipp Roesler được dư luận báo chí Đức đánh giá là cổ tích hơn cả “chuyện cổ tích” và  có đủ yếu tố hấp dẫn cũng như giật gân có thể dựng thành “story” cho một bộ phim ăn khách. Cách đây một năm - khi ông zu Guttenberg, một chính trị gia bang Bayern xuất thân dòng dõi quý tộc được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Kinh tế Đức khi mới 37 tuổi (nay giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng), báo chí Đức đã xôn xao vì tìm thấy một ngôi sao mới, trẻ trung, năng động trong một nền chính trị già cỗi, bảo thủ. Chính sự trẻ trung của zu Guttenberg với một “lý lịch trích ngang” hoàn hảo như vậy đã mang luồng gió mới vào xã hội Đức. Từ cuối tuần qua, Philipp Roesler chính thức thay thế zu Guttenberg và nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận cũng như báo giới Đức vì anh có đầy đủ yếu tố để họ quan tâm như: là thành viên trẻ nhất trong Chính phủ Liên bang (trẻ hơn zu Guttenberg 1 tuổi), bộ trưởng gốc nước ngoài đầu tiên, quá trình đến với nước Đức của anh cũng đặc biệt (từ con số không: không cha mẹ, không họ tên, không biết tương lai trở thành Bộ trưởng Y tế của hơn 80 triệu dân Đức).

Mặc dầu vậy thì hiện giờ người ta chỉ nhìn thấy hào quang quanh con người Philipp Roesler mà không thấy những tâm sự, những nhọc nhằn của một đứa trẻ mồ côi châu Á sống giữa một nước Đức đang trong giai đoạn phát triển kinh tế được coi là “thần kỳ kinh tế Đức” nhưng lại bị chia rẽ bởi chiến tranh lạnh và cuộc đấu tranh xuống đường của thế hệ 68 chống chiến tranh ở Việt Nam. Chính Philipp Roesler đã kể lại là ngay từ rất sớm anh đã nhận thấy  sự khác biệt của mình với các bạn Đức vì mình có tóc đen và “đôi mắt châu Á”. Chính cha nuôi đã nói với anh “Chúng ta hãy cùng nhìn vào gương” để thấy những khác biệt về vẻ bề ngoài. Lúc bé có lúc anh tự hỏi hay mình giống một chàng hoàng tử đang mang hình hài của người khác như trong chuyện cổ tích. Khi cha nuôi mang anh vào doanh trại sống cùng ông, anh luôn cảm thấy mình xa lạ vì ba điều: là trẻ con trong môi trường toàn người lớn, là đứa trẻ Việt Nam duy nhất ở nơi toàn người Đức và là dân sự duy nhất ở nơi toàn quân nhân. Mặc dù anh lớn lên ở Đức, nói thứ tiếng Đức chuẩn mực nhất, nhưng ai cũng hỏi anh từ đâu đến và là người nước nào. Bọn trẻ cùng học thì cho rằng anh biết võ karate vì trong mắt chúng người châu Á nào cũng giỏi võ. Ông U. Roesler cha nuôi của anh cho biết, anh đã phải chịu biết bao sức ép vì có nguồn gốc và hình hài châu Á. Các nghị sĩ CDU trong Nghị viện bang Niedersachsen mấy năm trước còn gọi anh một cách nhạo báng là “người Tầu“ khi anh mới được bầu làm Chủ tịch nhóm nghị sĩ FDP tại Nghị viện bang. Ngay hồi đầu năm nay thôi anh còn bị nhầm là người bồi bàn trong một buổi tiếp tân ở Hanover. Nhưng tất cả những điều đó lại càng thúc giục anh vươn lên với ý chí phi thường, luôn dẫn đầu trong trường học, luôn vươn lên trên con đường sự nghiệp và luôn là người trẻ nhất đối với tất cả các vị trí lãnh đạo. Ngay cả khi đã giữ chức Bộ trưởng ở Hannover, trong phòng làm việc của anh cũng có một chiếc bục để anh luyện nói trước đám đông. Tuy được dư luận chính giới và báo chí ca ngợi hết lời nhưng trong dư luận nhân dân Đức vẫn không phải không có những lời ghen ghét hay xúc phạm. Một số entries trong các trang mạng cho thấy vấn đề này. Bạn đọc Kaktee (Stern.de ngày 24/10) cho rằng, thật là điều xỉ nhục khi giao một bộ quan trọng như thế cho một người còn trẻ và hãnh tiến như vậy; hay một người nặc danh với nickname là unueberhaupt (Stern.de ngày 24/10) viết: “Việt Nam đang rất cần bác sĩ. Nhu cầu là rất lớn, nhất là đối với thiểu số người Thiên Chúa giáo. Sự khởi đầu mới ở đất nước tuyệt vời này là một thách thức đối với bác sĩ trẻ như Philipp Roesler. Với tháng lương Bộ trưởng cuối cùng ở Hannover anh ta có thể mua vé một chiều mà về Hà Nội”. Rất may là những lời bình luận thiếu thiện chí như thế này không nhiều và ngay sau đó bị chính những người khác cho là đáng xấu hổ và phân biệt chủng tộc (bob-der-meister trong Stern.de ngày 24/10). Nói như vậy để thấy rằng chuyện hội nhập ở Đức hoàn toàn không hề đơn giản và để vươn lên như Philipp Roesler được xã hội Đức thừa nhận là cả một việc nhọc nhằn, gian khó.



Bộ trưởng Y tế, TS Philipp Roesler (trái) và
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao G. Westerwelle (phải)
 

Trở lại câu chuyện hội nhập thành công của thế hệ thứ hai người Việt ở Đức mà báo chí Đức đầu năm hết lời ca ngợi, báo die Zeit ngày 22/1/2009 gọi đó là “điều kỳ diệu Việt Nam” khi mà tỷ lệ học sinh Việt Nam ở các bang đông Đức vào Gymnasium đạt hơn 50%, cao hơn cả học sinh Đức và gấp 5 lần học sinh gốc Italia hay Thổ Nhĩ Kỳ. Ở các trường này, học sinh Việt Nam luôn dẫn đầu và được đánh giá là chăm chỉ, kỷ luật và có ý thức vươn lên. Trong bài trả lời báo Lettre International mới đây, ông Thilo Sarrazin, nguyên Bộ trưởng Tài chính bang Berlin và nay trong Ban lãnh đạo Ngân hàng Liên bang của Đức đã có những nhận xét khá nặng nề về vấn đề hội nhập của người nước ngoài ở Đức nói chung và ở Berlin nói riêng. Ông cho rằng, không thể chấp nhận những người hoàn toàn không có ý định muốn hội nhập ở Đức, không có việc làm hiệu quả mà chỉ bán rau quả, trái cây, trong khi đó hàng năm cho ra đời hàng loạt những “bé gái trùm khăn” mới (ám chỉ những người đạo Hồi trùm đầu). Ông cho rằng người Thổ Nhĩ Kỳ và người Ả rập hoàn toàn không hội nhập hoặc không có ý định hội nhập. Nhưng ông cũng nói, đối với người Việt thì lại khác: bố mẹ có thể chỉ là người bán thuốc lá hay bán hàng ăn, nói thứ tiếng Đức đường phố nhưng con cái họ lại học giỏi và hội nhập tốt nhất trong cộng đồng nhập cư. Phát biểu này làm dấy lên dư luận phản ứng dữ dội trong cộng đồng người Ả rập và Hồi giáo, bị chính giới và báo chí phê phán và Ngân hàng Liên bang đã phải “kỷ luật” ông. Tuy nhiên dư luận thì lại cho rằng những phát biểu của ông này không phải không có lý, nhưng nó khơi lại vấn đề quá nhậy cảm ở Đức nên bị phản ứng là đúng. Thực tế ở Đức, nhất là ở Berlin là gì? Thực tế là có những trường như trường Hans- Bredow ở Berlin-Wedding có tới 90% học sinh có nguồn gốc nhập cư mà chủ yếu người Thổ Nhĩ Kỳ và Ả rập. Mặc dù sinh ra ở Đức nhưng những học sinh này lại nói thứ tiếng Đức bập bẹ và trong ba học sinh Thổ Nhĩ Kỳ thì một học sinh bỏ học giữa chừng không tốt nghiệp và đương nhiên không thể tìm được việc làm. Trên trang Gesamtrecht.net ngày 20/10 nhiều người cho rằng ông Sarrazin có lý khi thực tế giữa người Thổ Nhĩ Kỳ, người Ả rập và người Việt Nam khác hẳn nhau. Tỷ lệ học sinh Việt Nam đạt kết quả tốt trong học tập và hội nhập thành công vì người Việt vốn chăm chỉ và có ý chí vươn lên; gia đình và bố mẹ lại đặc biệt quan tâm đến việc học hành của con cái. Đối với những người Thổ Nhĩ Kỳ và Ả rập thì không phải như vậy. Như vậy không phải xuất phát điểm thấp của bố mẹ (thế hệ trước) là nguyên nhân của sự hội nhập kém của thế hệ tiếp theo, như lâu nay nhiều người vẫn nghĩ. Người Việt có điểm xuất phát giống như người Thổ Nhĩ Kỳ trong những năm 60 và 70 của thế kỷ trước khi mới sang Tây Đức làm việc. Thế hệ con cái họ hiện nay dù sinh ra và lớn lên ở Đức nhưng lại không hề hội nhập hoặc hội nhập rất kém vào xã hội Đức (đương nhiên cũng có ngoại lệ, như đồng Chủ tịch Đảng Xanh Liên bang hiện nay là người gốc Thổ hay một số nghị sĩ Quốc hội Liên bang mới được bầu xuất thân từ những gia đình nhập cư). Nhưng cũng trên trang web này ta có thể thấy nhiều  bình luận không hề có thiện chí. Những người bị coi là hội nhập kém (như người Thổ Nhĩ Kỳ, người Ả rập) bị phê phán đã đành. Những người hội nhập thành công như người Việt cũng là nạn nhân của thái độ quá khích đối với người nước ngoài. Hay nói khác đi là sự đố kỵ của chính những người Đức không thành công trong cuộc sống. Bạn đọc Friedrich Wilhelm viết ngày 20/10 “tôi chẳng cần Vietcong lẫn người hồi giáo ở Tổ quốc của tôi; dù thông minh hay ngốc nghếch thì họ vẫn chỉ là ngoại kiều mà không có người lao động Đức nào mời họ đến cả”. Prausbitzer thì viết “Việt Nam là một đất nước thân thiện. Người Việt Nam là những người cởi mở. Nhưng sự thiện cảm này có cần thiết phải thay thế quá trình Thổ hóa nước Đức bằng Việt Nam hóa hay không?” Tệ hại hơn nữa, độc giả Arminius viết ngày 21/10: “Ở nước Đức chúng ta không cần nhập cư thêm những chủng tộc khác nữa. Việc nhập cư từ những nước châu Âu láng giềng là đủ để hội nhập và sau đó là đồng hóa”.

Nước Đức không phải là một nước nhập cư – các chính phủ Đức từ trước đến nay đều nhắc đi nhắc lại quan điểm này. Chính phủ mới của Thủ tướng Merkel chắc cũng vẫn tiếp bước con đường đó. Dù trong Chính phủ mới có Bộ trưởng gốc Việt đầu tiên và dù dư luận có hân hoan chào đón sự khởi đầu có tính “đột phá” này hay như chính Philipp Roesler trả lời báo Bild am Sonntag ngày 25/10: “Việc tôi trở thành Bộ trưởng cho thấy chúng ta là một đất nước tự do, cởi mở với thế giới và nhân ái”, thì quá trình hội nhập của người nước ngoài ở đây vẫn còn không ít trở ngại. Cũng trong tuần này Tòa án thành phố Dresden mở phiên tòa xét xử Alex W. vì tội đã đâm chết một phụ nữ Ai Cập mang thai 3 tháng ngay tại phiên tòa xét xử y vì tội lăng mạ và xúc phạm người phụ nữ này (chửi là Hồi giáo và khủng bố). Dư luận Ai Cập và các nước Ả rập khác đặc biệt quan tâm đến vụ án này vì nó cho thấy một bộ phận dân Đức còn  khá nặng nề vấn đề chủng tộc.

Kết thúc bài này tôi muốn viện dẫn câu nói của Đại thi hào người Đức Wolfgang von GoetheLoester Online trích đăng “Một đất nước không bảo vệ được người nước ngoài thì đất nước đó sớm muộn cũng lụi tàn”.

Hoàng Hữu Đức (từ Frankfurt am Main, Đức)


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu